Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

10 DÒNG SÔNG NỔI TIẾNG CỦA VIỆT NAM

Việt Nam có tới 2.360 con sông, kênh lớn nhỏ với tổng chiều dài khoảng 41.900 cây số. Theo thống kê có 112 con sông đổ ra biển. Xin giới thiệu 10 dòng sông có cảnh quan đẹp và có nhiều dấu ấn trong lịch sử Việt Nam.
1. Sông Hồng
Sông Hồng có tổng chiều dài là 1,149 km bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua Việt Nam và đổ ra biển Đông. Đoạn chảy trên đất Việt Nam dài 510 km. Đây là dòng sông quan trọng của nền văn minh lúa nước Việt.



Dòng chính (chủ lưu) của sông Hồng bắt nguồn từ vùng núi thuộc huyện Nguy Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ở độ cao 1.776 m. Chi lưu phía đông bắt nguồn từ vùng núi huyện Tường Vân. Chủ yếu nó chảy theo hướng Tây bắc - Đông nam, qua huyện tự trị Nguyên Giang của người Thái, Di, Cáp Nê. Đến biên giới Việt - Trung, sông Hồng chạy dọc theo biên giới khoảng 80 km; đoạn thì sang bên lãnh thổ Việt Nam, đoạn thì sang bên lãnh thổ Trung Quốc. Điểm tiếp xúc đầu tiên của sông Hồng với lãnh thổ Việt Nam tại xã A Mú Sung (huyện Bát Sát), chính giữa sông là điểm phân chia lãnh thổ hai nước. Đến thành phố Lào Cai, sông Hồng chảy hẳn vào lãnh thổ Việt qua phía Đông thủ đô Hà Nội trước khi đổ ra biển Đông ở cửa Ba Lạt (ranh giới giữa hai tỉnh Thái Bình và Nam Định).

2. Sông Đà
Sông Đà, còn gọi là sông Bờ hay Đà Giang là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng. Sông bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc chảy theo hướng tây bắc - đông nam để rồi nhập với sông Hồng ở Phú Thọ. Sông Đà dài 910 km (có tài liệu ghi 983 km), diện tích lưu vực là 52.900 km². Ở Trung Quốc, sông có tên là Lý Tiên Giang, do hai nhánh Bả Biên Giang và A Mặc Giang hợp thành. Trong một số tiếng châu Âu, sông Đà được dịch là sông Đen (tiếng Anh: Black River; tiếng Pháp: rivière Noire).


3. Sông Gianh
Sông Gianh là một con sông chảy trên địa phận tỉnh Quảng Bình, bắt nguồn từ khu vực ven núi Cô Pi cao 2.017 mét thuộc dãy Trường Sơn, chảy qua địa phận các huyện Minh Hóa, Tuyên Hoá, Quảng Trạch, Bố Trạch để đổ ra biển Đông ở Cửa Gianh.
Dòng chảy ở thượng nguồn theo hình chữ V với hướng chủ đạo là Tây Nam - Đông Bắc. Từ điểm giáp ranh ba xã Thanh Thạch, Hương Hóa, Kim Hóa bắt đầu chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Tới ranh giới hai xã Kim Hóa và Lê Hóa, nó tiếp nhận thêm nguồn nước từ một chi lưu nhỏ phía hữu ngạn, chảy về từ phía Tây. Phía dưới thị trấn Ba Đồn khoảng 3 km, sông Gianh tiếp nhận thêm nước từ chi lưu phía hữu ngạn, chảy ra từ khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng.


4. Sông Hương
Huế đẹp chính là sông Hương. Gọi là sông Hương, vì từ xa xưa dòng sông này chảy qua những cánh rừng nhiều thảo mộc có hương thơm, nên khi vào thành phố Huế dòng sông mang theo hương thơm của cây cỏ tự nhiên. Sông Hương dài 80 km bắt nguồn từ dải Trường Sơn hùng vĩ, chạy quanh co uốn khúc qua núi, rừng trùng điệp mới đổ vào phá Tam Giang trước khi ra cửa biển Thuận An.


Sông Hương lững lờ trôi quanh thành phố Huế như một sự sắp đạt của tạo hóa để làm vui lòng du khách mỗi lần đến thăm Huế. Du thuyền sẽ đưa du khách dạo khắp kinh thành, vượt qua cầu Dã Viên, Phú Xuân, Tràng Tiền, đưa du khách đến thăm lăng Minh Mạng, điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ... hoặc xuôi về Thuận An tắm biển, thưởng thức món ăn đặc sản biển. Còn muốn suy ngẫm cuộc đời, mời bạn ngược dòng sông lên rừng thông làng Thiên Thọ (lăng Gia Long) để nghe vi vút thông reo... Rồi khi màn đêm buông xuống, dưới ánh trăng sao, mặt nước sông Hương như dát bạc óng ánh, xa xa đâu đó những giọng hò man mác cất lên trong tiếng mái chèo khua nhẹ nước. Huế ngọt ngào đến là vậy!

5. Sông Ba
Sông Ba là con sông dài chảy dọc theo sườn Đông Trường Sơn rồi xuôi dần về Nam, qua địa phận các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Phú Yên trước khi ra biển. Với cư dân trong vùng, dòng sông kỳ vĩ này không chỉ gắn liền với kinh tế mà còn là hoạt động văn hoá và tâm linh...


Sông Ba là một trong những hệ thống sông lớn nhất của tỉnh Phú Yên. Sông dài 374 km, phát nguyên từ dãy núi Ngọc Rô (cao 1.549 mét) trên cao nguyên Kon Tum, chảy qua các tỉnh Kon Tum, Gia Lai rồi vào địa phận Phú Yên. Sông có nhiều tên gọi khác nhau qua các địa bàn của tỉnh. Phần thượng lưu chảy qua địa bàn các huyện Sơn Hoà, Sông Hinh, Phú Hoà, Tây Hoà có tên là sông Ba hay Ea Ba, Krông Pa. Phần hạ lưu từ Đồng Cam đổ ra biển ở phía Nam thành phố Tuy Hoà có tên là sông Đà Rằng.

6. Sông Đồng Nai


Sông Đồng Nai là con sông lớn thứ hai ở phía Nam và lớn thứ ba của cả nước, trải dài từ Lâm Đồng, Campuchia đổ ra cửa biển Xoài Rạp và vịnh Gành Rái. Ngoài dòng Đồng Nai là con sông chính, nó còn có 2 phụ lưu lớn sông La Ngà và sông Bé. Hệ thống phụ lưu đầy đủ của nó gồm có Đa Hoai, La Ngà (ở tả ngạn), sông Bé (sông Bé trước đây là tên tỉnh Sông Bé gồm 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước hiện nay), sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ (ở hữu ngạn).

7. Sông Sài Gòn



Thành phố Hồ Chí Minh hơn 300 năm tuổi cũng được thiên nhiên ban tặng một dòng sông uốn lượn, vậy mà đến nay chúng ta chỉ mới tìm cách phát triển hai bờ. Trong khi chưa khai thác được dòng sông chảy ngang qua thành phố thì dưới tác động của sự thực dụng, cảnh quan sông Sài Gòn đang ngày càng mất đi vẻ đẹp trời cho, dòng sông bị ô nhiễm… 

8. Sông Hàn
Sông Hàn có tên chữ là Hàn giang, thời Pháp thuộc còn được gọi là sông Đà Nẵng. Sông Hàn bắt đầu ở ngã ba sông, nơi hợp lưu giữa sông Cẩm Lệ và sông Vĩnh Điện, tại phường Hòa Cường Nam thuộc quận Hải Châu, cũng là nơi giáp giới với hai quận Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn.

Sông chảy theo hướng Nam-Bắc, đi qua địa bàn các quận Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà rồi đổ ra vịnh Đà Nẵng với chiều dài khoảng 7,2km. Chiều rộng của sông khoảng 900 – 1.200m, độ sâu trung bình 4 - 5m là đầu mối giao thông thủy nối với các quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang và các huyện thuộc tỉnh Quảng Nam.

9. Sông Thu Bồn
Sông Hồng, dòng sông sinh ra kinh đô Thăng Long nghìn năm văn hiến, nay là thủ đô Hà Nội; sông Hương, dòng sông đã sinh ra cố đô Huế; sông Sài Gòn sinh ra thành phố cùng tên. Thu Bồn - một dòng sông tưởng chừng chìm đắm trong cõi vô danh, ấy vậy mà, trên dòng chảy của mình đã lần lượt sinh ra đến bốn địa chỉ lịch sử - văn hóa, trong đó, hai địa danh đã trở thành những giá trị tinh thần của nhân loại.


Sông Thu Bồn bắt nguồn từ vô số những con suối nhỏ róc rách chảy xuống từ ngọn núi Ngọc Linh (cao 2,598m) ở chỗ giáp giới hai tỉnh Quảng Nam – Kon Tum (thuộc huyện Duy Xuyên). Sông Thu Bồn như một dòng mạch tràn đầy sinh lực của mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng, len lỏi qua những vùng núi non hiểm trở mạn tây Quảng Nam rồi đổ xuống các cánh đồng phì nhiêu các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn và Thành phố Hội An, trước khi ra Cửa Đại.

10. Sông Lam
Sông Lam, (tên gọi khác ở Việt Nam là Ngàn Cả hay Sông Cả; ở Lào là Nam Khan), là một trong 2 con sông lớn nhất ở Bắc Trung Bộ Việt Nam. Sông bắt nguồn từ cao nguyên Xiengkhuang từ vùng núi Mường Khút, Mường Lập (Lào) cao 1.800 - 2.000 m, do hai nguồn Nậm Nọn và Nậm Mô hợp lại. 


Tổng cộng chiều dài của sông là khoảng 513 km, đoạn chảy trong nội địa Việt Nam khoảng 361 km. Phần chảy trên lãnh thổ Lào gọi là Nam Khan. Phần chính của dòng sông chảy qua Nghệ An, phần cuối của sông Lam hợp lưu với sông La từ Hà Tĩnh, tạo thành ranh giới của Nghệ An và Hà Tĩnh đổ ra biển tại cửa Hội. Cụ thể, trên lãnh thổ Việt Nam, nó chảy qua địa phận huyện Kì Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Nam Đàn, giữa các huyện Thanh Chương, Hưng Nguyên, thành phố Vinh, Nghi Lộc của tỉnh Nghệ An rồi vào và Đức Thọ, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh của tỉnh Hà Tĩnh trước khi đổ ra vịnh Bắc Bộ.

Hoàng Lạc

Không có nhận xét nào: