Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016

THẾ GIỚI QUAN PHẬT GIÁO qua bài kinh "Khởi Thế Nhân Bổn"

A. DẪN NHẬP:

1. Lý do chọn đề tài:
Từ khi bắt đầu xuất hiện trên trái đất, con người luôn luôn thắc mắc với những câu hỏi như: thế giới này từ đâu mà ra, vũ trụ này từ đâu mà có, con người từ đâu sinh ra, sẽ đi về đâu v.v... Từ xưa tới nay, các tôn giáo cũng như các triết gia đã đưa ra nhiều giải đáp khác nhau về nguồn gốc vũ trụ nhân sinh, dựa trên sự hiểu biết và trí tuệ của họ ở mỗi cấp độ và mỗi thời đại. Điều rõ ràng là, theo thời gian, khi trí tuệ nhân loại càng ngày càng phát triển, càng đi gần tới khoa học thì sự nhận thức của con người về khởi thủy của vũ trụ cũng dần dần thay đổi. Kết quả là nhiều giải đáp về khởi thủy của con người và vũ trụ của các tôn giáo trước đây đã không còn chỗ đứng trong thế giới tiến bộ ngày nay.
Ấy thế mà, trong khi các học thuyết về khởi thủy của con người và vũ trụ của các tôn giáo đang bị xem là đi ngược lại với các khám phá của khoa học thì quan điểm về “quá trình hình thành thế giới và con người” trong Phật giáo được các nhà khoa học lưu tâm nghiên cứu, họ cho rằng thuyết của Phật giáo xem ra có thể chấp nhận vì có nhiều điểm trùng hợp với các khám phá của khoa học, mang tính khoa học hơn các tôn giáo khác. 
Vậy Phật giáo nói như thế nào về quá trình hình thành thế giới và con người? Nói trong bài kinh nào? Trong bài nghiên cứu này, người viết sẽ làm sáng tỏ vấn đề này qua đề tài : “Thế giới quan của Phật giáo qua bài Kinh Khởi Thế Nhân Bổn”. 
2. Lịch sử đề tài:
Đề tài Thế giới quan của Phật giáo qua bài Kinh Khởi Thế Nhân Bổn là một đề tài khá mới mẻ vì người viết chưa thấy một công trình nghiên cứu nào tìm hiểu sâu vấn đề này. Có chăng, người viết chỉ thấy một vài cuốn sách hay một vài bài viết ngắn có nói tới nhưng chỉ nói sơ và trích dẫn bài kinh này cho bài viết của họ thôi. Chính vì thế, người viết chọn đề tài này nghiên cứu với mong muốn đóng góp một chút gì đó trong công việc làm sáng tỏ thế giới quan của Phật giáo.
3. Phương pháp nghiên cứu:
Để trình bày đề tài một cách mạch lạc, với mong muốn người đọc hiểu được vấn đề rõ ràng, nên trong quá  trình nghiên cứu, người viết sử dụng phương pháp kể chuyện, phân tích, và đưa ra những dẫn chứng cụ thể để việc bàn luận được chặt chẽ mang tính thuyết phục cao.

B. NỘI DUNG:

I. GIỚI THIỆU KINH TRƯỜNG BỘ:

1. Đặc điểm của kinh tạng Pali Nguyên thủy:
Kinh tạng nguyên thủy Pali là những bộ kinh thuộc Phật giáo truyền thống hay Phật giáo Nguyên thủy, còn gọi là Kinh tạng Nguyên thủy. Những bộ kinh này chứa đựng những gì Đức Phật đã dạy trong suốt 45 năm truyền giáo, gồm những giáo lý căn bản như Tứ diệu đế, Duyên khởi, Vô ngã... Phật giáo Nguyên thủy là thời đại giáo pháp còn nhất vị, giáo đoàn còn thống nhất, chưa phân chia thành bộ phái, tức trong khoảng thời gian từ khi Đức Phật bắt đầu thành lập giáo đoàn, hoằng dương giáo lý cho đến 100 năm (hoặc 200 năm) sau khi Phật nhập diệt. Kinh điển trong thời kỳ này bao hàm những bài kinh mang hình thái nguyên thủy nhất, nên gọi là Kinh tạng Nguyên thủy. Các nhà nghiên cứu Phật học, các Sử gia đều coi Kinh tạng Nguyên thủy là tài liệu đáng tin cậy nhất và gần gũi nhất để xác định những gì mà Đức Phật tuyên thuyết. 
Kinh tạng Pali Nguyên thủy có những đặc điểm sau đây:
- Tư tưởng của các bộ kinh giữ được phong cách và hương vị của thời Nguyên thủy Phật giáo.
- Kinh tạng Pali được giữ gìn bằng phương thức khẩu truyền suốt một thời gian khá dài khoảng 400 năm sau Phật nhập diệt.
- Thể loại văn tường thuật, ký sự, nhiều điệp từ và trùng cú nên rất dễ chán khi đọc. Tuy nhiên kinh phản ánh tư tưởng, học thuật, sinh hoạt, tập quán, tôn giáo... của xã hội đương thời.
- Diễn đạt tư tưởng Phật học một cách thiết thực gần gũi với tâm lý con người, những ví dụ cụ thể, dễ hiểu và lý luận giản đơn nhưng rất chặt chẽ. Nhất là những định nghĩa căn bản của thuật ngữ Phật học rất rõ ràng.
- Kinh chứa đựng rất nhiều những lời dạy phản ánh quan điểm của Phật về các vấn đề tu tập, phương cách sống, lối ứng xử, về các vấn đề lý luận, xã hội... rất dễ trích dẫn và dễ nhớ.
- Tư tưởng Nguyên thủy chứa đựng tư tưởng gốc hay tư tưởng nền của tư tưởng Đại thừa. 
Tóm lại, Kinh tạng Nguyên thủy là kinh tạng ghi chép lại những lời Phật và Thánh chúng một cách đầy đủ nhất. Kinh tạng này mang tính thiết thực gần gũi với tâm lý con người và sự sinh hoạt của xã hội. Ngày nay người tu học Phật chúng ta thường có khuynh hướng đi sâu nghiên cứu kinh điển Phát triển Đại Thừa và cho kinh tạng Nguyên Thuỷ là thấp kém. Nghiên cứu kinh điển Phát triển mà không nắm vững hệ thống Nguyên thủy thì độ chuẩn xác không cao. Nếu coi Kinh tạng Nguyên thủy là thấp kém thì rất là sai lầm và nguy hiểm. Vì Kinh tạng nguyên thuỷ là gốc mà chúng ta lại xem thường còn kinh điển Phát triển là ngọn ngành hoa lá chúng ta lại cho là quan trọng, như vậy chẳng phải là sai lầm và nguy hiểm sao. Mặc dù, trải qua hơn 400 năm khẩu truyền và hơn 2000 năm truyền bá, Kinh tạng Nguyên thủy không tránh khỏi sự thiếu sót hoặc thêm thắt của người thọ trì, nghĩa là vẫn không mang tính Nguyên thủy thuần túy. Kinh tạng Nguyên thủy vẫn là cơ sở giáo lý mà chúng ta lấy làm nền tảng cho mọi nghiên cứu, thực tập và nhất là hiểu một cách đúng đắn tư tưởng đạo Phật phát triển.
2. Vị trí Kinh Trường Bộ trong kinh tạng Pali Nguyên thủy:
Sau khi đức Phật nhập diệt, những lời giáo huấn của Ngài được kết tập thành tam Tạng gồm Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng. Trường bộ (Dìgha-Nikàya) là một trong năm bộ kinh chính của Kinh Tạng (Nikàya) trong hệ Pali (Nam Truyền): 
1. Trường bộ kinh (Dìgha-Nikàya).
2. Trung bộ kinh (Majjhima-Nikàya).
3. Tương ưng bộ kinh (Samyutta-Nikàya).
4. Tăng chi bộ kinh (Anguttara-Nikàya).
5. Tiểu bộ kinh (Khuddaka-Nikàya).
Trong hệ Hán-Sanskrit (Bắc Truyền), bộ kinh tương ứng với Trường bộ kinh là Trường A Hàm vốn là một trong bốn bộ Kinh A Hàm (Agamas): 
1. Trường A-hàm (Dirghagama).
2. Trung A-hàm (Madhyamagama).
3. Tạp A-hàm (Samyukta-agama).
4. Tăng Nhất A-hàm (Ekottara-agama).
Trường A-Hàm tương đương với Trường Bộ - chép những bài pháp dài. Trung A-Hàm và Trung Bộ chép những bài pháp bậc trung. Tương Ưng Bộ tương đương với Tạp A-Hàm - chép những lời kinh có nội dung tương tự nhau. Tăng Nhất và Tăng Chi - chép những bài kinh sắp xếp theo con số. Riêng Tiểu Bộ Kinh thì Pàli tạng mới có - ghi chép những câu kệ vắn tắt. 
3. Sơ nét Trường Bộ Kinh:
- Trường-Bộ Kinh là bộ Kinh thứ nhứt trong Hệ Pali Phật-Giáo Nguyên-Thủy, được Viện Nghiên-Cứu Phật-Học Việt-Nam ấn hành năm 1991, do Hoà-thượng Thích Minh-Châu soạn bản Việt-văn.
- Trường-Bộ Kinh phân ra làm 3 Phẩm (Vagga), gồm có 34 bản Kinh; vì nội-dung mỗi bản Kinh khá dài so với các bản Kinh Phật khác, nên được kết-tập lại dưới nhan-đề Trường-Bộ Kinh. Ba phẩm của Trường Bộ Kinh bao gồm:
1. Phẩm Giới-Uẩn (Silakkhandha Vagga Pali): 13 bản Kinh giảng về các cấp giới- luật: tiểu-giới dành cho mọi người; trung-giới và đại-giới dành cho bực tu-hành cao.
2. Đại-Phẩm (Mahà Vagga Pali): 10 bản Kinh quan-trọng nhứt về lịch-sử (như Kinh Bát-Đại Niết-bàn, Kinh Đại Bổn) và về giáo-lý (như Kinh Đại Duyên, Kinh Tứ niệm xứ). 
3. Phẩm Ba-lê-tử (Pathika Vagga Pali) (Patikaputta, Ba-lê-tử là tên một tu-sĩ ngoại-đạo): 11 bản Kinh bàn về các vấn-đề khác nhau như vấn-đề vũ-trụ thành-hoại, vấn-đề bổn-phận công-dân trong xã-hội, vấn-đề tu khổ-hạnh của ngoại-đạo.
Chữ “Trường” ngoài nghĩa là những bài kinh dài, nó còn là những bài kinh nói những việc lâu xa, trải qua nhiều kiếp vẫn không dứt, và còn hàm nghĩa phá dẹp các tà thuyết của ngoại đạo. Nói chung, Trường bộ là một tập hợp những bài kinh dài nói về việc tu tập các hạnh và cương yếu giáo pháp của Phật; về bản thủy và sự tích của Đức Phật; về các luận nạn đối với ngoại đạo, dị thuyết; và ghi chép về tướng trạng khởi nguyên của thế giới (Vũ trụ). 

II. THẾ GIỚI QUAN TRONG KINH “KHỞI THẾ NHÂN BỔN”:

1. Giới thiệu sơ lược “Kinh Khởi Thế Nhân Bổn” (Agganna sutta): 
“Kinh Khởi Thế Nhân Bổn” là bài kinh thứ 27, nằm trong phần Đại Phẩm (Mahà Vagga Pali) của Trường Bộ Kinh II, do HT. Thích Minh Châu dịch, ấn hành 1991. Bài “Kinh Khởi Thế Nhân Bổn” này là một trong mười bài kinh quan trọng nhất của Trường bộ, nói về nhân sinh quan và vũ trụ quan nổi bật nhất của Phật giáo.
2. Duyên khởi Phật nói “Kinh Khởi Thế Nhân Bổn”:
Một thời Thế Tôn trú tại Sàvatthi (Xá-vệ), Pubbàràma (Thành Tín Viên lâm), ở lầu của Migà ramàtu (Lộc Mẫu Giảng đường). Lúc bấy giờ, Vàsettha và Bhàradvàjà sống giữa các vị Tỷ kheo và muốn trở thành Tỷ kheo. Vàsettha thấy Thế Tôn vào buổi chiều, từ thiền tịnh khởi dậy, bước xuống khỏi ngôi lầu, đi qua lại giữa trời, dưới bóng ngôi lầu. Thấy vậy Vàsettha nói với Bhàradvàja: 
- Này bạn Bhàradvàja, Thế Tôn vào buổi chiều, từ thiền tịnh khởi dậy, bước xuống khỏi lầu, đi qua lại giữa trời, dưới bóng ngôi lầu. Này bạn Bhàradvàja, chúng ta hãy đến yết kiến Thế Tôn. Rất có thể chúng ta được nghe một thời pháp từ Thế Tôn. 
- Thưa vâng, Hiền giả! 
Bhàradvàja vâng theo lời Vàsettha. Rồi cả Vàsettha và Bhàradvàja cùng đến gần Thế Tôn, khi đến xong đảnh lễ Ngài và đi theo sau lưng Thế Tôn, khi Ngài đang đi qua đi lại. 
Rồi Thế Tôn nói với Vàsettha: 
- Này Vàsettha, Ngươi sanh trưởng là Bà-la-môn và thuộc gia tộc Bà-la-môn, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình từ gia tộc Bà-la-môn. Này Vàsettha, người Bà-la-môn có chỉ trích Ngươi, phỉ báng Ngươi chăng? 
- Bạch Thế Tôn, các vị Bà-la-môn thật có chỉ trích chúng con, phỉ báng chúng con, với những lời phỉ báng thật chí tình, phỉ báng thật toàn diện, chớ không phải không toàn diện. 
- Này Vàsettha, các vị Bà-la-môn dùng lời lẽ như thế nào để chỉ trích các Ngươi, phỉ báng các Ngươi, với những lời phỉ báng thật chí tình, phỉ báng thật toàn diện, chớ không phải không toàn diện? 
- Bạch Thế Tôn, các vị Bà-la-môn đã nói như sau: "Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt. Chỉ có giai cấp Bà-la-môn là da trắng, giai cấp khác là da đen. Chỉ có Bà-la-môn là thuần túy, các giai cấp phi Bà-la-môn không phải như vậy. Chỉ có Bà-la-môn mới là con chính tông của Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, do Phạm thiên sanh, do Phạm thiên tạo ra, là con cháu thừa tự của Phạm thiên. Các Ngươi đã từ bỏ giai cấp tối thượng, cúi mình vào giai cấp hạ tiện - giai cấp các Sa môn trọc đầu, đê tiện, đen đủi, giòng giống thuộc bàn chân. Làm vậy thật là không tốt, làm vậy thật là không hợp, khi các Ngươi từ bỏ giai cấp tối thượng, cúi mình vào giai cấp hạ tiệt, giai cấp sa-môn trọc đầu, đê tiện, đen đủi, giòng giống thuộc bàn chân". Bạch Thế Tôn, như vậy các vị Bà-la-môn chỉ trích chúng con, phỉ báng chúng con, với những lời phỉ báng thật chí tình, phỉ báng thật toàn diện, chớ không phải không toàn diện. 
Nhơn vì các Ba-la-môn tự cho giai cấp mình là giâi cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt, chỉ có Bà-la-môn mới là con chính tông của Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, do Phạm thiên sanh, do Phạm thiên tạo ra, là con cháu thừa tự của Phạm thiên… Và khinh chê giai cấp các Sa môn là trọc đầu, đê tiện, đen đủi, giòng giống thuộc bàn chân. Chính vì lòng kiêu căng ngã mạn chấp thủ mê mờ của các Bà-la-môn nên đức Phật thuyết Kinh Khởi Thế Nhân Bổn này phá các thành kiến ngã mạn sai lầm đó của họ, bằng cách trình bày nhân sinh quan và thế giới quan. Qua đó, đức Phật đã phân tích, và đưa ra những chứng cứ hiển nhiên, những lập luận vững vàng để bẻ gãy tư tưởng cố chấp trên của các Bà-la-môn chứng minh rằng: giai cấp Bà-la-môn không không phải là giai cấp tối thượng vì có những người trong bốn giai cấp này làm các việc bất thiện, làm các việc không xứng Thánh pháp, chỉ có những người trong bốn giai cấp này, là Tỷ kheo, là bậc A la hán, lậu hoặc đã diệt tận, việc phải làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, mục tiêu đã đạt tới, hữu kiết sử đã trừ diệt, chánh trí giải thoát. Vị ấy được gọi là tối thượng trong tất cả giai cấp, đúng với Chánh pháp, không phải phi pháp. Như vậy Pháp là tối thượng ở đời, trong hiện tại và cho cả đời sau” .
3. Thế giới quan trong “Kinh Khởi Thế Nhân Bổn”:
3.1. Tóm tắt quá trình hình thành thế giới trong “Kinh Khởi Thế Nhân Bổn”:
Có một thời đến một giai đoạn nào đó, sau một thời hạn rất lâu, thế giới này chuyển hoại. Trong khi thế giới chuyển hoại, các loại hữu tình phần lớn sanh qua cõi Abhassara (Quang Âm thiên). Ở tại đây, những loại chúng sanh này do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh, và sống như vậy một thời gian khá dài. 
Đến một giai đoạn nào đó, sau một thời hạn rất lâu, thế giới này chuyển thành, trong khi thế giới này chuyển thành, một số lớn chúng sanh từ Quang Âm thiên thác sanh qua tại đây. Những chúng sanh này do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh và sống như vậy một thời gia khá dài. Lúc bấy giờ, vạn vật trở thành một thế giới toàn nước đen sẫm, một màu đen khiến mắt phải mù. Mặt trăng, mặt trời không hiện ra; sao và chòm sao không hiện ra; không có ngày đêm; không có tháng và nửa tháng; không có năm và thời tiết; không có đàn bà đàn ông. Các loài hữu tình chỉ được xem là loài hữu tình mà thôi. Sau một thời gian rất lâu, vị đất tan ra trong nước. Như bọt nổi lên trên mặt cháo sữa nóng đang nguội dần, cũng vậy đất hiện ra. Ðất này có màu sắc, có hương và có vị. Màu sắc của đất giống như đề hồ hay thuần túy như tô, vị của đất như mật ong thuần tịnh. Có loài hữu tình, có tánh tham, nói: "Kìa xem, vật này là gì vậy?", lấy ngón tay nếm vị của đất. Khi lấy ngón tay nếm vị của đất, vị ấy thấm vào thân và tham ái khởi lên. Các loài hữu tình khác, theo gương hữu tình kia, lấy ngón tay nếm vị của đất. Khi lấy ngón tay nếm vị của đất, vị ấy thấm vào thân và tham ái khởi lên. Rồi các hữu tình kia bắt đầu thưởng thức vị của đất, bằng cách bẻ từng cục đất với bàn tay nhỏ của họ, thời ánh sáng của họ biến mất. Khi ánh sáng của họ biến mất, mặt trăng mặt trời hiện ra. Khi mặt trăng, mặt trời hiện ra, thì sao và chòm sao hiện ra. Khi sao và chòm sao hiện ra, ngày và đêm hiện ra, khi ngày và đêm hiện ra, thì nửa tháng và tháng hiện ra. Khi nửa tháng và tháng hiện ra, thời tiết và năm hiện ra. Như vậy, này Vàsettha, thế giới này bắt đầu thành trở lại.
Những hữu tình ấy, lấy đất làm món ăn trong một thời gian khá lâu, thân của họ trở nên cứng rắn, và sắc đẹp của họ trở nên sai biệt. Có hạng hữu tình có sắc đẹp, có hạng hữu tình không có sắc đẹp. Ở đây các hữu tình có sắc đẹp khinh các hữu tình không có sắc đẹp: "Chúng ta có sắc đẹp hơn họ, họ không có sắc đẹp bằng chúng ta." Do họ kiêu mạn và kiêu ngạo về sắc đẹp của họ, vị của đất biến mất. Khi đất biến mất, một loại nấm đất xuất hiện, nấm ấy có sắc, có hương, có vị. Mầu sắc của loại nấm này giống như đề hồ hay thuần túy như tô. Vị của nấm như mật ong thuần tịnh các chúng sanh ấy lấy nấm đất ăn, tùy theo ăn nhiếu ăn ít, sắc đẹp cũng theo đó thay đổi, rồi do tâm kiêu mạn khởi, nấm đất cũng biến mất, một loại dây leo xuất hiện, dây leo ấy có sắc, có hương, có vị. Mầu sắc của dây leo này giống như đề hồ hay thuần túy như tô. Vị của dây leo như mật ong thuần tịnh các chúng sanh hữu tình ấy lại hái dây leo ăn, tâm kiêu mạn lại khởi lên người tham ít chê người tham nhiều làm giây leo cũng biến mất và lúa mọc lên, không có cám, không có vỏ, có mùi thơm và bột trơn nhẵn. Chỗ nào vào buổi chiều họ mang đi để ăn chiều, thời tại chỗ ấy, vào buổi sáng, lúa lại mọc lớn và chín. Chỗ nào vào buổi sáng, họ mang đi để ăn sáng, thời tại chỗ ấy, vào buổi chiều lúa lại mọc lớn và chín, không có gián đoạn. Những hữu tình ấy thưởng thức lúa mọc tại các khoảng trống, lấy lúa làm chất ăn, lấy lúa làm món ăn trong một thời gian khá lâu, thân hình của họ trở thành cứng rắn hơn và sắp đẹp của họ lại càng sai biệt. Về phái nữ, nữ tánh xuất hiện; về phái nam, nam tánh xuất hiện. Phái nữ nhìn phái nam hết sức kỹ lưỡng, phái nam nhìn phái nữ hết sức kỹ lưỡng. Vì họ nhìn nhau kỹ lưỡng như vậy nên tình dục khởi lên, ái luyến đối với thân thể bắt đầu. Do sự ái luyến, họ làm các hạnh dâm. Lúc bấy giờ những chúng sanh ấy thấy làm các hạnh dâm như vậy, người thì quăng bùn, người thì quăng tro, người thì quăng phân bò và nói: "Hãy chết đi, đồ ô uế! Hãy chết đi, đồ ô uế! Sao một loài hữu tình lại đối xử với một loài hữu tình khác như vậy.
Lúc bấy giờ việc làm được xem là phi pháp nay được xem là đúng pháp. Lúc bấy giờ các loài hữu tình ấy hành dâm không được phép vào làng hay xã ấp một tháng hay cả hai tháng. Vì những hữu tình ấy lúc bấy giờ chỉ trích mau chóng, vì hành động phi pháp, họ bắt đầu làm lầu, làm nhà để che dấu những hành động phi pháp của họ. Có loài hữu tình bản tánh biếng nhác tự nghĩ: "Sao ta lại tự làm ta mỏi mệt bằng cách đi tìm lúa buổi chiếu cho buổi ăn chiều, buổi sáng cho buổi ăn sáng? Sao ta lại không tìm lúa một lần cho cả buổi ăn chiều và buổi ăn sáng?". Loài hữu tình ấy tìm lúa một lần cho cả buổi ăn chiều, cả buổi ăn sáng. Lòng tham khởi lên, người ta không chỉ lấy lúa để ăn hằng ngày còn lấy để dành dụm nên loại “lúa ăn liền” đó biến mất, cây lúa cần phải gieo trồng, bón phân, con người phải làm việc, phải chờ đợi lúa chín mới có ăn v..v.. Thế là từ đó, trong cộng đồng sinh ra một hạng người không muốn làm việc cực nhọc nhưng vẫn có ăn (trộm cắp, cướp giựt). Ác pháp đã khởi lên giữa các loài hữu tình, trong hình thức lấy của không cho xuất hiện, quở trách xuất hiện, nói láo xuất hiện, hình phạt xuất hiện. Cộng đồng đề cử một người. Người ấy sẽ tức giận khi đáng phải tức giận, khiển trách khi đáng phải khiển trách, hay tẩn xuất khi đáng phải tẩn xuất. Họ dành cho người ấy một phần lúa của họ. Người được lựa chọn bởi đại chúng, tức là Mahà-sammato. Danh từ Mahà-sammato là danh từ đầu tiên được khởi lên. Này Vàsettha, "Vị chủ của ruộng vườn" tức là Khattiyà, là danh từ thứ hai được khởi lên" Làm cho các người khác hoan hỷ bởi Pháp", tức là Ràja (vị vua). Ràja là danh từ thứ ba được khởi lên. Như vậy là sự khởi lên nguồn gốc giới vức xã hội của Khattiya theo danh từ truyền thống cổ xưa. Nguồn gốc của chúng ta ở giữa những loài hữu tình ấy, không ở ngoài loại nào khác, một cách đúng pháp tắc (dhamma), không phải phi pháp. Như vậy xã hội từ đó hình thành và phát triễn cho đến ngày nay. 
3.2. Nhận xét quá trình hình thành thế giới trong “Kinh Khởi Thế Nhân Bổn”:
Theo định luật duyên khởi, tất cả mọi vật trong cuộc đời này đều trải qua bốn giai đoạn sanh, trụ, dị, diệt. Cái cũ theo thời gian sẽ biến hoại nhường chỗ cho cái mới hình thành, cứ như thế mọi vật sanh rồi, diệt rồi sanh, không có cái gì là trường tồn vĩnh cửu. Cho nên trong Kinh Kim Cang nói rằng: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tắc kiến Như Lai”. Hễ cái gì có tướng tất bị hoại diệt, thật tướng của các tướng là phi tướng. Thế giới cũng không ngoài quy luật này, đều phải trải qua bốn giai đoạn thành, trụ, hoại, không. Trong kinh Khởi Thế Nhân Bổn nói đến sự chuyển tiếp giữa hai giai đoạn hoại và thành, nhưng trong kinh chủ yếu mô tả giai đoạn hình thành của thế giới. Kinh này mô tả rằng khi thế giới Ta Bà đến giai đoạn hoại diệt, phần lớn chúng sanh ở thế giới này sanh qua cõi Quang Âm Thiên. Ở đây chúng ta phải hiểu rằng những chúng sanh sanh sang thế giới Quang Âm Thiên này là những chúng sanh tạo nhiều thiện nghiệp ở thế giới Ta Bà, vì phước báo đó nên khi thế giới này hoại, họ được sanh lên cảnh giới cao hơn, hưởng nhiều hạnh phúc hơn. Đức Phật mô tả các loài hữu tình này do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh. Đến khi thế giới này thành trở lại, họ sanh qua thế giới này. Vậy những chúng sanh gây tạo nhiều tội lỗi thì đi đâu khi thế giới này bị hoại? Mặc dù trong kinh Khởi Thế Nhân Bổn, đức Phật không nói đến những chúng sanh ác nghiệp sinh vào đâu khi thế giới này hủy hoại, nhưng trong các kinh khác như kinh Địa Tạng lại có nói đến: Nếu chúng sanh nào bị đày vào ngục vô gián thì “… phải ở trong địa ngục đó chịu hành hình trong nghìn muôn ức kiếp không lúc nào mong ra khỏi được. Lúc thế giới này hư hoại thời sanh nhờ qua địa ngục ở thế giới khác. Lúc thế giới đó hư hoại thời lại sanh vào cõi khác nữa. Đến khi thế giới này thành xong thời sanh trở về thế giới này”. Như kinh Địa Tạng mô tả thì khi thế giới Ta Bà này hư hoại, những chúng sanh ác nghiệp đang bị đày ở địa ngục Vô gián phải sinh qua địa ngục ở thế giới khác, cứ chuyển xoay vần như thế cho đến khi thế giới thành trở lại thì những chúng sanh đó sinh trở lại địa ngục trong thế giới này. Từ hai sự kiện của chúng sanh thiện nghiệp và ác nghiệp khiến chúng ta suy luận rằng khi thế giới Ta Bà này hoại diệt thì chúng sanh tùy theo nghiệp mình gây tạo mà sinh tạm thời qua những cảnh giới tương ứng với nghiệp của họ, rồi khi thế giới này thành, họ sẽ sinh qua lại thế giới này. Điều này chứng tỏ rằng thế giới thành rồi hoại, hoại rồi thành, vô thỉ vô chung, không có điểm đầu cũng không có điểm kết.
Bây giờ chúng ta tiếp tục xem xét quá trình hình thành thế giới trong bài kinh này như thế nào. Đức Phật mô tả, một thời gian lâu sau khi thế giới này thành bắt đầu hình thành trở lại thì chúng sanh ở cõi Quang Âm thiên lại sanh qua thế giới này. Họ trở lại thế giới này bằng ý sanh, được nuôi sống bằng hỷ và thân chiếu hào quang, đi lại trên không trung. Vì sao họ được thọ nhận một cuộc sống sung sướng như thế? Vì những hữu tình này đã từng gieo trồng thiện căn rất lớn nên bây giờ họ đang thọ hưởng một cảnh giới tốt lành do thiện tâm tạo ra. Vì phước báo mà thân họ tự chiếu ánh sáng nên lúc này thế giới không có mặt trời, mặt trăng, không có ngày và đêm, không có nam và nữ; vì phước báo mà họ không cần phải nhọc nhằn kiếm ăn, thức ăn của họ là sự hỷ lạc tràn ngập trong thân tâm; họ cũng không cần đi lại nhọc nhằn mà di chuyển bằng cách phi hành trên không trung. Theo sự mô tả này, chúng ta thấy thế giới lúc ban đầu hình thành là một thế giới sung sướng đâu thua gì các cõi trời. Vậy mà khi tâm tham con người xuất hiện thì thế giới càng ngày càng xấu đi. Kinh mô tả từ khi đất xuất hiện, một số chúng sanh có tâm tham dùng tay ngón tay nếm vị của đất, vị của đất thấm vào thân và tham ái của họ khởi lên. Chúng ta biết rằng đất lúc đó rất đặc biệt, có màu sắc, có hương thơm và có vị rất ngon, khiến cho các vị hữu tình ấy chỉ cần chạm tay vào là tham đắm khởi dậy. Do lòng tham đắm này mà họ không sống bằng hỷ nữa mà họ lại dùng đất làm món ăn. Khi lòng tham tăng ắt phước báo càng giảm dần nên từ khi họ dùng đất làm thức ăn, ánh sáng của họ tự biến mất và mặt trời, mặt trăng mọc lên, các vì sao mọc lên, năm và mùa xuất hiện, thế giới hình thành trở lại.
Từ khi con người dùng đất làm thức ăn, thân thể họ không còn nhẹ nhàng bay đi tự tại như trước đây nữa, thân họ bây giờ trở nên cứng rắn và sắc đẹp càng trở nên sai biệt. Do sắc đẹp sai biệt, tâm ngã mạn con người lại xuất hiện, người đẹp cho mình đẹp hơn người và chê kẻ xấu hơn mình. Do tâm ngã mạn, đất biến mất, loại nấm đất xuất hiện, rồi đến dây leo xuất hiện, rồi đến lúa xuất hiện. Khi lúa xuất hiện, loài người bắt đầu có nam tánh và nữ tánh, từ đó dâm dục xuất hiện. Tâm con người càng ngày càng trở nên bất thiện hơn, tham lam hơn, gian dối lọc lừa nhiều hơn, làm việc phi pháp nhiều hơn nên cộng đồng phải bầu ra một vị đứng đầu thay mặt mọi người xử những ai phạm pháp. Từ từ quốc gia được thành lập, có vua lãnh đạo, có lãnh thổ riêng, có dân chúng riêng của từng quốc gia. Đó là quá trình hình thành thế giới và xã hội loài người.
Quá trình hình thành thế giới và xã hội loài người cho chúng ta một sự thấm thía rằng dù chúng ta có tạo nhiều thiện nghiệp đi chăng nữa nhưng một khi chưa đoạn tận các lậu hoặc thì các chủng tử bất thiện ngủ ngầm trong trong tâm thức sẽ trổi dậy khi hội đủ nhân duyên. Như kinh mô tả, mặc dù có một số loại hữu tình do tạo nhiều phước thiện mới được sanh sang các cảnh giới sung sướng, thọ nhận mọi phước báo tràn đầy nhưng vì các chủng tử hữu lậu chưa dứt, vẫn còn ngủ ngầm trong tâm nên khi gặp cảnh cám dỗ, các chủng tử ấy lại trỗi dậy, đưa họ trở lại với con người phàm phu bình thường, trở lại những kiếp sống vô thường khổ đau của loài người.
Và qua đây, chúng ta cũng càng thấm thía hơn câu nói của đức Phật trong kinh Lăng Già: “Thế giới bên ngoài chính là của chính cái tâm. Người ta trông thấy nó là do sự phân biệt và do cái trí sai lầm đã được thực hiện từ vô thỉ”. Tất cả mọi sự vật hiện tượng trên cuộc đời này đều do tâm phân biệt, do cái trí sai lầm đã được thực hiện từ vô thỉ sanh ra. Nghĩa là tâm phân biệt sanh ra thế giới, thế giới là do tâm tạo. Sự mô tả của đức Phật về quá trình hình thành thế giới trong bài kinh Khởi Thế Nhân Bổn đã chứng minh câu nói trên. Quả thực khi chúng hữu tình tạo nhiều thiện nghiệp bằng một thiện tâm trong sáng thanh cao, khi mà những hạt giống bất thiện còn ngủ sâu dưới tâm thức thì cảnh giới mà chúng hữu tình ấy thọ nhận đầy phước báo, an ổn, sung mãn: do ý sanh, được nuôi sống bằng hỷ, du hành trên không trung. Thế nhưng khi phước báo cạn dần, tâm bất thiện lộ diện, họ trở nên tham đắm, gây nhiều bất thiện nghiệp thì cảnh giới họ thọ nhận càng ngày càng xấu đi: ánh sáng biến mất, mặt trời, mặt trăng xuất hiện… thân trở nên cứng rắn, sắc đẹp trở nên sai biệt, các thức ăn ngon tự nhiên như đất, nấm, dây leo dần dần biến mất do lòng tham, lòng ngã mạn, do những việc làm bất thiện của họ. Tâm họ thế nào thì thế giới hiện ra càng tương ứng với tâm thức của họ, cho nên nói tâm tạo ra thế giới là vậy.
Có một điều quan trọng nhất mà chúng ta cần lưu tâm là trong bài kinh này đức Phật chỉ nói giai đoạn hình thành thế giới là một trong bốn giai đoạn thành, trụ, hoại, không, chớ đức Phật không phải nói đến khởi thủy ban đầu của thế giới. Có nghĩa là trước giai đoạn thế giới này hình thành, thì có vô lượng vô số thế giới đã trãi qua các giai đoạn thành, trụ, hoại, không rồi. Như vậy quá trình hình thế giới mà đức Phật mô tả trong bài kinh Khởi Thế Nhân Bổn này cũng chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp trong vô số giai đoạn thành, trụ, hoại, không của thế giới mà thôi, chớ không phải là khởi thủy của thế giới, hay không phải là nguồn gốc của thế giới. 
Vậy thế giới bắt nguồn từ đâu, vũ trụ này do đâu mà có, con người từ đâu sinh ra, sẽ đi về đâu ? Đó là những câu hỏi lớn được con người đặt ra và các tôn giáo cũng như các nhà khoa học luôn tìm cách trả lời. Mỗi tôn giáo đều đưa ra cách trả lời khác nhau, cũng như các nhà khoa học cũng tìm ra những thuyết khác nhau giải đáp câu hỏi này, nhưng vẫn chưa tìm ra được kết luận chung. Kể cả đức Phật, trong kinh tạng đức Phật cũng luôn tránh né trả lời những câu hỏi này. Đức Phật không trả lời, không có nghĩa là Ngài không biết thế giới này khởi thủy như thế nào mà Ngài không trả lời vì theo Ngài những vấn đề ấy không liên quan gì tới việc giải thoát sanh tử. Điển hình trong kinh Tiển Dụ thuộc Kinh Trung A Hàm I, khi Tôn giả Man Đồng tử hỏi: “Thế giới hữu thường hay vô thường, thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt, cũng không không phải không tuyệt diệt?” 
Trong kinh, đức Phật không đưa ra lời giải đáp những câu hỏi này mà Ngài lại bảo rằng: 
“Dù ‘Thế giới hữu thường’, thì vẫn có sanh, có già, có bệnh, có chết, sầu bi, khóc than, ưu khổ, ảo não, như vậy toàn vẹn khối lớn khổ đau này phát sanh. Cũng vậy, dù ‘Thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt, cũng không phải không tuyệt diệt?’ thì vẫn có sanh, có già, có bệnh, có chết, sầu bi, khóc lóc, ưu khổ, ảo não; như vậy, toàn vẹn khối lớn khổ đau này phát sanh.
‘Thế giới hữu thường’, Ta không xác quyết điều này. Vì điều này không tương ưng với cứu cánh, không tương ưng với pháp, không phải căn bản phạm hạnh, không đưa đến trí, không đưa đến giác, không dẫn đến Niết-bàn. Cho nên Ta không xác quyết điều này. Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường, thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Ta không xác quyết điều này. Vì lý do gì mà Ta không xác quyết những điều này? Vì những điều này không tương ưng với cứu cánh, không tương ưng với pháp, không phải là căn bản phạm hạnh, không đưa đến trí, không đưa đến giác, không dẫn đến Niết-bàn. Cho nên Ta không xác quyết những điều này”. 
Đức Phật khuyên con người chớ nên mất thời gian đi tìm hiểu những gì viễn vong không liên quan đến việc giải quyết những khổ đau trong hiện tại, vì dù thế giới có thường hay vô thường, có hữu biên hay vô biên … thì sanh, già, bịnh, chết, sầu bi, khổ ưu, não vẫn có mặt, hãy quan tâm tới những gì tương ưng với pháp, đưa đến phạm hạnh, đưa đến trí, đưa đến giác, đưa đến Niết bàn. 
Mặc dù đức Phật từ chối trả lời những câu hỏi siêu hình, nhưng khi có một số ngoại đạo đưa ra luận chấp về thế giới là thường, hay thế giới là vô thường, hay thế giới là hữu biên, hay thế giới là vô biên… thì đức Phật cho đó là những kiến chấp sai lầm. Trong kinh Phạm Võng thuộc Trường Bộ Kinh I, đức Phật mô tả những kiến chấp này như sau:
“ …có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương thường trú luận … có thể nhớ được nhiều đời sống quá khứ, cho đến trăm ngàn đời, hay nhớ nhớ được nhiều đời sống quá khứ cho đến mười thành kiếp, hoại kiếp … với những đặc điểm và những chi tiết. Người ấy nói rằng: ‘Bản ngã và thế giới là thường trú; những loại hữu tình dù lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, vẫn thường trú’ …
… hay có một số Sa-môn hay Bà-la-môn chấp một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận… Khi thế giới này chuyển hoại, các loại hữu tình do ý sanh, sanh qua cõi Abhassara (Quang Âm thiên), nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không. Khi thế giới này chuyển thành, có một hữu tình, mạng chung từ Quang Âm thiên, sanh qua Phạm cung. Sống lâu ở đây một mình cảm thấy chán nản, vị ấy mong có các loài hữu tình khác cùng đến sống chung. Lúc bấy giờ, các loài hữu tình khác từ Quang Âm thiên mệnh chung sanh qua Phạm cung. Vị hữu tình đầu tiên nhờ sanh trước, sống lâu, sắc tướng tốt đẹp và có nhiều uy quyền trở thành vị Ðại Phạm thiên, Toàn năng, Tối thắng, Thượng đế, Sáng tạo, Hóa sanh, Chúa tể mọi định mạng, Tổ phụ các chúng sanh. Rồi một trong các loài hữu tình ấy mệnh chung, thác sanh đến cõi này, xuất gia tu tập. Nhờ tinh tấn tu tập, nên tâm nhập định, vị ấy nhớ tới đời sống quá khứ ấy và nghĩ rằng: ‘Vị kia là Phạm thiên, … Vị ấy là thường hằng, thường trú. Còn chúng ta do vị Phạm thiên ấy hóa sanh nên chúng ta là vô thường, yểu thọ và chịu sự biến dịch”. 
Có hết thảy 62 kiến chấp mà đức Phật đã trình bày trong Kinh Phạm Võng, nhưng ở đây chúng ta chỉ trích dẫn hai kiến chấp tiêu biểu ở trên để bàn luận mà thôi. Với những kiến chấp này, đức Phật nhận xét : “Chủ trương ấy là do kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của Sa-môn, Bà-la-môn là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối”. Đức Phật nói thế có nghĩa là, với trí tuệ toàn giác, đức Phật nhìn thấy tường tận về thế giới con người như thế nào, nên đức Phật cho rằng những chủ trương trên là chỉ là những kinh nghiệm cá nhân. Gọi những kiến chấp trên là những kinh nghiệm cá nhân vì sự thấy biết ấy là những thấy biết còn giới hạn, các vị ấy chỉ thấy được một phần chân lý chớ chưa thấy được trọn vẹn. Về kiến chấp thường trú luận, các Sa-môn, Bà-la-môn chỉ thấy bản ngã và thế giới trên bề mặt hiện tượng sanh diệt nên mới cho rằng: ‘Bản ngã và thế giới là thường trú; những loại hữu tình dù lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, vẫn thường trú”, nhưng nếu họ tu cao hơn, chứng được tuệ giác vô thượng thì ắt hẳn họ sẽ không còn thấy bản ngã và thế giới là thường trú nữa mà họ sẽ thấy được thật tánh của bản ngã và thế giới như thế nào. Còn về luận chấp nữa thường trú, nữa vô thường luận cũng là những luận chấp theo kinh nghiệm cá nhân vì sự thấy biết của họ chỉ tới mức độ đó thôi, chớ nếu họ tu cao hơn, chứng đắc cao hơn và họ sống lâu hơn vị mà họ cho rằng đó là Phạm thiên kia, thì họ sẽ thấy rằng vị Phạm thiên ấy vẫn chịu quy luật chi phối của vô thường, khi hết phước sẽ tái sanh vào các cõi khác như bao hữu tình khác. Và nếu vị ấy tu tập chứng đắc quả vị chánh giác thì ắt hẳn vị ấy sẽ không còn cho rằng ‘chúng ta do Phạm thiên ấy hóa sanh nên chúng ta là vô thường, yểu thọ và chịu sự biến dịch’ mà sẽ thấy rằng do vô minh trong quá khứ và do ái, thủ trong hiện tại mà vị ấy phải sanh tử luân hồi chớ không phải do một ai tạo ra chúng ta cả. Cho nên chỉ có đức Phật là bậc toàn giác Ngài mới tường tận được sự thật về thế giới nên Ngài mới thấy 62 luận chấp của ngoại đạo là những pháp “sâu kín, khó thấu, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị chỉ những người trí mới nhận hiểu. Những pháp ấy Như Lai đã tự chứng tri, giác ngộ và tuyên thuyết. Và chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến”. Chỉ có một bậc toàn giác như đức Phật mới thấu suốt các kiến chấp của ngoại đạo là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng nhưng đức Phật đã chứng tri, đã thấu suốt, nên Ngài mới nói các luận chấp của ngoại đạo chỉ là những kinh nghiệm giới hạn của cá nhân, không phải cái thấy toàn giác. Vì lẽ này, nên dù đức Phật không nói về thế giới do đâu sinh ra, hay khởi thủy của thế giới là như thế nào, nhưng chúng ta biết đức Phật không nói, không có nghĩa là Ngài không biết, nhưng Ngài không nói vì Ngài thấy vấn đề ấy không đáng quan tâm vì nó không liên quan đến việc tu tập giải thoát sanh tử.
Cho dù đức Phật không trả lời trực tiếp các câu hỏi siêu hình về thế giới và con người nhưng trong Kinh Phật Tự Thuyết (Tiểu Bộ I, tr. 291), Thế Tôn đã trả lời gián tiếp câu hỏi này qua việc tuyên thuyết giáo lý Duyên khởi : 
“Do cái này có mặt nên cái kia có mặt,
Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt,
Do cái này sinh nên cái kia sinh,
Do cái này diệt nên cái kia diệt”. 
Các pháp do duyên sinh và cũng do duyên diệt, do cái này có mặt mà cái kia có mặt, do cái này diệt mà cái kia diệt, nên thế giới này là thế giới trùng trùng duyên khởi, vô thỉ vô chung, đủ duyên các pháp sinh, hết duyên các pháp diệt. Cho nên thế giới này hình thành khi hội đủ nhân duyên và thế giới này hoại diệt khi hết duyên không còn.

III. ĐỐI CHIẾU THẾ GIỚI QUAN TRONG KINH KHỞI THẾ NHÂN BỔN VỚI THẾ GIỚI QUAN TRONG KINH CỰU ƯỚC CỦA THIÊN CHÚA GIÁO VÀ VỚI THUYẾT TIẾN HÓA CỦA DARWIN:

1. Đối chiếu thế giới quan trong kinh Khởi Thế Nhân Bổn” với “Thuyết sáng thế trong kinh Cựu Ước của Thiên chúa giáo”:
Có thể nói, cách đây mấy ngàn năm, mỗi nền văn hóa đều có một cách giải thích khác nhau về nguồn gốc con người và vũ trụ. Điểm chung của các quan niệm thuộc đa số các nền văn hóa khác nhau này là: có một vị Thần, hoặc dưới dạng người, hoặc dưới dạng sinh vật, đã tạo nên vũ trụ và con người. Bà-la-môn giáo thì cho rằng, vào lúc khởi thủy có một đấng Phạm Thiên (Brahma), vị thần tối cao toàn năng, siêu việt, sáng tạo ra vạn vật vũ trụ. Theo huyền thoại của đạo Ba Tư (đạo Zoroaster) thì có hai đấng sáng tạo là Ohrmazd (thiện thần) và Ahriman (ác thần) tạo ra thế giới vạn vật. Thiên chúa giáo thì cho rằng vào lúc sơ khai, có một đấng chúa trời tạo ra con người và vũ trụ. Nhìn chung có bao nhiêu tôn giáo là có bấy nhiêu thuyết về nguồn gốc của con người và vũ trụ. Ở đây người viết chỉ chọn ra một học thuyết tiêu biểu, đó là thuyết sáng thế của Thiên chúa giáo để đối chiếu với thế giới quan trong bài kinh Khởi Thế Nhân Bổn. 
Về thuyết sáng thế của Thiên chúa giáo, trong chương I của sách Cựu Ước ghi lại rằng:
“Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Ðất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.
Thiên Chúa phán: "Phải có ánh sáng." Liền có ánh sáng. Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp. Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối. Thiên Chúa gọi ánh sáng là "ngày", bóng tối là "đêm". Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ nhất.
Thiên Chúa phán: "Phải có một cái vòm ở giữa khối nước, để phân rẽ nước với nước." Thiên Chúa làm ra cái vòm đó và phân rẽ nước phía dưới vòm với nước phía trên. Liền có như vậy. Thiên Chúa gọi vòm đó là "trời". Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ hai.
Thiên Chúa phán: "Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi, để chỗ cạn lộ ra." Liền có như vậy. Thiên Chúa gọi chỗ cạn là "đất", khối nước tụ lại là "biển". Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.
Thiên Chúa phán: "Ðất phải sinh thảo mộc xanh tươi, cỏ mang hạt giống, và cây trên mặt đất có trái, ra trái tuỳ theo loại, trong có hạt giống." Liền có như vậy. Ðất trổ sinh thảo mộc, cỏ mang hạt giống tuỳ theo loại, và cây ra trái, trong trái có hạt giống tuỳ theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ ba.
Thiên Chúa phán: "Phải có những vầng sáng trên vòm trời, để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm. Ðó sẽ là những vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất”, liền có như vậy. Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao. Thiên Chúa đặt các vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất, để điều khiển ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng với bóng tối. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ tư.
Thiên Chúa phán: "Nước phải sinh ra đầy dẫy những sinh vật lúc nhúc, và loài chim phải bay lượn trên mặt đất, dưới vòm trời." Thiên Chúa sáng tạo các thủy quái khổng lồ, cùng mọi sinh vật vẫy vùng lúc nhúc dưới nước tuỳ theo loại, và mọi giống chim bay tuỳ theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Thiên Chúa chúc phúc cho chúng rằng: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy biển; và chim phải sinh sản cho nhiều trên mặt đất." Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ năm.
Thiên Chúa phán: "Ðất phải sinh ra các sinh vật tuỳ theo loại: gia súc, loài bò sát và dã thú tuỳ theo loại." Liền có như vậy. Thiên Chúa làm ra dã thú tuỳ theo loại, gia súc tuỳ theo loại và loài bò sát dưới đất tuỳ theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.
Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất."
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,
Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.
Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất." Thiên Chúa phán: "Ðây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy. "Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu”. 
Như vậy, nếu chúng ta đem thuyết sáng thế này của Thiên chúa giáo so sánh với quá trình hình thành thế giới và loài người trong kinh Khởi Thế Nhân Bổn của Phật giáo thì chúng ta thấy hai bên hoàn toàn khác nhau và không tìm thấy một điểm chung nào. Vì sao ? Nếu kinh Thánh Thiên chúa giáo nói rằng vũ trụ và vạn vật trên cõi đất này do Thiên chúa tạo ra trong sáu ngày : ngày thứ nhất tạo ra ánh sáng và bóng tối; ngày thứ hai: không gian và thời gian; ngày thứ ba: biển và đất liền; ngày thứ tư: mặt trời và mặt trăng; thứ năm: chim, cá; thứ sáu: con người và cầm thú; thứ bảy: nghỉ việc thì trong kinh Khởi Thế Nhân Bổn, đức Phật trần thuật lại quá trình hình thành thế giới và vạn vật là do duyên tạo, hay nói khác hơn là thế giới và xã hội loài người được hình thành tương ứng với tâm thức con người, nghĩa là tâm con người thế nào thì thế giới và xã hội tương ứng thế ấy. Trong kinh Khởi Thế Nhân Bổn đức Phật trần thuật rằng, đến một giai đoạn nào đó thế giới Ta Bà này bị hoại diệt, chúng sanh ở Ta Bà phải sinh sang các thế giới khác, rồi một thời gian lâu sau khi Ta Bà hình thành trở lại thì chúng hữu tình lại sanh qua thế giới này, chớ đức Phật không hề nói thế giới này do một đấng nào đó tạo ra. Còn vạn vật cũng thế, vạn vật tự hình thành và tiến hóa theo thời gian: “… Lúc bấy giờ vạn vật trở thành một thế giới toàn nước đen sẫm, một màu đen khiến mắt phải mù. Mặt trăng, mặt trời không hiện ra; sao và chòm sao không hiện ra; không có ngày đêm; không có tháng và nửa tháng; không có năm và thời tiết; không có đàn bà đàn ông. Các loài hữu tình chỉ được xem là loài hữu tình mà thôi. Sau một thời gian rất lâu, vị đất tan ra trong nước. Như bọt nổi lên trên mặt cháo sữa nóng đang nguội dần, cũng vậy đất hiện ra…” Vào lúc đầu, chúng hữu tình từ cõi Quang Âm thiên sinh sang đây, thân họ tự chiếu ánh sáng nên thế giới này chưa có mặt trời mặt trăng, nhưng khi họ khởi tâm tham đắm vị ngon của đất, và dùng đất làm thức ăn thì ánh sáng phát ra từ thân họ biến mất nên “Khi ánh sáng của họ biến mất, mặt trăng mặt trời hiện ra. Khi mặt trăng, mặt trời hiện ra, thì sao và chòm sao hiện ra. Khi sao và chòm sao hiện ra, ngày và đêm hiện ra, khi ngày và đêm hiện ra, thì nửa tháng và tháng hiện ra. Khi nửa tháng và tháng hiện ra, thời tiết và năm hiện ra. Như vậy, này Vàsettha, thế giới này bắt đầu thành trở lại”. Qua quá trình hình thành thế giới Ta Bà này, chúng ta không hề nghe Phật nói thế giới và vạn vật do ai tạo ra cả, mà tất cả tự hình thành và tiến hóa theo thời gian. Nhưng dưới cặp mắt tuệ giác của đức Phật thì Ngài bảo rằng vạn vật trên thế gian này không có cái gì tự nhiên sinh mà tất cả vạn vật đều do duyên tạo, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt. Và chúng ta còn phải hiểu sâu hơn một bậc nữa, đó là đức Phật vẫn từng tuyên bố “nhất thiết duy tâm tạo”, tất cả vạn hữu có mặt trên cõi đời này là do tâm tạo. Nghĩa là do tâm phân biệt chấp trước mà thế giới vạn hữu được sinh ra nhưng bản chất thật của nó là không thật có, vốn không sinh và không diệt. Chính vì thế, điểm khác nhau giữa triết thuyết hình thành vũ trụ vạn hữu giữa đạo Phật với Thiên Chúa giáo là một bên thì cho rằng do chúa tạo, con một bên cho rằng do duyên tạo, hay còn gọi là do tâm thức hữu tình tạo.
Đọc kinh Thánh chúng ta thấy rằng kinh Thánh Cựu Ước mang tính thần thoại hơn là triết lý. Và những người viết nên bộ Thánh kinh này cũng chỉ là người phàm phu bình thường, chưa thể nghiệm chân lý nhưng giàu đầu óc tưởng tượng đã hướng con người sống trong một niềm tin mù quáng. Về cuốn Kinh Thánh của Ki Tô Giáo, có một điều mà giới hiểu biết về Kinh Thánh đã biết ngay từ đầu thế kỷ 20. Các học giả Âu Châu đã phân tích cuốn Kinh Thánh kỹ hơn bao giờ hết, và kết luận của họ là: Kinh Thánh không phải là cuốn sách do Thượng đế [của Ki-tô giáo] mạc khải mà viết ra, như các Ki Tô hữu đã tin, do đó không thể sai lầm. Thật ra, đó chỉ là một hợp tuyển lộn xộn những huyền thoại cổ xưa, truyền thuyết, lịch sử, luật lệ, triết lý, bài giảng đạo, thi ca, chuyện giả tưởng, và một số ngụy tạo rất hiển nhiên”. Thế mà tín đồ Thiên chúa giáo vẫn tin một cách thành kính. Họ vẫn tin vào một đấng chúa trời có quyền lực tạo ra và chi phối con người và vũ trụ này. Ngày nay, quan niệm về thuyết sáng thế của Thiên chúa giáo đã không còn sức thuyết phục nữa, vì càng ngày khoa học càng khám phá ra những học thuyết mới về nguồn gốc và quá trình hình thành thế giới và con người, trái với những gì mà kinh Thánh Cựu Ước mặc khải, tiêu biểu nhất là học thuyết tiến hóa của Darwin là mà sau đây chúng ta sẽ nói tới.
2. Đối chiếu thế giới quan trong kinh Khởi Thế Nhân Bổn” với “Thuyết tiến hóa” của Darwin:
Thuyết Tiến hóa của Darwin cho rằng : đời sống bắt đầu với một cơ thể đơn bào trong đại dương và phát triển qua nhiều giai đoạn tiệm tiến như thế nào. Ông viện dẫn bằng chứng khoa học để bảo vệ luận điểm của mình. Luận điểm này chứng minh rằng tất cả loài động vật có một nguồn gốc chung và phát triển từ hình thái này đến hình thái khác nhờ vào các biến đổi sinh học. Nhờ đó, người ta đã khẳng quyết rằng động vật không phải là loài động vật không thay đổi được, mà cũng không phải doThượng Đế tạo ra, mà chúng tiến hóa dần dần từ dạng thức thấp nhất của sự sống, và ngay bây giờ chúng cũng vẫn đang tiến hóa liên tục dưới nhiều dạng thức khác nhau. Đời sống của con người quá ngắn ngủi để theo dõi trọn vẹn quá trình tiến hóa này. Các loài động vật và thực vật sống cách đây hàng triệu năm, nay không còn nữa. Nhiều loại cây cỏ và động vật sống hàng triệu năm trong tương lai sẽ khác so với hiện nay. Trường hợp con người cũng vậy. 
Chúng ta không thể nói rằng quá trình thành thế giới và con người được đề cập trong Kinh Khởi Thế Nhân Bổn hoàn toàn trùng khớp với học thuyết Darwin. Bài Kinh không minh họa các sinh vật tự thích nghi với môi trường sống để tồn tại như thế nào, các sinh vật đã phát triển các khả năng để sinh tồn, cũng như những sinh vật khác lại bị hủy diệt ra sao như khám phá của Darwin. Tuy nhiên, hai bên đều có những điểm tương đồng nổi bật. Những dạng thức của sự sống đầu tiên được trình bày trong kinh Khởi Thế Nhân Bổn là vô tính: “… Lúc bấy giờ vạn vật trở thành một thế giới toàn nước đen sẫm …” Chúng sống như dạng rong rêu trên lớp váng ở đại dương. Sau một thời gian dài, chúng phát triển thành hình thù và có màu sắc khác nhau: Sau một thời gian rất lâu, vị đất tan ra trong nước. Như bọt nổi lên trên mặt cháo sữa nóng đang nguội dần, cũng vậy đất hiện ra. Ðất này có màu sắc, có hương và có vị. Màu sắc của đất giống như đề hồ hay thuần túy như tô, vị của đất như mật ong thuần tịnh…”. Khi lớp váng có mùi thơm biến mất, một loại nấm phát sinh thay thế cho đất, khi nấm biến, một loại dây leo phát sinh, rồi lúa phát sinh... cứ như thế sinh vật phát triển và tiến hóa theo thời gian. Tất cả chi tiết này tương hợp với học thuyết Darwin, là vạn vật tiến hóa và phát triển trong một thời gian dài, sinh vật mới liên tục phát sinh và phát triển. 
Bên cạnh điểm giống nhau, giữa sự mô tả của đức Phật và sự mô tả của Darwin về quá trình hình thành thế giới, còn rất nhiều điểm không tương đồng. Hay nói đúng hơn là có những điều mà đức Phật mô tả thì không thấy Darwin nói đến như khi thế giới Ta Bà hoại diệt thì chúng sanh ở thế giới này sanh qua cõi Quang Âm thiên, nhưng khi thế giới này thành trở lại thì chúng sanh ở cõi Quang Âm thiên sanh qua lại thế giới này … mặt trời, mặt trăng chưa có…, và có một số điều Darwin nói nhưng không thấy Phật nói như sinh vật vô tính có mặt trước khi các loại sinh vật có giới tính xuất hiện. Có những điểm không tương đồng này là điều hẳn nhiên, vì sao ? Vì đức Phật là một bậc giác ngộ chân lý, còn Darwin là một nhà khoa học đang khám phá chân lý. Một sự khác biệt giữa hai lãnh vực như vậy thử hỏi làm sao có một sự tương đồng? Đức Phật không chỉ thấy sự thành hoại của thế giới này mà với tuệ giác, ngài có thể nhìn thấy vô lượng vô số giai đoạn thành, trụ, hoại, không của vô lượng vô số thế giới, còn nhà khoa học Darwin chỉ nghiên cứu được quá trình tiến hóa của thế giới con người trong giai đoạn đang trụ của thế giới hiện tại này. Vả lại, một thuyết khoa học, tuy đã được kiểm chứng là phù hợp với những dữ kiện, kết quả của những nghiên cứu khoa học, những quan sát, những kết quả thực nghiệm v..v.. nhưng luôn luôn dành chỗ cho những chống đối hay phản bác hợp lý và phù hợp với những dữ kiện mới, khám phá mới. Cho nên một thuyết khoa học không bao giờ được coi là chung cùng, mà chỉ có tính cách giai đoạn, chỉ đúng cho đến khi có một thuyết mới chứng tỏ ngược lại hoặc chứng tỏ thuyết cũ chỉ có một áp dụng giới hạn chứ không áp dụng được một cách phổ quát. 

C. KẾT LUẬN:

Nhìn chung, thế giới quan của Phật giáo trong bài Kinh Khởi Thế Nhân Bổn không hề mang tính thần thoại như một số tôn giáo khác mà nó mang tính khoa học vì có những điểm phù hợp với những gì mà khoa học khám phá về quá trình hình thành thế giới. Thế giới và vạn vật được hình thành khi hội đủ nhân duyên chớ không hề có một đấng chúa trời hay Phạm thiên hay một vị thần nào tạo ra cả. Khi nhìn sâu hơn một tí, chúng ta sẽ nhận ra rằng tất cả mọi sự vật hiện tượng trên cõi đời này hiện hữu là do tâm thức của chúng sanh tạo nên. Vì do tâm thức phân biệt chấp trước điên đảo, do những hạt giống ô nhiễm tích lũy từ vô thỉ kiếp đến giờ mà con người cứ mãi gây tạo tội lỗi rồi theo nghiệp trôi lăn trong sanh tử, cứ mãi nhận giả làm chơn, mãi chạy theo bóng khách trần quên lối về bản giác. Chính vì vậy mà thế giới này cứ thành rồi lại hoại, hoại rồi lại thành, tiếp nối như thế biết bao giờ chấm dứt. Chỉ đến khi nào con người tỉnh ngộ, tìm về với bản tánh chơn tâm thường trụ thì sẽ chấm dứt vòng lẩn quẩn sanh, diệt, diệt, sanh của thế giới và con người.
Qua thế giới quan trong bài Kinh Khởi Thế Nhân Bổn, chúng ta có một nhận định rằng chỉ có bậc trí tuệ toàn giác như đức Phật mới thấu suốt được quá trình hình thành thế giới nhân sinh, xa hơn nữa là quá trình sanh, trụ, dị, diệt của hằng hà sa thế giới. Đức Phật không chỉ thấy về mặt sinh diệt của thế giới nhân sinh mà Ngài cũng thấy được đằng sau các hiện tượng sanh diệt kia vẫn luôn tiềm ẩn một bản thể bất sinh bất diệt mà khi chúng sanh còn bị vô minh che lấp nên chưa nhận ra được. Còn các nhà khoa học ngày nay tuy đã tiến lên đỉnh cao của tri thức khoa học nhưng họ thật khó mà khám phá ra được quá trình hình thành của thế giới nhân sinh đúng như những gì nó đã xảy ra. Chính vì vậy mà nhà bác học Isaac Newton – một đầu óc vĩ đại, một nhà khoa học lừng danh về thuyết trọng lực, đã xác nhận rằng: “Tôi có cảm tưởng rằng tôi chỉ là một em bé chơi đùa trên bờ biển và thỉnh thoảng lượm một hòn cuội nhẵn hơn hoặc vỏ sò đẹp hơn những cái người ta thường tìm thấy, trong khi đó biển chân lý mênh mông trãi ra trước mặt, nó vẫn hoàn toàn bí mật, chưa hề bị xâm phạm”. Lời tự xét của Newton nhũn nhặn đến thế! Ông tìm ra được luật chi phối vũ trụ mà ông chỉ nghĩ mình là một em bé trước sự bí mật vô biên của vũ trụ. Không phải ông nhã nhặn đâu! Phải có bộ óc sáng suốt như ông mới thấy rằng tất cả sự hiểu biết của nhân loại so với những cái chưa hiểu biết, chỉ như một hòn cuội so với đại dương.

TUỆ ĐẠT - KHOA TRIẾT KHÓA 6

Không có nhận xét nào: