Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020

Ý NGHĨA CỦA THẬP PHƯƠNG PHÁP GIỚI THƯỜNG TRỤ TAM BẢO.

1. Tam bảo là gì?
Tam bảo có ý nghĩa nói về ba ngôi Phật, Pháp, Tăng với sự thành kính và trân quý.
2. Phật là gì?
Phật là kẻ tối thiểu phải đạt được hai thứ: quả vị A la hán và chánh đẳng chánh giác. Nếu thiếu hai thứ đó thì không gọi là Phật. Ngôi Phật có hai quả vị: độc giác Phật và toàn giác Phật.
Phật có hai giai đoạn. Giai đoạn một là đang mang thân chúng sinh nhưng đã đạt quả vị Phật, thân chúng sinh của Phật chưa thân hoại mạng chung. Giai đoạn hai là vị ấy thân hoại mạng chung, nhập niết bàn. Nói là giai đoạn hai nhưng không có kết thúc giai đoạn. Thường trụ tam bảo không có ý nghĩa nói đến Phật đã nhập niết bàn.
3. Pháp là gì?
Pháp ở đây là Phật pháp. Phật pháp là một bộ phận của tất cả pháp, của mọi sự vật và hiện tượng trong vũ trụ.
Phật pháp là bao gồm tất cả các biểu thị cho chúng sinh hiểu biết đúng về sự hình thành, hiện hữu, chuyển biến, thay đổi, hủy hoại, không còn hiện hữu của mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ; bao gồm tất cả các biểu thị cho chúng sinh hiểu biết đúng về bản chất, về sự thật, về thực tướng của mọi sự vật và hiện tượng trong vũ trụ; bao gồm tất cả các phương tiện, phương pháp, phương thức đúng mà nếu chúng sinh vận dụng, áp dụng nó một cách tinh tấn và kiên trì thì sẽ đạt được quả vị thánh, Phật.
4. Tăng là gì?
Tăng là chúng sinh đang nhận vào Phật pháp (hiểu biết Phật pháp) và đang thực hành Phật pháp (vận dụng, áp dụng một cách tinh tấn và kiên trì).
Đó là ý nghĩa ba ngôi: Phật, Pháp, Tăng.
5. Thập phương pháp giới là gì? 
Thập phương là khắp nơi, là tất cả mọi nơi trong vũ trụ.
Pháp giới là thế giới của tất cả pháp.
Thập phương pháp giới là tất cả pháp trong vũ trụ, là mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ.
Thập phương pháp giới thường trụ tam bảo có ý nghĩa là tam bảo thường trụ trong thập phương pháp giới. Phật thường trụ trong thập phương pháp giới. Pháp thường trụ trong thập phương pháp giới. Tăng thường trụ trong thập phương pháp giới.
6. Tại sao nói Phật thường trụ trong thập phương pháp giới? 
Trong vũ trụ có hằng hà sa số nơi có chúng sinh cư trú. Lại có hằng hà sa số chúng sinh trong vũ trụ. Trong hằng hà sa số chúng sinh trong vũ trụ và trong hằng hà sa số nơi chúng sinh đang cư trú, luôn có ít nhất một nơi, ít nhất một chúng sinh đạt được quả vị Phật đang trụ thế. Do nhân ấy nên nói Phật thường trụ trong thập phương pháp giới.
7. Tại sao nói Pháp (Phật pháp) thường trụ trong thập phương pháp giới?
Mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ luôn chứa đựng thông tin về sự hình thành, sự hiện hữu, sự chuyển biến, sự thay đổi, sự hủy hoại, sự không còn hiện hữu của nó.
Mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ luôn chứa đựng thông tin về bản chất của nó, sự thật về nó, thực tướng của nó.
Trong hằng hà sa số sự vật và hiện tượng trong vũ trụ và trong hằng hà sa số sự vật, hiện tượng xảy ra tương tục thành trụ hoại không trong vũ trụ, trong đó luôn có các phương tiện, phương pháp, phương thức mà nếu chúng sinh vận dụng, áp dụng nó một cách tinh tấn và kiên trì thì sẽ đạt được quả vị thánh, Phật.
Một chúng sinh thông tuệ có thể nhìn thấy các pháp ấy và biểu thị ra cho chúng sinh khác hiểu biết, thực hành.
Do nhân ấy nên nói Pháp (Phật pháp) thường trụ trong thập phương pháp giới.
Trong vũ trụ có hằng hà sa số nơi có chúng sinh cư trú. Lại có hằng hà sa số chúng sinh trong vũ trụ. Trong hằng hà sa số chúng sinh trong vũ trụ và trong hằng hà sa số nơi chúng sinh đang cư trú, luôn có ít nhất một nơi, ít nhất một chúng sinh đang hiểu biết và đang thực hành Phật pháp. Do nhân ấy nên nói Tăng thường trụ trong thập phương pháp giới.

Thích Tuệ Định Quang
(Trích Pháp thoại: Thường trụ tam bảo)

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật