Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

SÔNG LAM - NÚI HỒNG

Núi Hồng Lĩnh tên Nôm là Ngàn Hống hay Rú Hống, cũng đọc là Hống, tên chữ là Hồng Sơn (núi Hồng) hay Hồng Lĩnh, là dãy núi nổi tiếng nhất Hà Tĩnh. Núi Hồng Lĩnh nằm giữa địa phận Thị xã Hồng Lĩnh và hai huyện Nghi Xuân (Nghệ An) và Can Lộc (Hà Tình). Cách thành phố Vinh khoảng 10 km về hướng Nam. Sườn phía Bắc núi Hồng Lĩnh nằm dọc theo bờ Sông Lam. Núi Hồng Lĩnh là một trong số ít các địa danh được khắc vào Bách khoa thư cửu đỉnh hiện đang đặt tại cố đô Huế (Năm Minh Mạng Thứ 7-1836).

Sông Lam chảy từ Lào qua Nghệ An và Hà Tĩnh vào biển Đông. 

Mạch núi chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, từ Nam Bến Thuỷ vào đến Bắc Cửa Sót. Chia làm 3 nhóm núi: Nhóm Thiên Tượng và nhóm Đụn ngăn cách nhau bởi tuông Eo Bầu. Hồng Lĩnh là đợt cuối chót của dãy núi Pu Lai Leng (Tây Bắc Nghệ An).

Sông Lam mờ sương

Hồng Lĩnh có nhiều đỉnh, tục truyền là 99 đỉnh và theo truyền thuyết Ông Đùng xếp núi thì đỉnh thứ 100 là Rú Rum (Lam Thành) ở bờ Bắc sông Lam, chưa kịp dắt về để cho đủ 100 ngọn núi Hồng. Thực tế đo đạc địa lý có hơn 60 đỉnh nhô cao lên từ mấy chục mét và cao nhất là 676m. Tính từ Tây Bắc xuống có các đỉnh: Nam Bàn, Yên Xuân, Đà Hồng, Cột Cờ, Thiên Tượng, Mồng Già (có 2 ngọn), Bạch Tỵ, Hương Tích, Tai Voi , Mũi Rồng, Ông, Tháp Cờ, Chân Tiên...Nhiều ngọn được mang tên kỳ thú do người đời đặt và lưu truyền. Có 8 cửa truông thuận tiện cho đi lại qua Hồng Lĩnh từ Tây sang Đông và từ Bắc xuống Nam, như truông: Cộng Khánh, Vắn (Cố Ghép)... Trong núi có nhiều hang động như: động 12 cửa, động Chẻ Hai, động Đá Hang, động Hàm Rồng... Có đến 26 khe suối chảy từ trong núi ra và ngày nay có hàng mấy chục đập nước ở chân núi Hồng Lĩnh, một số ao hồ ở lưng núi và chân núi như Bàu Tiên, Vực Nguyệt, Ao Núi Lân, Bàu Mỹ Dương. 

Sông Lam, đoạn qua Nghi Xuân, Hà Tĩnh 

Sông Lam, (tên gọi khác ở Việt Nam là Ngàn Cả hay Sông Cả; ở Lào là Nam Khan), là một trong 2 con sông lớn nhất ở Bắc Trung Bộ Việt Nam. Sông bắt nguồn từ cao nguyên Xiengkhuang từ vùng núi Mường Khút, Mường Lập (Lào) cao 1.800 - 2.000 m, do hai nguồn Nậm Nọn và Nậm Mô hợp lại. 


Tổng cộng chiều dài của sông là khoảng 513 km, đoạn chảy trong nội địa Việt Nam khoảng 361 km. Phần chảy trên lãnh thổ Lào gọi là Nam Khan. Phần chính của dòng sông chảy qua Nghệ An, phần cuối của sông Lam hợp lưu với sông La từ Hà Tĩnh, tạo thành ranh giới của Nghệ An và Hà Tĩnh đổ ra biển tại cửa Hội. Cụ thể, trên lãnh thổ Việt Nam, nó chảy qua địa phận huyện Kì Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Nam Đàn, giữa các huyện Thanh Chương, Hưng Nguyên, thành phố Vinh, Nghi Lộc của tỉnh Nghệ An rồi vào và Đức Thọ, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh của tỉnh Hà Tĩnh trước khi đổ ra vịnh Bắc Bộ.


Ngàn Cả hay sông Cả là tên cũ của sông Lam. Ngày nay, sông Cả chỉ phần nhánh chính từ Nghệ An của sông Lam. Nhánh này hợp với nhánh lớn thứ hai là sông La, từ Hà Tĩnh, để tạo thành phần hạ nguồn của sông Lam. Tiếng Cả vừa hàm nghĩa là "lớn", vừa có hàm nghĩa là "mẹ", mẹ của những con sông nhỏ đổ về như Nậm Nơm, Nậm Mộ, sông Giăng, và sông La. Còn tên "sông Lam" có lẽ do màu nước xanh. Sông còn có các tên như Lam Giang, Thanh Long Giang, Lam Thủy. 

Sông Lam - núi Hồng 

Cùng với núi Hồng Lĩnh, sông Lam được xem là biểu tượng hồn thiêng sông núi của xứ Nghệ. Hai bên dòng sông Lam có những làng văn hóa của Nghệ An và Hà Tĩnh như Yên Hồ (Đức Thọ), Tiên Điền, Uy Viễn (Nghi Xuân), Trung Lương (Thị xã Hồng Lĩnh), Trung Cần, Hoành Sơn, làng Kim Liên (Nam Đàn) tạo nên một vùng văn hóa Lam Hồng. Đặc biệt Sông Lam - Núi Hồng là nơi chuyên chở "Phù Sa" và Nguyên Khí để làm nên một Xứ Nghệ đẹp và địa linh - nơi sinh nhân kiệt cho đất Việt. 

Ảnh: Internet

Không có nhận xét nào: