Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

SÔNG ĐỒNG NAI - vùng đất năng động

Sông Đồng Nai là con sông lớn thứ hai ở phía Nam và lớn thứ ba của cả nước, trải dài từ Lâm Đồng, Campuchia đổ ra cửa biển Xoài Rạp và vịnh Gành Rái. Ngoài dòng Đồng Nai là con sông chính, nó còn có 2 phụ lưu lớn sông La Ngà và sông Bé.

Hệ thống phụ lưu đầy đủ của nó gồm có Đa Hoai, La Ngà (ở tả ngạn), sông Bé (sông Bé trước đây là tên tỉnh Sông Bé gồm 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước hiện nay), sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ (ở hữu ngạn).


Tổng diện tích lưu vực phần trong nước của sông Đồng Nai khoảng 37.330 km2, nằm trên địa phận các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Lắc, Bình Dương, Bình Phước, Đắc Nông, Long An, Tây Ninh, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh.

Sông Đồng Nai và Bửu Long

Như Vậy hỆ thống sông Đồng Nai phát triển trên cao nguyên, và một phần của miền Đông Nam Bộ. Trong lưu vực nhiều nơi đã xây dựng các nhà máy thủy điện như: Trị An, Thác Mơ, Đa Mi, Hàm Thuận v.v... Cửa sông Đồng Nai rộng và sâu, mực nước lên xuống theo chế độ bán nhật triều, giao thông đường thủy rất thuận tiện ở khúc hạ lưu (từ Trị An ra biển). 
Sông Bé là phụ lưu lớn của hệ thống sông Đồng Nai bên bờ phải, đổ vào dòng Đồng Nai ở Hiếu Liêm (gần thác Trị An).


Sông Sài Gòn được hợp thành từ hai nhánh Sài Gòn và Sanh Đôi, bắt nguồn từ vùng đồi núi Lộc Ninh, ven biên giới Việt - Campuchia, chảy qua Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương về Sài Gòn và đổ vào dòng Đồng Nai. Còn sông Vàm Cỏ là tên gọi chung đoạn hợp lưu của hai sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Đoạn hợp lưu này có chiều dài 36 km và đổ vào dòng chính sông Đồng Nai trước khi ra cửa biển Xoài Rạp. Nguồn của sông Vàm Cỏ Đông nằm trọn trong phần đất của Đông Nam Bộ, nên được coi là thuộc hệ thống sông Đồng Nai. Trong khi đó sông Vàm Cỏ Tây có quan hệ chặt chẽ về mặt thủy văn, thủy lực với sông Tiền nên được xem là thuộc hệ thống sông Mêkông. 


Về mặt hình thái lưu vực, sông Đồng Nai là một sông lớn, lưu vực gần như nằm trọn trên lãnh thổ nước ta. 


Nguồn sông chính xuất phát từ cao nguyên Lâm Viên, tỉnh Lâm Đồng. Đoạn trên mang tên sông Đắc Dung. Sông uốn khúc chảy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam vượt khỏi miền núi ra đến bình nguyên ở Tà Lài, tỉnh Đồng Nai.


Sông Đa Nhim góp nước vào sông Đắc Dung ở Đại Ninh. Ở khoảng hợp lưu với sông Bé thì có đập Trị An chắn dòng sông, tạo nên hồ nước nhân tạo lớn nhất miền Nam, tức hồ Trị An cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Trị An. Hồ Trị An cũng là nơi sông La Ngà từ triền núi phía nam cao nguyên Di Linh dồn nước về.

Đến thị trấn Uyên Hưng thì sông Đồng Nai chảy theo hướng Bắc - Nam ôm lấy cù lao Tân Uyên và Cù Lao Phố. Sông chảy qua thành phố Biên Hòa và Nhà Bè thì có thêm chi lưu là sông Sài Gòn. Do vậy có câu ca dao: Nhà Bè nước chảy chia hai /Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về...


Gia Định là rẽ theo sông Sài Gòn lên phía Tây Ninh, còn Đồng Nai là theo dòng sông lên Biên Hòa. Nhánh chính sông Đồng Nai ở khúc hạ lưu thường gọi là sông Nhà Bè. sông Nhà Bè là hợp lưu của sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, còn được gọi là Tam Giang. Đây là khúc sông rất rộng và sâu, nước chảy xiết, rất khó khăn cho việc đi lại bằng ghe thuyền. Chuyện kể rằng xưa kia, ở đây có một phú hộ có tấm lòng trượng nghĩa đã cho kết bè và cất nhà trên khúc sông này, trên đó chứa sẵn thức ăn, nước uống giúp cho khách thương hồ những khi lỡ bước dừng chân. Dần dần, cư dân tụ hội về đây cũng học theo kết bè cất nhà buôn bán trên sông, lâu ngày hình thành chợ nổi, vì vậy mới có tên là Nhà Bè cho đến tận ngày nay.

Hai phân lưu chính của sông Đồng Nai là sông Soài Rạp đổ vào vịnh Soài Rạp tại cửa Soài Rạp (rộng 2.000 - 3.000 m, sâu 6 - 8 m) ở huyện Cần Giờ và sông Lòng Tàu (sâu 15-20 m) đổ vào vịnh Gành Rái.

Cò trên sông Đồng Nai 

Hai bên sông Đồng Nai có nhiều làng nghề truyền thống, nhiều di tích lịch sử – văn hóa quan trọng của đất Đồng Nai và Nam Bộ. Từ thác Trị An chảy ra biển Đông, dòng sông Đồng Nai để lại nhiều cù lao lớn nhỏ trong đó tại địa phận Biên Hòa dòng chảy chia thành hai nhánh ôm trọn một dải đất. Đó chính là Cù Lao Phố hay còn gọi là Nông nại Đại Phố - nay là xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa. Cù Lao Phố là nơi phát triển sầm uất của cộng đồng người Minh Hương trước khi vùng đất này trở thành đơn vị hành chính chính thức của Đàng Trong năm 1698.


Theo sử sách đã chép, vào năm 1679 Tổng binh Trần Thượng Xuyên dẫn theo một đoàn người xin cư trú tại Việt Nam và được Chúa Nguyễn chấp thuận cho vào đất Đông Phố (nay là Cù Lao Phố) khẩn hoang. Khi đến Cù Lao Phố, Ông đã cùng người dân địa phương xây dựng nơi đây thành thương cảng lớn. Đường xá được mở rộng, phố xá được xây dựng, chợ búa được thành lập, hàng hóa dồi dào, thường xuyên có nhiều tàu ngoại quốc lui tới buôn bán. Thế nhưng cuộc chiến năm 1776 giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh đã tàn phá đi kiến trúc phong quang của Cù Lao phố, nay không còn dấu vết. Thời kỳ hoàng kim của Cù Lao Phố đi vào dĩ vãng, hoàn thành sứ mạng của đô thị cổ, một thương cảng sầm uất nhất phương Nam.


Sông Đồng Nai đã góp phần tạo nên sự phát triển năng động của các tỉnh Tây nguyên và miền Đông Nam bộ nơi có dòng sông đi qua: TP. Hồ Chí Minh, Bình dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận. Đặc biệt là tỉnh Bình Dương - nơi có con sông Sông Bé và sông Sài Gòn ôm ấp bao quanh - đang hình thành thành phố công nghiệp hiện đại. Biết bảo vệ và giữ gìn những sông thiêng này là góp phần giữ gìn nguyên khí của đất Việt. Bởi vì dòng sông không chỉ chở nặng phù sa mà còn vận chuyển nguyên khí để bồi đắp hiền tài cho đất nước.

Ảnh: Internet

Không có nhận xét nào: