Đông Tây

Thái Cực 
1. CON MẮT PHƯƠNG ĐÔNG: Cái không có gì lại là tất cả

Trong triết học Đông phương, người ta xuất phát từ một cái mang tính trống không (hư không) như cái trống không của não bộ. Cái này gọi là vô cực. Thanh nam châm có hai cực: cực dương và cực âm. Còn ở đây quan niệm vũ trụ ban đầu như thế... chẳng có cực nào cả. Một cái trống không, đâu đâu cũng như nhau. Nhưng cái trống không sinh ra một cái khác gọi là Thái cực. Thái cực lại có âm và dương. Âm dương tuy mâu thuẫn nhau nhưng không loại trừ nhau. Trong âm có dương và trong dương có âm. Âm dương bổ sung và thống nhất nhau. Điều này có trái với lôgic hình thức: những cái mâu thuẫn loại trừ nhau. Tại sao trong triết học Đông phương có điểm mâu thuẫn với lôgic hình thức? Nó như thế này... chẳng hạn dương là chồng và âm là vợ. Họ bổ sung cho nhau chứ? Nếu không phải thế mà loại trừ nhau thì còn gì là gia đình? Và nhân loại cũng sẽ không tồn tại.

Theo quan điểm Đông phương: Vô cực sinh Thái cực, Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái...từ đó sinh ra muôn vật. Và tất cả đều do Vô cực tạo ra. Cũng theo Lão Tử, sở dĩ cái nhà dùng được, vì nó có cái trống không bên trong, cái chén dùng được vì cũng trống rỗng bên trong để đựng nước. Còn cái Vô cực, Ông phát biểu:

Có một cái gì đó không xác định
Tồn tại trước cả Đất và Trời,
Một cái gì vô hình yên lặng,
Không suy suyển, độc lập, 
Luôn luôn chuyển động không mệt mỏi,
Có khả năng trở thành người mẹ của Vũ trụ,
Không biết tên nó, tôi gọi là Đạo...

Trang Tử cũng nói: "Nhà Minh triết theo dõi một vạn năm và nhìn lại như tại một thời điểm duy nhất". Nhà Minh triết đã nhìn bằng cái trống không nói trên. Cũng có vài câu chuyện xưa, trong đó người ta nhắc đến chữ trống không với ý nghĩa lớn lao: Tề Thiên Đại Thánh gọi là Tôn Ngộ Không; còn người bạn đầy tài năng của nhà vua hóa hổ Từ Đạo Hạnh cũng mang cái tên là Nguyễn Minh Không.

Anhxtanh - nhà bác học thiên tài 
2. CÁI KHÔNG CÓ GÌ LẠI LÀ TẤT CẢ: Con mắt Tây phương 

Trong vật lý học hiện đại cũng có khái niệm chân không, tức là không gian không chứa các hạt vật lý nào, cả năng lượng vật lý. Cái không gian trống rỗng này cũng lắm chuyện, nó liên quan đến cái etê đau khổ của cuối thế kỷ 19, trước khi thuyết tương đối của Anhxtanh ra đời. Người ta đã cố tình đổ cái etê đó vào trong cái không gian trống rỗng đó. Nhưng sau đó không lâu Anhxtanh quyết định: đổ cái etê đó ra ngoài, trở về lại cái trống rỗng... Nhưng cho đến nay trong những học thuyết sâu sắc về vật chất, như thuyết siêu thống nhất để quy về cái MỘT thì người ta lại thấy cái trống rỗng đó - gọi là vacuum vật lý. Đó là một trường vô cùng phong phú tạo dựng được cả thế giới vật lý chúng ta. Cái chân không vật lý giống cái vô cực của triết Đông phương: có âm có dương. Theo tính toán của các nhà vật lý, thì trong cái chân không đó có các bức tường mật độ rất cao phân chia nó thành từng vùng, vùng âm một bên, vùng dương một bên y hệt như trong Thái cực của triết Đông. Vũ trụ là một - Ông cha ta đã từng nói như thế. Vạn vật đồng nhất thể. Các nền văn minh Đông và Tây nhất định sẽ gặp nhau. Khoa học Tây phương càng phát triển thì càng gần với nền văn minh Đông phương.

Trước đây Anhxtanh đã từng mơ một giấc mơ thống nhất trường điện từ với trường hấp dẫn, nhưng bi kịch chưa thành... Phải chăng Anhxtanh chọn sai phương hướng? Không! Đúng phương phướng, nhưng chưa đúng thời điểm lịch sử. Lịch sử chưa chuẩn bị đủ hành trang cho con người tuyệt vời đó tiếp tục sứ mệnh cao cả của mình cho nhân loại. Hiện nay các con cháu của Anhxtanh kế tục cái phương hướng bi kịch đó của ông. Họ đã thống nhất được các tương tác yếu, tương tác điện từ, và tương tác mạnh với nhau thành công.

Phương pháp chụp toàn đồ 
3. ĐÔNG VÀ TÂY GẶP NHAU: Trên hình ảnh toàn đồ

Quan điểm sâu sắc nhất của triết học Đông phương: con người là một tiểu vũ trụ... Thực chất sâu xa của quan điểm này là: Đó là tính chất bộ phận có thể mang được thông tin của toàn bộ. Khác với quan điểm trên, người ta vẫn cho rằng bộ phận không thể nào bằng toàn bộ được; chẳng hạn như cánh tay thì không thể nào bằng cả thân thể con người (trừ một số trường hợp về tập vô hạn trong toán học).

D. Gabo 
Gần đây đã có giải thưởng Nôben cho nhà khoa học D. Gabo phát minh ra thuyết toàn đồ. Toàn đồ là gì... Chúng ta tưởng tượng đang ngồi và có một phóng viên đến chụp cho chúng ta một chiếc ảnh thông thường. Nếu, bởi một lí do nào đó, chúng ta xé chiếc ảnh đó thành một nghìn mảnh nhỏ rồi đưa cho một người xem đó là cái gì, thì người đó trả lời như thế nào? Chắc chắn họ chả hiểu gì cả! Đúng! Từ cái bộ phận nho nhỏ đó, người này sẽ không tả lại được toàn bộ chiếc ảnh đã chụp. Cái bộ phận này không thể mang được thông tin toàn bộ chiếc ảnh. Thế nhưng, thay vì cho hiện tượng ánh sáng đập vào mặt rồi khuếch tán lên phim ảnh để có chiếc ảnh trên, người chụp ảnh lại cho ánh sáng chiếu trực tiếp vào cả phim ảnh. Thế là có hai luồng sáng đập vào phim ảnh: một luồng khuếch tán và một luồng trực tiếp từ nguồn và giao thoa nhau; hai luồng đó giao thoa nhau và tạo ra được một cái gọi là toàn đồ. Người ta đã chứng minh được hai tính chất chính của toàn đồ: tính chất không gian ba chiều và tính chất bộ phận phục hồi lại được thông tin của toàn bộ. Tính chất thứ nhất là tính ba chiều đã được sử dụng để tạo nên các phim nổi. Khi xem phim, ta thấy chim bay thực sự như bay trong không gian ba chiều vậy. Tính chất thứ hai được minh hoạ như sau: Người ta chụp một hoa hồng bằng toàn đồ, cắt thành trăm mảnh và đặt một mảnh đó trên một máy chiếu đặc biệt. Trên màn ảnh hiện ra... cả cái hoa hồng. Điều này lại giống như quan điểm của Đông phương về con người là một Tiểu vũ trụ.

Bào thai lộn ngược
Hiện nay người ta cấy cây không nhất thiết từ hạt hay rễ mà từ mô như phong lan chẳng hạn; hoặc tinh vi hơn như trong sinh sản vô tính. Đó cũng là hiện tượng toàn đồ. Gần nhất, trên cơ thể chúng ta cũng có tính toàn đồ: tai chính là hình ảnh của bào thai lộn ngược. Trong đông y đã áp dụng châm cứu: nhỉ châm, diện châm, tị châm... Trên bán cầu não phải của chúng ta, nơi thu nhận một số thông tin qua vô thức, cũng hoạt động theo phương thức toàn đồ... Toàn đồ là nguyên lí cấu tạo chung của vũ trụ.

Ảnh: Internet

Không có nhận xét nào: