Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019

NÚI TẢN SÔNG HỒNG - ĐẠI LONG MẠCH CỦA NƯỚC VIỆT

Quốc gia nào cũng có con sông hoặc ngọn núi làm biểu tượng cho sự trường tồn của dân tộc mình, là điểm tựa, là niềm tin cho dân tộc ấy giữ gìn, bảo vệ và phát triển đất nước.

1. Núi Tản Viên - núi tổ của nước ta

Nhật Bản có núi Phú Sỹ, Ấn Độ có núi Linh Sơn, Trung Quốc (Bách Việt xưa) có núi Thái Sơn,... Việt Nam có núi Tản Viên. Ngọn núi này là biểu tượng thiêng liêng muôn đời trong tâm thức của người Việt.

Đức thánh ngự tại núi Tản Viên, Ngài đứng đầu trong “Tứ bất tử” (bốn vị thánh là đức Tản Viên, mẫu Liễu Hạnh, đức Thánh Gióng và đức thánh Chử Đồng Tử), vị linh thiêng bậc nhất luôn được Nhà nước và Nhân dân Việt tôn thờ hơn hai ngàn năm qua.

Núi Tản Viên 

Ngay sau khi hòa bình lập lại, Hồ Chí Minh nhìn địa thế “tiền thủy - hậu thạch”, trước mặt nơi hội tụ của ba dòng: sông Hồng, sông Đà, sông Thao và dựa lưng vào núi Tản Viên; nước sông Đà chảy từ bên trái sang bên phải “Trường lưu thủy”, tất cả đều chảy về biển lớn, nhìn toàn cảnh hình thế tay ngai, mạch đất linh thiêng. Người đã chọn vùng đất Đá Chông dưới chân núi Tản Viên, một trong năm vùng núi linh thiêng bậc nhất của nước Việt Nam làm nơi nghỉ ngơi và làm việc.

Theo sách “Bắc – Thành Địa dư chí” của Lê Đại Cương chép: “Núi này ở huyện Bất Bạt, phủ Quảng Oai (nay là huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây). Hình núi tròn như cái tán nên gọi là Tản Viên, rộng rãi bao la, đứng cao hùng vĩ, làm trấn sơn cho cả nước, cao 2.310 trượng, chu vi 18.605 trượng, hướng tây có Đà Giang chảy quanh theo, rừng cây rậm rạp, cảnh trí đẹp”. Tại Đền Và (Đông Cung) thờ Thánh Tản Viên (Sơn Tinh) có đôi câu đối như sau:

Châu hình đẩu tiễn thiên hoành không
Hạo khí quan mang vạn cổ tồn 

Có nghĩa là:

Dáng hình sừng sừng ngang trời rộng
Hạo khí mênh mang vạn thuở còn. 

Dưới triều Nguyễn, năm Bính Thân, Minh mạng thứ 17 (1836) đúc “Cửu Đỉnh” biểu tượng cho uy thế và sự bền vững của nhà Nguyễn. Minh Mạng cho chạm hình núi Tản Viên vào Thuần Đỉnh (cao 2,32 mét, nặng 1.950 kilogam) cùng với cửa Cần Giờ và sông Thạch Hãn. Đời Tự Đức năm thứ 3, Canh Tuất (1850) liệt Tản Viên vào hàng những núi hùng vĩ, giang sơn của đất nước và được ghi chép vào Tự điển để cúng tế hàng năm.

Núi Ba Vì còn chiếm một vị trí quan trọng, không những về mặt địa lý mà còn có địa vị độc tôn trong tâm linh người xưa như đỉnh Olympus (cao 2.917 mét) nơi ngự trị của chúa thần Deus (Dớt) của người Hi Lạp cổ. Trong sách “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi viết: “Núi ấy là núi tổ của nước ta đó”.

Trong nhiều thế kỉ qua, nhiều sách vở, công trình nghiên cứu đã có một số kết luận về nền văn hóa dân gian xứ Đoài gắn với truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh liên quan đến núi Ba Vì:

Nhất cao là núi Ba Vì
Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn. 

Sự thực núi Ba Vì chỉ cao 1.296 mét, núi Tam Đảo lại cao đến 1.581 mét, nhưng vì núi này là nơi ngự của Thần núi (thần Tản Viên), nên được nhân dân tôn vinh thành ngọn núi cao nhất, thiêng liêng nhất. Núi cao ở đây là cao trong tâm thức, không phải độ cao thấp đơn thuần về mặt địa lý. Truyền thuyết còn kể lại rằng núi Ba Vì là do Sơn Tinh dùng sách ước nâng núi lên cao, để ngăn nước lũ chống Thủy Tinh.

Nếu lấy núi Nghĩa Lĩnh (cố đô của nước Văn Lang thời tiền sử) làm tâm điểm thì núi Ba Vì và núi Tam Đảo là hai điểm đối xứng tạo thành “Thế tay ngai” trong luật phong thủy do triều đại Vua Hùng tạo lập.

Xứ Đoài đã ôm cả ba dòng sông lớn: Sông Đà, sông Thao, sông Lô. Ngã ba Bạch Hạc là nơi hợp thành của ba dòng sông ấy để rồi tụ thủy ở đầu sông Cái (sông Hồng) tạo dựng thành vùng châu thổ trù phú của đồng bằng Bắc Bộ ngày nay.

Núi Ba Vì không chỉ là ngọn núi huyền thoại về Sơn Tinh – Thủy Tinh mà còn là ngọn núi linh của xứ Đoài. Vua nhà Đường (Trung Quốc) đã coi núi Ba Vì như một đầu rồng hùng mạnh, còn thân rồng chạy suốt tới phương Nam (dãy Trường Sơn ngày nay). Để nước Nam không thể phát Vương, vua Đường đã cử Cao Biền (vị tướng kiêm phù thủy) dùng pháp thuật cho đào một trăm cái giếng xung quanh chân núi Ba Vì để trấn yểm tà triệt long mạch nước ta. Nhưng cứ đào gần xong giếng nào thì giếng đó lại bị sập, nên chúng đành phải bỏ cuộc bởi dãy núi thiêng – núi Tổ của nước Đại Việt.

Những truyền thuyết dân gian về cuộc giao chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh chứng tỏ tổ tiên ta đã bắt đầu cuộc trị thủy mở mang bờ cõi từ hạ lưu sông Đà, sông Tích để tạo ra một vùng núi Ba Vì trù phú như ngày nay.

Núi Ba Vì là ngọn núi thần kỳ, là một trong những ngọn núi cổ nhất của nước Đại Việt. Những phát hiện về khảo cổ học vùng văn hóa cổ Ba Vì đã chứng tỏ đây là một vùng truyền thuyết lớn phát triển sớm trong lịch sử hình thành dân tộc.

2. Sông Hồng

Đã nói đến núi thì phải nói đến sông.
Sông Hồng có tổng chiều dài là 1,149 km bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua Việt Nam và đổ ra biển Đông. Đoạn chảy trên đất Việt Nam dài 510 km. Đây là dòng sông quan trọng của nền văn minh lúa nước Việt.

Sông Hồng và lưu vực 

Dòng chính (chủ lưu) của sông Hồng bắt nguồn từ vùng núi thuộc huyện Nguy Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ở độ cao 1.776 m. Chi lưu phía đông bắt nguồn từ vùng núi huyện Tường Vân. Chủ yếu nó chảy theo hướng Tây bắc - Đông nam, qua huyện tự trị Nguyên Giang của người Thái, Di, Cáp Nê. Đến biên giới Việt - Trung, sông Hồng chạy dọc theo biên giới khoảng 80 km; đoạn thì sang bên lãnh thổ Việt Nam, đoạn thì sang bên lãnh thổ Trung Quốc. Điểm tiếp xúc đầu tiên của sông Hồng với lãnh thổ Việt Nam tại xã A Mú Sung (huyện Bát Sát), chính giữa sông là điểm phân chia lãnh thổ hai nước. Đến thành phố Lào Cai, sông Hồng chảy hẳn vào lãnh thổ Việt qua phía Đông thủ đô Hà Nội trước khi đổ ra biển Đông ở cửa Ba Lạt (ranh giới giữa hai tỉnh Thái Bình và Nam Định).

Ở Lào Cai sông Hồng cao hơn mực nước biển 73 mét. Đến Yên Bái cách Lào Cai 145 km thì sông chỉ còn ở cao độ 55 mét. Giữa hai tỉnh đó là 26 ghềnh thác, nước chảy xiết. Đến Việt Trì thì triền dốc sông không còn mấy nên lưu lượng chậm hẳn lại. Đồng bằng sông Hồng nằm ở hạ lưu con sông này.

Hệ thống sông Hồng 

Các phụ lưu chính của sông Hồng trên lãnh thổ Việt Nam có thể kể đến là sông Đà, sông Lô (với phụ lưu là sông Chảy và sông Gâm). Sông Hồng có phân lưu phía tả ngạn là sông Đuống chảy từ Hà Nội đến Phả Lại thuộc Hải Dương và sông Luộc chảy từ Hưng Yên đến Quý Cao (huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng). Hai sông này nối sông Hồng với hệ thống sông Thái Bình. Phân lưu phía hữu ngạn là sông Đáy và sông Đài (còn gọi là Lạch Giang hay Ninh Cơ), nối sông Hồng và sông Đáy là hai sông Phủ Lý và sông Nam Định. Ở Trung Quốc, các sông như sông Lý Tiên (tức sông Đà), sông Đăng Điều (tức sông Nậm Na), sông Bàn Long (tức sông Lô) và sông Phổ Mai (tức sông Nho Quế) cùng một số sông nhỏ khác như sông Mễ Phúc, sông Nam Khê chảy qua biên giới hai nước vào Việt Nam.

Sông Hồng có lưu lượng nước bình quân hàng nǎm rất lớn, tới 2.640m³/s (tại cửa sông) với tổng lượng nước chảy qua tới 83,5 tỷ m³, tuy nhiên lưu lượng nước phân bổ không đều. Về mùa khô lưu lượng giảm chỉ còn khoảng 700m³/s, nhưng vào cao điểm mùa mưa có thể đạt tới 30.000m³/s.

Nước sông Hồng về mùa lũ có màu đỏ - hồng do phù sa mà nó mang theo, đây cũng là nguồn gốc tên gọi của nó. Lượng phù sa của sông Hồng rất lớn, trung bình khoảng 100 triệu tấn trên nǎm tức là gần 1,5 kg phù sa trên một mét khối nước.

Sông Hồng góp phần quan trọng trong sinh hoạt đời sống cũng như trong sản xuất. Phù sa giúp cho đồng ruộng thêm màu mỡ, đồng thời bồi đắp và mở rộng vùng châu thổ ở vùng duyên hải thuộc hai tỉnh Thái Bình, Nam Định. Do lượng phù sa lớn mà lòng sông luôn bị lấp đầy khiến cho lũ lụt thường xuyên xảy ra, vì thế mà từ lâu hai bên bờ sông người ta đã đắp lên những con đê to nhỏ để tránh lũ lụt ngăn nước.

Sông Hồng không chỉ mang phù sa bồi đắp cho đất Việt mà còn mang một thứ khác quý hiếm hơn làm nên văn hiến Việt sẽ được nói dưới đây.

3. Đường kinh mạch linh thiêng


Ở phương diện hẹp, phong thuỷ hài hoà, gia đình mới hạnh phúc. Nhìn rộng hơn, phong thuỷ quốc gia hanh thông, đất nước mới thịnh vượng. Chẳng phải ngẫu nhiên mà 1.000 năm trước, vua Lý Thái Tổ đã chọn thế “rồng cuộn, hổ chầu” của Thăng Long để ngày nay tiếng thơm muôn đời. Nói vậy để nhớ lại rằng, từ xưa các cụ coi linh khí, long mạch đối với sự phát triển của đất nước là điều tối quan trọng.

Từ đỉnh Everest trên dãy Hymalaya cao 8.880 mét so với mặt biển, có đường kinh mạch linh thiêng trông giống hình con Rồng lớn, đi từ nóc nhà thế giới là cao nguyên Tây Tạng dọc theo biên giới Ấn Độ, xéo qua cao nguyên Vân Nam, đến đỉnh Panxipang cao 3.143 mét của dãy Hoàng Liên Sơn tỉnh Lao Cai, rồi toả ra trên đồng bằng Bắc bộ nước ta và chui xuống biển sâu ở Vịnh Hạ Long, cuối cùng đường kinh mạch kết thúc ở Vịnh Mindanao - Philippines ở đáy Đại dương sâu 10.800 mét.

Đây là “con Rồng” lớn nhất thế giới. Những nhà nghiên cứu phong thuỷ đã phát hiện ra đường kinh mạch này và cho rằng, đây là đường kinh mạch quan trọng quyết định vận mệnh của quốc gia.

4. Thăng Long - tâm điểm của Đồng bằng Bắc Bộ và cả nước

Trên sơ đồ Núi Chầu Sông Tụ mà nhà nghiên cứu phong thuỷ Ngô Nguyên Phi đã mô tả, thì 8 dãy núi vòng cung xoáy theo hình rẻ quạt đi lần lượt từ dãy Đông Triều, Bắc Sơn, Ngân Sơn, Sông Gâm theo hướng Đông Bắc Tây Nam, đến dãy Sông Đà và Ninh Bình từ phía Tây Nam hất ngược lên, cuối cùng là dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Tam Đảo đi từ chính Bắc xuống… Tám dãy núi vòng cung quy tụ ở tâm điểm Thăng Long. Kèm theo hướng núi là hướng các con sông cũng đồng quy về trung tâm Thăng Long, đúng như 2 câu thơ vịnh của thầy Tả Ao:

“Thiên sơn vạn Thuỷ triều lai
Can Chi bát quái trong ngoài tôn nghinh” 

Đó chính là thế quý hiểm độc nhất vô nhị của nước ta.
Ảnh minh họa: Ashui.com/forum

Trên bản đồ địa hình, trong thế đồng quy của 8 dãy núi xoáy lại, không rõ từ mạch ngầm nào mà ngọn núi Ba Vì sừng sững “mọc lên”, như thể tạo hoá đã cố công dụng nạp linh khí của “bốn phương tám hướng” về đây.

Đỉnh núi chỉ cao 1.296 mét, nhưng là đỉnh cao nhất của khu vực Thăng Long, là nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh với bao nhiêu câu chuyện truyền thuyết, như chuyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh thời Hùng Vương; chuyện từng đoàn quạ đen sà xuống bên Hồ Tây uy hiếp giấc ngủ của Mã Viện, sau khi ông tướng già đó truy đuổi hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị, khiến hai bà phải nhảy xuống sông tự vẫn ở thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên; đến câu chuyện thầy phong thuỷ Cao Biền bị Tản Viên Sơn Thánh phạt khi ông phù thuỷ này định dùng tà thuật để đùa giỡn với Thánh Nhân Đất Việt.

5. Hồ Tây - yếu huyệt của Thăng Long

Lịch sử 1.200 năm trước, khi quan đô hộ sứ kiêm thầy phong thuỷ Cao Biền phát hiện ra linh khí của vùng đất quý hiển này, nên quyết tâm xây dựng Thành Đại La có 30 kilomet bờ đê bao quanh, để lập ra một Vương quốc cho riêng mình, thì ông ta đã chọn Hồ Tây là “Não Thuỷ”, tức là nơi “Hào kiệt thời nào cũng có”.

Hồ Tây - Hà Nội

Sông Hồng, Sông Tô đối với yếu huyệt Hồ Tây cũng có mối liên hệ mật thiết, là Long Mạch chủ của yếu huyệt. Câu chuyện Tản Viên Sơn luôn luôn gắn liền với hiện tượng các dòng sông sau khi chúng “gặp nhau” ở Việt Trì và thực sự “hội tụ” ở Thăng Long, khi sông Hồng mở ra rất rộng, rồi nối với sông Đuống, sông Cầu ở bên Tả ngạn và rất nhiều sông con ở bên Hữu ngạn, tất cả đều liên thông với Hồ Tây qua Long mạch chủ là sông Tô Lịch.

Dân ta không bao giờ quên những câu thơ trữ tình nói về sông Tô:

“Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh 
Ngập ngừng muốn tỏ tâm tình 
Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu” 

Việc sông Tô Lịch bị lấp, xây nên các phố Chợ Gạo, Ngõ Gạch, Hàng Buồm, Hàng Lược, Quán Thánh, Phan Đình Phùng, Thuỵ Khuê, Hồ Khẩu, Chợ Bưởi... cắt đứt quan hệ với Hồ Tây và ngã ba tam hợp với sông Thiên Phù và sông Nhuệ thông với sông Hồng, đã tạo ra một dòng sông chết, khiến Sông Tô trong xanh ngày xưa thành nơi đổ nước thải.

Ảnh: Trần Thanh Vân

6. Thăng Long - lịch sử và truyền thống

Chúng ta đang bước vào năm thứ 1.002 của Thăng Long – Hà Nội, nhưng muốn nói đến sự linh thiêng và huyền bí của vùng đất này, phải đi ngược trở lại thời Tiền Lý với cuộc khởi nghĩa của Lý Bí lập nên nước Vạn Xuân và nhân vật khai quốc công thần là Phạm Tu - Lý Phục Man. Cho đến khi vua Lý Thái Tổ lên ngôi, đã di đô về lại Đại La và lấy tên là Thăng Long thì đất nước mới thật thịnh trị thái bình.

Như vậy, Kinh đô Thăng Long xưa đã hình thành và phát triển trên khung cốt của Đại La thành, trong đó dòng sông Tô Lịch là Long mạch chủ và Hồ Tây là Đại Minh Đường hình bán nguyệt. Đây chính là hồn cốt của Thăng Long cần thiết phải được khôi phục.

Quãng sông Tô từ phường Hà Khẩu xưa, nay là phố Chợ Gạo đến Làng Hồ Khẩu và Chợ Bưởi, tổng cộng chiều dài 15 kilomet, đã bị lấp ngót 200 năm, thì không thể khôi phục được nữa. Nhưng chúng ta có điều kiện khôi phục trọn vẹn vùng đất một thời rất thịnh vượng là vùng Chợ Bưởi – Nghĩa Đô đến Xuân La - Xuân Đỉnh.

Phương án hiện thực là nối lại các dòng sông, trong đó dấu tích sông Thiên Phù gần như đã mất hết, nhưng những làng xóm và cánh đồng đi từ cống Liên Mạc qua sông Nhuệ theo hướng Tây Bắc Đông Nam thì vẫn còn nguyên vẹn, giúp ta khai thông lại một hệ thống kênh đào phục vụ du lịch như một Venice của nước Ý ngay phía Tây Hồ Tây. Đặc biệt, khu vực phường Nghĩa Đô đến Xuân La cần được nhìn nhận là một nơi yếu huyệt của Thủ đô hiện nay để được thiết kế quy hoạch lại…

Đỉnh Ba Vì là nơi toả khí thì chân Ba Vì không thể là nơi thụ khí. Đó là "góc chết" của vòng tròn vận khí. Đặt Trung tâm hành chính Quốc gia ở chân núi Ba Vì là ta xây một "Ẩn Long", không còn là một Thăng Long nữa.

7. Thụ khí và toả khí

Năm 1995 - 2002, Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương (1927-2003) đã hoàn thành các công trình nghiên cứu đồ sộ "Tích hợp đa văn hoá đông tây cho một chiến lược giáo dục tương lai", "Sứ Mệnh Đức Di Lặc" dùng khoa học hiện đại phương Tây là Toán học và Vật lý lý thuyết, để lý giải triết học cổ Đông phương, trong đó ông đặc biệt coi trọng cơ sở Kinh dịch cổ và Lý thuyết Tập mờ của nhà toán học người Mỹ L.A.Zadeh mới xuất hiện năm 1965.

GS Hoàng Phương cũng là một tín đồ trung thành với lý thuyết tương đối của Albert Einstein. Một trong những đóng góp lớn của GS là ông đã dùng lý thuyết Y học Đông phương để "giải phẫu" một cơ thể người, khẳng định con người là một vũ trụ thu nhỏ. Trên cơ sở đó, ông lý giải một quốc gia, hay một đô thị, cũng giống như một cơ thể người. Cơ thể đó cần có một cái đầu chứa bộ não thông minh, một bộ khung xương vững vàng, các khớp xương linh hoạt, một hệ tuần hoàn lưu thông máu để nuôi mọi bộ phận trên cơ thể.

Trong suốt 700 năm của ba triều đại Lý, Trần, Lê, dân số rất ít nên Thăng Long gần như không thay đổi. Hoàng thành nhỏ hẹp ở phía Nam Hồ Tây, quân lính bảo vệ kinh thành đồn trú ở phường Nhật Chiêu phía Bắc Hồ Tây, án ngữ toàn bộ sông Hồng và ngã sông Đuống.

Nằm giữa hai bộ phận trên là "não thủy" Hồ Tây. Nơi đó cách đỉnh Ba Vì 26 kilomet theo đường chim bay. Nếu đỉnh Ba Vì là nơi "toả khi", thì vùng này là nơi "thụ khí". Hồ Tây là nơi tạo nên niềm kiêu hãnh của văn hóa Thăng Long, nơi có huyệt đạo quốc gia, nơi lui tới của anh hùng hào kiệt, nơi tập trung các phường hội thủ công buôn bán.

Đặc biệt góc Tây Nam là Bến Hồng Tân (Chợ Bưởi ngày nay) là Ngã ba Tam hợp, nơi sông Tô Lịch gặp sông Thiên Phù nối với Hồ Tây qua phường Hồ Khẩu, có thuyền buôn trong nước, ngoài nước ra vào tấp nập. Các làng quanh Hồ Tây xưa đều được gọi là "phường" và sông Thiên Phù (Trời giúp) làng Bái Ân và Đình, Chùa Bái Ân (nơi Vua tôi xưa đến làm lễ tạ ơn trời đất).

8. Kinh đô

Từ buổi sơ khai của xã hội loài người, ở đâu cũng vậy, sau những ngày dài sống du cư, sẽ có từng đoàn người đưa nhau đi tìm vùng đất để định cư. Có khi chợt bắt gặp một vùng đất tốt, chỉ trong một buổi chiều ngắn ngủi, vị tù trưởng có thể nhanh chóng quyết định “hạ trại” và ít lâu sau nơi đó đã có thành quách, lâu đài, nhà cửa phồn thịnh.

Lịch sử phát triển kinh đô của cả thế giới cổ đại, trung đại và hiện đại cũng đều diễn ra tương tự, có một kinh đô đủ điều kiện để trị dân an dân đã khó, nhưng muốn có một kinh đô phồn vinh, phát triển bền vững và ổn định, càng cần có một ý chí quyền lực rất mạnh.

Paris cổ xưa trở thành Kinh đô ánh sáng hiện đại và hoa lệ cổ kinh thời Đệ nhị đế chế những năm 1858 – 1870 là nhờ ý chí của Napoléon và sự lao động cần mẫn của kiến trúc sư, tỉnh trưởng - Nam tước Hussmann.

Ngày nay, đại Paris rộng lớn đang hình thành cũng nhờ ý chí và sự bảo trợ đặc biệt của đương kim Tổng Thống nước Pháp Nicolas Sarkozy. Ông đã huy động nhiều kiến trúc sư danh tiếng của nước Pháp, Anh, Đức, Ý, Hà Lan. Và cho dù nền kinh tế thế giới đang suy thoái thì “giấc mơ đại Paris” sẽ tiêu hết 35 tỷ Euro có thể gặp khó khăn nhưng không hề bị giảm sút.

Ở nước ta cũng vậy, một ngàn năm trước, khi vừa lên ngôi mới ngoài 30 tuổi, vua Lý Thái Tổ đã có thể tự tay viết bản Thiên Đô Chiếu bất hủ “Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế Rồng cuộn Hổ chầu, chính giữa Nam, Bắc, Đông, Tây, tiện nghi núi sông sau trước”, rồi lập tức nhà Vua cho triều đình rời đô từ Hoa Lư về Đại La.

Đỉnh núi Ba Vì, và cụ thể tại đỉnh cao 1296 mét, nơi toạ lạc Đền Thượng, thờ Tản Viên Sơn Thánh chính là một cột ăng - ten thu Thiên Khí giáng xuống, kết hợp với Địa Khí của Long mạch trầm hùng ở dãy núi Hy Mã Lạp Sơn (đỉnh Everest cao 8.888 mét nóc nhà của thế giới), Long mạch này sẽ kết Huyệt tại vùng nước cạnh Phủ Tây Hồ mà mọi người vẫn thành kính gọi là huyệt đạo quốc gia. Đây chính là Đế Vương Huyệt của Việt Nam và tạo nên Thăng Long - Hà Nội. Như vậy Thăng Long chính là Đại Minh đường của Tản Viên.

9. Thủ đô Việt

Từ xưa đến nay, việc lựa chọn một khu vực thích hợp và thuận tiện làm thủ đô bao giờ cũng là một vấn đề vô cùng quan trọng, có liên quan đến sự sống còn của một chế độ hay có khi của cả một dân tộc. Bởi thế nên từ hơn 3.000 năm về trước, các vua chúa Trung Hoa đã biết dựa vào thuật Phong thủy để tìm kiếm những vùng đất tốt đẹp cho việc đóng đô lập quốc. Có lẽ điều này giải thích lý do tại sao các triều đại phong kiến Trung Hoa thường tồn tại rất lâu dài, bền bỉ. Và mặc dù cũng phải trải qua những giai đoạn suy tàn, ly loạn, nhưng sức mạnh và nền văn minh của họ vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển cho tới bây giờ, chứ không bị tàn lụi hẳn như những đế quốc cổ đại và trung đại khác như Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, Mông Cổ, Ả Rập…

Riêng đối với dân tộc Việt Nam của chúng ta, từ lúc sơ khai của thời kỳ Hùng Vương cho tới nay, thủ đô của đất nước đã được dời đi, đổi lại nhiều lần, và vận mệnh của dân tộc cũng vì thế biến đổi theo. Từ Phong Châu (kinh đô của các vua Hùng) đến Cổ Loa, Phiên Ngung, Hoa Lư, rồi tới Thăng Long (tức Hà Nội), Phú Xuân (tức Huế). Tùy theo địa thế và vận khí riêng biệt của mỗi thành phố trên, đất nước ta đã từng trải qua biết bao nhiêu giai đoạn thăng trầm. Khi thì vươn lên với một nền văn minh rực rỡ của trống đồng Ngọc Lũ, Ðông Sơn; khi thì tàn tạ, yếu kém phải chịu đựng 1,000 năm Bắc thuộc. Rồi đến những lúc cường thịnh đủ sức phá Tàu, bình Chiêm Thành, Chân Lạp; lại có những lúc suy yếu phải chịu sự đô hộ, sai khiến của ngoại bang…

Giờ đây, trong số những địa danh ấy, chỉ còn có Hà Nội, Huế (Đà Nẵng?) và Sài Gòn là vẫn tiếp tục nắm giữ những vai trò quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và giao thương, mậu dịch của đất nước mà Hà Nội là đắc địa hơn cả.

Hà Nội là thành phố nằm gần như ngay tại trung tâm của đồng bằng Bắc bộ, trên dải đất hẹp giữa con sông Hồng ở phía Ðông và sông Tô Lịch ở phía Tây. Ðối với Phong thủy, dải đất này chính là chân long, là nơi kết tụ được nhiều nguyên khí của địa hình sông, núi ở chung quanh. Nhờ vậy, Hà Nội sẽ luôn luôn nắm được những vai trò quan trọng về chính trị và kinh tế đối với đất nước, chẳng những thế, trong các thời kỳ hưng vượng còn sản sinh ra những lãnh tụ tài ba, những anh hùng kiệt xuất. Nếu nhìn lên bản đồ miền Bắc, ta sẽ thấy những con sông lớn như sông Cầu, sông Gầm, sông Lô ở phía Bắc; sông Ðà, ở phía Tây, sau khi chảy qua nhiều nơi cuối cùng đều nhập vào sông Nhị Hà chảy về Hà Nội. Xa xa, dọc theo biên giới Việt - Hoa, những dãy núi trùng trùng, điệp điệp xuất phát từ miền Nam Trung Hoa đâm thẳng xuống dọc theo các phía Tây Bắc, Bắc và Ðông Bắc, tất cả cũng đều như muốn hướng về. Ðây chính là thế “núi sông chầu phục” của Hà Nội, một địa thế Phong thủy tuyệt đẹp đến nỗi không một thủ đô nào của các nước trong vùng Ðông Nam Á Châu, (kể cả thành Bắc Kinh của Trung Hoa) có thể so sánh được. Không những thế, ngoài xa nơi phía Ðông và Ðông Nam, Hà Nội còn được đại thủy của vịnh Bắc bộ và Thái Bình Dương chiếu tới nên thần lực rất lớn, xứng đáng là thủ đô muôn đời của một quốc gia văn hiến hùng mạnh.

10. Kết 

Hà Nội với thế núi, thế sông quá lớn, quá hùng vĩ, dài hàng mấy trăm dặm tiến tới, tất cả đều như muốn hướng về phủ phục, triều bái, nên quả thật là thế đất kinh đô muôn đời. Bởi thế nên từ trước khi Hà Nội (tức Thăng Long) được chọn làm thủ đô, nước ta chỉ là một quốc gia nhỏ, sánh ngang hàng với những nước nhỏ như Chiêm Thành, Phù Nam, Chân Lạp, Lão Qua (tức Ai Lao)… đã vậy lại còn bị Trung Hoa đô hộ suốt gần 10 thế kỷ. Phải đến khi vua Lý Thái Tổ dời đô về đây, đất nước ta mới dần dần trở nên hùng mạnh. Chẳng những thế, tổ tiên ta còn nhiều lần đánh bại những cuộc xâm lăng quy mô rất lớn và khốc liệt của các triều đại phong kiến Trung Hoa.

Một điểm đáng chú ý khác là kể từ khi Hà Nội được chọn làm thủ đô, nước ta không bao giờ bị ngoại bang đô hộ. Ngay cả trong những giai đoạn tàn tạ, đen tối nhất như những thời mạt vận của các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Trịnh – Nguyễn. Vào những thời điểm đó, giữa lúc những nhà lãnh đạo đất nước đều bất tài, hèn kém, nhu nhược, nhân dân thì đói khổ, loạn lạc nổi lên khắp nơi, nhưng nền độc lập của dân tộc vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Chỉ đến khi nhà Hồ dời đô về Thanh Hóa, hoặc như sau này nhà Nguyễn lập kinh đô tại Phú Xuân, nước ta mới bị các thế lực ngoại bang hùng mạnh thôn tính, cai trị. Ðó chính là do địa thế đặc biệt của Hà Nội, nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc bộ, được những dãy núi hùng vĩ, trùng trùng điệp điệp từ xa tiến tới, phủ phục triều bái ở bên ngoài. Với địa thế đặc biệt như vậy, nên không một thế lực nào trên thế giới có thể khuất phục được Hà Nội. Vấn đề nhiều hay ít chỉ còn tùy thuộc vào những giai đoạn thịnh, suy của Hà Nội mà thôi.

Ảnh: Internet
Tài liệu tham khảo:
Sách "Tích hợp đa văn hoá đông tây cho một chiến lược giáo dục tương lai" của GSTS. Nguyễn Hoàng Phương xuất bản năm 1995
Sách "Sứ Mệnh Đức Di Lặc" của GSTS. Nguyễn Hoàng Phương (chưa xuất bản)
Nguồn: https://hoangvanlac31.blogspot.com/

Không có nhận xét nào: