Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

SÔNG HÀN VÀ ĐÀ NẴNG

Sông Hàn có tên chữ là Hàn giang, thời Pháp thuộc còn được gọi là sông Đà Nẵng. Sông Hàn bắt đầu ở ngã ba sông, nơi hợp lưu giữa sông Cẩm Lệ và sông Vĩnh Điện, tại phường Hòa Cường Nam thuộc quận Hải Châu, cũng là nơi giáp giới với hai quận Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn.

Sông chảy theo hướng Nam-Bắc, đi qua địa bàn các quận Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà rồi đổ ra vịnh Đà Nẵng với chiều dài khoảng 7,2km. Chiều rộng của sông khoảng 900 – 1.200m, độ sâu trung bình 4 - 5m là đầu mối giao thông thủy nối với các quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang và các huyện thuộc tỉnh Quảng Nam. 

Thượng nguồn

Vĩnh Điện là sông nối từ sông Thu Bồn ở Quảng Nam chảy ra địa phận thành phố Đà Nẵng qua các huyện Hòa Vang, quận Ngũ Hành Sơn và quận Cẩm Lệ rồi hợp lưu với sông Cẩm Lệ ở phường Hòa Cường Nam thuộc quận Hải Châu để tạo thành sông Hàn. 

Phần sông Vĩnh Điện trên đất Đà Nẵng chảy theo hướng Nam-Bắc, dài chừng 12km, rộng khoảng 200m. Trước kia sông Vĩnh Điện chỉ là một dòng chảy nhỏ, thời Nguyễn cho đào mở rộng và chỉnh dòng để phục vụ nông nghiệp và giao thương. Khi liên quân Pháp-Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng năm 1858, triều Nguyễn đã huy động nhân dân phủ Điện Bàn đổ đất đá vào sọt tre, rồi đem lấp bớt dòng sông Vĩnh Điện để giảm lưu lượng nước đổ về, nhằm làm cho mực nước sông Hàn hạ xuống, khiến tàu chiến hạng nặng của quân xâm lược không thể vào trong sông được. 

Sông Vĩnh Điện. 

Sông mang tên Vĩnh Điện là do chảy qua vùng đất Vĩnh Điện ở tỉnh Quảng Nam, nhưng đoạn sông Vĩnh Điện từ cầu Tứ Câu xuống hạ lưu có khi được dân địa phương gọi là sông Tứ Câu; còn tên gọi phổ biến nhất là sông Cái. Khi đi qua làng Cổ Mân (nay thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) để hội lưu với sông Cẩm Lệ, dân địa phương gọi là sông Cổ Mân. Ngược lại, do sông cũng đi qua làng Mân Quang (nay thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn), nên còn được gọi là sông Mân Quang. 

Sông Vĩnh Điện có nhiều loài thủy sinh cư trú, nổi tiếng nhất là loài hến ngọt. Con sông này rất quan trọng đối với cảnh quan, môi trường trên địa bàn, có thể phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, đánh bắt thủy sản, giao thông vận tải và du lịch sinh thái (như ở Hòa Xuân, Đồng Nò).

Từ ngã ba sông Hàn-sông Vĩnh Điện ở phường Hòa Cường Nam thuộc quận Hải Châu ngược lên thượng nguồn đến chỗ Cầu Đỏ trên đường quốc lộ 1A được gọi là sông Cẩm Lệ. Sông có dòng chảy theo hướng Tây-Đông Bắc, qua địa bàn quận Cẩm Lệ và một phần thuộc phường Hòa Cường Nam ở quận Hải Châu, rộng trung bình khoảng 250m với chiều dài 5,6km. 

Tương truyền, ngày xưa có một người con gái tên Cẩm vì chuyện duyên tình trái ngang đã trầm mình xuống sông tự vẫn; khi được vớt lên, nhiều người đã nhỏ đôi dòng lệ khóc thương cô gái, nên dòng sông từ đó mang tên Cẩm Lệ. 

Sông Cẩm Lệ có nhiều loài động thực vật nước 

Một cách lý giải khác thì cho rằng vào thời Hồ - Lê thế kỷ 15-16, dòng sông này vốn chỉ là một con lạch nhỏ, sau nhờ dòng chảy thay đổi mới mở ra thành sông lớn, có nhiều phù sa bồi đắp nên bờ sông trở nên màu mỡ. Trên nền đất bồi, giống mướp đắng (khổ qua) có da màu đen không biết từ đâu sinh sôi, nẩy nở rất nhanh, người dân ăn không hết mới đem bán cho dân cư quanh vùng, riết thành quen nên gọi luôn là sông Cẩm Lệ (dân địa phương cho rằng Cẩm Lệ có nghĩa là “trái khổ qua da đen”). 

Sông Cẩm Lệ có nhiều loài động thực vật nước, là một trong những nguồn lợi để mưu sinh của dân chúng ở đôi bờ. Đặc biệt, lượng phù sa lớn được bồi đắp hằng năm rất thuận tiện cho việc trồng hoa màu.

Ngày trước, bên sông Cẩm Lệ có nhiều lễ hội được tổ chức hàng năm, như lễ “Phong Lệ mục đồng”, lễ “Rước Hến” (mồng 1 tháng Giêng Âm lịch), lễ “Tạ sông” (mồng 10 tháng 7 Âm lịch).

Ngày nay, năm nào Hội đua ghe Cẩm Lệ cũng được tổ chức vào ngày 25 tháng Giêng Âm lịch, cứ 3 năm tổ chức đua lớn một lần.

Từ Cầu Đỏ tiếp tục ngược lên thượng nguồn, đến chỗ hợp lưu của sông Yên và sông Túy Loan ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, gọi là sông Cầu Đỏ. Dòng chảy của sông Cầu Đỏ từ ngã ba sông hợp lưu về Cầu Đỏ theo hướng Tây-Đông, qua địa bàn các xã Hòa Tiến, Hòa Châu, huyện Hòa Vang và phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, rộng chừng 190m, dài khoảng 3,9km.

Tên gọi sông Cầu Đỏ được đặt theo tên chiếc cầu sơn màu đỏ xây dựng trên đường 1A từ thời Pháp thuộc (bây giờ cầu đã được sơn màu trắng).

Đầu thế kỷ 20, sông Cầu Đỏ còn là con sông nhỏ, nhưng về sau lớn dần lên, là nguồn nước quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nhiều xã phường ở huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ, đồng thời có nhà máy nước Cầu Đỏ cung cấp nước uống cho toàn thành phố Đà Nẵng.

Sông Cầu Đỏ có các chi lưu là sông Yên và sông Túy Loan. Sông Yên vốn là phân lưu từ sông Vu Gia ở Quảng Nam chảy ra; còn sông Túy Loan thì bắt nguồn tận vùng núi Bà Nà, tiếp tục có các chi lưu là sông Lỗ Đông, sông Lỗ Trào và sông Hội Phước.

sông Hàn thoáng trông thì ngắn ngủn, nhưng hóa ra đã tiếp nhận khôn xiết cơ man nguồn nước khổng lồ từ cả một hệ thống sông nước đổ về, góp phần làm nên sự thịnh vượng cho thành phố, cung cấp nguyên khí hun đúc nhân tài.

Hạ Lưu 

Tên sông Hàn bắt nguồn từ chuyện ngày xưa cha ông ta đã khóa cửa sông bằng xích sắt để ngăn không cho tàu giặc vào thành phố. Đến Đà Nẵng có lẽ không bao giờ quên được con sông Hàn nằm giữa lòng thành phố. Không đỏ nặng phù sa như sông Hồng, không dịu dàng, hiền hòa như sông Hương, nhưng sông Hàn khỏe khoắn, thơ mộng trông như dải lụa xanh vắt ngang qua thành phố, có cây cầu quay “độc nhất vô nhị” của cả nước bắc qua.

Ngã ba nơi sông nước mênh mang. 

Trên sông Hàn hiện có năm cây cầu bắc qua, tính từ biển vào là Thuận Phước, Sông Hàn, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, Tuyên Sơn và một cầu đang xây dựng là Cầu Rồng. Dòng sông Hàn chảy qua đã góp phần cân bằng hệ sinh thái của thành phố Đà Nẵng, tạo nên bầu không khí mát mẻ và trong lành cho không gian đô thị đang ngày càng nhộn nhịp. 

Sông Hàn ghi dấu đậm nét sự hiện diện của tàu thuyền nước ngoài đến giao thương suốt nhiều thế kỷ thời phong kiến, là một mục tiêu đánh chiếm trong cuộc xâm lược của liên quân Pháp – Tây Ban Nha năm 1858, và ngày nay là một trong những tác nhân đem đến sự phát triển của thành phố. Hiện nay, những lễ hội hằng năm gắn liền với dòng sông Hàn là đua thuyền trên sông, thi bắn pháo hoa quốc tế.

Đà Nẵng 

Thành phố Đà Nẵng cũng được gọi là “Thành phố Sông Hàn” hay còn gọi là “Thành phố đầu biển cuối sông”…. Đến Đà Nẵng là du khách có thể thấy ngay rằng đó là một thành phố tuyệt đẹp bên sông Hàn, bên bờ biển Đông với những nét quyến rũ chưa từng có ở các đô thị biển khác…Đà Nẵng có đèo Hải Vân cheo leo, hiểm trở, được mệnh danh là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Có bán đảo Sơn Trà là điểm hẹn lý tưởng cho du khách. Dưới chân Sơn Trà có Suối Đá, Bãi Bụt, Bãi Rạng, Bãi Bắc, Bãi Nồm… cho du khách cảm giác thú vị khi chìm đắm trong vẻ huy hoàng bình minh và sự lặng lẽ hoàng hôn của một vùng sơn thuỷ hữu tình. Có khu du lịch sinh thái Bà Nà - Suối Mơ được nhiều người ví là Đà Lạt, Sapa của miền Trung. Có Ngũ Hành Sơn huyền thoại là "Nam Thiên danh thắng".

Cầu Sông Hàn - cây cầu quay tiên ở Việt Nam 

Nói đến Đà Nẵng không thể không nhắc đến dòng sông Hàn thơ mộng và cầu Sông Hàn - cây cầu quay đầu tiên ở Việt Nam - niềm tự hào của người dân thành phố. Cầu Sông Hàn là biểu tượng cho sức sống mới, là khát vọng đi lên của thành phố. Dường như mọi vẻ đẹp nên thơ của đòng sông Hàn chỉ được bộc lộ một cách hoàn mỹ nhất trong không gian cầu Sông Hàn lộng gió và mát rượi. Cầu Sông Hàn không chỉ tạo thêm thuận lợi cho giao thông vận tải, du lịch, khơi dậy tiềm năng kinh tế của một vùng đất rộng lớn ở phía đông thành phố mà còn là một dấu ấn văn hoá của người Đà Nẵng hôm nay.

Sông Hàn và Thành phố Đà Nẵng vốn đã đẹp và nên thơ, càng thêm đẹp mỗi khi đêm về, để lại trong lòng du khách một ấn tượng khó phai mờ. Cầu sông Hàn, cây cầu dây văng sừng sững là thế, mà về đêm trở nên mềm mại làm sao. Sông Hàn và cầu Sông Hàn là linh hồn của Đà Nẵng. Trong tương lai, với một địa thế đẹp như thế cộng với lòng người, Đà Nẵng sẽ sánh vai cùng với Sài Gòn, Hà Nội.

Ảnh: Internet

Không có nhận xét nào: