Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

NHỮNG CẶP NÚI SÔNG “SƠN THỦY HỮU TÌNH"

Nước Việt trải suốt từ Bắc vào Nam, có hàng nghìn con sông, hàng ngàn ngọn núi. Sông bắt nguồn từ núi. Sông thường đi liền với núi thành cặp đôi “sông núi”. Trong tâm thức Việt, cặp đôi này có chức năng sản sinh, phát triển sự sống của con người. Nơi nào có cặp đôi "sông núi" nơi đó được xem là vùng đất địa linh sinh nhân kiệt, nơi sinh ra những bậc hiền tài góp phần làm rạng danh cho quê hương, đất nước.
1. Núi Tản – sông Hồng (Hà Nội)
Núi Ba Vì chỉ cao 1.296 mét, núi Tam Đảo lại cao đến 1.581 mét, nhưng vì núi này là nơi ngự của Thần núi (thần Tản Viên), nên được nhân dân tôn vinh thành ngọn núi cao nhất, thiêng liêng nhất. Núi cao ở đây là cao trong tâm thức, không phải độ cao thấp đơn thuần về mặt địa lý. Truyền thuyết còn kể lại rằng núi Ba Vì là do Sơn Tinh dùng sách ước nâng núi lên cao, để ngăn nước lũ chống Thủy Tinh.



Cùng với núi Tản, sông Hồng góp phần quan trọng trong sinh hoạt đời sống cũng như trong sản xuất. Phù sa giúp cho đồng ruộng thêm màu mỡ, đồng thời bồi đắp và mở rộng vùng châu thổ ở vùng duyên hải thuộc hai tỉnh Thái Bình, Nam Định. Sông Hồng không chỉ chuyên chở phù sa bồi đắp cho đất Việt mà còn mang một thứ khác quý hiếm hơn đó là Nguyên khí làm nên văn hiến Việt.
(Đọc tiếp: Núi Tản – sông Hồng)

2. Sông Lam – núi Hồng (Nghệ An)
Hồng Lĩnh có nhiều đỉnh, tục truyền là 99 đỉnh và theo truyền thuyết Ông Đùng xếp núi thì đỉnh thứ 100 là Rú Rum (Lam Thành) ở bờ Bắc sông Lam, chưa kịp dắt về để cho đủ 100 ngọn núi Hồng. Thực tế đo đạc địa lý có hơn 60 đỉnh nhô cao lên từ mấy chục mét và cao nhất là 676m. Tính từ Tây Bắc xuống có các đỉnh: Nam Bàn, Yên Xuân, Đà Hồng, Cột Cờ, Thiên Tượng, Mồng Già (có 2 ngọn), Bạch Tỵ, Hương Tích, Tai Voi, Mũi Rồng, Ông, Tháp Cờ, Chân Tiên,... Nhiều ngọn được mang tên kỳ thú do người đời đặt và lưu truyền. Có 8 cửa truông thuận tiện cho đi lại qua Hồng Lĩnh từ Tây sang Đông và từ Bắc xuống Nam, như truông: Cộng Khánh, Vắn (Cố Ghép),... Trong núi có nhiều hang động như: động 12 cửa, động Chẻ Hai, động Đá Hang, động Hàm Rồng,... Có đến 26 khe suối chảy từ trong núi ra và ngày nay có hàng mấy chục đập nước ở chân núi Hồng Lĩnh, một số ao hồ ở lưng núi và chân núi như Bàu Tiên, Vực Nguyệt, Ao Núi Lân, Bàu Mỹ Dương.


Nhắc đến núi Hồng thì phải nhắc đến sông Lam. Sông Lam, (tên gọi khác ở Việt Nam là Ngàn Cả hay Sông Cả; ở Lào là Nam Khan), là một trong 2 con sông lớn nhất ở Bắc Trung Bộ Việt Nam. Sông bắt nguồn từ cao nguyên Xiengkhuang từ vùng núi Mường Khút, Mường Lập (Lào) cao 1.800 - 2.000 mét, do hai nguồn Nậm Nọn và Nậm Mô hợp lại. Tổng cộng chiều dài của sông là khoảng 513 km, đoạn chảy trong nội địa Việt Nam khoảng 361 km. Phần chảy trên lãnh thổ Lào gọi là Nam Khan. Phần chính của dòng sông chảy qua Nghệ An, phần cuối của sông Lam hợp lưu với sông La từ Hà Tĩnh, tạo thành ranh giới của Nghệ An và Hà Tĩnh đổ ra biển tại cửa Hội. Cụ thể, trên lãnh thổ Việt Nam, nó chảy qua địa phận huyện Kì Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Nam Đàn, giữa các huyện Thanh Chương, Hưng Nguyên, thành phố Vinh, Nghi Lộc của tỉnh Nghệ An rồi vào và Đức Thọ, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh của tỉnh Hà Tĩnh trước khi đổ ra vịnh Bắc Bộ.
(Đọc tiếp: Sông Lam – núi Hồng)

3. Sông Hương – núi Ngự (Huế)
Sông Hương lững lờ trôi quanh thành phố Huế như một sự sắp đạt của tạo hóa để làm vui lòng du khách mỗi lần đến thăm Huế. Du thuyền sẽ đưa du khách dạo khắp kinh thành, vượt qua cầu Dã Viên, Phú Xuân, Tràng Tiền, đưa du khách đến thăm lăng Minh Mạng, điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ,... hoặc xuôi về Thuận An tắm biển, thưởng thức món ăn đặc sản biển. Còn muốn suy ngẫm cuộc đời, mời bạn ngược dòng sông lên rừng thông làng Thiên Thọ (lăng Gia Long) để nghe vi vút thông reo... Rồi khi màn đêm buông xuống, dưới ánh trăng sao, mặt nước sông Hương như dát bạc óng ánh, xa xa đâu đó những giọng hò man mác cất lên trong tiếng mái chèo khua nhẹ nước. Huế ngọt ngào đến là vậy!


Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình hay núi Ngự là quà tặng vô giá của tạo hóa, hòa quyện với nhau tạo nên vẽ đẹp sơn thủy hữu tình của Huế. Nhắc đến sông Hương không thể không nói đến núi Ngự. Nó đã trở thành cụm từ: sông Hương - núi Ngự để chỉ về Huế Thương. Cũng giống như khi nói về Hà Nội là nói đến núi Tản - sông Hồng, nói Quảng Ngãi là nói đến núi Ấn - sông Trà hoặc nói Nghệ Tĩnh là nói đến sông Lam - núi Hồng...
(Đọc tiếp: Sông Hương – núi Ngự)

4. Núi Ấn – sông Trà (Quảng Ngãi)
Núi Thiên Ấn, sông Trà Khúc hay còn gọi núi Ấn, sông Trà là cảnh đẹp nổi tiếng của đất trời Quảng Ngãi. Từ cầu Trà Khúc (nằm trên quốc lộ 1A) chạy qua thị xã Quãng Ngãi, du khách đi dọc theo tả ngạn sông Trà khoảng 1000 mét sẽ gặp núi Ấn cao 100 mét đỉnh bằng phẳng rộng lớn, quanh năm soi bóng dưới dòng sông Trà.


Trên đỉnh núi Ấn có mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng từng là quyền chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Núi Ấn – sông Trà như hình với bóng, tạo nên một phong cảnh đẹp non nước hữu tình. Từ chân núi Ấn có đường xoáy ốc lên tận đỉnh, hai bên đường là rặng phi lao rì rào trong gió và những cây đa cổ thụ rợp bóng mát. Đứng trên đỉnh núi Thiên Ấn, du khách sẽ thưởng thức hết vẽ đẹp của Quãng Ngãi và dòng sông Trà Khúc với những bờ xe nước cao lớn, có cái đường kính tới 12 mét, đang từ từ cuộn tròn theo dòng nước, đưa nước vào ruộng đồng tắm tưới cho những đồng lúa gặp lúc khô hạn.
(Đọc tiếp: Núi Ấn – sông Trà)

5. Sông Hàn – núi Ngũ Hành (Đà Nẵng)
Tên sông Hàn bắt nguồn từ chuyện ngày xưa cha ông ta đã khóa cửa sông bằng xích sắt để ngăn không cho tàu giặc vào thành phố. Đến Đà Nẵng có lẽ không bao giờ quên được con sông Hàn nằm giữa lòng thành phố. Không đỏ nặng phù sa như sông Hồng, không dịu dàng, hiền hòa như sông Hương, nhưng sông Hàn khỏe khoắn, thơ mộng trông như dải lụa xanh vắt ngang qua thành phố, có cây cầu quay “độc nhất vô nhị” của cả nước bắc qua.


Nói đến Đà Nẵng không thể không nói đến Ngũ Hành Sơn huyền thoại "Nam Thiên danh thắng". Không gian cảnh trí thơ mộng, vẻ bãng lãng của những câu chuyện cổ tích mang lại cho Ngũ Hành Sơn nhiều ý vị mà ít nơi nào có được. Trong tư duy triết học Phương Đông, Ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) là những yếu tố cấu thành vũ trụ. Các hang động, cảnh quan và hệ thống chùa chiền vừa tự nhiên, vừa nhân tạo đã tạo nên vẻ đẹp hài hòa, quyến rũ và kín đáo...
(Đọc tiếp: Sông Hàn)

6. Núi Ngọc Linh – sông Thu Bồn (Quảng Nam)
Qua chặng đường dài hàng trăm cây số, khi ầm ầm băng qua các ghềnh thác, khi thênh thang băng qua những đồng ruộng phì nhiêu, làng mạc trù phú, khi ghé qua những vùng kỹ nghệ phát đạt, mỗi một đoạn sông biểu hiện một dáng dấp riêng. Nhưng bất cứ ở đâu, Thu Bồn cũng là một dòng sông hài hòa sự kết hợp giữa vẻ đẹp của thiên nhiên với sự phong phú của cải được bàn tay và khối óc của người đất Quảng gây dựng. Những vùng bãi bồi ở Duy Xuyên, Điện Bàn có sông Thu Bồn chảy qua còn lưu giữ những câu chuyện nên thơ và cảm động. Vùng hạ lưu sông Thu Bồn và khu vực quần thể kiến trúc đô thị cổ đã được giới nghiên cứu khoa học khẳng định là nơi “Hội thủy, hội nhân, hội văn hoá”, UNESCO đã công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1999.



Nói đến sông Thu Bồn không thể không nhắc đến núi Ngọc Linh. Ngọc Linh Liên Sơn là liên hoàn núi non bao trùm 4 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, bắt đầu từ ngọn Ngọc Lum Heo ở tây bắc cho đến ngọn Ngọc Rơ phía đông nam. Trong đó, Ngọc Linh là đỉnh núi cao nhất (2.598m), xung quanh còn có những “người anh em” là đỉnh Mường Hoong (2.400m), Ngọc Phan (2.251m), Ngọc Lum Heo (2.116m), Ngọc Kơ-ring (2.066m), Ngọc Bôn Sơn (1.939m),… Nếu như đỉnh Phan-xi-pang của dãy Hoàng Liên Sơn được người ta biết đến là đỉnh núi cao nhất Việt Nam thì Ngọc Linh lại được biết đến như một ngọn núi linh thiêng của huyền thoại bao đời nay. Những câu chuyện xung quanh Ngọc Linh khiến người ta cảm thấy e ngại chốn rừng thiêng nước độc kì bí, ẩn chứa nhiều hiểm nguy nhưng cũng dấy lên sự tò mò làm nhiều người muốn chinh phục.
(Đọc tiếp: Sông Thu Bồn)

Hoàng Lạc
Ảnh: Internet

Không có nhận xét nào: