Sông Hồng, dòng sông sinh ra kinh đô Thăng Long nghìn năm văn hiến, nay là thủ đô Hà Nội; sông Hương, dòng sông đã sinh ra cố đô Huế; sông Sài Gòn sinh ra thành phố cùng tên. Thu Bồn - một dòng sông tưởng chừng chìm đắm trong cõi vô danh, ấy vậy mà, trên dòng chảy của mình đã lần lượt sinh ra đến bốn địa chỉ lịch sử - văn hóa, trong đó, hai địa danh đã trở thành những giá trị tinh thần của nhân loại.
Sông Thu Bồn bắt nguồn từ vô số những con suối nhỏ róc rách chảy xuống từ ngọn núi Ngọc Linh (cao 2,598m) ở chỗ giáp giới hai tỉnh Quảng Nam – Kon Tum (thuộc huyện Duy Xuyên). Sông Thu Bồn như một dòng mạch tràn đầy sinh lực của mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng, len lỏi qua những vùng núi non hiểm trở mạn tây Quảng Nam rồi đổ xuống các cánh đồng phì nhiêu các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn và Thành phố Hội An, trước khi ra Cửa Đại.
Sông Thu Bồn là dòng chính của hệ thống sông cùng tên. Phần thượng nguồn của sông còn được gọi với một cái tên khác là sông Tranh. Chiều dài của dòng chính đến Cửa Đại dài 198 km với tổng diện tích đến Giao Thủy (nơi hợp lưu với sông Vũ Gia) rộng 3.825km2. Thượng lưu của sông Thu Bồn có các phụ lưu cấp 2 lớn như Sông Khang, sông Vang, sông Tranh, sông Gềnh Gềnh. Tại Giao Thủy, sông nhận nước từ phụ lưu Vu Gia tạo thành một hệ thống phân lưu khá phức tạp ở vùng hạ lưu sông. Tại thị trấn Vĩnh Điện, một phần nước của sông Thu Bồn đổ vào chi lưu Vĩnh Điện dẫn nước vào sông Hàn và đổ ra cửa Đà Nẵng.
Qua chặng đường dài hàng trăm cây số, khi ầm ầm băng qua các ghềnh thác, khi thênh thang băng qua những đồng ruộng phì nhiêu, làng mạc trù phú, khi ghé qua những vùng kỹ nghệ phát đạt, mỗi một đoạn sông biểu hiện một dáng dấp riêng. Nhưng bất cứ ở đâu, Thu Bồn cũng là một dòng sông hài hòa sự kết hợp giữa vẻ đẹp của thiên nhiên với sự phong phú của cải được bàn tay và khối óc của người đất Quảng gây dựng. Những vùng bãi bồi ở Duy Xuyên, Điện Bàn có sông Thu Bồn chảy qua còn lưu giữ những câu chuyện nên thơ và cảm động.
Nhưng buổi trưa có thể đổi thành màu xanh thẫm
Từ những con suối trên địa bàn các xã Trà Nam, Trà Don, Trà Cang, Trà Vân... giữa những cánh rừng đại ngàn nức mùi hương quế của huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam, đã khởi nguyên một dòng sông, mà phải chăng làn nước đượm hương của nó khi đổ về xuôi đã giúp cư dân trên hai bờ cảm hứng siêu phàm để sáng tạo ra những kiệt tác kiến trúc vĩnh hằng?
Dòng suối nhỏ ban đầu mang một cái tên rừng núi: “Dak Di ” gom nước về xuôi. Khi qua địa bàn Tiên Phước, Hiệp Đức, suối đã thành sông, tuy vẫn còn mang một cái tên quê mùa, dân dã: “sông Tranh”. Phải đến địa bàn Quế Sơn, Duy Xuyên, mới trở thành một dòng sông chững chạc với danh xưng “Thu Bồn”, sẵn sàng hợp lưu với một dòng sông chị em: “sông Vu Gia” từ phía Bắc đổ về trên đất Đại Lộc, thành một dòng chảy văn hóa, để sáng tạo ra những giá trị nghệ thuật tồn tại đến muôn đời. Thánh địa Mỹ Sơn là một mỹ danh trong chuỗi địa danh văn hóa đó.
Thánh địa Mỹ Sơn
Là quần thể di tích Chămpa lớn nhất còn giữ được, Mỹ Sơn, sau những tàn phá của thời gian, của chiến tranh, của đổi thay dâu bể, những gì may mắn còn sót lại chỉ đủ giúp chúng ta, những chứng nhân hậu thế kinh ngạc, sửng sốt trước tư duy uyên áo về vũ trụ, nhân sinh của người nghệ sĩ Chămpa.
Hối hả xuôi về biển cả, trước khi đổ ra đại dương, Thu Bồn còn kịp dừng chân sáng tạo để lại cho đời sau một trong những đô thị cổ đẹp nhất Việt Nam hiện còn giữ được
Nằm trên bờ tả sông Thu Bồn, cách cửa Đại (còn gọi là cửa Đợi) khoảng 4km, giao thông thủy bộ thuận lợi, Hội An nhanh chóng phát triển thành một đô thị sầm uất. Cùng với phố Hiến ở Đàng Ngoài, Hội An trở thành một trong hai hải khẩu quan trọng của nước ta thời ấy giao thương rộng rãi với thế giới. Trước khi trở thành một địa chỉ văn hóa, Hội An từng là một thương hiệu kinh tế Việt Nam có uy tín trên bản đồ thế giới.
Phố cổ Hội An
Thương nhân các nước đến làm ăn, mến cảnh, mến người, định cư, lập nghiệp, Hội An nhanh chóng trở thành một đô thị quốc tế. Bên cạnh quần thể kiến trúc đô thị giàu bản sắc địa phương, những công trình xây dựng, những công trình tôn giáo của cư dân các nước còn giữ được đến nay minh chứng cho một thời Việt Nam từng có lúc hội nhập rất sâu vào đời sống quốc tế. Chẳng thế mà, UNESCO, tổ chức uy tín đầy mình của Liên Hiệp Quốc đã ghi danh cả Mỹ Sơn và Hội An vào Danh mục Di sản Văn hóa nhân loại.
Quảng Nam đang xúc tiến hồ sơ đệ trình UNESCO xem xét ghi danh Cù lao Chàm - một bình phong tự nhiên dựng lên ngoài biển khơi che chắn cho cửa Đại - vào danh mục Di sản văn hóa nhân loại. Còn cửa Đại, cát sạch, nước trong, đất đai bằng phẳng rộng rãi, từng là một trong những cửa biển nổi tiếng của nước ta đang như một cô gái trinh nguyên đón đợi đầu tư.
Tương lai, hy vọng rằng không xa, một thành phố du lịch hấp dẫn sẽ mọc lên trên địa điểm này. Lúc ấy, sông Thu Bồn sẽ là dòng sông duy nhất trên đất nước ta như một chuỗi ngọc xâu chuỗi cùng lúc bốn giá trị tầm cỡ quốc tế trên dòng chảy đượm hương từ những rừng quế thượng nguồn.
Tư liệu và ảnh: Internet
Nguồn: THÔNG TIN ĐỂ TƯ DUY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét