Thứ Năm, 7 tháng 7, 2022

(51) BẢN THỂ VẬT CHẤT VÀ THỂ TÁNH CỦA NHƯ LAI

Hãy quán xét thật kỹ lời giảng của tôi về tánh không và những lời giải thích của tôi. Sau đó, ông hãy dùng trí huệ đó để quán xét nghĩa thâm sâu vi mật của đoạn kệ sau đây trong kinh Hoa Nghiêm:
"Bao nhiêu vi trần trong thế giới
Trong mỗi vi trần thấy các cõi
Bửu quang hiện Phật vô lượng số
Cảnh giới tự tại của Như Lai
Vô lượng vô số núi Tu Di
Ðều đem để vào một sợi lông,
Một thế giới để vào tất cả
Tất cả thế giới để vào một,
Thể tướng thế giới vẫn như cũ
Vô đẳng vô lượng đều cùng khắp.
Trong một chân lông đều thấy rõ
Vô số vô lượng chư Như Lai 
Tất cả chân lông đều thế cả
Tôi nay kính lạy tất cả Phật."
(Pháp Không Chân Như)
***
Chân Như Tuệ Quang‎: Con xin trình bày kết quả phản hồi sự hiểu của con qua bài giảng của Thầy:
Bản thể vật chất có ba tánh chất cố hữu: một là tánh phân tranh không gian riêng; hai là tánh phân bố trung tâm; ba là tánh cân bằng. Ba tánh chất cố hữu này tồn tại không theo trình tự nhất định nghĩa là không xác định (trước, giữa, sau).
1. Tánh phân tranh không gian riêng:
Một bản thể vật chất đều có không gian riêng của nó (còn gọi là thể tích) và được giới hạn bởi mặt ngoài của bản thể vật chất đó, mặt ngoài này luôn tồn tại dưới dạng đường cong và mỗi bản thể vật chất đều có thể tích lớn nhỏ khác nhau hay không gian riêng khác nhau. Không gian riêng của bản thể vật chất dung chứa chất liệu của bản thể vật chất đó.
Lại nữa bề mặt vật chất có hai mặt: mặt trong và mặt ngoài:
- Mặt trong: Một Bản thể có mặt trong khi có một bản thể vật khác nằm bên trong bản thể vật chất đó.
- Mặt ngoài: Một Bản thể luôn có bề mặt giới hạn bên ngoài Bản thể gọi là mặt ngoài. Trong trường hợp một bản thể A nằm trong Bản thể B thì mặt ngoài của Bản thể B tiếp xúc với mặt trong của Bản thể A.
2. Tánh phân bố trung tâm:
Trong một bản thể vật chất tại vị trí có lượng chất liệu lớn nhất được gọi là trung tâm của Bản thể và giảm dần theo hướng ra mặt ngoài của bản thể vật chất đây là phương thức phân bố duy nhất tồn tại trong quá trình loại trừ của qui luật tự nhiên, nên còn gọi tánh phân bố trung tâm là kết quả tồn tại tự nhiên.
Ví như dân số tập trung tại trung tâm thành phố nhiều nhất và giảm dần ở các vùng ngoại ô.
3. Tánh cân bằng (cân bằng tại trọng tâm, cân bằng tại vị trí tiếp xúc, cân bằng mật độ): 
- Cân bằng tại trọng tâm: một Bản thể luôn có một vị trí nằm giữa và cân bằng Bản thể đó, vị trí đó gọi là trọng tâm Bản thể. Trong trường hợp trung tâm của Bản thể không đồng nhất với trọng tâm thì trung tâm (nơi có lượng chất liệu lớn nhất của bản thể) luôn có khuynh hướng di chuyển về trọng tâm của Bản thể. Đó gọi là cân bằng tại trọng tâm.
Ví như loa phát thanh (trung tâm) muốn phát cho cả xã đều có thể nghe được thì cái loa này luôn có khuynh hướng di chuyển đặt nơi trọng tâm của xã tức vị trí giữa xã.
- Cân bằng tại vị trí tiếp xúc: tại mặt tiếp xúc giữa hai bản thể thì áp lực của lượng chất liệu bản thể này bằng áp suất lượng chất liệu bản thể kia và nếu tại mặt tiếp xúc giữa hai bản thể chưa cân bằng về lực thì bản thể này sẽ lấn áp bản thể kia cho đến khi cân bằng.
- Cân bằng mật độ: một bản thể A hoàn toàn nằm trong bản thể B thì mật độ và lực của lượng chất liệu mặt ngoài của bản thể A cân bằng với mật độ và lực của lượng chất liệu của mặt trong bản thể B.
Pháp Không Chân Như: Sang Ho! Tôi tán thán ông đã rất cố gắng quán xét lời giảng của tôi về Tánh không và ông đã thông hiểu được nhiều hơn. Theo ông trình bày, sự hiểu của ông thì có một số vấn đề cần điều chỉnh và làm rõ. Sau đây là các vấn đề ông cần lưu ý để điều chỉnh ngay trong tư tưởng, suy nghĩ hoặc trình bày:
Về tánh phân tranh không gian riêng:
Sang Ho! Không gian riêng của một bản thể được giới hạn bởi các bề mặt của bản thể đó, bao gồm bề mặt ngoài và các bề mặt trong nếu có. Không thể nói rằng không gian riêng của một bản thể chỉ được giới hạn bởi bề mặt ngoài.
Một bản thể A nằm trong một bản thể B thì bề mặt ngoài của bản thể A tiếp xúc với bề mặt trong của bản thể B. Không thể nói rằng "bề mặt ngoài của bản thể B tiếp xúc với bề mặt trong của bản thể A".
Khi một bản thể A nằm trong bản thể B thì không gian riêng của bản thể B không bao gồm không gian riêng của bản thể A.
Sang Ho! Bất kỳ một điểm nào thuộc không gian riêng của bản thể này thì không thuộc không gian riêng của bản thể kia. Không tồn tại một điểm nào có chất liệu của hai bản thể. Mỗi điểm chỉ tồn tại chất liệu của một bản thể duy nhất. Vì vậy, Sang Ho, tại vị trí tiếp xúc của hai bản thể tồn tại hai điểm liên tục, một điểm thuộc bản thể này, một điểm thuộc bản thể kia. Khác với hình học thông thường vì trong hình học thông thường, một vị trí tiếp xúc của hai không gian chỉ có một điểm duy nhất gọi là điểm tiếp xúc. Ví như trong hình học thông thường, hai hình cầu tiếp xúc với nhau tại một điểm. Thực tế Vũ Trụ không như vậy, hai bản thể hình cầu tiếp xúc nhau tại một vị trí thì vị trí đó tồn tại hai điểm liên tục, một điểm thuộc bản thể này, một điểm thuộc bản thể kia.
Về tánh phân bố có trung tâm: 
Sang Ho! Trong một bản thể luôn tồn tại vị trí mà tại đó có lượng chất liệu lớn nhất, vị trí đó được gọi là trung tâm (hoặc gọi là điểm tụ tập), lượng chất liệu tại các điểm càng xa trung tâm thì càng nhỏ. Tánh ấy gọi là tánh phân bố có trung tâm.
Về tánh cân bằng:
Khi xem xét về trọng tâm của một hình dạng thì không phải bất cứ hình dạng nào cũng có điểm nằm ở giữa. Cho nên không nên nói rằng điểm ở giữa của hình dạng. Sang Ho! Ví như hình quả lê thì nó không có điểm nào được gọi là điểm nằm ở giữa. Nhưng trong quả lê luôn tồn tại một điểm mà mọi mặt phẳng đi qua nó sẽ chia quả lê làm hai phần bằng nhau. Điểm đó gọi là trọng tâm.
Cân bằng về mật độ. Sang Ho! Mật độ khối lượng có thể hiểu đó là độ đậm đặc, nó được tính bằng khối lượng chia cho thể tích. 
Một bản thể A nằm trong bản thể B. Nếu độ đậm đặc của bản thể A bằng độ đậm đặc tại vùng đó, tại nơi mà bản thể A chiếm chỗ, thì ta nói chúng cân bằng mật độ. Khi đó bản thể A sẽ đứng yên. 
Nếu độ đậm đặc của bản thể A cao hơn độ đậm đặc tại vùng mà nó chiếm chỗ, thì bản thể A sẽ di chuyển đến vùng có độ đậm đặc bằng với nó, nghĩa là nó di chuyển theo hướng về trung tâm của bản thể B. Sự di chuyển đó sẽ kết thúc khi độ đậm đặc của bản thể A bằng với độ đậm đặc tại vùng mà nó chiếm chỗ. 
Còn nếu độ đậm đặc của bản thể A thấp hơn độ đậm đặc tại vùng mà nó chiếm chỗ thì nó sẽ di chuyển đến vùng có độ đậm đặc bằng với nó, nghĩa là nó di chuyển theo hướng ra xa trung tâm của bản thể B. Sự di chuyển đó sẽ kết thúc khi độ đậm đặc của bản thể A bằng với độ đậm đặc tại vùng mà nó chiếm chỗ trong bản thể B.
Sang Ho! Khi so sánh về mật độ, chỉ so sánh cho hai không gian có thể tích bằng nhau, trùng chỗ với nhau. Không so sánh hai không gian có thể tích khác nhau. Không so sánh hai không gian không trùng chỗ với nhau (tức không chồng trùng lên nhau).
Sang Ho! Khi không cân bằng về mật độ, mà nó không di chuyển được thì điều gì xảy ra. Này Sang Ho! Nó sẽ nở ra nếu độ đậm đặc của nó đang cao hơn, hoặc nó sẽ co lại nếu độ đậm đặc của nó đang thấp hơn. Sự nở ra hoặc co lại của một bản thể sẽ kết thúc khi cân bằng về mật độ và cân bằng lượng chất liệu tại mặt tiếp xúc giữa hai bản thể.
Lại nữa, Sang Ho! Không cân bằng lượng chất liệu tại mặt tiếp xúc của hai bản thể sẽ xảy ra điều gì? Lượng chất liệu tại mặt tiếp xúc của bản thể này là áp lực đẩy của bản thể này lên bản thể kia. Lượng chất liệu tại mặt tiếp xúc của bản thể kia là áp lực đẩy của bản thể kia lên bản thể này. Áp lực giữa chúng không cân bằng. Vậy thì Sang Ho, bản thể có áp lực đẩy nhỏ sẽ bị di chuyển, hoặc sẽ bị co lại. Và vì vậy, Sang Ho, bản thể có áp lực đẩy lớn sẽ di chuyển, hoặc sẽ nở ra. Sự di chuyển, co lại, nở ra của các bản thể chỉ kết thúc khi chúng cân bằng về mật độ và cân bằng về áp lực.
Ví như hai đội quân đánh nhau. Nếu quân lực của hai bên cân bằng nhau thì ranh tuyến giữa hai bên không thay đổi. Nếu quân lực hai bên không cân bằng nhau thì điều gì xảy ra? Hoặc điều xảy ra là vùng đóng quân của đội quân yếu sẽ bị thu nhỏ lại và vì vậy vùng đóng quân của đội quân mạnh sẽ mở rộng. Này Sang Ho! Nếu thu nhỏ thì quân lực sẽ tăng, nếu mở rộng thì quân lực sẽ giảm. Hoặc điều xảy ra là đội quân yếu sẽ di chuyển vùng đóng quân, tức lấn chiếm các vùng khác có quân lực yếu hơn, và vì vậy vùng đóng quân của đội quân mạnh sẽ mở rộng và hoặc di chuyển theo. Hoặc điều xảy ra là sự di chuyển, sự mở rộng, sự thu hẹp của hai đội quân dẫn đến sự bao vây, nghĩa là đội quân này sẽ nằm bên trong đội quân kia. Đội quân này nằm bên trong đội quân kia có thể di chuyển, có thể mở rộng, có thể bị thu hẹp tùy theo quân lực giữa hai bên. Sự di chuyển quân, sự mở rộng, sự thu hẹp vùng đóng quân của hai đội quân và các đội quân khác xung quanh chúng chỉ kết thúc khi các đội quân cân bằng quân lực.
Này Sang Ho! Hãy quán xét thật kỹ lời giảng của tôi về tánh không và những lời giải thích của tôi. Sau đó, ông hãy dùng trí huệ đó để quán xét nghĩa thâm sâu vi mật của đoạn kệ sau đây trong kinh Hoa Nghiêm:
"Bao nhiêu vi trần trong thế giới
Trong mỗi vi trần thấy các cõi
Bửu quang hiện Phật vô lượng số
Cảnh giới tự tại của Như Lai
Vô lượng vô số núi Tu Di
Ðều đem để vào một sợi lông,
Một thế giới để vào tất cả
Tất cả thế giới để vào một,
Thể tướng thế giới vẫn như cũ
Vô đẳng vô lượng đều cùng khắp.
Trong một chân lông đều thấy rõ
Vô số vô lượng chư Như Lai 
Tất cả chân lông đều thế cả
Tôi nay kính lạy tất cả Phật."
Sang Ho! Sau khi ông quán xét được nghĩa của đoạn kệ, hãy nói lại cho tôi nghe sự hiểu của ông về đoạn kệ này.
Chân Như Tuệ Quang:
"Bao nhiêu vi trần trong thế giới
Trong mỗi vi trần thấy các cõi
Bửu quang hiện Phật vô lượng số
Cảnh giới tự tại của Như Lai"
Vi trần là bản thể rất nhỏ không còn phân chia được nữa. Trong mỗi bản thể này hiện thấy tất cả Phật do thần lực ánh sáng vi diệu trùm khắp thông suốt tất cả các cõi trong Vũ Trụ đây là cảnh giới tự tại của Như Lai.
"Vô lượng vô số núi Tu Di
Ðều đem để vào một sợi lông,
Một thế giới để vào tất cả
Tất cả thế giới để vào một,
Thể tướng thế giới vẫn như cũ
Vô đẳng vô lượng đều cùng khắp."
Thực tướng của vũ trụ được cấu thành vô lượng vô số các cõi trùm khắp, không có bất cứ chỗ nào trong Vũ Trụ mà không có chất liệu của bản thể vật chất và được sắp xếp theo khuynh hướng bản thể nhỏ nằm trong bản thể lớn và bản thể lớn nằm trong bản thể lớn hơn.... cho đến cuối cùng là bản thể lớn nhất là không gian Vũ Trụ chứa đựng tất cả bản thể trong nó.
"Một thế giới để vào tất cả
Tất cả thế giới để vào một,
Thể tướng thế giới vẫn như cũ
Vô đẳng vô lượng đều cùng khắp.
Trong một chân lông đều thấy rõ
Vô số vô lượng chư Như Lai 
Tất cả chân lông đều thế cả
Tôi nay kính lạy tất cả Phật."
Chân lông ở đây là chân tướng (thể tướng) của Như Lai thấy rõ tất cả các Phật ở các cõi và có vô số thể tướng như vậy.
Nhờ Thầy chỉ dạy thêm về nghĩa của bài kệ thâm sâu này.
Pháp Không Chân Như: Sang Ho, sự hiểu của ông đang đi đúng hướng. Sang Ho, ông hãy quán chiếu theo sự gợi ý và lối hỏi của tôi như sau đây.
Bốn câu đầu và bốn câu cuối có ý nghĩa tương tự nhau. Nó diễn đạt về thể tánh của Như Lai. 
Tôi hỏi ông: tại sao trong mỗi vi trần, mỗi chân lông đều có thể thấy rõ vô số vô lượng chư Như Lai? Và tại sao sự tồn tại như vậy là cảnh giới tự tại của Như Lai?
Sáu câu giữa diễn đạt về bản thể vật chất và tánh chất của bản thể vật chất. Và cũng nói về nguyên lý cấu trúc của thế giới vật chất của Vũ Trụ.
Tôi hỏi ông: Tại sao có thể đem vô số núi Tu Di to lớn bỏ vào được trong một sợi lông nhỏ bé?
Tại sao có thể đem một thế giới bỏ vào bất cứ vật gì, thế giới gì, dù nó nhỏ hơn thế giới đó hay lớn hơn thế giới đó?
Tại sao có thể đem tất cả thể giới bỏ vào một bản thể vật chất bất kỳ, hoặc một thế giới bất kỳ được?
Và tại sao sự đem để thế giới như vậy không làm thay đổi thể tướng của nó.
Chân Như Tuệ Quang: Bài kệ nói về tánh thấy của Như Lai (Thiên nhãn thông). 
Trong mỗi vi trần và mỗi chân lông là nói đến Phật nhãn do chứng đắc nên có được huệ nhãn nhìn thấy vô ngại và thông suốt thấu biết tất cả vạn vật, vạn hữu và thấy tất cả Như Lai khắp các cõi. Đây là cảnh giới tự tại của Như Lai tức là thấy biết thông suốt nhưng sự thấy biết của các Như Lai độc lập và không trở ngại không hòa hợp với nhau không phụ thuộc vào nhau, mỗi Như Lai đều nhìn thấu biết vạn hữu giống như nhau, nghĩa là một Như Lai cũng thấy cảnh giới như vậy, hai Như Lai cũng thấy cảnh giới như vậy... và ba đời chư Phật cũng thấy cảnh giới như vậy. Sự thấy biết giống nhau không phụ thuộc vào nhau và không bị thay đổi bởi bất cứ thứ gì nên gọi là cảnh giới tự tại.
Ví như tất cả mắt của chúng ta đều thấy bầu trời trong cùng thời điểm thì giống nhau vậy tuy nhiên sự thấy của ta còn chướng ngại bởi vật chất nên không thấu biết được.
Tại sao có thể đem vô số núi Tu Di to lớn bỏ vào được trong một sợi lông nhỏ bé?
Tại sao có thể đem một thế giới bỏ vào bất cứ vật gì, thế giới gì, dù nó nhỏ hơn thế giới đó hay lớn hơn thế giới đó?
Đem ở đây không thể hiểu dùng thao tác di chuyển bỏ vô số núi Tu Di vào một sợ lông mà là trong sợ lông nào cũng thấy được tất cả núi Tu Di tức có hình ảnh núi Tu Di trong sợ lông, đây nếu hiểu thần thông Phật làm cho tất cả núi Tu Di nhỏ lại rồi bỏ vào sợ lông là sai vì trong bài kệ có câu "thể tướng thế giới không thay đổi".
Ví như mắt ta nhìn biển thì trong mắt ta có ảnh của biển nên chúng ta thấy được tất cả những cảnh vật trên biển tức là biển đã có trong nhãn cầu ta tức là đem biển rộng lớn vào mắt nhỏ bé rồi nhưng thể tướng của biển vẫn không thay đổi.
Tại sao có thể đem tất cả thế giới bỏ vào một bản thể vật chất bất kỳ, hoặc một thế giới bất kỳ được?
Bỏ vào ở đây không có nghĩa là di chuyển thế giới này vào thế giới kia, mà là tất cả các cõi (thế giới) đều nằm trong ánh sáng trí huệ (Phật nhãn) nghĩa là tất cả vạn vật, vạn hữu (Vũ Trụ) đều nằm trong tầm nhìn của Phật nhãn. Phật nhãn thấu biết tất cả về Vũ Trụ nhưng tất cả thể tánh của Như Lai không ngoài Vũ Trụ tức tất cả Phật nhãn đều ở trong Vũ Trụ (ở đây không nên hiểu là tất cả chỗ trong Vũ Trụ đều có Phật nhãn mà là tất cả chỗ nằm trong tầm nhìn của Phật nhãn).
Ví như chúng ta đứng trong căn phòng mắt ta nhìn thấy tất cả chỗ tức tất cả chỗ đều có ảnh trong mắt ta. Nhưng mắt ta đang ở trong căn phòng. Thì giống như bỏ căn phòng và mắt của một người vào tất cả mắt của những người có trong căn phòng. Bỏ tất cả mắt của những người có trong căn phòng vào một căn phòng.
"Một thế giới để vào tất cả
Tất cả thế giới để vào một,
Thể tướng thế giới vẫn như cũ".
Ví như thời buổi công nghệ hiện nay ta thường nói bỏ tất cả thế giới vào cái máy vi tính nhưng tất cả các máy vi tính không nằm ngoài thế giới.
Pháp Không Chân Như: Sang Ho, đoạn kệ này diễn đạt về thể tánh của Như Lai, về bản thể vật chất và các đặc tính của nó, cũng như tổng quan về cấu trúc thế giới vật chất của Vũ Trụ. Có nghĩa rằng, sự thật là như vậy. Sự thật là như vậy là gì? Có nghĩa rằng dù có Phật nhãn hay không có Phật nhãn, dù có thần thông hay không có thần thông, dù có Phật xuất thế hay không có Phật xuất thế, dù có tôi hay không có tôi, dù có diễn đạt hay không diễn đạt, nó vẫn vậy. Nó không phụ thuộc vào Phật nhãn, thần thông hay chứng đắc. Cho nên ông không nên dùng Phật nhãn, thần thông, chứng đắc của Phật để làm cơ sở cho sự hiểu và sự diễn bày của ông về bài kệ này. Ông phải căn cứ vào sự thật đã hiểu để diễn đạt. Sự thật đó thì tôi đã giảng cho ông rồi, bao gồm:
- Bản thể vật chất và các đặc tính cùng các hậu quả của các đặc tính đó.
(Kết tập: Hoàng Lạc)

Không có nhận xét nào: