Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

HỒ TÂY

Hồ Tây là một hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội. Hồ có diện tích hơn 500ha với chu vi là 18km. Con đường vòng quanh hồ dài 17km, qua các làng Nghi Tàm, Tây Hồ, Nhật Tân, làng Bưởi... Hồ nằm ở vị trí phía Tây Bắc trung tâm Hà Nội, bên cạnh là Hồ Trúc Bạch, giữa là đường Thanh Niên (trước có tên là đường Cổ Ngư) như một chiếc cầu bắc ngang qua giữa hai hồ nước. Hai bên đường là những hàng cây toả bóng mát mặt hồ. Ngành địa lý lịch sử đã chứng minh, hồ Tây là một đoạn của sông Hồng xưa trong quá trình ngưng đọng lại sau khi sông đổi dòng chảy.

Hoàng hôn trên Hồ Tây 

Từ xưa các triều đại phong kiến đã cho xây nhiều đình chùa, miếu mạo và cung điện chung quanh hồ làm nơi nghĩ ngơi. Thời Lý, các vua chúa lập quanh hồ nhiều cung điện như cung Thúy Hoa và Từ Hoa nay là khu vực chùa Kim Liên, điện Hàm Nguyên thời Trần nay là khu chùa Trấn Quốc. Tương truyền, chùa Kim Liên được dựng trên nền cung điện của Công chúa Từ Hoa là con Vua Lý Thần Tông. Để phát triển cơ sở tầm tang, công chúa Từ Hoa đã mang các cung nữ ra khu vực Hồ Tây khai hoang, lập ấp và dựng nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa cho họ. Trại Nghi Tàm là một điền trang lớn quán xuyến việc này. Ngày nay, các khu vực liền kề xung quanh hồ Tây đang và sẽ được quy hoạch để trở thành trung tâm mới của Thủ đô Hà Nội trong tương lai, thay thế dần vị trí Hồ Hoàn Kiếm hiện nay.

Đường Thanh Niên 

Chùa Trấn Quốc có lịch sử 1500 năm toạ lạc trên một hòn đảo của Hồ Tây 

Hồ Tây xưa có tên là Hồ Kim Ngưu (Trâu vàng). Thời Lý - Trần gọi là hồ Dâm Đàm (sương mù). Sang thời Lê đổi tên là Hồ Tây. Ngoài ra hồ còn có các tên gọi khác như Đầm Xác Cáo, Lãng Bạc, Đoài Hồ.

Chùa Sãi (Tĩnh Lâu Tự) ven hồ Tây 

Sách Tây Hồ chí ghi rằng, Hồ Tây có từ thời Hùng Vương, bấy giờ nơi đây là một bến nằm giáp sông Hồng thuộc động Lâm Ấp, nên được gọi là bến Lâm Ấp thuộc thôn Long Đỗ. Ở vào thời Hai Bà Trưng bến này ăn thông với sông Hồng, bao bọc quanh hồ là rừng cây gồm nhiều loại thực vật chính như tre ngà, bàng, lim, lau sậy, gỗ tầm..., cùng một số loài thú quý hiếm sinh tồn.

Đường ven Hồ Tây

Hồ Trúc Bạch cũng chính là một phần của Hồ Tây, từ thế kỉ XVII khi dân hai làng Yên Hoa (nay là Yên Phụ) và Yên Quang (nay là phố Quán Thánh) đắp con đê ngăn góc Đông Nam Hồ Tây để nuôi bắt cá. Từ khi thành một hồ biệt lập, hồ đã đi vào thư tịch cổ. Sách "Tây Hồ chí" cho biết nguyên ở phía Nam hồ có làng Trúc Yên, có nghề làm mành, do đó nhà nào cũng trồng trúc, trúc mọc như rừng. Đường Thanh Niên có từ năm 1957 - 1958, hình thành từ con đê đắp ngăn này. Ven hồ Trúc Bạch có nhiều di tích lịch sử và công trình kiến trúc đặc sắc như đền Quán Thánh ở ngay góc Tây Nam hồ. Phía đông có chùa Châu Long, tương truyền xây từ thời Trần, là nơi tu hành của công chúa con vua Trần Nhân Tông. Có đền An Trì, nơi thờ Uy Đô, một anh hùng chống quân Nguyên.

Bờ hồ phía Tây, bên cạnh là con đường mới mở chạy xung quanh hồ 

Sách "Tây Hồ chí" cho biết thời chúa Trịnh Giang xây ở đây một cung điện gọi là Viện Trúc Lâm. Về sau, viện trở thành nơi giam cầm những cung nữ có lỗi, phải dệt lụa để mưu sinh. Lụa đẹp, bóng bẩy, nổi tiếng khắp kinh thành, gọi là lụa làng Trúc. Phía bắc hồ Trúc Bạch có một gò đất nhỏ, trên gò có đền thờ Cẩu Nhi gắn với chuyện Lý Công Uẩn dời đô.

Một góc hồ trở thành nơi kinh doanh giải trí 

Từ chốn rừng rậm, đầm lầy hoang hóa, qua công lao khai khẩn xây dựng của bao thế hệ, trong đó có sự đóng góp rất lớn của một số vương phi các triều đại, Hồ Tây đã trở thành một thắng cảnh văn hóa - du lịch nổi tiếng của Kinh đô Thăng Long - Hà Nội, là minh đường, là nơi tích tụ nguyên khí hun đúc nhân tài cho đất Việt.

Ảnh Internet

Không có nhận xét nào: