"Vì thứ thường hằng có tánh KHÔNG xác định, có bề mặt nhưng KHÔNG thể xác định bề mặt, có hình tướng nhưng KHÔNG thể xác định hình tướng, có xứ sở nhưng KHÔNG thể xác định xứ sở, có thuộc tánh tĩnh nhưng KHÔNG thể tĩnh, có thuộc tánh cân bằng nhưng KHÔNG thể cân bằng, có không gian nhưng KHÔNG có không gian cố định. Cho nên những thứ vô thường khởi ra từ chúng thiếu vắng các đặc tánh xác định. Tánh thiếu vắng các đặc tánh xác định, được gọi là tánh không, hoặc gọi là Không."
(Pháp Không Chân Như)
***
(Đây cũng là nội dung tiếp theo của bài "Thật tướng và trí huệ Như Lai")
(Pháp Không Chân Như)
***
(Đây cũng là nội dung tiếp theo của bài "Thật tướng và trí huệ Như Lai")
Cư sĩ Sang Ho thỉnh pháp: Nhờ thầy kiến giải cho con thông hiểu chữ "không" trong Bát Nhã Tâm Kinh như thế nào. Làm thế nào để quán chiếu để tâm không còn sợ hãi nữa. Nam mô A Di Đà Phật.
Pháp Không Chân Như nói: Sang Ho thật khéo hỏi, rất lợi ích cho mọi người. Tôi sẽ vì ông và mọi người mà giảng nói pháp chân thật.
Này Sang Ho, giảng pháp "không" hay "tánh không", đây là pháp chưa từng nghe. Vì sao nói đây là pháp chưa từng nghe? Sang Ho, vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, ngôn ngữ và khoa học của loài người còn nhiều hạn chế, đặc biệt nói về Vũ Trụ ở thang vi mô và vĩ mô. Từ vựng của con người lúc ấy rất hạn chế so với hiện nay. Phương tiện thế gian lúc ấy như thế, con người không thể thể nhập được tánh không vi diệu của Vũ Trụ khi nó được biểu thị bằng ngôn ngữ. Chính vì thế, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giảng về tánh không bằng tất cả phương tiện của thế gian lúc bấy giờ. Từ khi ngài nhập niết bàn đến nay, ít có hành giả hiểu được lời dạy thâm sâu của ngài về tánh không vi diệu của Vũ Trụ. Vậy nên, tôi nói đây là pháp chưa từng nghe.
Sang Ho còn nhớ tôi đã từng nói "nếu không có thứ thường còn thì chẳng có thứ vô thường"? Ông hiểu như thế nào?
Cư sĩ Sang Ho tri kiến: "Nếu không có thứ thường còn thì chẳng có thứ vô thường". Cái thường là điều kiện để những cái vô thường thành lập và tồn tại theo tính chất của cái vô thường của nó nhưng không làm thay đổi cái thường hằng. Ví như ánh sáng Mặt Trời là cái thường hằng, do có ánh sáng mặt trời nên cây cối, con người các sinh vật trên Trái Đất (cái vô thường) sống và phát triển theo từng biến đổi sinh diệt riêng biệt, nhưng những thứ này không làm ảnh hưởng gì đến ánh sáng Mặt Trời (không tăng cũng không giảm, không sinh cũng không diệt được ánh sáng Mặt Trời). Nhưng nếu không có Mặt Trời thì mọi sự sống không thể tồn tại được. Vậy "nếu không có thứ thường còn thì chẳng có thứ vô thường".
Pháp Không Chân Như giảng tiếp: Sang Ho, thứ thường hằng chẳng phải là điều kiện mà là nhân khởi ra những thứ vô thường. Và này Sang Ho, thứ vô thường tồn tại theo tánh chất của thứ thường hằng chứ chẳng phải tồn tại theo tánh chất của thứ vô thường. Ông nên nhớ, thứ thường hằng là nhân khởi ra thứ vô thường, thì thứ thường hằng này chính là bản thể vật chất chứ chẳng phải Phật tánh (tức là ngã). Phật tánh không bao giờ là nhân khởi ra thứ vô thường.
Sang Ho, ánh sáng Mặt Trời là thứ vô thường chứ chẳng phải thứ thường hằng. Nó chỉ dùng để làm ví dụ như ông đã ví dụ, chớ nên xem nó là thứ thường hằng. Tôi chấp nhận ví dụ của ông để làm tương phản cho thứ thường hằng và thứ vô thường.
Vì sao tôi chấp nhận như vậy? Vì thứ thường hằng không thể xác định rõ ràng để dùng làm ví dụ.
Vì thứ thường hằng có tánh KHÔNG xác định, có bề mặt nhưng KHÔNG thể xác định bề mặt, có hình tướng nhưng KHÔNG thể xác định hình tướng, có xứ sở nhưng KHÔNG thể xác định xứ sở, có thuộc tánh tĩnh nhưng KHÔNG thể tĩnh, có thuộc tánh cân bằng nhưng KHÔNG thể cân bằng, có không gian nhưng KHÔNG có không gian cố định. Cho nên những thứ vô thường khởi ra từ chúng thiếu vắng các đặc tánh xác định. Tánh thiếu vắng các đặc tánh xác định, được gọi là tánh không, hoặc gọi là Không.
Sang Ho, Không không có nghĩa là trống rỗng, hay chân không, hay hư vô hay không có gì. Không ở đây có nghĩa rằng, khi quán chiếu ở mức độ này thấy nó có, tức không trống rỗng, khi quán chiếu sâu hơn thì thấy cái không trống rỗng kia lại trống rỗng, và thấy cái hiện tại không trống rỗng, khi quán chiếu sâu hơn nữa, thấy cái không trống rỗng trước lại trống rỗng và thấy cái hiện tại không trống rỗng. Cứ như thế, cuối cùng biết được bản thể vật chất và các thuộc tánh của nó. Tức biết tận cội gốc khởi ra vạn pháp và chúng sinh. An trụ nơi trí huệ đó, ông sẽ không còn sợ hãi vì đã biết rõ ông là như thế nào, tiến đến mà được vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Sang Ho, đây là pháp chưa từng nghe và thâm sâu rốt ráo, ông hãy khéo nghe, khéo nghĩ, khéo hỏi, và phát tâm thực hành thâm sâu pháp này để được cứu cánh niết bàn. Tôi còn giảng nói nhiều về pháp này thì ông mới có thể thể nhập được. Ông hãy lắng nghe.
Cư sĩ Sang Ho thắc mắc: Bản thể vật chất và các thuộc tánh của nó và Phật tánh là hai. Như vậy Phật tánh nằm ngoài hay nằm trong bản thể đó? Nhờ thầy kiến giải cho con.
Pháp Không Chân Như đáp: Sang Ho, có vô số bản thể vật chất và cũng có vô số Phật tánh. Vũ Trụ có và chỉ có hai loại bản thể, đó là bản thể vật chất và Phật tánh. Mỗi Phật tánh thì trùm khắp Vũ Trụ, nghĩa là không gian mỗi Phật tánh đồng nhất với không gian Vũ Trụ. Ông phải biết rằng, vì mỗi Phật tánh thì trùm khắp Vũ Trụ nên không có bất cứ thứ gì nằm bên ngoài Phật tánh. Do nghĩa này nên cũng không thể nói bất cứ thứ gì "nằm bên ngoài" hay "ở bên ngoài" Phật tánh. Không gian của Phật tánh, cũng là không gian của Vũ Trụ, bao trùm và tột cùng của mọi tồn tại. Chính vì thế, không có bất cứ tồn tại, kể cả không gian và thời gian, mà nó được gọi là "nằm bên ngoài" hay "ở bên ngoài" Phật tánh. Nếu nói "ở bên ngoài" hay "nằm bên ngoài" Phật tánh cũng có nghĩa nói rằng có tồn tại không gian ngoài Phật tánh. Lời nói này mâu thuẫn rằng không gian Phật tánh bao trùm và tột cùng của mọi tồn tại kể cả không gian và thời gian. Do đó, lời nói này không còn đúng. Trong mọi trường hợp, không dùng lời nói này hoặc không nghĩ như vậy.
Chính vì thế, Phật tánh thấy biết mọi tồn tại. Đó là trí huệ Như Lai. Vì sao Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác? Vì Như Lai thấy biết mọi tồn tại. Vì không gian của Như Lai tạng bao trùm và tột cùng của mọi tồn tại. Sang Ho, vì sao chúng sinh tu hành chứng đắc quả vị Phật thì có trí huệ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác? Vì khi ấy kẻ đó không còn là chúng sinh, không có tâm hư vọng, không có vô minh, không có cấu uế, không có phiền não và khổ đau, đã đạt được chân nhất Phật tánh, kẻ đó là Phật tánh nên thấy biết mọi tồn tại. Vì không gian của Phật tánh bao trùm và tột cùng của mọi tồn tại.
Này Sang Ho, có kẻ nghe tôi nói vậy nên nghĩ rằng: "mỗi Phật tánh thì trùm khắp Vũ Trụ, vậy thì chỉ có một Phật tánh, không thể nhiều hơn được; hoặc có vô số Phật tánh thì mỗi Phật tánh không thể trùm khắp Vũ Trụ được". Sang Ho, tánh vi diệu của Phật tánh là như vậy, không thể luận bàn. Tất cả Phật tánh đều có không gian đồng nhất với nhau và đồng nhất với không gian Vũ Trụ. Mỗi điểm trong Vũ Trụ đều có đủ chất liệu điểm của mọi Phật tánh nhưng lại không đồng nhất với nhau, không hiệp nhất với nhau thành một. Mỗi Phật tánh và chất liệu mỗi Phật tánh tồn tại độc lập, sở hữu bởi chính nó. Và chất liệu của mỗi Phật tánh thì tương tục, là trường liên tục, không có bất cứ khoảng trống rỗng nào.
Ví như có nhiều ngọn đèn. Tại một điểm có ánh sáng của tất cả các ngọn đèn ấy. Ánh sáng của các ngọn đèn đồng nhất không gian với nhau, nhưng ánh sáng của ngọn đèn nào là của ngọn đèn đó. Tuy nhiên, tôi lấy thứ vô thường mà dụ cho Phật tánh. Ông chớ nghĩ Phật tánh có tánh giống như ánh sáng.
Sang Ho, bản thể vật chất thì khác so với Phật tánh. Ông hãy lắng nghe.
Cư sĩ Sang Ho trình bày tri kiến: Bản thể của vật chất là vạn vật, vạn hữu, vạn pháp thường trụ, còn Phật tánh là trí huệ Như Lai. Trí huệ Như Lai thông suốt bản thể vật chất, trí huệ Như Lai là thông suốt xuyên thấu, bao trùm không gian vô ngại thường hằng.
Pháp Không Chân Như hỏi: Sang Ho, ông hiểu thế nào là bản thể?
Cư sĩ Sang Ho đáp: Bản thể là bản chất thật của một vật thể tồn tại trong vũ trụ. Bản thể là thành phần nhỏ nhất không thể phân chia hoặc tách biệt ra, nó là nhân khởi tạo ra vạn pháp và chúng sinh. Vạn pháp và chúng sinh là lớp vỏ bên ngoài của bản thể.
Pháp Không Chân Như giảng: Sang Ho, bản thể vật chất là thể dạng gốc rốt ráo của mọi sự vật và hiện tượng trong Vũ Trụ. Mỗi bản thể vật chất là một tồn tại độc lập sở hữu bởi chính nó. Nghĩa rằng chất liệu của mỗi bản thể thì thuộc sở hữu độc lập của chính bản thể đó, không tồn tại lượng chất liệu thuộc sở hữu chung của nhiều bản thể. Bản thể vật chất không thể phân chia và bị phân chia. Bản thể vật chất thì thường hằng, bất tăng bất giảm, bất sinh bất diệt.
Sang Ho, thế nào là bản thể vật chất bất tăng, bất giảm? Lượng chất liệu thuộc sở hữu của mỗi bản thể thì bất tăng, bất giảm, không bao giờ thay đổi. Cho nên bản thể vật chất thì bất tăng bất giảm. Sang Ho, thế nào là bản thể vật chất bất sinh bất diệt? Chất liệu thuộc sở hữu của mỗi bản thể không biến đổi hoặc bị biến đổi thành chất liệu khác, các thuộc tánh cố hữu của nó cũng không biến đổi hoặc bị biến đổi thành những thuộc tánh cố hữu khác. Chất liệu của mỗi bản thể không bị mất đi cũng không được sinh ra bởi bất cứ thứ gì. Bất cứ thứ gì kể cả chính nó cũng không làm cho bản thể vật chất bị hủy diệt không còn tồn tại hoặc sinh ra. Cho nên bản thể vật chất thì bất sinh bất diệt.
Sang Ho, thế nào là bản thể vật chất thì thường hằng, bất tăng bất giảm, bất sinh, bất diệt? Số lượng bản thể vật chất trong Vũ Trụ thì bất tăng bất giảm. Không có bất cứ thứ gì kể cả chính nó cũng không làm hủy diệt không còn tồn tại một số lượng bản thể hoặc tất cả bản thể. Không có bất cứ thứ gì kể cả chính nó cũng không sinh ra bất cứ một bản thể nào khác. Cho nên bản thể vật chất thì thường hằng, bất tăng bất giảm, bất sinh bất diệt.
Này Sang Ho, chất liệu của mọi bản thể đều là một chất liệu duy nhất. Tất cả các bản thể có chất liệu giống nhau. Tất cả bản thể vật chất đều giống nhau. Thế nào là tất cả bản thể vật chất đều giống nhau? Sang Ho, chúng có chất liệu và các thuộc tánh cố hữu giống nhau nên nói tất cả bản thể vật chất đều giống nhau.
Này Sang Ho, trong Vũ Trụ có vô số bản thể vật chất, giống nhau và khác nhau. Thế nào là các bản thể vật chất khác nhau? Sang Ho, chúng có lượng chất liệu khác nhau nên nói chúng khác nhau. Có bản thể có lượng chất liệu rất bé, có bản thể có lượng chất liệu rất lớn. Thế nào là các bản thể giống nhau? Sang Ho, chúng có lượng chất liệu giống nhau, chất liệu giống nhau, các thuộc tánh cố hữu giống nhau nên nói chúng giống nhau.
Này Sang Ho, mỗi bản thể vật chất, cho dù lượng chất liệu của nó lớn hay nhỏ, nó có thể tồn tại dưới dạng một điểm, hoặc dưới dạng một không gian có thể tích lớn hoặc vô cùng lớn. Nghĩa là nó có thể bị co lại thành một điểm hoặc giãn nở ra.
Và này Sang Ho, chất liệu thuộc sở hữu của một bản thể vật chất thì tương tục, là trường liên tục, không có bất cứ khoảng trống rỗng nào. Lại nữa, Sang Ho, giữa các bản thể không có bất cứ khoảng trống rỗng nào.
Cư sĩ Sang Ho thắc mắc: Mỗi bản chất vật thể có thể co lại hoặc giãn nở ra như vậy có được xem là có sự thay đổi kích thước và lượng chất liệu của bản thể không? Chỗ này làm con thấy khó hiểu về tính chất bất tăng bất giảm.
Phần nữa cho hỏi "giữa các bản thể không có bất cứ khoảng trống nào". Từ giữa ở đây hiểu là ở chính giữa của một bản thể hoặc ở bên trong của một bản thể.
Nhờ thầy giảng giải cho con tường tận.
Pháp Không Chân Như nói: Sang Ho, tôi đã biết ông sẽ có nghi vấn về sự tăng giảm không gian nên trước khi nói đến sự co giãn của bản thể vật chất, tôi đã nói thế nào là bản thể vật chất bất tăng bất giảm. Vì vậy ông phải nghe kỹ lời tôi nói.
Sang Ho, bản thể vật chất có thể co lại và giãn nở ra như vậy là thay đổi kích thước, thể tích. Nhưng sự thay đổi kích thước, thể tích không làm thay đổi lượng chất liệu thuộc sở hữu của bản thể đó và bản thể khác, không làm thay đổi chất liệu, và không làm thay đổi các thuộc tánh cố hữu của nó. Lượng chất liệu, chất liệu và các thuộc tánh cố hữu của bản thể không bao giờ bị thay đổi thêm hay bớt với bất cứ nguyên nhân gì, bất cứ thứ gì kể cả chính nó. Do nghĩa này nên nói rằng bản thể vật chất thì bất tăng, bất giảm.
Này Sang Ho, ông nên biết, chư Phật thường dùng từ bất tăng, bất giảm để diễn đạt về bản thể vật chất và Phật tánh. Sự bất tăng, bất giảm đó không phải là bất tăng, bất giảm về không gian.
Sang Ho, giữa các bản thể không có bất cứ khoảng trống rỗng nào. Từ giữa này chỉ cho giữa bản thể này với bản thể khác. Điều này cũng có nghĩa rằng trong Vũ Trụ không có bất cứ khoảng trống rỗng nào. Vì giữa các bản thể không có bất cứ khoảng trống rỗng nào và không gian của một bản thể cũng không có bất cứ một khoảng trống rỗng nào. Bất cứ điểm, vị trí nào trong Vũ Trụ cũng có chất liệu thuộc sở hữu của bản thể này hoặc thuộc sở hữu của bản thể khác.
Sang Ho, sắp đến thì tôi giảng vào các thuộc tánh của bản thể vật chất và pháp tắc khởi sanh mọi sự vật và hiện tượng, nó rất thâm sâu. Những gì tôi đã giảng trước đây, có chỗ nào nghi hoặc, chỗ nào chưa hiểu thì ông nên hỏi. Khi ông thông hiểu lời tôi đã giảng rồi thì tôi mới giảng phần tiếp theo.
Cư sĩ Sang Ho hồi đáp: Con sẽ cố gắng học trong thời gian hè này. Nhờ Thầy giảng giải để con thấu hiểu. Con sẽ phản hồi thông tin về sự hiểu của con sau mỗi bài giảng của Thầy để kịp thời chỉnh sửa.
Phật tánh là bản thể tồn tại độc lập và trùm khắp Vũ Trụ, không có bất cứ vị trí nào trong Vũ Trụ mà không có Phật tánh. Có vô số Phật tánh. Mỗi Phật tánh thông suốt và xuyên thấu với nhau và trùm khắp Vũ Trụ nhưng các Phật tánh không hòa lẫn với nhau, tức tồn tại riêng biệt. Phật tánh là một trường liên tục không có bất cứ phân chia nào và không có bất cứ thứ gì làm nó biến đổi về lượng và chất. Nó thì tuyệt đối, không tăng, không giảm. Phật tánh thì thường hằng, sẵn có, xưa nay vẫn vậy.
Bản thể vật chất là bản chất thật của vật chất, là thể dạng gốc rốt ráo của mọi sự vật, hiện tượng trong Vũ Trụ. Có vô số bản thể vật chất. Mỗi bản thể vật chất tồn tại độc lập và sở hữu bởi chính nó, và không thể phân chia hay biến đổi về chất và lượng. Các vật chất tồn tại trùm khắp Vũ Trụ và không có bất cứ vị trí nào trong Vũ Trụ mà không có chất liệu của vật chất. Mỗi bản thể vật chất đều tồn tại theo tính chất tuyệt đối riêng của nó và lớn nhỏ khác nhau, và có thể giãn to hoặc co nhỏ mà vẫn không thay đổi về chất và lượng.
Phật tánh khác với bản thể vật chất. Phật tánh là sự thấu biết về tất cả bản thể vật chất và các Phật tánh khác nhưng bản thể vật chất thì không thấu biết về Phật tánh. Phật tánh thì hữu tri còn bản thể vật chất thì vô tri.
Pháp Không Chân Như chỉ rõ: Sang Ho! Hiểu như vậy có sai sót. Đây là những sai sót của ông:
Ông hiểu "không có bất cứ vị trí nào trong Vũ Trụ mà không có Phật tánh" là sai. Hiểu như vậy có nghĩa rằng bất cứ vị trí nào trong Vũ Trụ đều có Phật tánh, tức Phật tánh ở khắp tất cả chỗ. Ví như ông hiểu một khối nước ở khắp tất cả chỗ trong một khối ấy. Một khối ví cho Vũ Trụ, một khối nước ví cho một Phật tánh. Không thể bất cứ chỗ nào trong một khối đó cũng có một khối nước. Hiểu như vậy chẳng phải đã hiểu rằng mỗi vị trí có chứa một khối nước ư. Hiểu như vậy chẳng phải hiểu rằng mỗi vị trí có một Phật tánh ư. Nếu như ông "tạm" cho rằng nước ở khắp tất cả chỗ trong một khối nước thì còn có thể chấp nhận (chữ "tạm" ở đây vì trong nước vẫn có chỗ không có nước mà vẫn tạm xem nó có nước, tức tạm xem là trường liên tục). Nên hiểu rằng chất liệu mỗi Phật tánh ở khắp tất cả chỗ trong Vũ Trụ. Chứ chẳng nên hiểu rằng mỗi Phật tánh hoặc tất cả Phật tánh ở khắp tất cả chỗ. Và phải hiểu rằng mỗi Phật tánh thì trùm khắp Vũ Trụ. Ví như một khối nước trùm khắp một khối ấy.
Ông nói "Các vật chất tồn tại trùm khắp Vũ Trụ" thì chưa rõ nghĩa. Thế nào là chưa rõ nghĩa? Vì dựa vào đó có thể xảy ra hiểu rằng hoặc đã xảy ra hiểu rằng mỗi bản thể vật chất thì trùm khắp Vũ Trụ. Này Sang Ho, mỗi bản thể vật chất thì không trùm khắp Vũ Trụ. Khác với Phật tánh, mỗi Phật tánh thì trùm khắp Vũ Trụ. Phải hiểu rằng chất liệu của tất cả bản thể vật chất thì ở khắp tất cả chỗ trong Vũ Trụ. Và phải hiểu rằng chất liệu của mỗi bản thể vật chất thì không ở khắp tất cả chỗ trong Vũ Trụ, nhưng cũng hiểu rằng chất liệu của mỗi bản thể vật chất thì ở khắp tất cả chỗ trong không gian thể tích của bản thể đó. Một không gian nào đó đã lấp đầy chất liệu của bản thể vật chất này thì không có chất liệu của bản thể khác. Khác với Phật tánh, không gian đồng nhất Vũ Trụ lấp đầy chất liệu Phật tánh này thì cũng lấp đầy chất liệu của mọi Phật tánh khác. Nghĩa là bản thể vật chất thì có tánh phân tranh không gian riêng cho nó còn Phật tánh thì không có tánh phân tranh không gian riêng cho nó.
Tánh phân tranh không gian của bản thể vật chất và tánh không phân tranh không gian riêng - còn gọi là tánh hòa hiệp của Phật tánh là hai tánh chất đối xứng với nhau. Tánh phân tranh không gian của vật chất là cội gốc của mọi tánh chất cố hữu khác của bản thể vật chất, và cũng là nguyên nhân rốt ráo khởi ra mọi sự vật và hiện tượng trong Vũ Trụ.
Cư sĩ Sang Ho thưa: Hoan hỷ được thầy chỉ dạy.
Giống nhau giữa Phật tánh và bản thể vật chất: Đều là bản thể gốc rốt ráo, là trường liên tục chất liệu và không có bất cứ vị trí nào trong Vũ Trụ mà không có chất liệu của Phật tánh và của bản thể vật chất.
Khác nhau giữa Phật tánh và bản thể vật chất: Một Phật tánh thì có chất liệu trùm khắp Vũ Trụ, còn tất cả bản thể vật chất thì mới đủ chất liệu trùm khắp Vũ Trụ. Bản thể vật chất thì có lớn nhỏ, còn Phật tánh thì đồng nhất với nhau tức không có lớn nhỏ.
Tất cả Phật tánh đều hòa hiệp nhau, còn bản thể vật chất thì không hòa hiệp nhau. Do đó, bản thể vật chất có tính phân tranh về không gian, còn Phật tánh thì không có phân tranh về không gian. Các Phật tánh có không gian giống nhau trùm khắp Vũ Trụ. Mỗi Phật tánh thông suốt xuyên thấu qua Phật tánh khác và tất cả các bản thể vật chất.
Bản thể vật chất là nguyên nhân khởi ra mọi sự vật, hiện tượng trong Vũ Trụ, còn Phật tánh thì tinh khiết tuyệt đối và do không có phân tranh nên chẳng phải là nguyên nhân khởi ra mọi sự vật, hiện tượng.
Nhờ thầy giảng thêm bản thể vật chất là nguyên nhân khởi sinh mọi sự vật, hiện tượng.
Pháp Không Chân Như nói: Sang Ho, khá khen cho ông vì đã thông hiểu lời giảng của tôi.
Sang Ho, những lời tôi đã giảng nói cho ông nghe, ông có nghi hoặc gì thì phải nói ra để niềm tin trong ông được kiên cố.
Cư sĩ Sang Ho đáp: Nếu có gì chưa rõ thì con sẽ hỏi thầy. Thầy đã vì con mà giảng giải và đây là lợi ích của con mà chẳng phải lợi ích cho thầy nên con sẽ cố gắng học hỏi để thông hiểu.
Học Phật pháp mà không thấu hiểu Phật pháp thì sinh mê tín. Hiểu đúng Phật pháp đi đúng đường, không phí một kiếp người. Nam mô Phật.
Pháp Không Chân Như giảng tiếp: Sang Ho! Nay tôi giảng nói cho ông nghe các thuộc tánh cố hữu của bản thể vật chất và pháp tắc khởi ra mọi sự vật, hiện tượng. Ông hãy lắng nghe cho kỹ.
Sang Ho, đây là quyển kinh lớn mà tôi đã lấy nó từ hạt bụi. Quyển kinh này chính là quyển kinh mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã báo trước cho con người cách đây hơn 2500 năm trong bài kệ:
"Như có quyển kinh lớn
Lượng bằng cõi Tam Thiên
Chứa trong một hạt bụi,
Tất cả hạt cũng thế.
Có một người thông tuệ
Mắt sáng nhìn thấy rõ,
Đập hạt bụi lấy kinh
Làm lợi cho muôn loài."
Này Sang Ho! Một bản thể vật chất có ba thuộc tánh cố hữu không trình tự, không trước, không sau, không chặng giữa, lại nương tựa lẫn nhau. Tánh này có nên tánh kia có. Tánh này không có thì tánh kia không có.
Sang Ho! Thuộc tánh cố hữu là như thế nào? Nghĩa rằng bất cứ khi nào, ở đâu, tánh ấy cũng luôn có khuynh hướng bộc lộ, và một bản thể vật chất không bao giờ thiếu vắng tánh ấy.
Ba thuộc tánh cố hữu của một bản thể vật là gì? Sang Ho! Một là tánh phân tranh không gian riêng. Hai là tánh phân bố có trung tâm. Ba là tánh cân bằng. Tất cả các bản thể vật chất cũng như thế.
(1) Thế nào là tánh phân tranh không gian riêng?
Sang Ho! Mỗi bản thể vật chất có không gian riêng dung chứa chất liệu vật chất thuộc sở hữu của bản thể đó. Không gian riêng của một bản thể vật chất chính là thể tích của bản thể vật chất. Bất cứ vị trí nào trong không gian riêng của một bản thể vật chất chỉ có chất liệu của bản thể vật chất đó mà không có chất liệu của bản thể vật chất khác.
Vì mỗi bản thể vật chất có không gian riêng nên mỗi bản thể vật chất đều có bề mặt giới hạn cho không gian riêng đó. Các bề mặt của mỗi bản thể luôn là mặt cong. Bề mặt thì có hai loại. Bề mặt ngoài và bề mặt trong. Có bản thể vật chất chỉ có bề mặt ngoài. Có bản thể vật chất vừa có bề mặt trong vừa có bề mặt ngoài. Không gian giới hạn bởi các bề mặt của một bản thể vật chất là không gian riêng của bản thể vật chất đó.
Sang Ho! Thế nào là bề mặt ngoài của một bản thể vật chất? Ví như một viên bi, bề mặt cầu của viên bi mà ông nhìn thấy xung quanh viên bi là bề mặt ngoài của viên bi. Ví như ấn một nửa viên bi vào cái bánh, bề mặt xung quanh cái bánh mà ông nhìn thấy cùng với bề mặt tiếp xúc giữa cái bánh với viên bi là bề mặt ngoài của cái bánh. Cũng như vậy, bề mặt xung quanh của một bản thể vật chất là bề mặt ngoài của bản thể vật chất đó. Bề mặt này là mặt tiếp xúc giới hạn không gian giữa các bản thể xung quanh với bản thể đó.
Thế nào là bề mặt trong của một bản thể vật chất? Sang Ho! Ví như quả trứng có lòng đỏ và lòng trắng. Lòng đỏ dụ cho bản thể vật chất này, lòng trắng dụ cho bản thể vật chất kia. Bề mặt tiếp xúc giữa lòng đỏ và lòng trắng là bề mặt trong của lòng trắng, và cũng chính là bề mặt ngoài của lòng đỏ. Cũng như vậy, khi có bản thể kia nằm hoàn toàn bên trong bản thể này thì bề mặt tiếp xúc của bản thể kia là các bề mặt trong của bản thể này, và cũng là bề mặt ngoài của bản thể kia.
(2) Thế nào là tánh phân bố có trung tâm?
Trong một bản thể vật chất luôn tồn tại vị trí mà tại đó có lượng chất liệu vật chất lớn nhất so với mọi vị trí khác trong không gian riêng của bản thể đó. Vị trí đó gọi là trung tâm của bản thể đó. Và từ trung tâm tỏa ra mọi hướng trong không gian riêng của bản thể, lượng chất liệu tại mọi vị trí khác sẽ giảm dần.
Ví như ngọn đèn, năng lượng ánh sáng tại tim đèn thì lớn nhất, từ tim đèn tỏa ra mọi hướng, năng lượng ánh sáng tại mọi vị trí sẽ giảm dần. Ví như một hình bầu dục, trong hình bầu dục đó, ông chọn một điểm bất kỳ để bắt đầu tô chì cho hình bầu dục. Tại điểm khởi đầu thì ông tô chì đậm nhất, càng xa ra thì ông tô càng nhạt dần. Khi đó ông có hình bầu dục mà trong đó có vị trí có lượng chì tô lớn nhất, từ vị trí đó tỏa ra xung quanh trong hình bầu dục, lượng chì tô sẽ càng giảm. Cũng như vậy, trong một bản thể vật chất luôn có vị trí có lượng chất liệu vật chất lớn nhất, các vị trí khác càng xa vị trí đó thì có lượng chất liệu vật chất càng giảm.
Sang Ho! Sự phân bố này theo một phương thức nhất định. Phương thức này là một kết quả tồn tại tự nhiên. Thế nào là phương thức hay quy luật tự nhiên? Trong vô số phương thức phân bố, chỉ có phương thức đó tồn tại được của quá trình loại trừ tự nhiên, nên nó là kết quả tồn tại tự nhiên. Phương thức phân bố này là gì? Đó chính là, lượng chất liệu vật chất của các mặt cầu, có tâm là trung tâm của bản thể, thì đều bằng nhau, và lượng chất liệu tại mọi vị trí trên một mặt cầu thì đều bằng nhau. Nghĩa là lượng chất liệu tại các vị trí cách trung tâm một khoảng cách nhất định thì bằng nhau. Và tổng lượng chất liệu tất cả vị trí trên mặt cầu này bằng tổng lượng chất liệu tất cả vị trí của mặt cầu kia.
(3) Thế nào là tánh cân bằng?
Sang Ho! Bất cứ một hình học đều có trọng tâm hình học của nó. Ví như hình tam giác thì trọng tâm là giao điểm ba đường trung tuyến. Ví như một hình tròn thì trọng tâm của nó là tâm của hình tròn. Ví như hình cầu thì trọng tâm của nó là tâm của hình cầu. Ví như hình bầu dục thì trọng tâm của nó là giao điểm của đường kính nhỏ nhất và đường kính lớn nhất. Trọng tâm của một hình học là điểm cân bằng của hình học đó.
Cũng như vậy, mỗi bản thể vật chất đều có không gian riêng nên nó có trọng tâm của nó. Này Sang Ho, bất cứ trường hợp nào, khi trung tâm của bản thể vật chất không trùng với trọng tâm của bản thể thì trung tâm này luôn có khuynh hướng di chuyển về trọng tâm.
Lại nữa, Sang Ho! Thế nào là tánh cân bằng?
Tại mặt tiếp xúc giữa hai bản thể, hai vị trí kế cận nhau, một vị trí thuộc bề mặt của bản thể này, một vị trí thuộc bề mặt của bản thể kia, lượng chất liệu của hai vị trí đó luôn có khuynh hướng cân bằng nhau.
Ví như trò chơi đẩy gậy, người này dùng sức lực truyền lên đầu gậy bên này có khuynh hướng cân bằng với sức lực mà người bên kia truyền lên đầu gậy bên kia. Nếu sức lực hai bên không cân bằng nhau thì người truyền sức lực lên gậy lớn hơn sẽ lấn chiếm không gian của người truyền sức lực nhỏ hơn. Sự lấn chiếm này chỉ dừng lại khi sức lực hai bên cân bằng nhau.
Cũng như vậy, lượng chất liệu tại hai vị trí kế cận này không cân bằng nhau thì tại đó sẽ xảy ra sự lấn chiếm không gian cho đến khi nào lượng chất liệu hai vị trí kế cận đó cân bằng nhau; Hoặc sẽ xảy ra sự phân bố lại chất liệu trong mỗi bản thể để lượng chất liệu tại hai vị trí kế cận đó cân bằng nhau, như di chuyển trung tâm hoặc và thay đổi thể tích.
Và lại nữa, Sang Ho! Thế nào là tánh cân bằng?
Nếu bản thể này nằm hoàn toàn trong bản thể kia thì mật độ khối lượng (bằng khối lượng, hay lượng chất liệu chia cho thể tích) của bản thể này luôn có khuynh hướng cân bằng với mật độ khối lượng của bản thể kia trên vùng thể tích mà bản thể này chiếm đóng.
Ví như một ngôi làng trong một phường xã, ban đầu có mật độ dân số là một trăm người trên một cây số vuông, và ngôi làng này có diện tích là một cây số vuông. Dân cư của một phường xã khác có một trăm người di dời đến ở ngôi làng này làm cho người dân bản xứ của ngôi làng này phân tán ra ở các ngôi làng khác trong cùng phường xã. Khi đó nói rằng mật độ dân số của dân di cư cân bằng với mật độ dân số của người dân bản xứ tại ngôi làng đó. Ví như một người ở dưới nước và buông lỏng. Mật độ khối lượng của người này và của phần nước bị người này chiếm chỗ có khuynh hướng cân bằng nhau. Nếu chưa cân bằng thì người này sẽ bị di chuyển đến chỗ mà ở đó xảy ra sự cân bằng về mật độ.
Sang Ho, khi nào ông thông hiểu ba thuộc tánh này của bản thể vật chất thì tôi mới giảng tiếp cho ông nghe về pháp tắc khởi ra mọi sự vật và hiện tượng. Vậy nên ông hãy tinh tấn quán chiếu lời giảng của tôi. Nếu có chỗ nào nghi ngờ hoặc là không thể hiểu được thì ông cứ nói ra cho tôi nghe.
(Kết tập: Hoàng Lạc)
(Kết tập: Hoàng Lạc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét