Thứ Tư, 15 tháng 6, 2022

(20) TIỂU NGÃ, ĐẠI NGÃ VÀ PHẬT TÁNH.

"Nếu nói tu để giải thoát khỏi vô thường khổ đau hiện tại mà không thoát khỏi luân hồi khổ đau thì không phải là con đường mà chư Phật đã dạy. Nếu nói tu để giải thoát khỏi vô thường khổ đau và không trở lại trạng thái như vậy nữa, tức không còn luân hồi khổ đau thì đó là con đường mà chư Phật đã dạy." (Pháp Không Chân Như)
***
Hán Thanh Tùng: Mô Phật. Một số Phật tử Nam tông cho rằng Chân Tâm giống khái niệm Đại Ngã của Bà La Môn giáo. Vậy Chân Tâm của Bắc tông giống và khác quan niệm Đại Ngã của Bà La Môn giáo như thế nào ạ? Kính mong Thầy từ bi khai thị!
Pháp Không Chân Như: Hán Thanh Tùng! Theo ông hiểu thế nào là Đại Ngã? Ông hoan hỉ nói cụ thể và đúng theo thuyết của Ba La Môn giáo. Dựa vào đó, tôi sẽ nói cho nghe chỗ khác nhau giữa Đại Ngã và Phật tánh.
Hán Thanh Tùng: Theo quan niệm của Bà La Môn giáo, chúng sinh có Tiểu Ngã, khi chết sẽ trở về với Đại Ngã. Đại Ngã giống như biển lớn, còn Tiểu Ngã giống như mỗi giọt nước tượng trưng cho một chúng sinh.
Pháp Không Chân Như: Theo thuyết của Ba La Môn giáo thì Đại Ngã là một thể duy nhất hay được cấu tạo từ nhiều Tiểu Ngã. Tức là, các Tiểu Ngã nhập đồng nhất thành Đại Ngã duy nhất và không còn Tiểu Ngã tồn tại hay Đại Ngã là một tập hợp các Tiểu Ngã vậy Hán Thanh Tùng?
Hán Thanh Tùng: Thưa thầy, theo thuyết của Bà La Môn giáo thì các Tiểu Ngã được tạo thành từ Đại Ngã. Chúng sinh luân hồi với Tiểu Ngã, nhờ tu tập nên chấm dứt luân hồi trở về với Đại Ngã.
Pháp Không Chân Như: Hán Thanh Tùng! Phật tánh của mỗi chúng sinh là một thể tồn tại độc lập sở hữu bởi chính nó. Nó không được chiết ra từ một thể khác và các Phật tánh không nhập thành một thể duy nhất. Đó là sự khác nhau giữa sự thật về Phật tánh và quan niệm Đại Ngã/Tiểu Ngã trong thuyết Bà La Môn giáo.
Hán Thanh Tùng: Thực lòng thì con hiểu Phật tánh là một khái niệm tương tự như chánh niệm tỉnh giác, phòng hộ 6 căn. Con nghĩ điều quan trọng nhất là giải thoát mình khỏi tham dục, hữu ái, phi hữu ái. Không cần thiết lí luận quá nhiều mà xa rời mục đích cuối cùng của đạo Phật là giải thoát con người khỏi ham muốn dục vọng, hỉ lạc khi thiền định. Mục đích của đạo Phật là như vậy; chứ nếu xa đà quá vào lí luận thì không nên. Tranh cãi về Phật tánh có phải chỉ là duyên xúc hay không giữa Nam tông và Bắc tông. Theo con, tranh luận như vậy không cần thiết; quan trọng là chúng ta phải nhiếp phục được 6 căn, không phóng dật, đạt được an lạc ngay trong hiện tại.
Theo Kinh Lăng Nghiêm, Phật tánh không nằm trong ngũ uẩn, không nằm ngoài ngũ uẩn, không nằm ở giữa. Con hiểu là bởi vì có ái ngũ uẩn cho nên chúng ta bị kẹt vào tướng. Theo kinh Nikaya, Phật không trả lời câu hỏi: Như Lai là còn hay không còn hay vừa còn vừa không còn,... Phật chỉ nói ngũ uẩn vô thường. Bởi vì chấp thủ 5 uẩn là ta, là của ta nên mới rơi vào thường kiến, đoạn kiến. Nếu như không còn chấp thủ 5 uẩn là ta, là của ta nữa thì còn hay không còn đâu phải là vấn đề gì quan trọng. Mục đích của đạo Phật là đem lại an lạc cho con người ngay trong hiện tại mà không cần thỏa mãn dục vọng, không tham đắm vào hỉ lạc khi thiền định. Thưa thầy, con hiểu là như vậy.
Con có nghe bài giảng của một thầy trên Youtube nói về đoạn Phật hỏi ngài A-nan về tâm nằm ở đâu. Cuối cùng thì thầy rút ra kết luận: Ý Phật muốn nói tâm đó là không thật. Mục đích Phật muốn nói với đệ tử là đừng để cho tâm bị tham đắm, bị chạy theo 6 căn khi tiếp xúc với 6 trần. Còn Phật tánh có thật hay không, thường hay vô thường thì con chưa thực chứng nên không dám nói. Theo con cái dễ thấy nhất và cũng là quan trọng nhất đối với phàm phu là phải luôn chú tâm tỉnh giác, phòng hộ 6 căn. Sống thiểu dục tri túc, tinh tấn trong việc học kinh sách, thực hành thiền định, cẩn trọng đối với thân, khẩu, ý. Phải cảnh giác đối với tham dục, sân hận, độc ác.
Pháp Không Chân Như: Hán Thanh Tùng! Tu hành như ông nói thì tôi tán thán, không có quở trách. Ông tu như vậy thì ông cứ tu và nên khuyến khích người khác tu như vậy. Tuy nhiên mỗi người có thể có cách nghĩ khác nhau. Mỗi thời, con người cũng có những thay đổi về cách nghĩ. Không ít người cần hiểu được mục đích cuối cùng cho những việc họ đang làm là gì? Trong tu hành cũng vậy.
Nếu nói tu để giải thoát khỏi vô thường khổ đau hiện tại mà không thoát khỏi luân hồi khổ đau thì không phải là con đường mà chư Phật đã dạy. Nếu nói tu để giải thoát khỏi vô thường khổ đau và không trở lại trạng thái như vậy nữa, tức không còn luân hồi khổ đau thì đó là con đường mà chư Phật đã dạy.
Như vậy, nếu nói tu để thoát khỏi luân hồi khổ đau thì hoặc là ta còn thường hằng (không thể còn mà còn vô thường được, vì còn mà còn vô thường, tức là chưa giải thoát khỏi vô thường khổ đau) hoặc là ta đoạn diệt, không có trường hợp thứ ba. Nếu có nói trường hợp thứ ba thì con người, chẳng ai nghe, nên chẳng có lợi ích khi nói.
Như vậy, dù là ông hay là Phật tử nào khác, không thể nói rằng tu để đoạn diệt. Chỉ có thể là tu để thoát khỏi luân hồi khổ đau, tức được thường hằng an lạc. Vậy thì, cái thường hằng an lạc kia, ông hay là Phật tử khác có thể không cần thiết phải gọi nó là Phật tánh hay chân ngã hay chân tâm, hay bản thể tâm linh,... mà có thể gọi nó bằng bất cứ cái tên gì mình thích hoặc không cần cho nó cái tên, đều được cả.
Nhưng đừng có tuyên bố tu để đoạn diệt hoặc mãi vô thường.
Người tu hành cần phải có những quán xét nghiêm túc và nghiêm túc với cái tâm của mình, chẳng thể để nó quấn lấy trí tuệ của ta. Khi ta quán xét và thẩm sát một tri kiến, ta phải nghiêm túc với kết quả. Chẳng nên vì chấp thủ mà thừa nhận hoặc bao che sự sai lầm. Chẳng nên vì chấp thủ mà phủ nhận hoặc thờ ơ sự đúng đắn.
(Kết tập: Hoàng Lạc)

Không có nhận xét nào: