Thứ Tư, 1 tháng 6, 2022

(16) PHẨM THỨ NĂM: PHẬT BIẾT RÕ BẢN TÁNH CỦA BẢN THỂ VẬT CHẤT

Pháp Không Chân Như: Chư Phật tử! Bản tánh của bản thể vật chất thì như thế nào?
Bản tánh của bản thể vật chất là những thuộc tánh cố hữu của bản thể vật chất. Những thuộc tánh này luôn tồn tại cùng với bản thể vật chất nên nói là thuộc tánh cố hữu của nó. Bản tánh của bản thể vật chất là nhân, là duyên sanh ra mọi sự vật hiện tượng trong Vũ Trụ mà chư vị thấy biết. Nói như vậy không có nghĩa rằng loại trừ cái thấy biết không chân thật của chư vị, của chúng sinh.
Bản tánh của bản thể vật chất được tôi phân chia thành ba bản tánh.
Một là tánh phân tranh thể tích riêng.
Hai là tánh phân bố có tâm.
Ba là tánh cân bằng.
Thế nào là tánh phân tranh thể tích riêng? Chư Phật tử!
Một là bản thể vật chất có bề mặt giới hạn. Hoặc là nó có một bề mặt duy nhất là bề mặt ngoài. Khi đó, bên trong bề mặt ngoài của nó không có bất cứ một bản thể khác. Hoặc là nó có bề mặt ngoài và bề mặt trong. Khi đó, bề mặt trong của nó là mặt tiếp xúc với bề mặt ngoài của bản thể khác đang nằm bên trong bề mặt ngoài của nó. Các bề mặt của một bản thể vật chất là giới hạn một thể tích của riêng nó. Bất cứ giá trị không gian nào nằm trên các bề mặt của nó và trong thể tích riêng của nó là thuộc sở hữu riêng biệt của bản thể đó. Không có một giá trị không gian nào của nó thuộc sở hữu của bản thể khác. Không gian trên các bề mặt của nó và trong thể tích riêng của nó chính là trường nội tại của bản thể đó.
Nếu ví quả cầu thủy tinh là một bản thể vật chất, ví viên bi sắt là một bản thể vật chất. Viên bi sắt nằm trong bề mặt ngoài của quả cầu thủy tinh. Thì quả cầu thủy tinh có hai bề mặt giới hạn. Đó là bề mặt ngoài và bề mặt trong. Bề mặt trong của quả cầu thủy tinh tiếp xúc với bề mặt ngoài của viên bi sắt. Toàn bộ thủy tinh trên các bề mặt của quả cầu thủy tinh và bên trong thể tích được giới hạn bởi hai bề mặt này là trường nội tại của quả cầu thủy tinh, là chất liệu thuộc sở hữu riêng của quà cầu thủy tinh.
Chư vị có hiểu được không?
Chân Như Tuệ Quang: Không gian trên "các bề mặt" của nó nghĩa là một bề mặt ngoài và nhiều bề mặt trong phải không Thầy (trường hợp bản thể có bề mặt ngoài và bề mặt trong)?
Pháp Không Chân Như: Chân Như Tuệ Quang! Các bề mặt của một bản thể gồm một bề mặt ngoài và một hoặc nhiều bề mặt trong nếu có.
Ở đây, Chư Phật tử, xét theo thế gian thì không gian, thể tích là một.
Xét theo sự thật thì chất liệu vật chất của bản thể, không gian là một. Không gian và thể tích tạm phân biệt để hiểu, tức mang hai ý nghĩa từ khác nhau. Thể tích biểu thị cho kích thước của không gian, không phải biểu thị giá trị của không gian, không phải biểu thị không gian. Nếu không hiểu được thì nên thay từ không gian thành từ chất liệu vật chất. Sau khi hiểu rồi lại gom chung từ không gian và chất liệu vật chất thành một. Vì hai thứ này là một.
Chư Phật tử! Bản thể vật chất thì có bề mặt giới hạn. Vì vậy, mỗi bản thể chiếm giữ độc lập một vùng thể tích trong Vũ Trụ như viên bi sắt chiếm giữ độc lập một vùng thể tích trong quả cầu thủy tinh. Trong vùng thể tích được giới hạn bởi các bề mặt của nó thì không có mặt của bất cứ bản thể nào khác, không tồn tại bất cứ giá trị không gian thuộc sở hữu của bản thể nào khác. Mọi vị trí trên các bề mặt của bản thể cũng như vậy. Mọi bản thể vật chất đều có bản tánh này, bản tánh chiếm giữ một thể tích cho riêng mình. Ví như trên bề mặt Trái đất, mỗi quốc gia chiếm giữ một vùng diện tích cho riêng mình, có ranh giới, có vị trí định xứ, thể hiện chủ quyền độc lập của chính quốc gia đó. 
Luôn phải ghi nhớ đều này, Chư Phật tử! Đó là tất cả bản thể vật chất tạo thành một trường không gian liên tục của Vũ Trụ. Trong Vũ Trụ, không tồn tại bất cứ vị trí nào mà tại đó không có giá trị không gian thuộc về một bản thể nào đó. Tại bất cứ vị trí nào trong Vũ Trụ luôn tồn tại giá trị không gian của một bản thể nào đó. Tại bất cứ vị trí nào trong Vũ Trụ, giá trị không gian tại đó thuộc sở hữu của bản thể này thì không thuộc sở hữu của bản thể khác.
Chư Phật tử! Giá trị không gian tại một vị trí được gọi là cường độ không gian hoặc mật độ không gian. Như vậy. Chư Phật tử, mọi vị trí thuộc sở hữu của một bản thể, trên các bề mặt của nó hay bên trong giới hạn các bề mặt của nó, luôn có mật độ không gian. 
Thế nào là tánh phân tranh thể tích riêng? Chư Phật tử!
Một là như trên đã nói, mỗi bản thể vật chất có tánh phân biệt thể tích của riêng nó. 
Hai là, một bản thể vật chất luôn có tánh giãn nở ra ở mọi hướng, tánh này là tánh tranh giành thể tích. Với tánh này, mỗi bản thể có thể lấn chiếm, tranh giành thể tích của bản thể khác hoặc bị bản thể khác lấn chiếm, tranh giành thể tích. Nghĩa rằng, nó cũng có thể bị co lại do bị bản thể khác lấn chiếm, tranh giành thể tích.
Khi nào nó có thể lấn chiếm, tranh giành thể tích của bản thể khác? Chư Phật tử, khi mật độ không gian tại vị trí trên bề mặt của nó cao hơn mật độ không gian tại vị trí tiếp xúc với vị trí đó nhưng thuộc bề mặt của bản thể khác. Sự tranh giành này xảy ra cho đến khi mật độ tại hai vị trí đó cân bằng với nhau.
Ví như hai quốc gia láng giềng có tánh tranh giành diện tích giống như tánh tranh giành thể tích của bản thể vật chất. Tại biên giới ranh giữa hai quốc gia, hai quốc gia đều có bố trí lực lượng an ninh quốc phòng. Nếu lực lượng an ninh của quốc gia này mạnh hơn lực lượng an ninh của quốc gia kia thì quốc gia này sẽ lấn chiếm diện tích của quốc gia kia. Sự tranh giành này xảy ra cho đến khi lực lượng an ninh của hai quốc gia đó cân bằng sức mạnh với nhau.
Chư Phật tử! Khi hai quốc gia đó tranh giành diện tích ở biên giới thì điều gì xảy ra nếu xung quanh của một quốc gia tham chiến này đều là những quốc gia có tánh tranh giành diện tích? Những quốc gia đó sẽ lợi dụng khi quốc gia này dồn lực lượng về biên giới bên kia thì liền tranh giành biên giới bên này. Vì sao tranh giành được? Vì khi quốc gia này dồn lực lượng để tham chiến tại biên giới bên kia thì lực lượng an ninh tại biên giới bên này sẽ yếu hơn lực lượng an ninh của các quốc gia đó. Do đó, mặc dù quốc gia này lấn chiếm diện tích tại biên giới bên kia nhưng các biên giới còn lại bị lấn chiếm. Cũng như vậy, khi một bản thể lấn chiếm thể tích của một bản thể khác thì cũng đồng thời bản thể đó bị các bản thể còn lại lấn chiếm ở các vị trí khác trên các bề mặt của nó.
Cho nên, này Chư Phật tử! Sự tranh giành đó không bao giờ dừng lại. Chúng luôn luôn xảy ra trên mỗi bản thể. Tất cả bản thể vật chất trong Vũ Trụ đều luôn luôn xảy sự tranh giành. Về vật chất, trong Vũ Trụ này không có nơi nào có được giây phút bình yên.
Chân Như Tuệ Không: Nam mô Phật! Thưa Thầy, cho con hỏi, cường độ không gian chỉ cho giá trị không gian tại một điểm. Còn mật độ không gian thì chỉ cho giá trị không gian tại một điểm và chỉ cho giá trị không gian phân bố trong một vùng thể tích đúng không ạ?
Pháp Không Chân Như: Chân Như Tuệ Không! Mật độ không gian chỉ cho cường độ không gian tại một vị trí, nó cũng phản ảnh một vùng không gian có cường độ tại các vị trí giống nhau, nó cũng phản ánh cường độ không gian bình quân của một vùng không gian.
Chư Phật Tử! Với phương tiện hiện nay thì "điểm" là nhỏ nhất, có đúng vậy không?
Chân Như Vô Ngại: Dạ vâng ạ. Con được hiểu "điểm" là phần không gian có kích thước các chiều rất nhỏ, có thể coi như gần bằng "không".
Chân Như Tuệ Quang: Dạ thưa thầy, nếu ta hiểu mật độ là độ đậm đặc hay độ dày đặc. Còn cường độ là độ mạnh, lực đẩy hay áp lực. Hiểu như thế có sai sót gì không?
Pháp Không Chân Như: Chư Phật tử! Đúng như vậy, điểm là khái niệm nhỏ nhất hiện nay về kích thước. Ngôn ngữ hiện nay không có từ nào để diễn đạt cho đúng với thật tướng. Nên khi tôi dùng phương tiện ngôn ngữ thế gian mà diễn đạt thì chư Phật tử phải hiểu rằng nó không chính xác được. Hãy ghi nhận điều này. Đến đoạn này thì ngôn ngữ không còn chỗ để nói. Tuy vậy, tôi sẽ diễn giải nó theo một cách mà chư Phật tử có thể hiểu được nó.
Này chư Phật tử, sự thật giá trị vật chất mà tôi đã nói tại một vị trí hay là tại một điểm cũng không phải là giá trị vật chất tại đó. Giá trị vật chất tại một vị trí hay tại một điểm cũng chỉ là mật độ vật chất trung bình của điểm đó mà thôi. Vì sự thật rằng trong một điểm luôn có thể tích. Đi vào vùng thể tích của điểm đó thì có vô số điểm nhỏ hơn. Bất cứ điểm nào trong vô số điểm đó cũng đều có thể tích. Đi vào vùng thể tích của điểm nhỏ hơn đó thì có vô số điểm nhỏ hơn nữa. Ta cứ nói mãi như vậy không bao giờ dừng lại qua vô lượng kiếp thì cũng nói không đến tận cùng. Vậy thì, nếu ta nói giá trị tại một điểm là tổng giá trị của vô số điểm trong đó, rồi lại giá trị tại một điểm trong đó lại bằng tổng giá trị vô số điểm trong nó,... thì ngôn ngữ hiện tại chẳng thể tính đếm được. Các phép toán, phép đo hiện nay không có phép toán nào, phép đo nào tính được như vậy. Nên phải dừng lại ở đây rằng giá trị vật chất tại một vị trí hay một điểm là giá trị cơ sở. Vì vậy tôi mới nói rằng giá trị vật chất tại một điểm là giá trị vật chất tại một điểm. Cho nên giá trị vật chất tại một điểm cũng chỉ là mật độ vật chất trung bình của điểm đó mà thôi.
Như thế, Chân Như Tuệ Quang đã hỏi về mật độ và cường độ thì mật độ và cường độ là một mà thôi. Cường độ vật chất hay cường độ không gian tại một vị trí hay một điểm thì cũng là mật độ không gian trung bình của điểm đó vậy. Khi chư Phật tử đây đã nghe tôi nói điểm không phải là kích thước nhỏ nhất thì một vùng không gian lớn như Trái Đất cũng xem là một điểm vẫn được. Vậy thì cường độ không gian tại điểm này chẳng phải là mật độ không gian trung bình của Trái Đất hay sao.
Việc xác định cường độ không gian tại một điểm không có gì là khó khăn. Chư Phật tử cũng tự làm được. Tôi sẽ nói đến việc này ở cuối món này. Tuy nhiên, không có một phép đo nào cho ta giá trị đúng tuyệt đối.
Chư Phật tử! Như trước tôi đã nói đến tánh phân tranh thể tích riêng của bản thể vật chất. Trong đó nó có tánh giãn nở ra ở mọi hướng. Bản chất thật sự của tánh này chính là mỗi vị trí đều có tánh giãn nở ra ở mọi hướng. Chư Phật tử, mọi vị trí trong Vũ Trụ đều có tánh giãn nở ra ở mọi hướng. Chư Phật tử, mọi điểm trong Vũ Trụ đều có tánh giãn nở ra ở mọi hướng.
Con người có thể nhận diện được tánh chất này của nó nhờ vào sức giãn nở của nó, phép đo được đó chính là cường độ không gian tại điểm đó, cũng chính là sức giãn nở của nó. Giá trị đó, tôi gọi là giá trị vật chất tại điểm đó.
Phép đo này là gì chư Phật tử? Đó chính là phép đo lực tương tác. Đối với khoa học hiện nay thì có rất nhiều loại lực tương tác như lực hạt nhân mạnh, lực hạt nhân yếu, lực điện từ, lực hấp dẫn,... Nhưng sự thật, nó chỉ là một mà thôi. Đó chính là sức giãn nở của không gian hay còn gọi là cường độ không gian. Cường độ không gian là nền tảng của mọi loại lực mà con người định nghĩa về chúng. Cường độ không gian là nguyên nhân và là kết quả của mọi tương tác và chuyển động. Cường độ không gian cũng chính là nguyên nhân và là kết quả của mọi sự vật hiện tượng trong Vũ Trụ.
Chư Phật tử! Tri kiến mà chư Phật tử đã từng nghe, đang nghe và sẽ nghe tôi nói, đều tự tôi tuyên bố. Khoa học chưa làm được và sẽ không bao giờ làm được nếu không nghe được những lời tôi nói. Cho nên tôi đã từng nói rằng, những gì tôi nói là thứ báu quý thứ hai, đứng sau thứ báu được gặp Phật ở đời.
Đến đây, chư Phật tử không nên hỏi, chỉ tập trung quán xét, thâm nhập, thấu hiểu. Chờ đến khi tôi nói tôi đã giảng xong món thứ năm thì hãy hỏi. Vì câu hỏi của chư Phật tử chắc chắn sẽ liên quan đến, không thể tách rời các bản tánh còn lại mà tôi chưa giảng đến. Vì rằng ba bản tánh của bản thể vật chất xảy ra đồng thời, không trước không sau.
Chư Phật tử! Bản tánh thứ hai của bản thể vật chất là tánh phân bố có tâm.
Trong một bản thể vật chất luôn tồn tại một điểm mà tại đó có cường độ chân không lớn nhất so với mọi điểm khác của bản thể đó. Điểm này được gọi là tâm của bản thể. Những điểm thuộc bản thể, càng xa tâm thì có cường độ chân không càng nhỏ. Chân không được phân bố như vậy trong bản thể vật chất là tánh phân bố có tâm.
Sự phân bố chân không trong bản thể vật chất có thể được hình dung tương tự như sự phân bố ánh sáng của một ngọn đèn. Tại tâm của ngọn đèn có cường độ ánh sáng mạnh nhất, càng xa tâm ngọn đèn thì cường độ ánh sáng càng giảm.
Chân không trong một bản thể phân bố theo một phương thức bất biến. Phương thức bất biến đó là gì? Chư Phật tử! Một là, mọi điểm thuộc một mặt cầu bất kỳ mà mặt cầu đó thuộc bản thể vật chất và tâm của mặt cầu đó chính là tâm của bản thể thì đều có cường độ chân không bằng nhau. Hai là, mọi mặt cầu khép kín thuộc bản thể và đồng tâm với tâm bản thể thì đều có giá trị chân không bằng nhau. Đối với những mặt cầu chỉ có một phần thuộc bản thể vật chất [đang xét], nếu giả định tại mọi điểm thuộc mặt cầu đó đều có cường độ chân không bằng với cường độ chân không tại một điểm thuộc mặt cầu đó và thuộc bản thể vật chất thì giá trị chân không của mặt cầu đó cũng bằng với giá trị chân không của các mặt khác thuộc bản thể.
Chư Phật tử! Theo bản tánh phân bố có tâm như tôi đã tuyên bố, chư Phật tử có thể tự mình hoặc nhờ người đã học về toán học tích phân thì có thể thiết lập được công thức xác định cường độ chân không tại một điểm thuộc bản thể và cách tâm bản thể một khoảng cách r là I(r) = m/(4Pi.R.r^2). Trong đó, Rg = căn bậc ba của (3V/4π), m và V lần lượt là khối lượng và thể tích của bản thể.
Bản tánh thứ ba của bản thể vật chất là tánh cân bằng. 
Thế nào là tánh cân bằng? Chư Phật tử! Mỗi hình dạng luôn có một trọng tâm. Bản thể vật chất cũng có trọng tâm vì bản thể vật chất có hình dạng bởi các bề mặt của nó. Tâm của bản thể luôn có khuynh hướng di chuyển về trọng tâm của bản thể. Tánh luôn có khuynh hướng di chuyển tâm về trọng tâm là tánh cân bằng của bản thể.
Chư Phật tử! Ba bản tánh này của bản thể vật chất là ba tánh chất hoàn hảo, xảy ra đồng thời. Chúng luôn hướng đến sự cân bằng, ổn định. Nhưng cũng vì chúng luôn hướng đến sự cân bằng, ổn định như vậy nên sự cân bằng và ổn định không bao giờ có được trong bất cứ khoảng thời gian nào cho dù khoảng thời gian đó vô cùng ngắn. Vì sao vậy? Vì bản thể vật chất có tánh giãn nở nên toàn thể Vũ Trụ luôn giãn nở. Vì Vũ Trụ luôn giãn nở nên cường độ không gian của bản thể chủ của Vũ Trụ tại mọi điểm của nó cũng luôn thay đổi. Cường độ tại mọi điểm của bản thể chủ Vũ Trụ luôn thay đổi bởi vì thể tích của nó luôn tăng, lại do tánh phân bố có tâm, tánh cân bằng, nên nội tại của chính nó luôn phân bố lại cường độ chân không tại mọi điểm. Vì cường độ chân không tại mọi điểm của bản thể chủ Vũ Trụ luôn thay đổi nên mọi bản thể có bề mặt ngoài là bề mặt trong của bản thể chủ Vũ Trụ cũng thay đổi cường độ tại mọi điểm trong nó. Vì sao vậy? Vì tại bề mặt tiếp xúc với bản thể chủ Vũ Trụ, cường độ các điểm thuộc bản thể chủ Vũ Trụ thay đổi, do tánh phân tranh nên cường độ tại các điểm thuộc bề mặt ngoài của bản thể này cũng thay đổi. Do tánh phân bố có tâm và tánh cân bằng nên nội tại của bản thể sẽ phân bố lại cường độ. Cho nên cường độ tại mọi điểm của bản thể này luôn thay đổi. Và cứ như thế, sự thay đổi cường độ luôn lan truyền từ vị trí này sang vị trí khác, từ bản thể này sang bản thể khác. Chính vì cường độ tại mọi điểm trong Vũ Trụ luôn thay đổi như vậy nên hình dạng, thể tích, vị trí tâm, vị trí trọng tâm của các bản thể luôn thay đổi không ngừng nghỉ bất cứ trong một khoảng thời gian nào. Sự thay đổi này là tương tục, không có khoảng thời gian gián đoạn.
Vì thế, chư Phật tử, mọi pháp hữu vi đều vô thường, kết hợp rồi tan rã, chỉ có pháp vô vi là thường hằng. Thường hằng được nói đến ở đây là không tan rã. Pháp vô vi là gì chư Phật tử? Đó chính là Vũ Trụ, là chân như. Sự kết hợp này không bao giờ tan rã vì chẳng có chỗ để tan rã.
Tôi đã giảng xong món thứ năm. Chư Phật tử có chỗ nào cần hỏi thì hãy hỏi.
(Kết tập: Hoàng Lạc)

Không có nhận xét nào: