Quảng Pháp: Bạch Thầy! Kinh Chánh Pháp Sanghata đề cao nhiều về công đức của người đọc tụng mà không thấy những điều ứng dụng thực tế trong cuộc sống như Bát Chánh Đạo. Vậy Thầy cho con hỏi, kinh này có thực sự là chánh pháp không? Nếu là chánh pháp thì ta phải hiểu như thế nào cho đúng?
Pháp Không Chân Như: Quảng Pháp! Ông đã đọc từ đầu đến cuối bộ kinh này chưa? Nếu ông chưa đọc thì hãy đọc từ đầu đến cuối bộ kinh này. Nếu ông đã đọc từ đầu đến cuối kinh này thì ông hoan hỉ làm ba việc:
- Một là, ông trích ra đây một đoạn Kinh Chánh Pháp Sanghata mà bộ kinh này muốn nói đến. Hoặc ông trích ra đây một bài kệ bốn câu của Kinh Chánh Pháp Sanghata mà bộ kinh này muốn nói đến.
- Hai là, theo ông, ông nghĩ thế nào, công đức của bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri có thể tăng trưởng nhiều hơn được chăng?
- Nêu ra sự quán xét của ông khi đọc từ đầu đến cuối bộ kinh này.
Sau đó, tôi sẽ nói cho ông nghe.
Quảng Pháp: Kính bạch Thầy! Con xin phép được trả lời 3 câu hỏi mà Thầy đã hỏi ở trên:
1. Con đã đọc hết quyển Kinh Chánh Pháp Sanghata. Con xin trích dẫn ra đây một đoạn kinh: "Phổ Dũng, sông Hằng có bao nhiêu cát, ngần ấy Đại Bồ Tát và Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri có được bao nhiêu công đức, so với công đức của người nghe Chánh Pháp Sanghata thật không sai khác."... (Con không đồng ý với ý nghĩa của đoạn kinh này).
2. Theo con tư duy, công đức của một vị Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri là vô lượng. Tức là không thể dùng toán số để đếm biết được và không thể tăng trưởng thêm nữa.
3. Sau khi đọc hết Kinh Chánh Pháp Sanghata, theo con quán xét thì chỉ thấy kinh đề cao và tán thán việc nghe, ghi chép và đọc tụng kinh này mà không thấy kinh giảng về việc thực hành theo Bát Chánh Đạo. Nên con sinh tâm nghi ngờ kinh này là tà pháp (Con xin sám hối Chư Phật mười phương nếu con quán xét sai). Chính vì nhân duyên đó nên con mới có câu hỏi đầu tiên ở đây, xin Thầy giảng giải cho con và mọi Phật tử cùng rõ biết.
Pháp Không Chân Như: Quảng Pháp! Ông đã đọc từ đầu đến cuối Kinh Chánh Pháp Sanghata như tôi đã yêu cầu. Tuy nhiên sau khi đọc xong, ông chỉ làm hai việc trong ba việc mà tôi yêu cầu.
Hai việc mà ông đã làm là:
- Một là, ông nói rằng công đức của bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri không thể tăng trưởng thêm nữa.
- Hai là, ông đã nêu ra sự quán xét của ông khi đọc từ đầu đến cuối bộ kinh này.
Một việc mà ông chưa làm là: ông trích ra đây một đoạn Kinh Chánh Cháp Sanghata mà bộ kinh này muốn nói đến. Hoặc ông trích ra đây một bài kệ bốn câu của Kinh Chánh Pháp Sanghata mà bộ kinh này muốn nói đến.
Này Quảng Pháp! Tôi muốn ông cố gắng tìm thấy trong kinh này có đoạn kinh nào là của Kinh Chánh Pháp Sanghata hay không, hoặc cố gắng tìm thấy trong bộ kinh này có bài kệ bốn câu nào là bài kệ bốn câu của Kinh Chánh Pháp Sanghata hay không? Hay là kinh này chỉ mới giới thiệu về Kinh Chánh Pháp Sanghata thôi chứ chưa nói đến nội dung chính của Kinh Chánh Pháp Sanghata. Ông có hiểu câu hỏi này của tôi hay không?
Quảng Pháp: Bạch thầy! Con hiểu, nhưng hình như con không hoặc chưa tìm thấy.
Pháp Không Chân Như: Quảng Pháp! Vậy thì ông hãy tìm kỹ một lần nữa rồi làm việc thứ nhất cho trọn vẹn và chắc chắn.
Quảng Pháp: Bạch Thầy! Con đã tìm nhưng không thấy. Theo con thì kinh này chỉ mới giới thiệu về Kinh Chánh Pháp Sanghata thôi chứ chưa nói đến nội dung chính của Kinh Chánh Pháp Sanghata. Ngay từ lần đầu đọc xong, con cũng chưa hiểu kinh này dạy bảo điều gì cụ thể. Con nghĩ là do trí tuệ của mình còn ngu muội nên chưa hiểu chăng? Xin Thầy giảng giải cho con.
Pháp Không Chân Như: Nam mô Phật. Tôi đăng link Kinh Chánh Pháp Sanghata tại đây để tiện trích dẫn và làm căn cứ (https://nigioikhatsi.net/kinhsach-pdf/KinhChanhPhapSanghata_HongNhu.pdf).
Quảng Pháp! Ông tìm không thấy vì tìm chưa kỹ. Đây là đoạn kinh của Kinh Chánh Pháp Sanghata mà bộ kinh Chánh Pháp Sanghata muốn nói đến:
Quảng Pháp! Ông tìm không thấy vì tìm chưa kỹ. Đây là đoạn kinh của Kinh Chánh Pháp Sanghata mà bộ kinh Chánh Pháp Sanghata muốn nói đến:
{[Đức Thế Tôn lúc bấy giờ nói với đoàn người tu đạo loã thể như sau: “các ông nên biết chính sự sinh ra là khổ não. Vì có sự sinh nên có sợ. Vì sinh mà sợ bệnh. Vì bệnh mà sợ già. Vì già mà sợ chết.”
“Thưa Thế Tôn, Thế Tôn nói: "vì sinh mà phát sinh lòng sợ sinh, là nghĩa gì?”.
“Vì sinh làm người nên có lắm nỗi sợ. Vua sợ nỗi vua. Cướp lo nỗi cướp. Sợ lửa, sợ thuốc độc, sợ nước, sợ gió, sợ lốc xoáy, sợ nghiệp đã làm [những lo sợ như vậy do sinh mà có].
Đức Thế Tôn cứ như vậy giảng pháp phong phú, nói về sự sinh ra.
Đoàn người tu đạo loã thể kia trong tâm cực kì xao xuyến, nói rằng: "Từ nay về sau, chúng con sẽ thôi không khát khao được sinh ra nữa”.
Đức Thế Tôn giải thích về Chánh Pháp Sanghata, cả đoàn 18 triệu người cực đoan loã thể đều phát tâm vô thượng bồ đề.]} (Trang 30 theo Link).
Quảng Pháp! Ông nghĩ thế nào, một đứa trẻ hoặc một người thanh thiếu niên, hoặc chính ông, khi bị bệnh có sanh tâm lo sợ già chăng? Chư vị Phật tử ở đây nghĩ như thế nào, khi bị bệnh có sanh tâm lo sợ già chăng?
Quảng Pháp: Bạch Thầy! Con có thiếu sót, vì từ đầu kinh là Bồ Tát Phổ Dũng thưa thỉnh Đức Phật, nên con tập trung tìm những đoạn Đức Phật giảng cho Bồ Tát Phổ Dũng. Con thấy lúc bị bệnh có sanh tâm lo sợ già.
Pháp Không Chân Như: Ông có trả lời đúng với tâm trạng của mình chưa, hoặc đúng theo sự hiểu biết của ông chưa?
Quảng Pháp: Bạch Thầy! Con chưa. Con nghĩ lại thì quả thật cũng ít bị bệnh. Lúc bé tý có bệnh thì không nhớ nữa. Lớn lên cũng ít bệnh, chỉ sốt vài lần.
Chân Như Tuệ Quang: Bạch Thầy! Theo con, khi bệnh có sanh tâm là lo sợ chết, sợ không hiện hữu chứ không sợ già ạ.
Chân Như Tuệ Không: Bạch Thầy! Ngoài sợ già, con lo sợ chết nhiều hơn ạ.
Pháp Không Chân Như: Chư Phật tử! Bệnh đưa đến sự mất sức, khổ đau và cái chết! Vì vậy người bị bệnh có thể sanh tâm lo sợ chết. Bệnh có đưa đến sự già chăng?
Quảng Pháp: Bạch thầy, con nghĩ là không.
Pháp Không Chân Như: Chân Như Tuệ Không! Bệnh có đưa đến sự già chăng?
Chân Như Tuệ Không: Bạch Thầy! Theo con, bệnh không đưa đến sự già.
Pháp Không Chân Như: Như vậy, Chân Như Tuệ Không! Bệnh không đưa đến sự già thì nhân gì khi bị bệnh thì cô lại sanh tâm sợ già?
Chân Như Tuệ Không: Dạ, vì con lúc bệnh con nghĩ khi ta già đi thì dễ sinh bệnh, nên khi bị bệnh con có lo nghĩ đến ta sẽ già đi.
Pháp Không Chân Như: Như ở trên đây, có người bị bệnh sanh tâm sợ già (vì lý do riêng của cá nhân), có người không sanh tâm sợ già. Vậy thì, nếu nói rằng vì bệnh mà sợ già thì có lúc đúng, có lúc sai, có trường hợp đúng, có trường hợp sai. Có phải như vậy không?
Chân Như Tuệ Quang: Dạ, đúng ạ.
Chân Như Vô Ngại: Con nhận thấy nói rằng "Người bệnh sanh tâm sợ già" là có trường hợp đúng, có trường hợp sai ạ.
Chân Như Tuệ Không: Thưa Thầy, đúng như vậy ạ.
Quảng Pháp: Dạ đúng, thưa Thầy.
Pháp Không Chân Như: Chư Phật tử! Lời nói có lúc đúng, có lúc sai, có trường hợp đúng, có trường hợp sai. Tôi tuyên bố rằng lời nói như vậy không do Thế Tôn nói.
Từ Kính: Dạ. Con đồng ý như vậy.
Pháp Không Chân Như: Vì như vậy, cụm từ này trong Kinh Chánh Pháp Sanghata: "Vì bệnh mà sợ già" không do Thế Tôn thuyết.
Chân Như Vô Ngại: Dạ. Con đồng ý với lời tuyên bố của Thầy.
Chân Như Tuệ Không: Dạ, thưa Thầy, con đồng ý.
Chân Như Tuệ Quang: Dạ con đồng ý thưa Thầy!
Quảng Pháp: Con đồng ý, thưa Thầy.
Pháp Không Chân Như: Và này chư Phật tử! Thế Tôn đã giác ngộ với thắng trí, từng tuyên bố rằng:
"Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh Sắc, Danh Sắc duyên Lục Nhập, Lục Nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sanh, do duyên Sanh, Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não sanh khởi.
Nếu cái này có, cái kia có, do cái này sanh, cái kia sanh, nếu cái này không có, cái kia không có, do cái này diệt, cái kia diệt, tức là Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh Sắc, Danh Sắc duyên Lục Nhập, Lục Nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sanh, do duyên Sanh, Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não sanh khởi.
Như vậy, này A Nan Ðà là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Nhưng do diệt trừ, sự diệt trừ, sự ly dục hoàn toàn của chính Vô Minh này, các Hành diệt, do các Hành diệt Danh Sắc diệt. Do Danh Sắc diệt Lục nhập diệt. Do Lục nhập diệt Xúc diệt. Do Xúc diệt Thọ diệt. Do Thọ diệt Ái diệt. Do Ái diệt Thủ diệt. Do Thủ diệt Hữu diệt. Do Hữu diệt Sanh diệt. Do Sanh diệt Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não đoạn diệt. Như vậy là đoạn diệt hoàn toàn của khổ uẩn này. Cho đến như vậy này A Nan Ðà là vừa đủ để nói vị Tỳ Kheo thiện xảo về Duyên khởi.".
Chư Phật tử! Thế Tôn chẳng bao giờ thuyết Sanh duyên Bệnh. Vì sao? Vì không phải thân chúng sinh nào cũng bị bệnh. Chính nhân này, chính sự thật này, Thế Tôn chẳng bao giờ nói Sanh duyên Bệnh hoặc do có Sanh nên Bệnh có. Cho nên nếu nói "vì sanh mà sợ bệnh" thì có lúc đúng, có lúc sai, có trường hợp đúng, có trường hợp sai.
Lời nói có lúc đúng, có lúc sai, có trường hợp đúng, có trường hợp sai. Tôi tuyên bố lời nói như vậy không do Thế Tôn nói.
Vì vậy, Chư Phật tử! Cụm từ này trong Kinh Chánh Pháp Sanghata: "Vì sanh mà sợ bệnh" không do Thế Tôn thuyết.
Chân Như Vô Ngại: Nam mô Phật. Con đồng ý và xin lắng nghe.
Pháp Không Chân Như: Và này Chư Phật tử! Như mô tả trong Kinh Chánh Pháp Sanghata thì Thế Tôn giảng rất phong phú và dành nhiều thời gian để nói về sự sanh ra. Sau khi nghe xong về sự sinh ra, đoàn người tu đạo lõa thể kia trong tâm cực kì xao xuyến, nói rằng: "Từ nay về sau, chúng con sẽ thôi không khát khao được sinh ra nữa.".
Chư Phật Tử! Nếu còn Hữu thì sự mong muốn, sự khát khao không được sinh ra nữa có được chăng?
Đức Thế Tôn, bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri rõ biết muốn diệt trừ khổ uẩn, tức Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não thì phải diệt trừ Vô Minh. Đức Thế Tôn thị hiện ở đời và giảng dạy Phật Pháp với mục đích giúp con người tu tập thoát khỏi khổ đau, luân hồi. Vì vậy, này Chư phật tử! Đức Thế Tôn không dạy cho con người sự hiểu biết nửa vời của một con đường thoát khổ.
Vì vậy, tôi tuyên bố đoạn kinh này trong Kinh chánh pháp Sanghata (mà tôi đã trích từ trang 30 của link đã đăng) không phải là chánh pháp. Tôi tuyên bố những lời nói được cho là Thế Tôn nói trong đoạn kinh này không do Thế Tôn Nói.
Và này Chư Phật tử! Lời dạy của bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn là chánh pháp. Lời dạy của bất cứ Như Lai nào cũng đều là Chánh Pháp. Vì vậy, Chư Phật tử, Thế Tôn không nói "có chánh pháp tên Sanghata", "Chánh Pháp Sanghata".
Ví như một nhà sản xuất và kinh doanh nhiều loại bánh mì. Nhà sản xuất, kinh doanh này không bao giờ sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong kho hàng của nhà sản xuất, kinh doanh này không có và không bao giờ có hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhân duyên ấy, nhà sản xuất, kinh doanh này không bao giờ nói với khách hàng rằng: Này Quý Khách, tôi có bánh mì chính hiệu tên Sanghata, trong kho của tôi có bánh mì Chính Hiệu Sanghata. Nhà sản xuất, kinh doanh này sẽ nói như thế này: Này Quý khách, tôi có bánh mì tên Sanghata, trong kho của tôi có bánh mì tên Sanghata. Cũng như vậy, Chư Phật tử, nếu có pháp Sanghata đưa người tu tập đến hạnh phúc, an lạc, giải thoát thì Thế tôn nói: Này hiền giả, có pháp tên là Sanghata đưa người tu tập đến hạnh phúc, an lạc, giải thoát. Hiền giả hãy khéo lắng nghe và tác ý, ta sẽ nói.
Vì vậy, Chư Phật tử, tôi tuyên bố cụm từ "Chánh Pháp Sanghata" không do Thế Tôn nói.
Chân Như Vô Ngại: Dạ, con đồng ý, thưa Thầy.
Pháp Không Chân Như: Chư Phật tử! Trong bộ kinh Chánh Pháp Sanghata có đoạn viết như thế này:
{[Thưa Thế Tôn, con lại thấy tám triệu cõi Phật, Như Lai nhập diệt niết bàn để giáo hóa chúng sinh. Con đảnh lễ chư vị rồi đi tiếp]} - Trích lời của Bồ Tát Phổ Dũng kể cho Thế Tôn nghe, trang 32 trong bộ kinh được link ở trên.
Chư Phật tử, một vị nhập diệt niết bàn thì vị ấy không còn trở lui trong các cõi thế giới. Giáo hóa chúng sinh là Phật tại thế, Phật xuất hiện ở đời để giáo hóa chúng sinh. Vì thế nói rằng Phật nhập diệt niết bàn để giáo hóa chúng sinh là tà kiến.
Và này Chư Phật tử! Trong bộ kinh Chánh Pháp Sanghata có đoạn viết như thế này:
{[Lại nữa, thưa Thế Tôn, có chín mươi lăm triệu cõi Phật, chánh pháp đều mất cả]} - Trích lời của Bồ Tát Phổ Dũng kể cho Thế Tôn nghe, trang 32 trong bộ kinh được link ở trên.
Chư Phật tử! Tại nơi tại thời có Phật xuất hiện, là bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Phật có mặt ở đời thì Phật giáo hóa chúng sinh. Lời dạy của Phật là chánh pháp.
Vậy nên, Chư Phật tử! Nói rằng có cõi Phật, chánh pháp đều mất cả là tà kiến.
Này Chư Phật tử! Bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri là bậc có công đức viên mãn, tròn đủ, không thiếu sót, là tối thượng, là tất cả. Như Lai đạt được thanh tịnh, trong sạch viên mãn, tròn đủ, không thiếu sót, tối thượng, tất cả. Như Lai đạt được an lạc viên mãn, tròn đủ, không thiếu sót, tối thượng, tất cả. Như Lai đạt được trường tồn vĩnh hằng. Như Lai đạt được trí huệ viên mãn, tròn đủ không thiếu sót, tối thượng, tất cả. Như Lai đạt được từ, bi, hỉ, xả viên mãn, tròn đủ, không thiếu sót, tối thượng, tất cả. Công đức của Như Lai viên mãn, tròn đủ, không thiếu sót, tối thượng, tất cả như vậy nên công đức của Như Lai không có thiếu sót nào để mà tăng trưởng.
Như vậy, Chư Phật tử, vì công đức của Như Lai viên mãn, tròn đủ, không thiếu sót, tối thượng, tất cả nên tất cả Như Lai hiện tại trong mười phương thế giới, tất cả Như Lai quá khứ trong mười phương thế giới đã nhập niết bàn, tất cả Như Lai sẽ xuất hiện ở mười phương thế giới đều có công đức như nhau, viên mãn, tròn đủ, không thiếu sót, tối thượng, tất cả.
Này, Chư Phật tử! Nếu nói rằng công đức của một vị nào đó nhiều hơn công đức của một Như Lai, hoặc bằng hai lần, ba lần, nhiều lần công đức của một Như Lai, hoặc bằng cộng công đức của hai Như Lai, của ba Như Lai, của nhiều Như Lai thì lời nói như vậy là tà kiến.
Chư Phật tử! Trong bộ kinh chánh pháp Sanghata có đoạn như sau đây:
{[Bấy giờ Đức Thế Tôn dạy:
"Phổ Dũng, có chánh pháp tên Sanghata, lưu hành trên cõi địa cầu.
Ai được nghe chánh pháp này, đến năm nghiệp vô gián cũng đều tiêu diệt, không còn thoái chuyển trước vô thượng bồ đề.
Này Phổ Dũng, ý ông nghĩ thế nào? Nếu ông tự nghĩ rằng công đức của người nghe kinh Sanghata cũng nhiều như công đức của 1 đấng Như Lai, thì ông nên biết, nghĩ như vậy là không đúng với sự thật”.
Bồ tát Phổ Dũng hỏi: "Thưa Thế Tôn, phải nghĩ thế nào mới đúng với sự thật"?
Đức Thế Tôn dạy: "Phổ Dũng, sông Hằng có bao nhiêu cát, ngần ấy đại bồ tát và Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri có được bao nhiêu công đức, so với công đức của người nghe Chánh pháp Sanghata thật không sai khác.]} - Trích trang 15 trong bộ kinh chánh pháp Sanghata theo link đã đăng ở trên.
Này Chư Phật tử! Tôi tuyên bố đoạn kinh này là tà kiến.
Chân Như Tuệ Quang: Nam mô Phật!
Pháp Không Chân Như: Chư Phật tử! Nội dung trong bộ kinh Chánh Pháp Sanghata có nhiều tà kiến.
Và này Chư Phật tử! Trong Kinh Chánh Pháp Sanghata có nhiều lời giảng thuyết lạc đề, không tập trung giải quyết thắc mắc ban đầu của người thỉnh pháp. Thắc mắc đó vẫn không được giải quyết.
Chư Phật tử! Nội dung của bộ kinh Chánh Pháp Sanghata thường nhắc đến việc nghe, đọc, biên chép, thuyết giảng, lưu truyền Kinh Chánh Pháp Sanghata, thậm chí chỉ bài kệ bốn câu sẽ có công đức thù thắng. Nhưng này Chư Phật tử! Nội dung bài kệ bốn câu này thì bộ kinh này lại không nói đến. Và này Chư Phật tử! Hiếm hoi được tìm thấy đoạn kinh của Kinh Chánh Pháp Sanghata trong bộ kinh Chánh Pháp Sanghata mà bộ kinh Chánh Pháp Sanghata muốn nói đến nhưng lời nói đó là mạo nhận Thế Tôn.
Này Chư Phật Tử! Tôi tuyên bố Kinh chánh pháp Sanghata không do Như Lai thuyết. Tôi khuyên Chư Phật tử chớ nên đọc, nghe, biên chép, giảng thuyết, lưu truyền, áp dụng tu tập vì kinh này tà chánh lẫn lỗn, không có lợi ích.
Chân Như Bồ Đề: Vâng ạ! Con xin ghi nhớ lời dạy của Thầy.
Pháp Không Chân Như: Khi chư vị liễu nghĩa tri kiến của bất cứ ai, để đạt được sự sáng suốt và tỉnh giác, đưa đến khởi sanh chánh kiến, chư vị phải nên nhớ:
Không vị nể, mà phải giữ tâm bình đẳng,
Không chấp trước cái gì đã có ở đời,
Không chấp trước rằng nó thật hay giả,
Không chấp trước rằng nó có hoặc không,
Không chấp trước rằng nó đúng hay sai,
Không sanh tâm sợ hãi phạm trọng tội,
Không tác ý ngã mạn, hủy báng,
Bình thản quán xét như đi dạo ngắm cảnh tĩnh mịch thanh bình.
Khi chư vị muốn tin điều gì, hãy ghi nhớ những lời dạy này của đức Phật Thích Ca Mâu Ni:
(Kinh Kalamasutta) Nầy các người xứ Kalama, các người nên nghĩ kỹ không nên tin rằng:
1. Nghe nối nhau.
2. Vì chuyện ấy đã có từ xưa.
3. Vì có nghe như vậy.
4. Vì tin theo sách vở đã nói.
5. Vì tự mình nghĩ sao tin vậy.
6. Vì lẽ: Có lẽ sự việc ấy có thật.
7. Vì sự suy nghĩ của mình xem theo sự việc hành động bên ngoài.
8. Tin vì vừa ý rằng: Ðây đúng với sở thích của chúng ta.
9. Tin rằng: Người nầy nói đáng tin được.
10. Vị Sa-môn nầy là thầy của ta.
Quảng Pháp: Bạch Thầy! Sau khi được nghe Thầy giảng, con đã được giải tỏa mọi thắc mắc về Kinh Chánh Pháp Sanghata. Con xin được tri ân Thầy.
(Hoàng Lạc: kết tập)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét