Sau khi được nghe phẩm “Phật – A Di Đà – Căn Bổn Bí Mật Tạng”, Phật tử Hưng Long mong muốn được hiểu rõ tường hơn về thể tánh của Như Lai.
Phật tử Hưng Long thưa: Giai thoại này quả là khó hiểu. Ngài có thể chỉ giúp và lấy ví dụ cụ thể để hiển bày chất liệu của bản thể chư Phật được không ạ. Ngài nói về chất liệu của bản thể và bản thể của chư Phật nhưng ngài cũng lại nói “ngôn ngữ của con người không có từ nào có nghĩa về chất liệu này”. Vậy thì phải hiểu như thế nào đây, xin ngài lấy ví dụ để chỉ thế nào là chất liệu của bản thể và bản thể của chư Phật là như thế nào? Xin ngài khai thị cho Hưng Long ạ. Nam mô A Di Đà Phật.
Pháp Không Chân Như: Hưng Long! Tôi sẽ hồi đáp nguyện vọng của ông. Nguyện ông sớm trọn thành Phật đạo.
Hưng Long hoan hỷ: A Di Đà Phật, Hưng Long xin tri ân công đức của ngài, thưa ngài Pháp Không Chân Như.
Pháp Không Chân Như: Chư Phật tử! Trong lần thuyết về nơi trụ xứ của Phật A Di Đà vừa rồi, tôi đã đặt tên cho phẩm ấy là “Phật – A Di Đà – Căn Bổn Bí Mật Tạng”. Tại sao lại nói là tạng bí mật? Với thể tánh của Như Lai, chúng sinh không thể thấy bằng mắt, không thể nghe bằng tai, không thể ngửi bằng mũi, không thể nếm bằng lưỡi, không thể cảm bằng thân, không thể biết bằng ý. Vì thể tánh của Như Lai chẳng phải sắc, chẳng phải thanh, cũng chẳng phải hương, vị, xúc, pháp. Vì không thể thấy, không thể nghe, không thể ngửi, không thể nếm, không thể cảm, không thể biết bằng lục căn nên thể tánh của Như Lai luôn là kho tàng bí mật đối với chúng sinh.
Chư Phật tử! Mọi thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp chẳng thể so sánh đồng như thể tánh của Như Lai. Chẳng có gì sánh bằng thể tánh của Như Lai. Vì vậy mọi ví dụ để diễn đạt về thể tánh của Như Lai và thể tánh của Như Lai thì chẳng được tương đồng. Nhưng vì thương tưởng, phổ độ chúng sinh nên chư Phật, Bồ tát thị hiện, lấy hiện tượng để làm ví dụ cho thật tướng, lấy loại vô tình để làm ví dụ cho loại hữu tình, lấy sắc ví dụ cho thứ chẳng phải sắc, lấy thanh ví dụ cho thứ chẳng phải thanh, nhẫn đến hương, vị, xúc pháp cũng đều như vậy. Chư Phật, Bồ tát làm như vậy là để cho chúng sinh có được sự hiểu biết nhất định về tự tánh chân thật của mọi tồn tại, giúp cho chúng sinh làm cơ sở để tự khai thông trí huệ mà đạt được cái biết vô ngại.
Này chư Phật tử! Ví như một người bị bệnh tiểu ra máu. Một vị lương y thấy người này bị bệnh tiểu ra máu nên đã chỉ cho người bệnh sử dụng rau sam để điều trị. Người bệnh chẳng biết rau sam là rau như thế nào, mùi vị thế nào, hình dáng ra sao và ở đâu có nó. Tại nơi ở của người bệnh cũng chẳng có rau sam. Vị lương y vì muốn giúp người này khỏi bệnh nên đã dùng cây này, lá nọ, vị này, hương kia làm ví dụ để mô tả về rau sam và hướng dẫn người bệnh nhận biết về nơi rau sam có thể mọc. Dẫu rằng những thứ mà vị lương y lấy làm ví dụ không phải là rau sam, cũng chẳng đồng như rau sam. Nhưng người bệnh nghe vậy nên có một sự hiểu biết nhất định về rau sam và cũng có sự biết nhất định về phương hướng tìm kiếm và nơi rau sam có thể mọc. Theo sự biết nhất định ấy, người bệnh bằng sự nỗ lực của mình đã tìm được rau sam và như thế nên đã biết rõ tường về rau sam, bệnh tiểu ra máu của người ấy đã được điều trị khỏi.
Cũng như vậy, chư Phật, Bồ tát vì muốn phổ độ chúng sinh nên đã sử dụng pháp thế gian để diễn đạt về tự tánh chân thật của mọi tồn tại. Chứ pháp thế gian chẳng thể sánh đồng như tự tánh chân thật của mọi tồn tại.
Và này chư Phật tử! Rau sam có tác dụng điều trị bệnh tiểu ra máu cho người không đang mang thai, không phải là người tỳ vị hư hàn, không bị tiêu chảy. Nhưng nó là thuốc độc đối với người đang mang thai, người tỳ vị hư hàn, người bị tiêu chảy.
Cũng như vậy, không phải bất cứ giáo pháp nào của chư Phật, Bồ tát cũng có thể áp dụng chung cho tất cả chúng sinh. Tùy theo công đức tu tập tích tụ được mà áp dụng giáo pháp phù hợp với chính mình. Ví như hành giả chưa tu trì giáo pháp về vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh thì chẳng nên tu trì giáo pháp về thường, lạc, ngã, tịnh.
Chư Phật tử! Hiện nay công nghệ thông tin có thể chuyển tải thông tin đến với tất cả mọi người. Và như vậy, một bài thuyết pháp chân thật cũng có thể được truyền đến tất cả mọi người. Điều này có ý nghĩa gì? Nghĩa là một bài thuyết pháp dành cho kẻ có nhiều công đức thì kẻ có ít hoặc chẳng có công đức cũng nghe thấy nó. Đối với công nghệ như vậy, trong trường hợp như vậy, bậc thiện tri thức thuyết pháp không thể ngăn chặn được đối tượng không phù hợp nghe thấy. Đối với công nghệ như vậy, trong trường hợp như vậy, chư Phật tử phải biết chọn lựa giáo pháp phù hợp với chính mình, chớ nên đốt cháy giai đoạn tu trì.
Này chư Phật tử! Khi tôi diễn nói về thể tánh của Như Lai, tức là bản thể của Như Lai, tức cũng là nói về Phật tánh của mỗi chúng sinh. Mỗi chúng sinh đều có vị Phật chính mình. Vị Phật chính mình chính là Phật tánh của chính mình. Thể tánh của Như Lai và Phật tánh của chúng sinh thì chẳng phải hai loại khác nhau.
Ví như nước nguyên chất và nước muối. Nước nguyên chất dụ cho thể tánh của Như Lai. Nước trong nước muối dụ cho Phật tánh của mỗi chúng sinh. Nước muối dụ cho chúng sinh. Nước muối có vị mặn là vì trong hỗn hợp nước muối có muối. Vị mặn đó là vị mặn của muối chứ chẳng phải vị mặn của nước. Nước trong nước muối là nước nguyên chất, nước trong nước muối chẳng phải là nước muối, chẳng có muối và chẳng có vị mặn. Nếu đem chưng cất nước muối, loại trừ muối thì sẽ nhận được nước nguyên chất. Nước nguyên chất nhận được và nước trong nước muối chẳng có sai khác. Nước trong nước muối chẳng làm thay đổi muối và muối trong nước muối cũng chẳng làm thay đổi nước. Nước và muối là những tồn tại độc lập, nhưng vì muối nương vào nước nên gọi là nước muối vậy. Cũng như vậy, Phật tánh của mỗi chúng sinh không có sự sai khác nào, không có sự thay đổi nào so với thể tánh của Như Lai (của chính chúng sinh đó) khi chúng sinh thành Phật.
Chư Phật Tử! Hãy lắng nghe và khéo tác ý.
Thể tánh của mỗi Như Lai
Là một tồn tại độc lập sở hữu bỡi chính Như Lai đó,
Sở hữu một loại chất liệu duy nhất, sở hữu độc lập một lượng chất liệu xác định,
Quang minh của Như Lai là chất liệu của Như Lai, chất liệu của Như lai là quang minh của Như Lai,
Lượng quang minh của Như Lai là lượng chất liệu của Như lai, lượng chất liệu của Như Lai là lượng quang minh của Như Lai,
Không có cấu trúc nội tại, tức là một trường quang minh tương tục,
Không bị bất cứ thứ gì phân chia, không tự phân chia,
Không tự không còn tồn tại, không bị bất cứ thứ gì làm cho không còn tồn tại,
Không bị bất cứ thứ gì sinh ra, không tự sinh ra,
Không tự biến đổi quang minh của Như Lai, không bị bất cứ thứ gì làm cho quang minh của Như Lai biến đổi,
Không tự thay đổi lượng quang minh của Như Lai, không bị bất cứ thứ gì làm cho lượng quang minh của Như Lai thay đổi,
Không tự sáp nhập với bất cứ thứ gì để không còn chính Như Lai đó, không bị bất cứ thứ gì sáp nhập để không còn chính Như Lai đó,
Thể tánh của mỗi Như Lai trùm khắp Vũ Trụ,
Quang minh của mỗi Như Lai ở khắp tất cả chỗ trong Vũ Trụ.
Này chư Phật tử! Hãy khéo phân biệt như vầy. Quang minh được nói ở đây là danh từ biểu thị nội dung, tài sản, trường nội tại của Như Lai, còn thể tánh của Như Lai là danh từ biểu thị hình thức của Như Lai. Ví như quả cầu thủy tinh là danh từ biểu thị hình thức của quả cầu làm bằng thủy tinh, còn chất liệu thủy tinh là danh từ biểu thị nội dung, tài sản, trường nội tại của quả cầu thủy tinh. Danh từ quang minh khi được nói như thế không đồng nghĩa với các danh từ: vật chất, phản vật chất, phi vật chất, vật chất tối, năng lượng, năng lượng tối, chất hóa học, nguyên liệu, vật liệu, hạt vật chất, linh hồn, ánh sáng, bức xạ.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng nhắc đến thân kim cang bất hoại. Này chư Phật tử! Thân kim cang bất hoại có hai loại. Một là thể tánh của Như Lai. Hai là bản thể của vật chất, tức là hạt vật chất cội gốc, là thể dạng gốc rốt ráo của vạn vật. Bản thể vật chất thì bất hoại. Chúng sinh nương trụ ở bản thể vật chất thì có thân kim cang bất hoại. Trong phạm vi của bài giảng này, tôi không giảng về bản thể vật chất. Chư Phật tử hãy tìm hiểu nó trong các bài về tánh không do tôi giảng. Thể tánh của Như Lai là thân kim cang bất hoại. Ý này muốn nói rằng chất kim cang diễn đạt cho chất liệu của Như Lai, quang minh của Như Lai.
Ví như quả cầu thủy tinh trong suốt, bên trong quả cầu thủy tinh có một thanh kiếm làm bằng chất liệu mà ánh sáng có thể xuyên qua. Đem đặt quả cầu thủy tinh này ngoài trời đang nắng. Ánh sáng sẽ có mặt ở khắp tất cả vị trí trong quả cầu thủy tinh này, kể cả mọi vị trí bên trong thanh kiếm. Quả cầu thủy tinh dụ cho Vũ Trụ, những hạt thủy tinh và thanh kiếm dụ cho vạn vật trong Vũ Trụ. Ánh sáng trong quả cầu thủy tinh dụ cho quang minh của Như Lai. Toàn thể ánh sáng trong quả cầu thủy tinh dụ cho thể tánh của Như Lai. Ánh sáng có mặt ở khắp tất cả vị trí trong quả cầu kể cả mọi vị trí bên trong thanh kiếm cũng như quang minh của Như Lai có mặt ở khắp tất cả vị trí trong Vũ Trụ, kể cả mọi vị trí bên trong mọi vật. Toàn thể ánh sáng trong quả cầu thì trùm khắp quả cầu cũng như thể tánh của Như Lai thì trùm khắp Vũ Trụ.
Ví như bức xạ điện từ có mặt ở mọi vị trí trong Vũ Trụ, kể cả mọi vị trí trong mọi vật. Tạm xem toàn thể bức xạ điện từ trong Vũ Trụ như là một thực thể thống nhất. Thể bức xạ điện từ dụ cho thể tánh của Như Lai, bức xạ điện từ dụ cho quang minh của Như Lai. Bức xạ điện từ có mặt ở khắp tất cả vị trí trong Vũ Trụ, kể cả mọi vị trí trong mọi vật cũng như quang minh của Như Lai có mặt ở khắp tất cả vị trí trong Vũ Trụ, kể cả mọi vị trí trong mọi vật. Thể bức xạ điện từ thì trùm khắp Vũ Trụ cũng như thể tánh của Như Lai thì trùm khắp Vũ Trụ.
Ví như nồi canh đang sôi. Nước và mọi thứ đang được dùng để nấu canh đều bị nóng ở mọi vị trí trong nó. Tức là nhiệt đang có mặt ở khắp tất cả vị trí trong nồi canh, kể cả mọi vị trí trong nước và trong mọi thứ thực phẩm trong nồi. Nồi canh dụ cho Vũ Trụ, nước và mọi thứ thực phẩm trong nồi dụ cho vạn vật trong Vũ Trụ. Tạm xem toàn thể nhiệt trong nồi là một thể thống nhất. Thể nhiệt trong nồi dụ cho thể tánh của Như Lai, nhiệt dụ cho quang minh của Như Lai. Thể nhiệt thì trùm khắp nồi canh cũng như thể tánh của Như Lai thì trùm khắp Vũ Trụ. Nhiệt có mặt ở khắp tất cả vị trí trong nồi, kể cả mọi vị trí trong nước và trong mọi thứ thực phẩm trong nồi cũng như quang minh của Như Lai có mặt ở mọi vị trí trong Vũ Trụ, kể cả mọi vị trí trong vạn vật.
Ví như một hiệp sĩ đang múa kiếm, đường kiếm lướt trong không gian. Thanh kiếm đang chém trong không gian là đang chém trong thể tánh của Như Lai. Này chư Phật tử! Như Lai không bị đứt, không bị đau, không bị tổn thương. Như Lai không bị thanh kiếm làm hư hoại bất cứ chỗ nào trong thể tánh của Như Lai. Vì sao vậy? Vì quang minh của Như Lai ở khắp tất cả vị trí trong Vũ Trụ, kể cả mọi vị trí bên trong thanh kiếm và trên bề mặt thanh kiếm, và quang minh của Như Lai là trường tương tục. Cho nên quang minh của Như Lai chẳng thể bị tách, chẳng thể bị chia, chẳng thể bị đứt. Đường kiếm lướt trong thể tánh của Như Lai cũng giống như dùng thanh kiếm thủy tinh chém ánh sáng vậy, chẳng bị đứt quãng, chẳng bị chia cắt. Vậy nên nói thể tánh của Như Lai bất khả tư nghị. Chẳng thể đem cái biết về sự vật và hiện tượng của chúng sinh để mà so sánh, đối chiếu, cho rằng cũng giống nhau để luận bàn tánh bất hoại này của Như Lai. Không có thứ chi trong Vũ Trụ làm cho thể tánh của Như Lai bị hư hoại. Thể tánh của Như Lai là thân bất hoại.
Chư Phật tử! Tất cả thể tánh của mọi Như Lai đều như thế. Và vì như thế cho nên tại mỗi vị trí trong Vũ Trụ đều có quang minh của tất cả Như Lai. Tất cả vị trí trong Vũ Trụ đều như vậy. Còn thể tánh của mỗi Như Lai thì trùm khắp Vũ Trụ. Mỗi vị trí có đầy đủ quang minh của tất cả Như Lai nhưng chỉ tương ưng do tiếp xúc mà không sáp nhập. Này chư Phật tử! Quang minh của Như Lai bất khả tư nghị. Chẳng thể đem cái biết về sự vật hiện tượng của chúng sinh để mà so sánh, đối chiếu, cho rằng cũng giống nhau, cũng chồng chất, cũng sáp nhập để luận bàn tánh độc lập về quang minh của mỗi Như Lai.
Ví như có nhiều ngọn đèn cùng phát sáng trong phòng. Nếu tạm thời không xem xét tánh tán sắc, chồng chất của ánh sáng thì tại mỗi vị trí trong phòng đều có đầy đủ ánh sáng của tất cả các ngọn đèn và ánh sáng của ngọn đèn nào là của ngọn đèn ấy, không sáp nhập thành một. Quang minh của Như Lai cũng như vậy, tại mỗi vị trí đều có đầy đủ quang minh của tất cả Như Lai, quang minh của Như Lai nào là của Như Lai ấy, không sáp nhập thành một.
Chư Phật tử! Hãy luôn hiểu biết, luôn tưởng nhớ sự thật này. Đó là bất cứ vị trí nào bên trong thân thể của chư Phật tử hay bên ngoài thân thể của chư Phật tử đều có đầy đủ quang minh của tất cả Như Lai. Mọi suy nghĩ, tư tưởng, hành vi, hành động, việc làm, mọi cảm thọ của chư Phật tử thì tất cả Như Lai đều biết rõ ràng đầy đủ, không thiếu sót cho dù chư Phật tử đang ngủ, đang nằm, đang ngồi, đang đứng, đang đi, đang bay nhanh chậm thế nào.
Dối người, dối thiên, gạt quỷ nhưng không thể dối mình, dối Như Lai được. Tất cả hành thiện của chư Phật tử, tất cả Như Lai đều biết đầy đủ, không thiếu sót. Tất cả hành ác của chư Phật tử, tất cả Như Lai đều biết đầy đủ, không thiếu sót. Chư Phật tử phiền não, đau khổ, bất hạnh, tất cả Như Lai đều biết đầy đủ, không thiếu sót. Như Lai đều luôn thương tưởng chúng sinh, phổ độ cho chúng sinh, gia hộ cho chúng sinh. Công đức của Như Lai không thể nghĩ bàn như vậy. Như Lai tự biết và tự có chỗ làm vì chúng sinh. Chẳng phải nhờ chúng sinh nói, niệm mà Như Lai mới biết. Chẳng phải nhờ chúng sinh cầu mà Như Lai mới làm.
Chư Phật tử! Hãy luôn cố gắng tu trì để được chính mình như chưng cất nước muối để được nước nguyên chất, sống bằng chính Phật tánh của mình, an lạc, vĩnh hằng.
(Kết tập: Hoàng Lạc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét