Thanh Khan Nguyen: Thưa thầy Pháp Không Chân Như, trong kinh Phật có câu: "Nhất thiết cung kính, nhất tâm kính lễ, thập phương pháp giới thường trụ tam bảo". Con chưa hiểu về thường trụ tam bảo. Con thấy trong Phật pháp dạy: "Quán thân bất tịnh, quán Pháp vô thường, quán Tâm vô ngã". Vậy có phải chăng Pháp lúc thường, lúc vô thường? Tăng là thân người. Người thì gồm thân ngũ uẩn và Phật tánh. Vậy, ngũ uẩn cũng thường chăng? Kính mong thầy hoan hỉ khai thị!
Sau khi nghe Thầy Thích Giác Hạnh giảng về tam bảo, con đã ngộ.
Pháp Không Chân Như: Ông đã ngộ ra như thế nào có thể nói cho mọi người cùng biết không?
Thanh Khan Nguyen: Thực ra thì nhờ đạo hữu Hoàng Lạc, con đã hiểu rõ hơn. Trước đó, con mong được hiểu rõ câu kinh mà mình đã thuộc lòng từ hơn 40 năm trước. Con nhớ trước khi tụng kinh thì bao giờ cũng phải đọc câu: "Nhất thiết cung kính, nhất tâm kính lễ, thập phương pháp giới thường trụ tam bảo". Chiều nay, sau nghe Thầy Thích Giác Hạnh giảng về tam bảo, con ngộ ngay thế nào là thường trụ tam bảo. Trước nay, con cứ hướng tam bảo ra ngoài chứ chưa bao giờ nghĩ thường trụ tam bảo chính lại là ta. Chủng tử Phật tánh nơi ta; Pháp của Phật tánh nơi ta; Tăng chính là hướng Phật nơi ta. Còn tam bảo ngoài ta là Chư Phật đã thành, Pháp Phật (Kinh sách) để lại và Tăng là các tăng ni trụ thế.
Pháp Không Chân Như: Điều mà Thanh Khan Nguyen đã ngộ ra là ngộ ra tự tánh tam bảo chứ không phải thường trụ tam bảo. Hiểu ra được tự tánh tam bảo, sự hiểu đó cũng là bảo, rất quý, có lợi ích lớn cho chính mình.
Ngữ cảnh để hiểu thường trụ tam bảo phải gắn liền với thập phương pháp giới, tức khắp pháp giới, khắp nơi trong Vũ Trụ. Câu mà Thanh Khan Nguyen thường niệm lúc nhỏ phải được viết như sau (bỏ dấu phẩy): "Nhất thiết cung kính, nhất tâm kính lễ thập phương pháp giới thường trụ tam bảo".
Thường trụ ở đây không đồng nhất nghĩa với vĩnh hằng, thường hằng, bất sinh bất diệt, bất tăng bất giảm.
Thanh Khan Nguyen: Vậy xin Thầy khai thị về thường trụ tam bảo.
Pháp Không Chân Như: Tôi đang trình bày vậy. Ông hãy khéo lắng nghe. Do nhân ấy, không lấy nghĩa thường trụ để sánh với thường. Nếu lấy thường trụ sánh với thường thì từ đó sanh ra nghĩa thường trụ tức là thường, tức không vô thường. Rồi từ đó sanh ra sự mâu thuẫn trong ý nghĩ rằng tam bảo cũng thường như Phật tánh. Do sự sanh khởi như vậy mà dẫn đến không thông nghĩa lý, nghi ngờ thường và vô thường. Nên ông mới có câu: ngũ uẩn cũng thường chăng?
Thanh Khan Nguyen: Vâng, thưa Thầy.
Pháp Không Chân Như: Còn nhiều, chỉ mới mở đầu thôi. Nếu ông ngộ đúng rồi thì tôi không phải trình bày nữa?
Thanh Khan Nguyen: Con đã biết thân ngũ uẩn là vô thường, nhưng hỏi là vì gắn với Tăng là người.
Pháp Không Chân Như: Tôi biết.
Thanh Khan Nguyen: Xin Thầy khai thị tiếp.
Pháp Không Chân Như: Phần mở đầu đã kết thúc. Tối mai gặp lại. Từ giờ đến tối mai, ông hãy cố gắng quán xem tại sao người ta sử dụng thập phương pháp giới thường trụ tam bảo. Nam mô Phật.
Thanh Khan Nguyen: Thầy có thể khai thị phần còn lại của thường trụ tam bảo được không? Con cũng đã quán về thập phương pháp giới thường trụ tam bảo nhưng chưa ngộ thêm được gì. Con chỉ hiểu thập phương pháp giới là: Phật, Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn, Trời, Người, A-tu-la, Ngạ quỷ, Súc sinh, Địa ngục.
Pháp Không Chân Như: Nam mô Phật. Hôm nay tôi trình bày tiếp theo về ý nghĩa của thập phương pháp giới thường trụ tam bảo:
(1) Tam bảo là gì?
Tam bảo có ý nghĩa nói về ba ngôi Phật, Pháp, Tăng với sự thành kính và trân quý.
(2) Phật là gì?
Phật là kẻ tối thiểu phải đạt được hai thứ: quả vị A la hán và chánh đẳng chánh giác. Nếu thiếu hai thứ đó thì không gọi là Phật. Ngôi Phật có hai quả vị: độc giác Phật và toàn giác Phật.
Phật có hai giai đoạn. Giai đoạn một là đang mang thân chúng sinh nhưng đã đạt quả vị Phật, thân chúng sinh của Phật chưa thân hoại mạng chung. Giai đoạn hai là vị ấy thân hoại mạng chung, nhập niết bàn. Nói là giai đoạn hai nhưng không có kết thúc giai đoạn. Thường trụ tam bảo không có ý nghĩa nói đến Phật đã nhập niết bàn.
(3) Pháp là gì?
Pháp ở đây là Phật pháp. Phật pháp là một bộ phận của tất cả pháp, của mọi sự vật và hiện tượng trong Vũ Trụ.
Phật pháp là bao gồm tất cả các biểu thị cho chúng sinh hiểu biết đúng về sự hình thành, hiện hữu, chuyển biến, thay đổi, hủy hoại, không còn hiện hữu của mọi sự vật, hiện tượng trong Vũ Trụ; bao gồm tất cả các biểu thị cho chúng sinh hiểu biết đúng về bản chất, về sự thật, về thực tướng của mọi sự vật và hiện tượng trong Vũ Trụ; bao gồm tất cả các phương tiện, phương pháp, phương thức đúng mà nếu chúng sinh vận dụng, áp dụng nó một cách tinh tấn và kiên trì thì sẽ đạt được quả vị thánh, Phật.
(4) Tăng là gì?
Tăng là chúng sinh đang nhận vào Phật pháp (hiểu biết Phật pháp) và đang thực hành Phật pháp (vận dụng, áp dụng một cách tinh tấn và kiên trì).
Đó là ý nghĩa ba ngôi: Phật, Pháp, Tăng.
Đó là ý nghĩa ba ngôi: Phật, Pháp, Tăng.
(5) Thập phương pháp giới là gì?
Thập phương là khắp nơi, là tất cả mọi nơi trong Vũ Trụ.
Pháp giới là thế giới của tất cả pháp.
Thập phương pháp giới là tất cả pháp trong Vũ Trụ, là mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ.
Thập phương pháp giới thường trụ tam bảo có ý nghĩa là tam bảo thường trụ trong thập phương pháp giới. Phật thường trụ trong thập phương pháp giới. Pháp thường trụ trong thập phương pháp giới. Tăng thường trụ trong thập phương pháp giới.
(6) Tại sao nói Phật thường trụ trong thập phương pháp giới?
Trong Vũ Trụ có hằng hà sa số nơi có chúng sinh cư trú. Lại có hằng hà sa số chúng sinh trong Vũ Trụ. Trong hằng hà sa số chúng sinh trong Vũ Trụ và trong hằng hà sa số nơi chúng sinh đang cư trú, luôn có ít nhất một nơi, ít nhất một chúng sinh đạt được quả vị Phật đang trụ thế. Do nhân ấy nên nói Phật thường trụ trong thập phương pháp giới.
(7) Tại sao nói Pháp (Phật pháp) thường trụ trong thập phương pháp giới?
Mọi sự vật, hiện tượng trong Vũ Trụ luôn chứa đựng thông tin về sự hình thành, sự hiện hữu, sự chuyển biến, sự thay đổi, sự hủy hoại, sự không còn hiện hữu của nó.
Mọi sự vật, hiện tượng trong Vũ Trụ luôn chứa đựng thông tin về bản chất của nó, sự thật về nó, thực tướng của nó.
Trong hằng hà sa số sự vật và hiện tượng trong Vũ Trụ và trong hằng hà sa số sự vật, hiện tượng xảy ra tương tục thành trụ hoại không trong Vũ Trụ, trong đó luôn có các phương tiện, phương pháp, phương thức mà nếu chúng sinh vận dụng, áp dụng nó một cách tinh tấn và kiên trì thì sẽ đạt được quả vị thánh, Phật.
Một chúng sinh thông tuệ có thể nhìn thấy các pháp ấy và biểu thị ra cho chúng sinh khác hiểu biết, thực hành.
Do nhân ấy nên nói Pháp (Phật pháp) thường trụ trong thập phương pháp giới.
(8) Tại sao nói Tăng thường trụ trong thập phương pháp giới?
Trong Vũ Trụ có hằng hà sa số nơi có chúng sinh cư trú. Lại có hằng hà sa số chúng sinh trong Vũ Trụ. Trong hằng hà sa số chúng sinh trong Vũ Trụ và trong hằng hà sa số nơi chúng sinh đang cư trú, luôn có ít nhất một nơi, ít nhất một chúng sinh đang hiểu biết và đang thực hành Phật pháp. Do nhân ấy nên nói Tăng thường trụ trong thập phương pháp giới.
Thanh Khan Nguyen! Tôi đã trình bày về thắc mắc của ông. Ông có còn nghi hoặc gì chăng?
Các chư vị khác đang tham gia ở đây có thắc mắc gì chăng?
Thanh Khan Nguyen: Con có vài thắc mắc xin Thầy giảng. Khi bắt đầu học Phật thì con hiểu rằng: thường trụ - tức là thường, và vạn hữu (trừ Phật tánh) thì đều vô thường (không thường trụ) vì tất cả chúng đều thay đổi (bên ngoài hoặc bên trong nhưng chưa đến mức thay đổi quá lớn). Vũ Trụ biến đổi không ngừng, con cho rằng Pháp (Phật pháp) luôn thường hằng trong thập phương pháp giới. Nhưng nó không thường trụ, vì nó còn danh xưng là Pháp, nhưng nội tại thì nó có sự thay đổi.
Pháp Không Chân Như: Ông đã nói về thường trụ và thường đồng nhất nghĩa với nhau, không thường trụ và vô thường đồng nhất nghĩa với nhau. Vậy từ thường hằng mà ông đã cho rằng nó không phải thường trụ, cũng không phải thường thì có ý nghĩa như thế nào (theo ông)?
Thanh Khan Nguyen: Ví như một giọt nước có một tỷ phân tử sau một sát na nó vẫn là giọt nước đó, vẫn có một tỷ phân tử nhưng vị trí các phân tử này đã có sự thay đổi và thấy nó vẫn là giọt nước vẫn còn một tỷ phân tử (pháp) nhưng nó đã thay đổi nên vẫn vô thường; hoặc mặt trời ta tạm cho là thường hằng, hàng tỷ tỷ năm sau nó vẫn còn đó nhưng cấu trúc hình thành nó luôn thay đổi thì nó vẫn vô thường phải không Thầy?
Pháp Không Chân Như: Điều ông thắc mắc thì tôi đã hiểu. Ông muốn biết thế nào là thường, thế nào là vô thường, có phải vậy không?
Thanh Khan Nguyen: Vâng, Thầy có thể giảng lại được không?
Pháp Không Chân Như: Ở đây, điều cơ bản là khái niệm. Nếu như ông, tức là cá nhân ông có thể mặc định nghĩa của từ khác với người khác để mình tự hiểu thì vẫn đảm bảo tính chính xác của nó.
Thanh Khan Nguyen: Con hiểu thường hằng luôn là nó, nhưng nó sẽ thay đổi sau một thời gian; còn thường trụ, nó vẫn giữ y nguyên là nó cho dù thời gian có tác động.
Pháp Không Chân Như: Ví như ông mặc định thường trụ là thường, không thường trụ là vô thường, vô thường mà tồn tại dài lâu nhưng có thay đổi (bên ngoài hoặc bên trong nhưng chưa đến mức thay đổi quá lớn) là thường hằng thì vẫn đảm bảo tính chính xác của nó (với ông).
Ví như tôi mặc định ổ bánh mì là bánh bao thì vẫn đảm bảo tính chính xác của nó (với tôi).
Thanh Khan Nguyen: Thầy nói đúng ý con muốn hỏi.
Pháp Không Chân Như: Như vậy, điều cơ bản để cả hai hiểu đúng ý của nhau khi nói về một đối tượng nhưng mỗi người sử dụng từ khác nhau thì phải làm gì? Đó chính là nêu lên khái niệm của chính mình về từ đó.
Thanh Khan Nguyen: Điều này thì không Thầy ơi! Bánh mì vẫn là bánh mì chứ.
Pháp Không Chân Như: Do nhân ấy, tôi nói là nó vẫn đảm bảo tính chính xác.
Thanh Khan Nguyen: Xin Thầy giải nghĩa: thường hằng có là thường trụ không? Nếu khác thì xin Thầy chỉ rõ.
Pháp Không Chân Như: Thanh Khan Nguyen vẫn có thể đổi tên được ví như đổi thành Nguyen Thanh An, và người khác vẫn biết ông chính là Nguyen Thanh An nếu ông giới thiệu về ông. Do đó, khái niệm riêng (tôi thích gọi cái bánh mì là cái bánh bao) vẫn đúng với chính mình khi mình nghĩ đến nó. Tuy vậy, nó sẽ không phù hợp khi nói với người khác. Do đó, điều ông cần bây giờ không phải là thường hằng có phải thường trụ hay không mà là khái niệm thường trụ là gì, thường hằng là gì, thường là gì, vô thường là gì. Sau đó mới biết thường hằng và thường trụ là đồng nghĩa hay khác nghĩa.
Trong giáo pháp của Phật thường dùng từ thường và vô thường. Từ thường trụ không có khái niệm đồng khái niệm với thường. Trong giáo pháp của Phật không sử dụng từ để chỉ cho cái gọi là vô thường mà tồn tại dài lâu nhưng có thay đổi (bên ngoài hoặc bên trong nhưng chưa đến mức thay đổi quá lớn).
Thanh Khan Nguyen: Thường trụ, theo con hiểu là cái gì mãi mãi vẫn là nó sau thời gian biến đổi thì tự tính không thay đổi hay còn gọi là Ngã.
Pháp Không Chân Như: Vì từ để chỉ cho cái gọi là vô thường mà tồn tại dài lâu nhưng có thay đổi (bên ngoài hoặc bên trong nhưng chưa đến mức thay đổi quá lớn) không giải quyết vấn đề mà tôi đã nói về ý nghĩa từ Phật pháp ở trên.
Thanh Khan Nguyen: Vâng, thưa Thầy.
Pháp Không Chân Như: Bây giờ tôi sẽ định nghĩa chính xác về thường và vô thường. Vô thường chỉ cho những thứ mà sau một thời gian hoặc ít hoặc nhiều, nó không còn là chính nó trọn vẹn.
Thanh Khan Nguyen: Con cũng hiểu thế.
Pháp Không Chân Như: Thường chỉ cho những thứ mà nó không bao giờ thay đổi thành một thứ khác dù ít, dù nhiều; không bao giờ bị phân chia thành hai thứ hoặc nhiều thứ; không bao giờ sáp nhập với thứ khác để trở thành một thứ THƯỜNG khác; không bao giờ mất đi không còn tồn tại.
Thanh Khan Nguyen: Con cũng hiểu như thế.
Pháp Không Chân Như: Còn từ thường trụ có thể áp dụng cho vô thường hoặc thường tùy theo hoàn cảnh, ngữ cảnh. Nó ít được sử dụng để diễn nói pháp. Từ thường hằng, vĩnh hằng, bất tăng bất giảm, bất sinh bất diệt thường được sử dụng để diễn đạt cho thường.
Thanh Khan Nguyen: Vậy mà trước giờ, con cứ nghĩ thường là thường trụ. Thế nên mới có câu hỏi tam bảo có thường trụ không là vậy.
Pháp Không Chân Như: Do đó, trong mọi hoàn cảnh, ngữ cảnh không nên dùng từ thường hằng để biểu thị cho cái gọi là vô thường mà tồn tại dài lâu nhưng có thay đổi (bên ngoài hoặc bên trong nhưng chưa đến mức thay đổi quá lớn) vì rất dễ hiểu nhầm ý nhau. Còn đối với riêng cá nhân, khi đã rõ biết thì từ nào cũng được vì chính mình mặc định riêng cho nó. Ví như từ linh hồn.
Thanh Khan Nguyen: Con đã rõ.
Pháp Không Chân Như: Trong đạo Phật không chấp nhận có linh hồn, nhưng thực tế từ này được dùng xuyên suốt? Vì sao lại như vậy?
Thanh Khan Nguyen: Linh hồn là người không học Phật gọi cái Tâm thức là Ta vậy.
Pháp Không Chân Như: Chỉ đơn giản là khi đã khái niệm linh hồn là thường thì tất nhiên đạo Phật không chấp nhận có linh hồn. Nhưng nếu khái niệm linh hồn thì vô thường thì đạo Phật sẽ chấp nhận có linh hồn. Đạo Phật không chấp nhận có linh hồn chính là không chấp nhận khái niệm cái thứ mà chúng sinh sau khi chết còn lại thì thường.
Thanh Khan Nguyen: Vâng, nếu linh hồn là thường thì ta tu phỏng có ích gì!
Pháp Không Chân Như: Tôi đã trình bày phần ông đã thắc mắc. Ông có gì thắc mắc hay chưa hài lòng hay không?
Thanh Khan Nguyen: Con đã hiểu rõ cả rồi.
---
Pháp thoại ngày 21 và ngày 22 tháng 4 năm 2018 tại Trung Tâm tôn giáo
Kết tập: Hoàng Lạc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét