Thứ Năm, 17 tháng 1, 2019

SỐNG KHÔNG TIẾT KIỆM

Sống không tiết kiệm.
Từ 1 đến 5 tuổi, sống trong ngây thơ, chẳng làm được gì. Từ 5 đến 23 tuổi, suốt ngày vùi đầu vào sách vở, chẳng làm được gì. Từ 23 tuổi đến nay theo đuổi công danh, sự nghiệp, tiền tài cũng chỉ để nuôi cái thân, làm thỏa mãn cái tâm ham muốn, có tiền, có danh cũng chỉ để nuôi thân này thân kia, thỏa mãn cái tâm ham muốn, cũng chẳng được gì vì nó sẽ không còn. Nó được sinh ra, chính nó phục vụ cho nó và biến mất. Sống lãng phí quá.
***
Nhân có một số ý kiến của các bạn hữu, mình có ý kiến thế này chia sẻ với các bạn.
Mình rất thường nghe hai câu nói này xuất phát từ đại đa số trong những người mà mình đã từng nghe họ nói chuyện:
- Tu tâm là chính (có ý không quan trọng trường hợp thực hành các giới luật, đối kháng với những ý định thực hành giới luật thông qua hành vi, cử chỉ, lời nói, việc làm).
- Tu đâu cho bằng tu nhà (có ý đối kháng trường hợp xuất ly gia đình, sống không gia đình).
Nếu không quan sát kỹ, thấy hai câu nói này rất hay, rất hợp lòng và ý của nhiều người, đa số tán thành và hài lòng.
Hai câu nói này xuất phát chủ yếu từ những người không hướng đạo, những người tu tại gia. Nó rất ít xuất hiện nơi cửa miệng của các tu sĩ, cho dù đó là đạo Thiên Chúa hay đạo Phật. Và mình có thể khẳng định đức Phật không bao giờ nói lên những lời như thế. 
Các bạn không nên nhầm lẫn ý nghĩa câu "Tu tâm là chính" khi mà nó phát khởi bởi người này trong trường hợp mà những ý định thực hành giới luật thông qua thân hành được phát khởi từ người khác trước đó và ý nghĩa câu "tâm dẫn đầu các pháp, tâm chủ, tâm tạo tác" mà đức Phật đã dạy. Lời dạy của Phật cho biết tâm là trung tâm của mọi tạo tác được phát khởi trên thân, do đó cần phải tu cho tâm được thanh tịnh, trong sạch. Để thực hiện được điều này, ngài rõ hơn ai hết, ngài biết rõ chúng ta phải làm những gì để được tâm trong sạch, thanh tịnh. Và ngài đã đã dạy cho chúng ta rất nhiều phương pháp thực hành kết hợp trì giới. Tâm không thể được tu tập khi mà ta không có phương tiện để huấn luyện nó. Bởi vì bản chất của nó là hư ảo và chuyển biến liên tục, nó được huân tập thuần thục trong nhiều kiếp, kết quả hành tâm hiện tại là kết quả của một quá trình lâu dài trong quá khứ và ngay bây giờ. Nó không dễ dàng thực hiện theo sự chỉ bảo theo ý chủ quan hay khách quan của ta được. Ta không thể đưa ra đặt nó trên bàn, chỉ ra nó là cái gì, tướng mạo ra sao. Khi mà ta không thể nắm bắt nó là cái gì, không thể nắm bắt tướng mạo và cấu trúc, thành phần của nó thì ta không thể tu trực tiếp bằng chính nó được. Do đó, tu tâm là một phép huấn luyện nó thông qua hiện tượng mà nó có thể phơi bày ở nơi ý nghĩ, suy tư, mọi hành vi, cử chỉ, lời nói, công việc nơi thân hành. Khi một hành giả thuần thục trong sự huấn luyện tâm theo pháp Phật thì sự nhất quán giữa tâm và thân là dung thông đồng nhất thể trong tu tập, trong đời sống. 
Với quan niệm “tu tâm là chính” mà không hiểu biết rõ việc nên làm và không nên làm (theo tri kiến Phật), không thực hiện các pháp thân hành mà Phật đã dạy thì đây là tà kiến, và sẽ ăn sâu trong tâm thức đưa đến tư duy không chân chánh, niệm không chân chánh, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, không tin tấn (không thường xuyên cố gắng tu tập), không đưa đến chánh định.
Để tâm được tu tập thành tựu lớn, điều khó làm đối với tất cả chúng sanh và càng khó làm với người chưa giác ngộ tứ diệu đế mà rời bỏ gia đình, sống không gia đình. Đức Phật hiểu điều đó hơn ai hết. Do đó, với lòng thương yêu vô bờ của ngài, ngài vì chúng ta mà chế đặt ra các pháp thực hành cũng như dạy cho chúng ta sự hiểu biết chân chánh. Ngoài các pháp mà ngài hướng dẫn cho người cư sĩ, ngài luôn luôn, ngài thường xuyên nhắc nhở, khuyến tấn chúng ta nên đến một gốc cây vắng bóng người, một nơi hoang vắng, một ngôi nhà hoang, trong rừng,... và ngài luôn khuyến tấn chúng ta xuất ly gia đình, sống không gia đình. Vì ngài biết rõ môi trường ô uế sẽ là khó khăn, là khó thành tựu lớn, là không thể với đa số, thất bại với đa số. Thành tựu lớn trong những khó khăn đó chủ yếu là những bậc đã có sẵn thành tựu lớn từ nhiều kiếp ở mức tự tại khó bị làm uế nhiễm. Mà những người đã thành tựu như vậy mà tu tại gia không phải vì tham luyến ở đời, chỉ là một số nhiệm vụ trong tứ ân cần phải làm. Còn người phát khởi câu "Tu đâu không bằng tu nhà" là người tham luyến ở đời, tham dục ở đời, bị đời chi phối và níu kéo, không thể xuất ly gia đình, sống không gia đình. Điều đó đã cho thấy sự khó khăn trong thành tựu lớn và có thể dẫn đến thất bại về thành tựu lớn, có thể bị kéo rời xa Phật pháp, rơi vào ác đạo. Đức Phật nói:
79. Chớ thân với bạn ác,
Chớ thân kẻ tiểu nhân.
Hãy thân người bạn lành,
Hãy thân bậc thượng nhân.
(Pháp Cú.)
147. Như leo trên ván nhỏ,
Giữa biển lớn bị chìm,
Cũng vậy đến kẻ khác,
Người hạnh tốt cũng chìm.
Do vậy hãy bỏ nó,
Kẻ làm biếng làm nhác.
(Kinh Tiểu bộ - Chương II: Hai kệ.)
85. Ít người giữa nhân loại,
Ðến được bờ bên kia
Còn số người còn lại,
Xuôi ngược chạy bờ này.
(Pháp cú.)
187. Ta thấy người cư sĩ,
Trì pháp với lời nói,
Các dục là vô thường,
Họ ưa thích ái luyến,
Châu báu và vòng nhẫn,
Họ đón chờ vợ con.
188. Thật sự họ không biết,
Pháp như thật là gì?
Dầu họ có tuyên bố:
'Các dục là vô thường!'
Họ không có sức mạnh,
Ðể cắt đứt tham ái,
Do vậy, họ luyến tiếc,
Vợ con và tài sản.
148. Hãy sống gần bậc Thánh,
Bậc viễn ly, tinh cần,
Thiền định, thường tinh tấn,
Bậc Hiền trí sáng suốt.
195. Sau khi đã từ bỏ
Năm loại dục trưởng dưỡng,
Những vật thật khả ái,
Khiến tâm ý thích thú,
Với lòng tin, xuất gia,
Chấm dứt sự khổ đau.
196. Ta không hoan hỷ chết,
Ta không hoan hỷ sống,
Ta chờ đợi thời đến,
Tỉnh giác và chánh niệm.
(Kinh Tiểu bộ - Chương II: Hai kệ.)
87. Kẻ trí bỏ pháp đen,
Tu tập theo pháp trắng.
Bỏ nhà, sống không nhà,
Sống viễn ly khổ lạc.”
(Pháp cú.)
135. Mục đích hạnh xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Ðích ấy đã đạt được,
Mọi kiết sử, diệt xong.
(Kinh Tiểu bộ - Chương II: Hai kệ.)
Như vậy, này bạn hữu
Khi có người giác hiểu
Tâm này hiện nơi thân
Không thân chẳng thể hành
Hành thân theo giới hạnh
Bậc giác ngộ đã kê
Được vậy, tâm phòng hộ
Huân tập nhiều hạnh lành,
Từ bi và bác ái
Yêu thương tất cả loài
Như cha mẹ với con
Thánh thiện nơi tam nghiệp
Tâm hoan hỷ, thuần tịnh
Như vậy là tu tâm.
Ví như người tu tâm
Thân hành lại sát hại,
Ăn thịt và uống máu,
Không thương sót các loài.
Từ bi và bác ái
Nói tâm nào được tu?
Và này các bạn hữu
Khi có người giác ngộ
Bốn diệu pháp Phật tuyên
Đạo đế là con đường
Không vắng bóng tu sĩ
Vị xuất ly, một mình
Đến hang động, khu rừng
Gốc cây, nhà hoang vắng
Tịnh xá hay đồng trống
Nhờ đàn na tín thí
Cho mạng sống qua ngày
Chuyên tâm thực hành pháp
Bậc chánh giác đã khuyên
Nhờ thực hành như vậy
Thành tựu từng bước chân
Như Phật đã hứa khả.
Vị ấy với tâm, tuệ
Trang trải và yêu thương
Trả ân tình tín thí
Phổ độ cả quần sanh
Đền đáp bốn ân trọng
Trở về trên bờ giác.
Như vậy, này bạn hữu
Có hai chúng của Phật
Tu sĩ, vị xuất ly
Bỏ nhà, sống không nhà,
Sống viễn ly khổ lạc
Thực hành các pháp Phật
Trọn vẹn các giới hạnh
Phổ độ nhiều chúng sanh
Bốn ân tình viên mãn.
Cư sĩ, nhiều trói buộc
Gia đình và tài sản,
Công việc và giao tế,
Miếng cơm và manh áo,
Cuồn cuộn trong uế trược
Thực hành các pháp trắng,
Từ bỏ các pháp đen,
Trì giới và hành pháp
Năm giới thật khó được
Thân hành thật khó được
Tâm hành thật khó được.
Nỗ lực và tinh tấn
“Sau khi đã từ bỏ
Năm loại dục trưởng dưỡng,
Những vật thật khả ái,
Khiến tâm ý thích thú,
Với lòng tin, xuất gia,
Chấm dứt sự khổ đau.
Mục đích hạnh xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Ðích ấy đã đạt được,
Mọi kiết sử, diệt xong.”
Như vậy, này bạn hữu
Có hai chúng của Phật,
Tu sĩ và cư sĩ,
Tu sĩ là tối thượng.
Như vậy, này bạn hữu
Khi nói tâm là chính
Xa lìa các thân hành,
Khi nói tu tại gia
Nếu thành tựu sẽ lớn,
Hãy nên xét chính mình
Có làm được hay không
Nếu là không làm được
Tức là lời hư ảo
Vì nó không có thật
Vì nó không xảy ra
Với chính bản thân mình.

Lê Thanh Hảo

Không có nhận xét nào: