Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

MONG MUỐN CHÂN CHÍNH

"Tất cả lời dạy của Phật không bao giờ là thứ làm vướng mắc sự tăng trưởng hướng đến mục đích tối thượng của chúng ta. Trong đó mong muốn chân chính là một pháp quan trọng. Chỉ trừ khi chúng ta thực hành không đúng hoặc hiểu sai. Các bạn không nên lo lắng nó làm vướng mắc sự tăng trưởng và thành tựu cứu cánh. Khi bạn càng đến gần với mục đích của bạn thì hành trang của bạn để đến mục đích sẽ tự giảm dần đi. Và khi bạn đạt được mục đích thì đồng thời hành trang đó không còn nơi bạn." (Lê Thanh Hảo)
***
Bạn Ngot Truong Van! Mình rất mến bạn. Đây là lời chân thật. Từ cái tình thế gian như thế của mình, mình thấy lo lắng cho bạn. Đôi khi sự lo lắng có thể là dư thừa hoặc lại chẳng đem đến điều gì có lợi ích cho người mình lo lắng. Nhưng cái tình thế gian không thể không tỏ bày.
Vài lời sau đây, mình muốn chia sẻ với bạn cũng như những ai đang có quan điểm như bạn rằng: "Nếu tu mà còn mong Chứng Đắc thì vẫn còn Tham." hoặc là "Tu Tâm là tu như thế nào cho thấy được Tánh Không thì mới đáng mặt tu tâm. Tu tại gia là một niệm không khởi. Niệm niệm tương ưng Tánh Không. Bằng như còn mong chứng đắc là ở nhà hàng xóm." với mục đích là mong muốn có một chút lợi ích nào đó cho các bạn.


Ví như ta có đặt ra một mục đích chân chính trong khả năng của mình và vừa đủ giống như là khi con mình lớn lên sẽ có một căn nhà ở tại vị trí A. Ta có mục đích như vậy và ta bắt đầu làm những việc chân chính để đạt mục đích đó. Ta đã và đang luôn cố gắng, tinh cần vì mục đích đó. Trong quá trình ta làm, ta luôn có sự mong được căn nhà đó cho con. Chính cái mong được chân chính đó là nguồn nuôi sống sự cố gắng không mệt mỏi của ta. Nó cho ta biết vì sao ta phải làm, vì sao ta phải cố gắng. Nếu ta không còn mong được cũng có nghĩa là ta đã bỏ mục đích đó. Không có mong được sẽ không cho ta mục đích để làm. Và nhờ nó, ta cũng đến ngày đạt được mục đích đó là căn nhà tại vị trí A. Khi ta được căn nhà tại vị trí A, bạn biết đấy, ngay từ đó trở đi, ta không còn mong có được căn nhà tại vị trí A đó nữa. Nghĩa là khi ta đã thành tựu mục đích mà ta đã đề ra, cái mong được đó không còn hiện hữu trong ta. Vì nó không còn lý do để hiện hữu và theo ta. Nó và ta không còn dính dáng gì với nhau ngay khi ta thành tựu mục đích đó. Nếu như ta không có mong được để là lý do ta phải làm thì ta không bao giờ có được kết quả là thành tựu mục đích đó.
Sau đây, mình trích một bài Bát nhã tâm kinh do Hoà thượng Thích Trí Thủ dịch:
TÂM KINH BÁT NHà
Dịch nghĩa:
"Bồ tát Quán tự tại khi hành Bát nhã ba la mật đa sâu xa soi thấy năm uẩn đều không, vượt qua mọi khổ ách.
Xá Lợi Tử! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc; sắc tức là không, không tức là sắc; thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
Xá Lợi Tử! Tướng không các pháp đây, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng dơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt. Cho nên, trong không, không sắc, không thọ, tưởng, hành, thức; không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không nhãn giới cho đến không ý thức giới; không vô minh cũng không vô minh hết; cho đến không già chết, cũng không già chết hết; không khổ, tập, diệt, đạo; không trí cũng không đắc.
Bởi không sở đắc, Bồ tát nương Bát nhã ba la mật đa, nên tâm không mắc ngại; vì không mắc ngại nên không sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo, rốt ráo niết bàn. Chư Phật ba đời nương Bát nhã ba la mật đa nên chứng a nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
Nên biết Bát nhã ba la mật đa là chú thần lớn, là chú minh lớn, là chú vô thượng, là chú không gì sánh bằng, trừ hết mọi khổ ách, chắc thật vì không dối.
Nên nói chú Bát nhã ba la mật đa, nên nói chú rằng: Yết đế, Yết đế, Ba la Yết đế, Ba la tăng Yết đế, Bồ đề, Tát bà ha.".
Xét trong bài này, ta thấy các vấn đề có liên quan với sự chia sẻ của mình như sau:
1. Phật kể người hành thâm bát nhã ba la mật kia chính là Quán Tự Tại Bồ Tát. Ngài ấy đã đạt được cái thấy biết tánh không của vạn pháp. Tức là ngài ấy đã chứng pháp không chân như. Nghĩa là ngài ấy là bậc đại trí bồ tát.
2. Tướng không các pháp đây, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng dơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt. Cho nên, trong không,... không vô minh cũng không vô minh hết;..., không khổ, tập, diệt, đạo; không trí cũng không đắc.
3. Bởi không sở đắc, Bồ tát nương Bát nhã ba la mật đa,... Chư Phật ba đời nương Bát nhã ba la mật đa nên chứng a nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
4. Nên biết Bát nhã ba la mật đa là chú thần lớn, là chú minh lớn, là chú vô thượng, là chú không gì sánh bằng, trừ hết mọi khổ ách, chắc thật vì không dối.
Về bốn mục mà mình vừa nêu ra, có ý muốn trình bày như sau:
Đối với mục 1. Người không còn dính mắc tất cả pháp ấy chính là một bậc đại trí bồ tát, ngài nương Bát nhã ba la mật đa, nên tâm không mắc ngại; vì không mắc ngại nên không sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo, rốt ráo niết bàn. Như vậy, nếu các bạn chưa có Bát nhã ba la mật đa (tức là sai biệt trí, pháp không chân như, trí huệ rốt ráo về vạn pháp) thì không có cái để nương như ngài nương Bát nhã ba la mật đa. Nghĩa là các bạn nên thực hành các pháp phù hợp với chính mình, không nên thực hành các pháp thượng thừa mà nó chỉ dành cho bậc đã đạt được năng lực tương thích trên chính pháp thượng thừa đó.
Ví như ta chưa học phép nhân, ta không thể không học phép toán nhân mà lại đi giải ngay phương trình mũ. Ta không bao giờ giải được phương trình mũ khi mà ta không biết phép toán nhân. Ta không nên có quan điểm rằng ta mong đợi giải được phương trình mũ, từ đó ta đã phải cố gắng học phép toán nhân là một sự cố chấp hay tham lam khi mà sự mong đợi đó không làm huỷ diệt, không làm suy yếu, không cản trở, không gây hại bất cứ điều gì cho ta cũng như bất kỳ ai khác, trong khi có nó, ta tăng trưởng đến mục đích chân chính.
Đối với mục 2. Nội dung này nói đến tướng không của các pháp, tức là thật tướng của vạn pháp chứ không phải nói đến cái chân ngã, Phật tánh (TA) của chúng sanh. TA và thật tướng của vạn pháp là hai thứ riêng biệt, không cấu thành tạo thành TA hay nó. Nên nơi thật tướng cũng chẳng tìm thấy chúng sanh ở đâu. Nơi thật tướng của vạn pháp này, rõ ràng là không có cái gì mà có thể xem là già, là chết, không có cái gì có thể xem là vô minh, là hết vô minh, không có cái gì gọi là khổ, tập, diệt, đạo, cũng không có cái gì có thể xem là trí hay không trí, cũng chẳng có cái gì là của TA, là tự ngã của ta, là TA. Nên chẳng có gì được gọi là TA có nó, tức là TA sở đắc nó. Nói như vậy tức là đang nói đến đệ nhất nghĩa đế. Nghĩa là biết nó không thông qua phương tiện của thế gian. Trong khi các bạn còn biết nó bằng phương tiện của thế gian thông qua bộ não, các uẩn, ngôn ngữ, kiến thức, thiết bị, các vật, sinh vật, chúng sanh,... thì không nên nói rằng không có chứng đắc, không mong đợi chứng đắc. Các bạn đang còn cần dùng đến nó. Chứng đắc chỉ là một từ ngữ biểu thị sự kiện thành tựu/ đạt được/ đạt đến một mục đích nào đó trên con đường đạo. Nó không là một từ ngữ mang ý nghĩa gớm ghiết để ta phải tránh xa nó. Mong được chứng đắc là một ý muốn chân chính, là một ý muốn tối thượng. Nó chẳng làm hại bất cứ ai, chẳng làm hại bất cứ điều gì nơi mình, ngược lại nó giúp mục đích tối thượng của ta luôn hiện ra rõ ràng và xuyên suốt trên hành trình tu hành của ta qua các kiếp đến khi thành tựu rốt ráo niết bàn, nó giúp ta và nhắc nhở, khuyến tấn ta trong tu tập không dể duôi, không buông lung và tạo niềm tin vững chắc, cho dù ta có chết đi và thọ thân mới thì niềm tin, hy vọng, mục đích đó vẫn còn với ta. Nó theo ta và giúp ta thành tựu cho đến khi ta được bát nhã ba la mật đa hoặc rốt ráo niết bàn, tự nó sẽ biết mất, là tướng không của chính nó không ngăn ngại gì đến ta nữa. Nó không thể được xem là tham. Và nếu có những ai nói rằng ta mong được bát nhã ba la mật, hay mong được rốt ráo niết bàn, hay mong được thoát mọi khổ ách, hay mong được giải thoát không còn trở lui, ta mang nó theo mình trên hành trình thực hành lời dạy của Phật để được như thế là tham thì ta sẽ chấp nhận lời chê bai ấy để giữ lấy hai từ mong được một mục đích chân chính, tối thượng mà Như Lai đã hứa khả.
Đối với mục 3. Chư Phật ba đời nương Bát nhã ba la mật đa nên CHỨNG a nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Qua câu nói này, chúng ta cũng đều thấy rõ đức Phật dùng từ CHỨNG ngay trong bài bát nhã tâm kinh này đây. Vậy sao nói là không có gì để chứng? Điều đó cho chúng ta thấy rằng, thế gian không thể lìa thế gian, bất cứ ai muốn truyền đạt hay muốn làm gì đều phải dùng phương tiện và ngôn ngữ của thế gian, ý niệm của thế gian. Xa lìa nó, tức đồng không làm gì cả. Đã dùng nó cho mục đích chân chính thì không nên phỉ báng hay chê bai nó. Cũng không nên xa lìa nó khi mà ta cần đến nó để truyền đạt hay để làm hành trang chân chính cho mình. Đã là hành trang, tức là ta chưa đến đích. Vậy nên ta không nên vứt bỏ nó khi ta đang làm. Cũng như ta không nên vứt bỏ thuyền, xem thường nó, nói rằng nó làm vướng bận ta khi ta đang dùng nó đi qua sông mà chưa đến bờ. Nếu ai nói rằng ta mong chứng đắc là còn ở nhà hàng xóm thì không có gì là hổ thẹn. Vì ta mong chứng đắc tức là ta chưa chứng đắc. Nếu ta đã chứng đắc thì sự mong được kia chẳng còn trong ta. Như vậy lời nói "mong chứng đắc là còn ở nhà hàng xóm, là tham" là lời hý luận, chẳng có ý nghĩa gì để dùng đến hay tuyên truyền. Nhưng nó có thể huỷ hoại sự mong được một mục đích tối thượng do sự cấu thành quan niệm của thế gian tạo ra sự áp bức tinh thần đối với người có định lực yếu, phá dở một trong tám thánh đạo của hành giả đó là chánh tinh tấn. Nó tỏ ra nguy hiểm và vô ích.
Đối với mục 4. Nên biết Bát nhã ba la mật đa là chú thần lớn, là chú minh lớn, là chú vô thượng, là chú không gì sánh bằng, trừ hết mọi khổ ách, chắc thật vì không dối.
Phật dạy như vậy lẽ nào chúng ta không mong được hay sao?. Chúng ta không nên dối với chính bản thân mình. Mong được nó là ý muốn cao quý, tối thắng, chân chính, đáng được tán thán, đáng được cung kính. Nhưng đừng quên hành để được, cũng không nên nghĩ rằng nó dễ được.
Tất cả lời dạy của Phật không bao giờ là thứ làm vướng mắc sự tăng trưởng hướng đến mục đích tối thượng của chúng ta. Trong đó mong muốn chân chính là một pháp quan trọng. Chỉ trừ khi chúng ta thực hành không đúng hoặc hiểu sai. Các bạn không nên lo lắng nó làm vướng mắc sự tăng trưởng và thành tựu cứu cánh. Khi bạn càng đến gần với mục đích của bạn thì hành trang của bạn để đến mục đích sẽ tự giảm dần đi. Và khi bạn đạt được mục đích thì đồng thời hành trang đó không còn nơi bạn.

Không có nhận xét nào: