Hà Văn Thùy
Không biết từ bao giờ, tôi được tiền nhân và sách vở dạy rằng, thoạt kỳ thủy đất của người Hán chỉ ở phía Bắc sông Dương Tử. Còn phía nam là giang sơn của nòi giống Bách Việt, là đất phát tích của trăm dòng Việt từ thời Xích Quỷ, Hồng Bàng tới Nam Việt. Sau đó người Hán xâm chiếm, Hán hóa các tộc Bách Việt, chỉ duy nhất Lạc Việt giữ được giang sơn Việt Nam, làm đất hương hỏa của trăm dòng Bách Việt… Niềm tin thời thơ trẻ được tôi mang theo gần suốt cuộc đời và trong thời gian đầu của hành trình tìm lại nguồn cội, tôi vẫn tin như vậy. Chỉ khi khảo cứu tới tận cùng lịch sử phương Đông, tôi mới nhận ra sự thật không phải thế. Bài này được viết ra để trình với bạn đọc mong sửa chữa sai lầm từ quá khứ.
Cho đến hôm nay, Bách Việt là một trong những vấn đề then chốt của sử phương Đông chưa được sáng tỏ. Hiện có ba luồng ý kiến khác nhau về Bách Việt:
Bách Việt là trăm nước Việt
Bách Việt là trăm dòng giống, trăm chủng tộc Việt.
Có người còn liên hệ với một bọc trăm trứng để cho rằng, Bách Việt là cội nguồn của dân tộc Việt.
Những quan niệm trên hầu như được xây dựng nhờ bấu víu vào những chứng cứ mơ hồ từ truyền thuyết và cổ thư Trung Hoa nên thiếu cơ sở, dẫn tới nhận thức khác nhau, ông nói gà bà nói vịt kiểu xẩm sờ voi, cản trở rất nhiều đến việc khảo cứu lịch sử. Do vậy, tìm một nhận thức đúng về Bách Việt là cần thiết. Người viết xin được trình bày những khảo cứu mới nhất.
1. Về quan niệm Bách Việt là trăm nước Việt
Trong quan niệm phổ cập hiện nay, Bách Việt là danh xưng để chỉ những sắc dân hay nước Việt từng tồn tại từ thời Tần Hán trở về trước ở phia nam sông Dương Tử. Tuy nhiên, trong hai cuốn sách khảo cứu kỹ nhất về Bách Việt là Bách Việt nguyên lưu dữ văn hóa và Bách Việt tiên hiền chí cho thấy, danh xưng Bách Việt chỉ những nước Việt được ghi nhận từ cuối thời Chiến Quốc tới Tần Hán.
Theo La Hương Lâm trong Bách Việt nguyên lưu dữ văn hóa, thuật ngữ Bách Việt xuất hiện lần đầu tiên trong sách Lã Thị Xuân Thu, thiên Thị Quân: “Phía nam Dương Hán, trong khoảng Bách Việt, những đất Tệ Kha, Chư Phu, Dư My, các nước Phộc Lâu, Dương Xuất, Hoan Đâu, phần nhiều không có vua.” [1] Như vậy, cuốn sách này nói tới đất và nước mà không đề cập sắc tộc.
Âu Đại Nhậm trong Bách Việt tiên hiền chí viết: “Cháu sáu đời của Câu Tiễn là Vô Cương cất quân đánh Sở, bị vua Sở Hùng Thích đánh bại. Vô Cương bỏ Lang Gia, đi đến ở Đông Vũ. Nước Việt tan. Các con của Vô Cương định cư ở duyên hải Giang Nam, chia nhau kẻ làm quân trưởng, người làm vương, tất cả đều thần phục Sở, gọi là Bách Việt. Châu Dương từ đấy bị phân chia. Cối Kê lấy các sao phương Nam là sao Thuần, sao Vỹ để định cương giới, đất Cối Kê thuộc vào Nam Hải. Khi Tần diệt Sở, vương Tiễn cai trị Dương Việt, chia cắt thành ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng. Con cháu Úy Đà thần phục nhà Hán. Họ Triệu cai trị cả ba quận ấy, lại kiêm thêm các quận Hợp Phố, Thương Ngô, Uất Lâm, Giao Chỉ, Cửu Chân, Châu Nhai, tổng cộng là chín quận. Nay vùng Nam Việt, bắc giáp Cô Tư đến tận Cối Kê là đất của Việt vậy. Phía đông, Vô Chư đóng đô ở Đông Trị đến Chương Tuyền là Mân Việt. Đông Hải vương là Diêu, đóng đô ở Vĩnh Gia là Âu Việt. Lãnh thổ xưa của Dịch Hu Tống, chạy dài từ sông Tương, sông Ly về phía nam là Tây Việt. Các đất Tang Ca, Tây Hạ, Ung, Dung, Tùy, Kiến là Lạc Việt vậy.” [2]
Như vậy, có thể khẳng định, Bách Việt là những nước Việt ở Nam Dương Tử xuất hiện từ cuối thời Chiến Quốc tới Tần Hán, do các con của Vô Cương lập ra khi nước Việt bị diệt. Như vậy, Bách Việt hoàn toàn không phải là trăm dòng giống, trăm chủng tộc Việt.
Bách Việt có phải là cội nguồn của chủng tộc Việt?
Cổ thư Trung Hoa viết rằng thế kỷ XI TCN, một dòng của vua Vũ nhà Hạ vượt Dương Tử xuống vùng Chiết Giang, xăm mình, cắt tóc, lập ấp sống với người bản địa rồi trở thành thủ lĩnh, đứng ra lập nước. Tới thời Chu, được phong ở đất Cối Kê để lo phụng thờ vua Vũ. Do vị trí quá xa Trung Nguyên nên tiểu quốc Việt không thu hút nhiều sự quan tâm của nhà Chu và các nước chư hầu lớn. Chỉ đến khoảng 496 – 465 TCN khi Việt Vương Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô, triều Chu phải công nhận nước Việt là bá chủ Trung Nguyên. Vào năm 333 TCN, nước Sở tiêu diệt nước Việt. Những thủ lĩnh vùng của người Việt đứng lên lập những quốc gia riêng, được gọi là Bách Việt. Từ những dòng này của cổ thư, các học giả về sau cho rằng, người Việt là hậu duệ của Hạ Vũ. Do vậy Bách Việt là nguồn cội của tộc Việt. Các sử gia người Việt cũng theo thuyết này. Quan niệm như vậy còn truyền tới hôm nay.
Tuy nhiên, có thực tế là, từ xa xưa, trước cả thời Hoàng Đế, những sắc dân Cửu Lê, Tam Miêu… là những chi nhánh của người Lạc Việt đã sống đông đúc ở Nam Dương Tử. Nếu thực sự có con cháu vua Thiếu Khang nhà Hạ vào vùng đất của người Cửu Lê sống rồi làm vua thì cũng chỉ hoàng tộc mới là con cháu Hạ Vũ. Ta biết, Vũ là người Việt, có thể thuộc nhóm Tày-Thái, được vua Thuấn truyền hiền, lập ra nhà Hạ ở Trung Nguyên. Con cháu Hạ Vũ như vậy cũng là người Lạc Việt. Do sinh ra tại lưu vực Hoàng Hà nên người ở đây là hậu duệ của người Lạc Việt từ Việt Nam di cư lên. Do vậy, con cháu Hạ Vũ là hậu duệ nhiều đời của người Lạc Việt mà không thể là cội nguồn của dân tộc Việt. Thế nên, việc cho rằng người Bách Việt là con cháu Hạ Vũ và là cội nguồn dân Việt là không đúng với thực tế lịc sử. Thêm nữa, do Bách Việt xuất hiện quá muộn nên không thể là biểu trưng của trăm con trong bọc trứng của Mẹ Âu cơ gần 3000 năm trước. Ý tưởng như vậy chỉ hoàn toàn là gán ghép, áp đặt.
Nay, nhờ di truyền học khảo sát ADN dân cư Đông Á, ta biết rằng, người Lạc Việt (chủng Indonesian) được sinh ra ở Việt Nam rồi 40.000 năm trước đi lên khai phá Hoa lục. Kết hợp với những phát hiện khảo cổ ở Giả Hồ, Hà Mẫu Độ, Lương Chử… cho thấy dân cư Nam Dương Tử là người Lạc Việt chủng Indonesian. Do vậy, dân cư nước Việt của vua Câu Tiễn cũng là con cháu người Lạc Việt từ Việt Nam đi lên. Từ đó đưa tới kết luận: người Bách Việt không phải là cội nguồn của dân tộc Việt mà là hậu duệ của người Lạc Việt từ Việt Nam di cư lên trong các thời kỳ khác nhau.
Từ phân tích trên đưa tới kết luận:
Bách Việt là những nước Việt xuất hiện một phần từ những mảnh vỡ của nước Việt bị Việt diệt vong, một phần từ những bộ lạc người Việt khác nổi lên sau thời Chiến Quốc mà sử gia Trung Quốc biết tới.
Bách Việt không chỉ xuất hiện muộn mà tồn tại trong thời gian quá ngắn, chỉ khoảng 200 năm, từ năm 333 TCN khi nước Việt tan rã tới năm 111 TCN khi Nam Việt bị diệt nên không thể là cội nguồn của dân tộc Việt và cũng không có vai trò đáng kể trong lịch sử tộc Việt.
Từ thực tế này mong rằng nhiều người nên điều chỉnh lại quan niệm của mình để không hiểu sai về lịch sử dân tộc.
Tài liệu tham khảo
La Hương Lâm. Bách Việt nguyên lưu dữ văn hóa. Trung Hoa tùng thư. Đài Loan thư điếm, 1955. Bản dịch chép tay của Vọng Chi Nguyễn Chí Viễn.
Âu Đại Nhậm. Tựa Bách Việt tiên hiền chí. Thư viện Việt Nam, California, Hoa Kỳ, 2006.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét