Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

TÌM HIỂU Phong thuỷ, Địa Linh, Nhân Kiệt

Hiện nay, các nhà khoa học có nhiều quan điểm khác nhau về thuyết phong thuỷ. Thông tin để tư duy xin trích lược một số nội dung về đề tài này trong tác phẩm "Tích hợp đa văn hoá Đông Tây cho chiến lược giáo dục tương lai" của giáo sư Nguyễn Hoàng Phương (Nxb Giáo dục, 1995, tái bản 1996) để quý vị tham khảo.
I. PHONG THUỶ
Thuyết Phong Thuỷ là một thuyết cổ của Đông Phương có mục đích nghiên cứu địa thế cảnh quan, sử dụng địa thế cảnh quan để lựa chọn địa điểm cho các công trình kiến trúc:
Dương Trạch:
Nhà ở, cung thất, chùa chiền, đô thị.
Âm trạch:
Lăng, mộ
KHÍ: CƠ SỞ BẢN THỂ CỦA THUYẾT PHONG THỦY
Thuyết Phong Thuỷ dựa trên hai cơ sở sau:
Cơ sở 1: Khái niệm Khí, hay Sinh Khí, Nguyên Khí. Mối quan hệ giữa Khí và sông, núi.
Cơ sở 2: Nguyên lý Thiên-Địa-Nhân hợp nhất.
KHÍ
Khí hay Sinh Khí hay Nguyên Khí được xem là bản thể, nguồn gốc của vạn vật. Khí còn gọi là Long (Rồng).
(Gồm Khí Tiên thiên và Khí Hậu Thiên hiện nay được gọi là plasma sinh học)
Nguyên Khí được xem là gắn bó với nước: Nước giúp Khí di chuyển. Nước di chuyển thì Nguyên Khí cũng di chuyển, nước dừng lại thì Nguyên Khí cũng dừng. Sinh Khí tụ mạnh nhất tại các nơi giao hội của nước (nơi giao hội của các dòng sông chẳng hạn)
(Bạn đọc có thể liên hệ với tính năng của Sinh Khí là được hấp thu trong nước. Sinh Khí làm tăng sức căng mặt ngoài của nước)
Nguyên Khí cũng được xem là gắn bó với núi (hay Sa). Từ đó, quan sát hướng đi của núi (hay sơn mạch), ta có thể tìm được Nguyên Sinh.
Có khí lành (cát Khí) và có Khí dữ (hung Khí). Sự lành dữ của khí có thể phụ thuộc vào phương hướng.
Những điểm lớn tập trung Nguyên Khí (cát Khí) gọi là Địa Linh.
Loan Đầu
Phần đầu của thuyết Phong Thuỷ nghiên cứu HÌNH THẾ: SƠN MẠCH, HÀ LƯU để xác định hướng đi, chỗ tụ của Nguyên Khí hay Sinh Khí gọi kà Loan Đầu.
Thiên Tinh
Phần của thuyết Phong Thuỷ nghiên cứu lý luận về Sinh Khí gọi là Thiên tinh. Phần này còn gọi là LÝ KHÍ (lý luận về sinh khí).
Về Lý khí thì phải sử dụng một công cụ la bàn đặc biệt gọi là LA KINH, cốt để ĐỊNH HƯỚNG theo nhiều tiêu chuẩn cụ thể khác nhau trên cơ sở Hà Đồ, Lạc Thư, Ngũ Hành sinh khắc, Tiên thiên Bát Quái, hệ 64 Quẻ Hỗn Thiên, Lộc Tinh, Thiên Mã, Quý Nhân.
Tất nhiên, hai phần trên có quan hệ với nhau:
Hình thế không đẹp mà Lý khí quyết định tốt thì cũng dùng tạm được.
Hình thế đẹp mà Lý khí quyết định sai (đất tốt nhưng cách táng xấu), hay đồi núi bình thường và họ-nếu có thể-cần phải tìm cách xác định lý khí (phương hướng) cho tốt, để con cháu có cơm no, áo ấm, có cuộc sống bình an.
NGUYÊN LÝ THIÊN - ĐỊA - NHÂN HỢP NHẤT TRONG THUYẾT PHONG THUỶ
Thuyết Phong thuỷ với cả hai phần Âm trạch và Dương trạch, quan niệm con người có quan hệ hữu cơ với Trời Đất, cả khi sống, cả khi đã chết (ảnh hưởng đến con cháu còn sống, bạn đọc lưu ý đến các cơ thể vô hình của nhân thể):
Về Thiên, chấp nhận có Sinh Khí giáng xuống (Dương giáng) trên các đỉnh núi cao, chấp nhận tác động của các vì sao lên con người, như hệ Nhị Thập Bát Tú.
Về Địa, chấp nhận có Sinh Khí (gọi là Long) chảy theo các mạch nước, tụ lại, (như đã nói trên đây) và thăng lên (Âm thăng, Thăng Long-Hà Nội), có thể định được các phương hướng tốt xấu cho Dương Trạch, Âm trạch.
Về Nhân, có thể xác định được Dương phần, Âm phần, phúc hoạ, mệnh, thân. Người có đức lớn ắt sẽ gặp được cơ may tìm thế đất tốt.
Ý nghĩa của thuyết Phong Thuỷ về mặt khoa học rất lớn, vì dẫn đến những quan niệm chính xác, sâu xa hơn về Quả Đất, cái nôi của nhân loại chúng ta.
TẠI SAO DÙNG HAI CHỮ PHONG THỦY?
Người xưa dùng hai chữ Phong Thuỷ vì lý do phải tạo điều kiện tụ khí như sau:
Phong tàng (gió ẩn), Thuỷ hộ thì khí tụ.
Phong phiêu (gió thổi), Thuỷ đăng (nước thoát tuỳ tiện) thì khí tán.
Khí đi với nước, như đã nói ở trên.
Còn về gió? Yếu tố này có khả năng thổi bạt khí, khí bị tản mát, không tụ được. Điều này cũng đóng vai nguyên tắc khi bảo vệ Khí tại Luân Xa Bách Hội:
Nếu chuyển động nhanh thì nên đội mũ để gió khỏi tán khí trên đỉnh đầu.
Khi ngồi thiền, không được để quạt chạy ngay trên đầu.
Chúng ta có thể tiếp cận khái niệm sinh khí như sau:
Theo Nội Kinh, Sinh khí đó tồn tại trong cơ thể con người, gọi là khí Tiên thiên hay Nguyên khí, hay Long khí, mà biểu hiện quan trọng nhất trong Đông y học là mệnh Môn Hoả: “Mệnh Môn Hoả điều khiển mọi tiềm năng năng lượng và nhiệt lượng cần thiết cho cơ thể con người. Không có Long khí đó thì kinh tam tiêu - sứ giả của Mệnh Môn hoả - cũng chẳng có lý do để tồn tại, và các nhà Đông y học sẽ “dẹp” cái thứ kinh Tam tiêu mê tín đó đi, khi đó thì toàn bộ Đông y học sẽ sụp đổ. Thành thử nếu Đông y học vẫn tồn tại, thì quả thực có tồn tại loại sinh khí đó trong nhân thể.
Nếu sinh khí đó tồn tại trong nhân thể thì không thể có thái độ phủ nhận sự tồn tại của nó trong đất đai một cách vũ đoán. Nếu địa chất học hiện đại, bằng những máy móc thích hợp, hoạt động trong những tần số rất rất cao, chứng minh được cái thứ Long khí “mê tín, dị đoan” đó là quả thực không tồn tại trong đất đai, thì thuật Phong thuỷ cần phải nhanh chóng loại trừ ra ngoài khoa học và cuộc sống chúng ta. Và mọi người đều yên tâm về cơn ác mộng Phong Thuỷ đó. Nhưng những chứng minh này chưa hề có.
Lĩnh vực Sinh khí là một trong những lĩnh vực cực kỳ quan trọng trong khoa học: Lĩnh vực năng lượng. Khoa học hành tinh chúng ta đã đi từ năng lượng cơ học sang năng lượng hấp dẫn tiến đến năng lượng nhiệt, năng lượng điện tử hạt nhân, năng lượng các hạt cơ bản, năng lượng vật chất… Nhưng con đường con người săn đuổi năng lượng đó phải chăng đã kết thúc? Chưa ai chứng minh được điều này!
Có tồn tại Sinh khí (tức là Long khí hay Nguyên khí) trong đất đai và các tác động quyết định của nó lên hài cốt và lên phần vô hình của người, trên cơ sở nguyên lý Thiên Địa Nhân hợp nhất, tương tự như tác động quyết định của Mệnh Môn Hoà trong nhân thể.
II. ĐỊA LINH
Truyền thống cha ông chúng ta đã dạy:
Địa linh sinh Nhân kiệt. Và xin nhắc lại đoạn sau, đã trình bày ở phần Đại cương:
HIỀN TÀI LÀ NGUYÊN KHÍ CỦA ĐẤT NƯỚC 
NGUYÊN KHÍ VỮNG THÌ NƯỚC MẠNH VÀ THỊNH 
NGUYÊN KHÍ YẾU THÌ NƯỚC YẾU VÀ SUY 
CHO NÊN CÁC THÁNH ĐẾ, MINH VƯƠNG 
KHÔNG AI KHÔNG CHĂM LO VIỆC 
XÂY DỰNG NHÂN TÀI, BỒI ĐẮP NGUYÊN KHÍ

Hiền tài với Nhân kiệt là đồng nghĩa, còn Nguyên khí chính là bản thể của Địa linh. Nước chúng ta có nhiều Địa linh lớn như Chùa Hương, Tản Viên Sơn, Kiếp Bạc, Ngũ Hành Sơn, Tam Đảo Sơn, Yên Tử Sơn, Hồ Tây, Hồ Hoàn Kiếm, Chùa Dâu, dãy Ngọc Sơn… Địa linh có liên quan đến Sơn, Thuỷ:
SƠN THÌ HÙNG VĨ,
THUỶ LÀ NƠI CÓ NHIỀU CON SÔNG TỤ LẠI.
Núi càng hùng vĩ thì khả năng bắt Nguyên khí từ Trời càng lớn (như Luân xa Bách Hội bắt Nguyên khí từ trời xuống). Còn nơi nào có nhiều sông tụ lại là nơi được tụ khí nhiều nhất, vì nước kéo theo Nguyên khí hay Long khí.
Ví dụ:
- Nơi đền vua Hùng ở Việt Trì chính là nơi hội tụ ba con sông lớn là sông Đà, sông Lô, sông Thao.
- Cố Đô Huế là nơi hội tụ các con sông Tả Trạch, Hữu Trạch và sông Hương Giang.
- Còn nơi hội tụ các sông Thu Bồn, Cổ Cò, sông Trường Giang chính là nơi cha ông đã dựng lên phố cổ Hội An.
- Địa Linh Kiếp Bạc, nơi dựng đền thờ Đức Thánh Trần, là một Địa Linh hùng vĩ: Sau lưng có núi như ngai vua, trước mắt là con sông Thuỷ, bên trái có Thanh Long, là một dãy núi mang tên Nam Tào, bên phải là dãy Bạch Hổ, tức là dãy núi Bắc Đẩu.
Một số thành phố cũng dựng lên dựa vào Địa Linh, theo công thức Thiên - Địa – Nhân:
Sau có Thánh Địa (Sơn Thiên), ở giữa là thành phố (Nhân) và phía trước có Minh Đường ( Thuỷ - Địa).
- Thăng Long (Hà Nội) đằng sau dựa vào Đền Hùng, còn đừng trước là Bến Cảng.
- Nay dựa vào Núi Ba (Tản Viên Sơn ) vì nơi có ba con song tụ khí.
- Quảng Ninh đằng sau dựa vào dãy Yên Tử, còn đằng trước là Cảng Cửa Ông.
- Các thành phố An Giang đằng sau dựa vào dãy Thất sơn, còn đằng trước là Cảng Ốc Eo.
- Việt Nam đằng sau dựa vào dãy Trường Sơn, đằng trước là Biển Đông. Đó là Địa Linh thuộc quy mô lớn.
III. CON NGƯỜI VÀ MỒ MẢ
Với quy mô nhỏ thì cổ nhân lại nói:
“Núi sông có linh thiêng mà không có chủ, còn hài cốt có chủ lại không có linh thiêng. Khí thiêng của núi sông tụ lại, chung đúc khí tinh anh lại một chỗ, làm cho hài cốt ấm áp, trong sạch. Từ đó truyền lại cho con cháu, thấm nhuần vào con cháu, và phát sinh được người tinh anh…”
Chúng ta nhận xét có một cấu trúc năng lượng chung, thống nhất về {Thành phố, mồ mả, nhân thể}, theo công thức: Một {Thái Cực} sinh Hai {năng lượng Thiên, Địa}, Hai sinh Ba {năng lượng cộng đồng ở thành phố, hài cốt, nhân thể}, Ba sinh vạn vật của lão Tử… (xem hình sau). Tất nhiên, đây chỉ là hệ quả sinh học của Nguyên lý Phi bài trung của triết cổ Đông phuơng.

SƠ ĐỒ CẤU TRÚC NĂNG LƯỢNG THIÊN - ĐỊA – NHÂN KHÁI QUÁT


Có thể những vấn đề này không chỉ liên quan đến những cấu trúc vô hình của con Người và Trời, Đất, mà còn có thể đóng khung ngay trong cả một dân tộc hay cả một gia tộc, mà trong văn học thường gọi là Hồn Thiêng đất nước, Hồn Thiêng núi sông, Hồn Thiêng gia tộc…
Nhưng đó không chỉ là những biểu tượng văn học, chỉ có ý nghĩa văn học. Vì làm sao chúng ta hiểu được tại sao trong mấy nghìn năm nay, những thế lực bành trướng phương Bắc và hiện này là từ nhiều phương khác nhau đều cố tình sử dụng ngầm nhiều loại vật chất xác định nào đó để “yểm”, tức là triệt tiêu, băm nát hay hạn chế ảnh hưởng của các Địa Linh của chúng ta? Và hơn nữa, họ lại đang cố tình muốn đánh lạc hướng cả thế giới bằng vài dòng sách báo “khoa học” bề ngoài của họ?
Như Cao Biền ở thế kỷ thứ 9 đã ba lần dùng hàng tấn sắt và đồng để phá vỡ Địa Linh Tản Viên Sơn (Núi Ba Vì), nói chính xác hơn Thiên Linh Tản Viên Sơn. Nhưng cả ba lần mưu mô của Cao Biền đều bị thất bại: các kim loại đều bị sét đánh tung ra?
Đó chỉ là những hiện tượng sấm sét, hoàn toàn vật lý, thuần tuý vật lý chăng?
Hay Cao Biền và vua Tàu thời bấy giờ mê tín chăng? Còn bây giờ thì họ đã quy thuận “khoa học và hết mê tín” rồi và “thiện chí uốn nắn cả thế giới theo con đường khoa học”?
Còn đối với mỗi người, chúng ta sẽ chôn thân nhân đã mất của chúng ta như thế nào?
- Chôn hài cốt vào các nơi không Long, không Huyệt, Thuỷ tán, Sa phi?
- Chôn không đúng phương hướng cho Thuỷ hung vào, Khí xung vào hài cốt?
Để rồi con cháu hứng chịu bao nhiêu bất hạnh theo luật Phong Thuỷ?
Sau đây là một minh hoạ về Âm trạch, nằm ngoài trò bịp bợm của cá “Thầy Phong Thuỷ”
TOẠ KHÔN, HƯỚNG CẤN THÌ PHÁT VỀ VĂN…
Gần đây có giúp một họ trong một làng quê sửa chữa, khôi phục một cuốn tộc phả có giá trị. Cuốn tộc phả đó phản ánh thăng trầm của một dòng họ trải hơn năm trăm năm, cho đến trước Cách mạng Tháng Tám, bản chép tay chữ Việt nằm dưới đáy ba lô của một vị cán bộ, một người con trong học giữ được qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Được ông và vị đại diện của dòng họ cho phép, tôi xin kể câu chuyện sau đây.
Đời thứ nhất của dòng họ bắt nguồn từ một đôi vợ chồng thuần phác, không biết từ đâu đến lập nghiệp ở một làng quê ven đô Thăng Long (tức Hà Nội bây giờ) lấy nghề nông làm nghề sinh nhai. Ngoài ra, thỉnh thoảng cụ bà, một người con gái có nghề buôn thuốc bắc, còn lên Thăng Long cất hàng mang về cho các thầy lang trong vùng. Mỗi bận đi về như thế mất hai ngày. Một hôm, hai cụ đi cất hàng ở một hiệu Khách (chủ hiệu nguời Tàu) mang về nhà, khi soạn lại thấy trong lọ hoả dược (diêm sinh) có đôi hoa tai vàng chạm trổ óng ánh, mỗi góc cạnh một vẻ, càng nhìn càng ưa, đẹp ngơ ngẩn cả người. Các cụ bàn tính: Của quý này tự dưng vào tay ta, ta cất dấu đi thì chả ai biết đấy là đâu. Nhưng nó không phải của ta. Đã không phải của ta mà ta cứ dùng thì nó là đồ phi nghĩa. Vợ chồng ta tuy một chữ bẻ đôi không biết nhưng thi thoảng được hầu chuyện các thầy lang, được hay trên đời có hai hạng quân tử với lại tiểu nhân. Ta muốn làm bậc quân tử sao lại dùng đồ phi nghĩa? Thôi thôi cứ mang trả là hơn. Nghĩ vậy, hai cụ bèn cứ cất công ra Thăng Long trả đôi hoa tai vàng cho chủ hiệu. Cả nhà ông chủ hiệu người Tàu đều giật mình kinh ngạc, vì cứ nghĩ rằng báu vật đã không cánh mà bay mất. Họ hết lời cảm tạ, mang bao nhiêu là của ngon vật lạ ra biếu hai cụ, nhưng hai cụ nhất định không chịu nhận, nói rằng còn để phúc cho con cháu về sau. Người chủ hiệu không biết làm thế nào, chỉ còn dặn với khi hai cụ ra về: Thôi thế chúng tôi đội ơn hai bác, để khi nào có thầy địa lý hay bên nhà sang, chúng tôi sẽ nói tìm cho các cụ nhà ta một ngôi đất phát phúc. Hai cụ miễn cưỡng vâng. chuyện ấy lâu dần quên đi. Mãi cho đến đời cụ tổ thứ ba, lúc bấy giờ vào triều vua Lê Chân Tôn, một hôm hai mẹ con vừa đi đồng về, đang băm bèo thái rau. Bỗng thấy các viên chức dịch dẫn quân lính vào nhà mời cả ba mẹ con ra ngoài cánh đồng có việc hệ trọng. Cụ bà và hai con đều giật mình, nửa mừng nửa sợ. Mừng vì thấy được chức dịch và quân lính lễ phép chào mời, sợ vì không hiểu có việc gì, đành phải theo đi. Ra khỏi cổng làng thì thấy có cờ xí rợp một quãng đồng, quân Tàu, quân ta đứng xúm xít dưới gốc gạo Mã Nàng, tiếng chiêng trống như ngày hội. Các quan chức khăn đóng áo dài chững chạc. Ngồi giữa chiếu là một viên quan Tàu mũ, áo, lọng, biển sáng trưng. Ba mẹ con sụp lạy xong, người thông ngôn mới dẫn dụ một hồi cho biết đầu đuôi câu chuyện. Số là ba đời trước có chuyện cụ tổ đem trả lại đôi hoa tai vàng. Đó là đôi hoa tai của chính cung Hoàng hậu bên Tàu. Cô em gái người chủ hiệu thuốc ở Thăng Long mới được tuyển vào làm đệ nhị cung phi có mượn của Hoàng hậu đôi hoa tai ấy, giao cho ông anh kén loại vàng mười ở nước Nam, theo mẫu kéo hai đôi nữa là đồ tiến. Chủ hiệu vàng chưa kịp tìm thợ khởi công thì đôi hoa tai đã biến mất. Thì ra cậu con trai quý tử có lần lén lấy chơi, tiện tay bỏ vào lọ hoả dược rồi quên béng mất. Cả hiệu đang lo cuống lo cuồng về chuyện tày trời thì được người khách quê mang lên trả báu vật. Ơn ấy, người nhà quê quên đi nhưng ông chủ hiệu thì nhớ. Trước khi qua đời, ông chủ hiệu già có di chúc lại cho con cháu thế nào cũng phải thực hiện lời hứa, đón thày địa lý hay về làng để trả ơn. Nay người cháu của ông chủ hiệu làm quan bên Bắc triều, tuân theo lời di chúc, nhân sang dự lễ phong vương nước Nam, có mang theo thày địa lý chính tông đến cánh đồng đây đặt cho con cháu người một ngôi đất phát phúc. Ông thông ngôn nói xong, quan Tàu bèn gọi hai người con cụ đến gần để hỏi ý kiến. Thầy địa lý nói: Cũng ngôi đất này xoay hướng nọ thì phát phú gia địch quốc, nhưng chỉ được một đời, còn về đường văn học một chữ cũng không. Xoay về hướng kia, toạ Khôn hướng Cấn (*) thì phát về đường văn, đời đời chỉ học đỗ tới mức cử nhân, tú tài, còn hơn kém cũng chỉ chút ít, nhưng văn mạch thì lưu truyền mãi mãi không bao giờ hết. Vậy nhà ta muốn chọn hướng nào? Hai người con xin phép lui ra để bàn với mẹ. Ba mẹ con bàn tính một hồi, người con cả mạnh bạo thưa với quan Tàu: “Đất phát cư phú mà văn lại khảo bảy ngày không biết một chữ thì của dẫu nhiều chẳng khác gì người giữ của, huống chi lại không bền. Đất phát văn dẫu rằng chỉ đỗ đạt nho nhỏ nhưng được lâu dài, hưởng phúc không bao giờ hết. Ăn dè được lâu, cày sâu tốt lúa. Chúng tôi xin thuận về đường phát văn.” Quan sứ Tàu và hai vị địa sư tấm tắc khen ba mẹ con biết nghĩ xa. Bèn truyền lệnh đào chính giữa một gò đất, sâu hơn hai dải thừng, rồi phân kim táng mộ cụ tổ đời thứ ba chính giữa mắt con phượng, kiểu Phượng hoàng hàm thư. Đoạn quân trẩy về kinh. Ba mẹ con về nhà tâm niệm con đường khoa cử bèn rước thầy về rèn cặp ngày đêm. Quả nhiên người con trưởng đã khai khẩn rừng Nho cho cả gia tộc. Năm 17 tuổi cụ thi đỗ tú tài. Sau này cả họ tôn vinh cụ là Khai khoa triệu tổ, vị tổ mở đầu dòng khoa bảng cho cả học. Các tổ đời thứ tư, thứ năm đều có người đỗ tú tái, cử nhân. Rồi đến đời thứ sáu, có một nhánh phát triển rực rỡ rồi đột ngột rơi xuống vực thẳm. Một cụ tổ thông minh, học giỏi đậu đến Tiến sĩ được bổ làm Đốc đồng một tỉnh miền núi, làm vẻ vang cho cả họ. Do những cuộc xung đột nội bộ giữa các quan cai trị ở địa phương - cuộc xung đột này phản ánh cuộc xung đột giữa vua Lê và chúa trịnh – đã dẫn tới những âm mưu hãm hại lẫn nhau. Cụ tổ có học vị Tiến sĩ duy nhất của gia tộc đã cầm gươm tự sát để tỏ lòng trung với vua. Và tất cả những người trong gia đình, các nhân thân đi theo đã tự vẫn theo, cả thảy hơn 20 người. Trên bản đồ cây gia tộc, nhánh ấy bị cụt.
Vị đại diện dòng họ buồn rầu kể tiếp: Sau vụ bi thảm đó, họ chúng tôi rút ra một kinh nghiệm lịch sử và truyền lại cho đến hôm nay. Là khí thiêng của địa lý đã định ra như thế, thì người trong gia tộc phải biết cái hành lang số phận của mình. Có thể do mật mã di truyền, ngày nay ta hiểu như thế, đến một đời nào đó đột xuất có người thông minh kiệt xuất, đường công danh phú quý vượt trội hẳn lên. Nhưng xin hãy nhớ mộ tổ táng ở đâu và biết biết dừng lại khi chưa là quá muộn. Đây, ông chỉ vào cây gia tộc, hiện nay họ chúng tôi có hai nhánh khá là sum xuê. Một nhánh biết kinh doanh, giàu lên trông thấy, con cháu đều ăn nên làm ra, nhưng không thể ở quê nhà, phải ly hương ít nhất ba đời nay, hiện có người lập nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, có người trôi giạt sang Mĩ… Một nhánh khác vươn lên toả bóng, sau này thành một cụm lớn, trung tâm của gia tộc, trong đó có một chú phát triển về đường quan chức cách mạng cũng khá là nhanh, tới hàm thứ trưởng. Nhưng chú ta cũng biết phận mình, vừa đúng tuổi hưu là làm đơn xin rút liền, may được Trung Ương đồng ý. Chú ta bảo: Trong nội bộ cơ quan em, đã xuất hiện những triệu chứng bất hoà, tính em lại thẳng, em mà ở lại chỉ một năm nữa thôi là có thể nguy to. Sau một ngày xuân về viếng mộ tổ, em quyết định dừng luôn, tự mình đình chỉ luôn, không ham hố nữa, để phúc cho con cháu. Như vậy đấy, con người phải biết điều với số phận của mình, trong họ chúng tôi không còn ai có học vị cao nữa. Học đều đều, Cử nhân, Tú tài, là cao nhất. Nhà nhà đều vừa đủ để mát mặt với hàng xóm, chúng tôi không có gì để ân hận. Anh thấy vấn đề địa linh có ghê không?
IV. TẦM QUAN TRỌNG CỦA SINH KHÍ TRONG ĐẤT ĐAI CÓ GÌ KHÁC KHI NHÂN LOẠI SỐNG TRÊN MỘT QUẢ ĐẤT KHÔNG KHÔ CẰN?
Trước khi chuyển sang phần trình bày một số vấn đề cơ sở của thuyết Phong Thuỷ theo giả thuyết có tồn tại sinh khí trong đất đai, tác giả muốn nhấn mạnh rằng vấn đề này là cực kỳ quan trọng về mặt khoa học.
Tại sao?
Tại vì sự phát hiện được Sinh khí trong đất đai là tương tự như sự phát hiện của hệ thống Kinh, Mạch, Huyệt trong Đông y học và từ đó là sự phát hiện Trường sinh học nhân thể. Chúng ta biết rằng sự phát hiện này dẫn đến một sự hiểu biết sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa con Người với Trời Đất, nghĩa là dẫn tới một Vũ trụ quan và Nhân sinh quan có tầm sâu nhất.Tương tự như thế, nếu đất đai cũng có sinh khí, thì cách nhìn quả đất chúng ta sẽ thay đổi căn bản. Chúng ta không còn sống trên một cái nôi khô cằn mà lại trên một cái nôi có sức sống sinh học của nó, có sức mạng hỗ trợ cho loài người như một người mẹ thực sự, cung cấp cho con cháu mình không những loại năng lượng vật lý thông thường mà cả nhiều loại năng lượng sinh học quý báu, khó lường về hiệu quả.
Nếu có một ai thành công trong việc đặt mồ mả đúng huyệt theo đúng thuật Phong Thuỷ, thì tất nhiên đây là một điều đáng mừng. Thành công này mang thêm một điểm trong kết quả thống kê dương tính trên thực địa về thuật Phong Thuỷ. Nhưng chúng tôi chưa xem đó là điều quan trọng nhất. Vì sao?
Và nếu được thế thì sẽ có những ảnh hưởng rất cơ bản đối với sự sống còn và số phận của nhân loại chúng ta trên cái nôi Tâm – Sinh – Lý này.
Nói riêng, một dân tộc đã được Thiên nhiên ưu đãi về Địa Linh và Sinh khí sẽ phải suy nghĩ như thế nào về trách nhiệm bảo vệ và khai thác sức mạnh Tâm – Sinh – Lý đó, để có chương trình tạo nên những anh hùng hào kiệt, những hiền tài, nhân kiệt, những vĩ nhân cho các thế hệ mai sau?
Ngày trước, các Thánh đế, Minh Vương quan niệm không có một trách nhiệm nào lớn hơn đối với non sông, đất nước.
V. ÂM MƯU DIỆT CHỦNG CỦA PHONG KIẾN TRUNG HOA ĐỐI VỚI VIỆT NAM - CAO BIỀN TẤU THƯ ĐẠI LÝ KIỂU TỰ
Sau đây là một tư liệu lịch sử, trích từ cuốn Địa Lý Tả Ao của Cao Trung, Nhà xuất bản Hồng Dân, Sài Gòn, mang tên là Cao Biền Tấu Thư Địa Lý Kiểu Tự.
“… Lần này, chúng tôi khởi giới thiệu tài liệu Cao Biền Tấu Thư Địa Lý Kiểu Tự là tập tài liệu nói về các kiểu đất bên Việt Nam mà Cao Biền đã trình vua Đường Trung Tôn.
Những tàu liệu này có vài ngàn kiểu, nhưng Cao Biền chỉ mới yểm được một số ít đất Đế Vương Quý Địa. Còn cả ngàn đất Công, Hầu, Khanh, Tướng vẫn nguyên vẹn. Các cụ xưa giữ sách này làm Gia bảo và theo nó để tìm cho ra đất kết dành cho họ hàng của mình dùng khi cần đến”.

XUẤT XỨ CỦA SÁCH CAO BIỀN TẤU THƯ ĐỊA LÝ KIỂU TỰ

Xưa kia, về đời vua Đường Trung Tôn bên Tàu có Cao Biền được phong làm An Nam Tiết Độ Sứ, sang đô hộ nước ta. Cao Biền là một người rất giỏi địa lý, được vua Đường uỷ nhiệm nghiên cứu các kiểu đất Việt Nam, cốt để yểm phá các đất kết lớn nào khả dĩ gây ảnh hưởng cho sự Tàu hoá dân tộc Việt Nam.
Sau khi nhậm chức và khảo sát địa lý ở Việt Nam, Cao Biền thấy nước ta có rất nhiều đất phát rất lớn, có thể tạo nên những bậc hiền tài, mà sự nghiệp có thể cản trở âm mưu Nam tiến của Tàu. Cao Biền bèn biên soạn Cao Biền Tấu Thư Địa Lý Kiểu Tự này trình với vua Đường, đồng thời cho phép yểm phá một số long mạch có đất kết lớn.
Theo truyền thuyết, trước khi yểm bùa một kiểu đất nào, Cao Biền thường phụ đồng để các vị thần cai quản khu vực đó nhập vào đồng nam, đồng nữ. Sau đó Cao Biền tìm cách trừ khử các thần linh đó đi. Cuối cùng mới yểm đất.
Cũng theo truyền thuyết, Cao Biền cũng yểm được một số ít đất lớn, song Cao Biền cũng bị thất bại trước nhiều vị thần linh của Việt Nam, trong đó đáng kể nhất là Tản Viên Sơn Thần và Tô Lịch Giang Thần (Thần núi Tản Viên thuộc huyện Bất Bạt tỉnh Sơn Tây, còn sông Tô Lịch chảy qua hà Nội, đền Bạch Mã ở gần Hàng Lược Hà Nội là đền thờ thần Tô Lịch).
Trải qua Đường, Tống đến đời Minh có Trương Phụ, Mộc Thạch và Hoàng Phúc là ba danh tướng được vua nhà Minh cho kéo quân sang Việt Nam, bề ngoài với danh nghĩa phò Hậu Trần, diệt Hồ, nhưng bên trong lại là một kế hoạch diệt chủng người Việt Nam, âm mưu đổi nước ta thành một quận, huyện của Tàu. Kế hoạch này tỉ mỉ và thâm độc hơn những kế hoạch tương tự mà người Hán đã làm từ trước đến nay.
Trong số ba danh tướng trên thì Hoàng Phúc là người rất giỏi địa lý, có mang theo tập Cao Biền Địa Lý Kiểu Tự sang định duyệt lại và định yểm nốt những đất lớn nào còn sót, để cho ở Việt nam không thể xuất hiện những thế hệ thịnh trị, sản ra được những nhân kiệt tài xuất chúng như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… là những hiền tài nhân kiệt đã gây khó khăn cho Tàu, như trong các thời đại Lý, Trần vừa qua.
May thay Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã khôn khéo và kiên trì lãnh đạo cuộc kháng Minh thành công, sau mười năm gian khổ. Khi bắt sống được Hoàng Phúc, ta thu được toàn bộ tài liệu của kế hoạch trên, trong đó có tập Cao Biền Địa Lý Kiểu Tự.
Tập sách này trở nên một tài liệu vô cùng quý giá cho ta trên nhiều phương diện: Sử liệu, Chính trị và Địa Lý.

VI. MỘT SỐ HUYỆT TRONG SÁCH CỦA CAO BIỀN

SỐ HUYỆT, ĐIẠ LINH Ở MIỀN BẮC THEO CAO BIỀN
TỈNH
HUYỆT CHÍNH
HUYỆT BÀNG
Hà Đông
081
264
Sơn Tây (Đại Huyệt )
036
085
Vĩnh Phú
065
155
Hải Hưng, Kiến An
183
483
Gia Lâm, Hà Bắc, Đáp Cầu, Lạng Sơn
134
223
Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình
132
325
Tổng cộng
632
1517

SỐ HUYỆT, ĐIẠ LINH Ở HÀ ĐÔNG THEO CAO BIỀN
TỈNH
HUYỆT CHÍNH
HUYỆT BÀNG
Thanh Oai
09
026
Chương Mĩ và Mĩ Đức
11
031
Sơn Minh (Ứng Hoà)
09
026
Hoài An
06
019
Thanh Trì
11
041
Thường Tín
11
041
Phú Xuyên
07
020
Từ Liêm
11
034
Đan Phượng
05
013
Tổng cộng
81
246
HÀ ĐÔNG
1. Đệ Nhất Thanh Oai Phong: Nhất Chính, nhị Bàng
Ấp Trung Thanh Uy, hình thế tối kỳ, thủy lưu tứ vương, án khởi tam quy, mạch tòng hữu kết, khí định tả ý, thần đồng tiền lập, quỷ sử hậu tỳ, khôi khoa tảo chiếm, phúc lộc vĩnh tuy, tu phòng mạch tận, thừa tự vô nhi.
2. Đệ nhị Cao Xá Phong: Nhất Chính, nhị Bàng
Thanh Oai Cao Xá, châu vi quý long, thuỷ khê tuỳ mạch, bình dương lai tung, hoa khai hữu hổ, tinh diệu tả long, sơn thuỷ trù mật, khí thế sung giong, hà tu hợp hải, ngưu giác loan cung, chủ khách hoàn mỹ, tả hữu hộ tòng, hoa tâm khả hạ, thế xuất anh hùng, văn khôi khoa giáp, võ tổng binh nhung, phú quý thọ khảo, kiêm hữu kì công
3. Đệ tam Võ Lăng Phong: Nhất Chính, nhị Bàng
Thanh Oai Võ Lăng, bình thế khả sung, tả sơn thuận giang, hữu thuỷ nghịch thăng, đường tám tích ngọc, án diện phó tầng, cân thuỷ chức kết, viễn sơn từng lăng, thổ tinh lạc sử, cát huyệt thi bằng, nhược năng hiện nhận, khoa đệ diệp đăng.
4. Đệ tứ Cổ Hoạch Phong: Nhất Chính, nhị Bàng
Thanh Oai Cổ Hoạch, đoản hình tràng nhạo, thế giáng hữu cung, mạch sinh tả giác, bút giả sâm van, đốn sang sáp ngọc, hữu thuỷ tám hoành, tả sơn hồi thác, phân minh kỷ cổ, la liệt thành quách, văn chủng khôi khoa, vô chuyên tướng trách, nội thể tuy giai, ngoại hình cân bách, hoạ khởi nhân chiêu, nghiệt do kỳ tác.
5. Đệ ngũ Đại Định Phong: Nhất Chính, lục Bàng
Thanh Oai Đại Định, dị tích kỳ tung, long hoả hổ hoả, chủ tòng khách tòng, Tiểu giang dẫn mạch, bình địa sinh phong, sơn thuận sơn nghịch, thuỷ chủ thuỷ cung, quần sơn điệp điệp, chủng thuỷ trùng trùng, trâm hốt khuê thời, tú bút giả phong, thừa dư hủ tức, huyệt tại viên trung, văn chiêm khoa giáp, võ tổng bình nhung, bằng hữu huyệt quái, âm mạch khí chung, nữ phát phi hậu, phú quý xương long.
6. Đệ lục Kim Bài Phong: Nhất Chính, tứ Bàng
Thanh Oai Kim Bài, lưỡng phượng phi lai, song đồng hoàn trĩ, lục tử nhập hoai, nội hình tương ứng, nội thế tương lai, thiềm tâm khí kết, long não tinh ta, chủ minh khách mỹ, sơn tinh thuỷ giai, huyệt cư trung cấp, táng pháp vô sai, vô xuất khanh tướng, văn trạc khoa đài.
7. Đệ thất Bối Khê Phong : Nhất Chính, nhị Bàng
Bối Khê chi địa hình như thảo xà, sơn thuỷ chức kết, long hổ bài nha, văn bút đảo địa, bình dương khai oa, viên phụ giáng thế, giang thuỷ giao la, hà tu giới thuỷ, thiên đực loan xa, thế xuất khanh tướng, đại đại vinh hoa.
8. Đệ nhất Sinh Quả Phong: tứ Bàng
Thanh Oai Sinh Quả cát địa diệc khả, hổ sơn long hồi, long sơn hổ hoá, đại phụ khí tàng, tiểu khê quan toà, bác hoàn vi ký, tiền tài lương bạ, tảo trạc khôi hoa, viên đằng thanh giá, hiểm thuỷ phân lưu, dụng chung hữu xả.
9. Đệ cửu Bảo Đà Phong: Nhất Chính, tứ Bàng
Bảo Đà Thanh Uy, thuỷ thể my thi, đại giang loan quả, tiêu thuỷ chứng quy, lục long chiều hội, lưỡng phượng giao phi, văn tinh tiền án, viên phu hậu thuỷ, huyệt tại chung cấp, thừa dư khả y, công hầu thế xuất, hào kiệt tế phi, danh cao hổ tướng, uy chấn hoa di, nhược táng long dịch, nữ phát vương phi, nam chủng khoa giáp, phát đạt vô nghi.
CHƯƠNG ĐỨC (CHƯƠNG MĨ VÀ MĨ ĐỨC)
1. Đệ nhất Vinh Lữ Phong: Nhất Chính, ngũ Bàng
Chương Đức Vinh Lữ, ký mạch cân tụ, tụ thế cao sơn, chung thuỷ đế trự, huynh đệ tương đăng, quần thần tương giữ, huyệt thủ tức dư, danh khôi khoa cử, thừa thưởng thiên nhiên, vô yêu trát sự.
2. Đệ nhị Cống Khê Phong (?)
Cống Khê Chương Đức, hình thế khả kỳ, tứ sơn giai củng, chúng thuỷ hàm quy, long trùng hổ điệp, chủ nghênh khách tuỳ, xa sinh trầm hốt, thuỷ họi nghiên trì, cao sơn thủ tức, phú quý vô nghi, nam phát võ tướng, nữ phát cung phi, nam nữ giai quý, phú lộc vĩnh tuy.
3. Đệ tam Thanh Áng Phong (?)
Chương Đức Thanh Áng (nay thuộc Ứng Hoà), canh lưỡng long lai, đại hà vệ khí, ngọc nữ hoài thai, long hổ chiều củng, hình thế phô bài, la liệt thành quách, hiệu khiết lâu đài, chủ minh khách mĩ, thuỷ tĩnh sơn giai, đường thiên thuỷ để, áp cao sơn nhai, thuỷ long dư nhũ, cát huyệt khả tài, vô sinh tướng suý, văn chiêm khoa đài, đại địa cực quý, đoán dịch vô sai.
4. Đệ tứ Chi Nê Phong: Nhất Chính, nhị Bàng
Chương Đức Chi Nê, sơn hình võ trụ, long hồi hổ hoàn, mạch tàng khí trụ, hạ hợp thượng phận, tả giao hữu cố, án đới hổ yêu, phong sinh long thủ, khí kết hoa tâm, tuyệt tòng long nhũ, thế xuất công khanh, sỹ lăng tể phụ.
5. Đệ ngũ Lai Tảo Phong (Nhất Chính, tam Bàng)
Chương Đức Lai Tảo, địa hình diệc hảo, khí như tuyến hôi, mạch như sà thảo, bình dương sơn loan, đại hà thuỷ đáo, chủ khách chuy tuỳ, long hổ hoàn bão, huyệt tại hoạ tâm, mạc tài long não, thể xuất công khanh, phú quý vĩnh cảo.
6. Đệ lục Tiểu Ứng Phong: Nhất Chính, ngũ Bàng
Tiểu Ứng Chương Đức, phượng tường lưỡng dực, thuỷ tụ trùng trùng, sơn sai sực sực, vạn thuỷ thiên sơn, tam hoành tứ trực, thảo vĩ khí tài, hoa tâm khả thực, văn võ phát vinh, tam công vị cực, phú quý thời ưu, đại đại phó tức.
7. Đệ thất Liễu Nội Phong: Nhất Chính, ngũ Bàng
Liễu Nội chí địa, thị diệc quý long, âm dương bái tướng, dương sơn phú trung, long hoá hổ hoá, long trùng hổ trùng, chúng thuỷ lưu trữ, quần sơn la lung, huyệt tại thượng phúc, võ chí hầu phong, nữ phát hậu phi, phú quý xương long, bằng hữu cát huyệt, ấn đới thanh long, tam thai chu thước, văn sĩ tam công.
8. Đệ bát Tràng Cốc Phong: Nhất Chính, ngũ Bàng
Địa danh Tràng Cốc hình như phượng hoàng, nội kỳ ngoại cổ, tiền cương hậu phong, long hổ hoàn bảo, chủ khách huy hoàng, bình nguyên thuỷ diệu, viên phụ khí tàng, thế xuất võ tướng, vị chí hầu phương.
9. Đệ Cửu Yên Ninh Phong (Nhất Chính, nhị Bàng)
Chương Đức Yên Ninh, khí tụ long đỉnh, tả hoàn hữu cố, hổ ấn long tinh, sơn hợp thuỷ chi, khách tựu chủ nghinh, huyền quy ứng hậu, chu tước bái đình, huyệt tại chung cấp, công hầu phát sinh, kế thé vô tướng, kiêm vương nhân đinh.
10. Đệ thập Do Lễ Phong: Nhất Chính, nhị Bàng
Chương Đức Do Lễ, chân long sở chi, đại lâm loan sơn, thâm dầm chú thuỷ, tiêu giang tế long, địa hà dưỡng khí, long hổ bài nha, quân thần giao hỷ, huyệt tại viên trung, công hầu đăng đối, phú quý kiêm ưu, khả vi toàn mĩ.
11. Đệ thập nhất Chúc Sơn Phong: Nhất Chính, nhất Bàng
Chương Đức Chúc Sơn (nay thuộc Chương Mỹ), hổ long hồi hoàn, tiến hữu thuỷ chữ, hậu hữu sơn loan, đại hà dẫn mạch, hồng kỳ chấn quan, hình thế tương hợp, chủ khách tương hoàn, huyệt tại trung phúc, thế xuất cao quan, võ đại văn thiểu, danh quán chiêu ban

SƠN MINH ỨNG HOÀ
1. Đệ nhất Xà Kiều Phong: Nhất Chính, tứ Bàng
Sơn Minh Xà Kiểu hình như phượng vũ, giang lưu thoát tung, tinh phong nhạc nhũ, thiên thể dung tâm, địa khí sanh (?) ngũ, hổ bão loan đầu, long đoàn cung thủ, khanh tướng thời sinh, khả văn khả vũ, vị liệt thai đài, danh cao suý phủ.
2. Đệ nhị Lưu Khê Phong: Nhất Chính, tam Bàng
Sơn Minh Lưu Khê, án chỉnh sơn tề, quý tàng bích động, hoa thổ kim chi, sơn thuỷ loan cung, long hổ giao thi, âm lai dương thụ, huyệt tòng tả y, thế xuất khanh tướng, phúc lộc trùng lai.
3. Đệ tam Đông Phi Phong: Nhất Chính, nhị Bàng
Sơn Minh Đông Phi, long hổ giao tý, từ thuỷ nhập hoài, bát khấn vệ khí, tam cấp mạch sinh, ngũ thốn sơn trì, huyệt tại dư thừa, chủ đăng khoa sỹ, vị liệt công khanh, phú lộc phú quý.
4. Đệ tứ Tảo Khê Phong: Nhất Chính, thất Bàng
Tảo Khê chân long, hình thế sung giong, long bàn hổ hoá, thuỷ tản sơn cùng, đại khê dẫn mạch, bình địa sinh phong, tam thai hoãn trĩ, chúng thuỷ triều cung, thiên chung viên toạ, thế thượng bầu công, đại đại phú quý, phúc lộc xương long.
5. Đệ ngũ Dương Khê Phong: Nhất Chính, nhất Bàng
Dương Khê chí địa, hình thế khả quan, sơn chủ thuỷ tụ, hổ cứ long bàn, tiền phân tam thuỷ, hậu ứng quần sơn, tả hữu đăng đối, chủ khách tương hoan, hoa tam khả hạ, thảo vĩ khả an, thế xuất khanh tướng, phú quý bình an
6. Đệ lục Đông Dương Phong: Nhất Chính, nhất Bàng
Sơn Minh Đông Dương, thế giáng bình dương, long vệ tống mạch, hổ bão chiều tương, kỳ cổ bài liệt, hình thế la chương, sơn tòng hữu đáo, bút giá long bàn, huyệt tại chung cấp, thừa khí khả tàng, thế xuất khoa giáp, vi cận quan vương.
7. Đệ thất Tử Dương Phong: Nhất Chính, tam Bàng
Sơn Minh Tử Dương, thế chính hình ngang, thuỷ đàm long khẩu, sơn dục hổ giáng, thuỷ triều sơn bão, thái án châu trang, tả hữu trù mật, chủ khách huy hoàng, khí tuỳ dư tức, huyệt tại cung tràng, nhược thuỳ viên nhũ, nữ phát phi hoàng, nam nữ toàn mỹ, phú quý vinh xương, hiện nhận bất thực, khủng sinh bất tường (có giả thuyết), tất phụ tại ương
8. Đệ bát Đạo Tú Phong: Nhất Chính, tứ Bàng
Sơn Minh Đạo Tú, long hoàn hổ cốt, hình thế bài nha, khí mạch ngưng chủ, hữu sơn bão triều, tả giang chiều hộ, thuỳ nội ấn phù, đường tâm khí tụ, huyệt tại tổn sơn, thời sinh tể phụ, nhược toà càn sơn, phát vượng phi phụ, thuận nghịch lưỡng thủ, nam nữ cân ưu, tuỳ ký thích an.
9. Đệ Cửu Sơn Minh Phong: Nhất Chính, tam Bàng
Sơn Minh khí chung, long hổ phù cung, đại giang chiết thuỷ, bình dương lai tung, hoa khai đoá đoá, tinh hiện trùng trùng, khí tông thảo vĩ, huyệt tại viên chung, chủ phát khanh tướng, đại đại vô cùng.
“… Những ngôi đất kết có ngôi chỉ phát về âm phần (để mả), lại có ngôi chỉ phát về dương cơ (làm nhà). Đất phát âm phần lợi cho việc chôn xương xuống đất. Còn đất phát dương cơ thì lợi cho việc làm nhà lên trên, đất dương cơ nhỏ được dùng để làm nhà, còn nếu đất to rộng thì lợi cho việc làm doanh trại, nếu đất rộng hơn nữa thì lợi cho việc xây thị trấn, đô thị hoặc kinh đô”.

HIỆN TƯỢNG ÁNH SÁNG VỀ MẢ KẾT

Với các mả kết, bằng luân xa Ấn Đường, có thể quan sát một luồng áng sáng màu vàng chiếu lên mộ đó, có cường độ bằng cường độ đèn 100 Oát. Ánh sáng này có thể chiếu lên khu vực đầu hay khu vực bụng, chân… của hài cốt.
Khu vực được chiếu sáng có thể lan rộng dần khi gia tộc làm thêm nhiều việc thiện và ngược lại, thu hẹp khi gia tộc gây nhiều tội ác.
VI. TẦM LONG TRÓC MẠCH
Nguyên khí còn gọi là Long, Như đã nói trên đây, Long là một dạng Khí Tiên thiên, có tác dụng rất cơ bản đến sự sống các sinh vật.
Vấn đề là tìm nơi tụ Long.
Để làm việc này cần tìm gốc của Long.
Trước hết Nguyên khí hay Khí Thiên giáng từ Trời xuống các đỉnh núi cao theo hình xoắn, như đỉnh núi Hymalaya, núi Tản Viên, núi Tam Đảo…
Con Người có đầu và huyệt Bác Hội để nhận (hút) khí Thiên vào trong cơ thể mình, thì Quả đất có những đỉnh núi cao cũng để nhận khí Thiên vào lòng đất đai.
Nơi Long xuất phát gọi là Tổ Sơn, nơi Long kết thúc gọi là Minh Đưòng.
Long phải có nước đi theo, vì nước là môi trường hấp thụ Long (ở nhiều nước, các nhà khoa học có nghiên cứu các đặc tính của nước có Trường sinh học, tức là có Long. Nước có chứa Long có sức căng mặt ngoài tăng lên).
Ngoài Tổ Sơn, Long còn có thể có những xuất phát điểm khác gọi là Thiếu Sơn. Như với Nguyên khí – Long mang theo bởi dòng Cửu Long Giang thì Hymalaya là Tổ Sơn, còn dãy Trường Sơn là Thiếu Sơn. Như thế đất nước ta là một Minh Đường rộng lớn mà Nguyên khí được cung cấp bởi hai loại anten lớn là Hymalaya và dãy Tràng Sơn.
Nguyên khí - bằng một cơ chế nào đó - được chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau của đất nước ta như Núi Ba Vì và các nơi thờ Thánh Tản Viên , Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Thất Sơn, Yên Tử Sơn…

ĐIỂM HUYỆT

Các hình thể huyệt kết

Có bốn hình thể huyệt kết như sau:

Huyệt hình Oa thì tròn, huyệt hình Kiềm thì dài, huyệt hình Nhũ thì tròn, huyệt hình Đột thì dài.
Các huyệt Oa và Kiềm thì phần nhiều ở chỗ có mạch sơn cước (ở núi đồi). Các huyệt Nhũ và Đột thường ở chỗ các mạch bình dương (ở những nơi có các độ cao chỗ thấp ít khác nhau, như ở các ruộng). Các huyệt trên còn gọi là kết Oa, kết Kiềm, kết Nhũ, kết Đột.
Huyệt ở chỗ quá cao thì sát, ở chỗ quá thấp thì yểu.
Nơi núi cao, cần điểm huyệt ở nơi vùng thấp, để tránh gió, do ở nơi cao gió sẽ tán khí.
Trái lại ở những nơi bình dương, cần điểm huyệt ở chỗ cao nhất, như tại các gò cao, tránh thuỷ phá.
Nếu có sắc thổ đẹp, có cây lá xanh tươi thì việc điểm huyệt ở nơi đó càng tốt.
Những nơi bằng phẳng, xung quanh cs thành cao là nơi điểm huyệt tốt.
Ở những núi đá không có huyệt. Nhưng nếu ở đó có chỗ vũng Oa thì nên điểm huyệt ở đó.

SƠN THUỶ PHÁP
Sơn thuỷ pháp là cách xem tướng đất để biết về người có liên quan.
Sơn chủ người, thuỷ chủ tiền của.
Núi đầy đặn sẽ sinh người mập mạp, núi đơn bạc sẽ sinh người gày ốm. Núi tinh sinh người tốt giỏi, núi ô trọc sinh người u mê.
Thuỷ tĩnh thì sinh người thanh tú, thuỷ chảy xiết thì sinh người nghèo khổ. Thuỷ dồn tụ thì sinh người giàu có.
Sơn lởm chởm là nơi có ác khí. Thuỷ chảy kêu réo là nơi hung.
Có sơn nhưng không có thuỷ gọi là cô sơn. Có thuỷ nhưng không có sơn gọi là cô thuỷ.

MINH ĐƯỜNG THUỶ PHÁP
Chỗ nước tụ trước huyệt gọi là Minh Đường. Có thể có một hay nhiều Minh Đường. Minh Đường gần huyệt nhất gọi là Nội Đường, Minh Đường xa huyệt nhất gọi là Ngoại Đường, Minh Đường ở giữa gọi là Trung Đường.
Có Minh Đường mới có huyệt kết, nếu không thì sẽ không có huyệt kết.
Minh Dường ngay ngắn thì con cháu hiền tài. Minh Đường nghiêng lệch thì con cháu du đưng, nghèo khó.
Minh Đường có nước tụ như nhà có chứa ngọc, còn Minh Đường có nước tiêu tan thì như nhà tán tài, điều đáng sợ nhất là Minh Đường có thể cạn nước về mùa thu.
Minh Đường nằm nghiêng thì tuy là quan được nhưng trước sau cũng bị cách chức hay thoái chức.
Minh Đường gần huyệt thì phát sớm. Minh đường xa huyệt thì phát chậm.
Minh đưòng thụ nước bên trái thì trai trưởng phát trước, tụ bên phải thì trai thứ phát trước (còn nữ thì sao?)
Nếu nước chảy từ Tây Bắc đến Đông Nam, thì cần cho huyệt hướng về phía nước tới, tức là về phía Tây Bắc, để hứng được tất cả nước từ xa đến.

LONG HỔ PHÁP
Xung quang huyệt có thể có những giải đất bao bọc huyệt, bảo vệ huyệt như chân tay bảo vệ cơ thể.
Giải bên trái gọi là Thanh Long hay Long, có nam tính.
Còn giải bên phải gọi là Bạch Hổ hay Hổ và có nữ tính (trai trái gái phải). Long cần phải dài, Hổ cần phải ngắn.
Long, Hổ có ảnh hưởng tốt hay xấu đến con cái. Chẳng hạn Long chủ sinh con trai, văn quan, Hổ chủ sinh con gái, vũ tướng.
Nếu Long (nam) ôm lấy Hổ (nữ) thì địa thế rất quý.
Còn nếu Hổ (nữ) ôm lấy Long (nam) thì địa thế không hoàn chỉnh.
Nhiều Long, nhiều Hổ thì phát nhiều đời. Đơn Long, đơn Hổ thì chỉ phát một đời.
Hổ từ bên phải đến, kéo dài qua bên trái là Hổ nghịch. Long từ bên trái kéo dài qua bên phải là Long nghịch
Điều kị nhất là Long quay lưng lại, còn Hổ thì lại vươn đầu lên, gia đình sẽ sinh nghịch nhân.

HUYỀN VŨ PHÁP
Huyền Vũ là đồi, núi ở đằng sau huyệt.
Huyền Vũ tròn hay vuông thì gia đình giàu có và thọ.
Kiêng kỵ: Huyền Vũ thấp mỏng, bị gió thổi. Huyền Vũ không được thô và lấn át huyệt.
(Châu Tước là các gò đống ở trước huyệt)

ÁN SƠN PHÁP
Án có nghĩa là một địa thế, như một bán giấy ngồi trước mặt người ngồi. Án không nên quá cao hoặc quá thấp. huyệt gần án thì phát nhanh hơn là khi xa án.
Cổ nhân xem huyệt là chủ, án là khách, khách chủ tương kính nhau mới là tốt.

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐẤT CẦN BIẾT
Đất màu sắc hồng hoàng, sáng tươi, mềm dẻo, nửa nạc nửa mỡ thì tốt.
Đất đen, khô, rời vụn thì xấu, không có khí mạch.
Đất ngạnh, có đá cứng thì rất hung.
Nếu cả vùng đất đều bình thường như nhau, chỉ có một chỗ khác mịn, tươi hơn thì đó là đất tốt.
Đất khi khai huyệt có sinh vật như rùa, cá – tinh thuỷ của Thiên Địa – là đất tốt.
Trái lại, đất có rắn, chuột, sâu bọ, kiến là đất xấu.

SƠ ĐỒ ĐỊA LINH NƯỚC VIỆT
TỔ SƠN: Hy Mã Lạp Sơn (Nguyên Khí đi theo sông Cửu long)
THIẾU SƠN: Dãy Trường Sơn (Nguyên khí đi theo sông Cửu Long)
ĐỊA LINH CHÍNH ĐỂ DỰNG CÁC THỦ ĐÔ: Thăng Long (Rồng thăng), cố đô Huế
MINH ĐƯỜNGTHANH LONG, BẠCH HỔ: Biển Đông với chỗ thuỷ tụ của nó
ÁN: Có người cho rằng án của Việt nam chính là Philippines (Nguyễn Việt Cường)

TRÍCH TỪ SÁCH HỒNG VŨ CẤM THƯ ĐỂ BẠN ĐỌC THỬ NGHIỆM VÀ ĐÁNH GIÁ
(Trích trong sách Hồng Vũ Cấm Thư của Dương Quân Tùng, dịch giả: Nguyễn văn Minh)
Hồi ấy, đương khi Hồng Vũ yến ẩm, các vương tước ở trong bảo điện nghe tiếng người Châu Bắc – Đôi là ông Lý Bá Truyền tinh thông địa lý, Vua liền mời ông vào bệ kiến. Vua dụ rằng:
“Ta nghe ngươi rất giỏi về môn Địa Lý, vậy ta mong ngươi hết sức giúp ta, chớ vì điều lợi nào mà đổi lòng”.
Ông Lý Bá Truyền lạy tạ, thưa rằng:
“Thần là một người quê mùa ở đất Bắc – Đôi, Trước theo học ở Kinh Giang, một hôm vào chúa Hoa Kinh ở trên núi Đôi Châu, thấy có một quyển sách nhan đề là: Địa Lý Diệu Ngữ Thần Kinh, thưa đấy là do ý Trời sai khiến để giúp nhà vua”
Lý Bá Truyền ở bên vua biên tập một cuốn sách bút kí bao la.
Vua lấy làm vừa ý, mới đề mục rằng: Một thiên đại lục.
Xong phong cho Lý Bá Truyền là Tỉnh An tiên sinh, cho cả mũ áo chức Ngự sử. Thời bấy giờ thuộc niên hiệu Hồng Vũ, năm Canh Tý, tháng Thân, giờ Thìn.


CÁC THẾ ĐẤT LÀNH
CÁC THẾ ĐẤT PHÁT TRẠNG NGUYÊN, PHÁT GIÁP KHOA, CHÍNH KHOA, THẾ KHOA, KHOA DANH

Trước khi đi vào các thế đất cụ thể sau này, cần lưu ý đến một số điểm sau:
1. Các thế đất này là thế đất tự nhiên, được hình thành theo quy luật Thiên - Địa nào đó. Nếu có thể cho phép đi xa hơn theo một kiểu ngoại suy nào đó từ nhân thể, thì Mặt Đất – cũng giống như hình thể con người - phải có những chỗ lồi, chỗ lõm, những chỗ “phát, nhận” năng lượng từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong…Các chỗ lõm này phải tuân theo các quy luật xác định, nhằm bảo vệ, duy trì sự tồn tại của con người hay Quả Đất.
Ngày nay, một số thế đất tự nhiên đã bị san bằng - tại các thành thị chẳng hạn- và chủ yếu chỉ còn lại ở các vùng đồi núi, cao nguyên, các vùng con người chưa hề đặt chân tới.
Tuy nhiên, con người trong thế kỷ sau sẽ trở lại với thiên nhiên một phần nào, hạn chế phần nào sự phá phách Thiên Nhiên của mình, và từ đó một phần nào sẽ sống trong bối cảnh Thiên Nhiên sẵn có với các thế đất của nó.
Trước mắt, có thể quan sát các thế đất của tổ tiên nhiều đời. Theo thống kê của Pháp (Raymong Réant) thì hài cốt tổ tiên còn ảnh hưởng đến người sống trong 600 năm.
2. Trong phần tiếp theo sau đây, có một số thế đất có dạng đặc biệt, như dạng cái bút (có đầu nhọn). Cổ nhân xem đây là biểu tượng của khoa bảng, của sự thành đạt trong thi cử…Nếu đối chiếu với nền văn minh hiện đại, thì biểu tượng của khoa bảng không chỉ là cái bút kiểu xưa mà còn phải là cái bút bi hay cái máy vi tính! Thành thử cần hiểu các thế đất sau đây như thế nào, khi có xuất hiện hình bút? Để tôn trọng văn hoá truyền thống, chúng tôi vẫn giữ lại ý nghĩa biểu tượng khoa bảng của thế đất hình bút.(tác giả xin trân trọng cảm ơn anh Trần Xuân Hiến đã giúp đỡ tác giả trong việc dịch một số tư liệu từ tiếng Trung Hoa sang tiếng Việt).


Các thế đất lành

ĐẤT PHÁT CỰ PHÚ


VII. NGUYÊN LÝ THIÊN - ĐỊA - NHÂN HỢP NHẤT
Do sự tồn tại của Đại ngã trong cấu trúc và bản thể của mình con người hợp với “Trời, Đất “ thành Một . Đó là nội dung của nguyên lý Thiên Địa Nhân.
Về mặt sinh học nguyên lý đó biểu hiện như sau:
Năng lượng của trời đi xuyên qua luân xa 7 Bách hội, rồi chảy xuống theo con đường tủy sống. Mặt khác năng lượng của Đất đi qua luân xa 1 Hội âm, rồi chảy lên phía trên , cũng theo con đường tủy sống. Theo Phương Đông, Trời được coi là Dương còng Đất là Âm. Như thế trong con người Dương giáng Âm thăng. Chính hai quá trình Dương giáng Âm thăng này của năng lượng Trời Đất trong tủy sống của nhân thế đã tạo ra được mọi nguồn năng lượng cho sự sống của con người .Do các năng lượng này giao nhau nên người xưa nói rằng con người là vạch nối giữa đất và trời.
Nền văn hóa truyền thống Việt Nam đó đã mang trong long nó một tinh hoa nào đó. Và một số câu hỏi cần đặt ra một cách rất nghiêm túc. Những chiến công hiển hách của dân tộc chúng ta từ trước đến nay phải chăng là do một sức mạnh của một tinh hoa nào đó của chính dân tộc chúng ta,. Nếu vậy, tinh hoa đó là gì và tìm ở nơi đâu.?
Theo lịch sử, một trong những vấn đề có liên quan là vấn đề Địa Linh và Địa Linh sinh Nhân Kiệt.
Trong Văn Miếu Quốc Tử Giám Có Đoạn “Hiền tài là nguyên khí của đất nước …….”
Tất nhiên hiền tài với nhân kiệt là đồng nghĩa. Còn nguyên khí chính là bản thể của Địa Linh. Đất nước chúng ta có những Địa Linh như Núi Tản Viên, Tam Đảo , Ngũ Hành Sơn , núi Yên Tử , Hồ Tây , Hồ Hoàn Kiếm, Chùa Hương.
Điều quan trọng là đề ra một cách thực nghiêm túc các nguyên tắc , phương pháp bảo vệ các Địa Linh đó và tìm hiểu nghiên cứu về các địa linh này.
Địa Linh liên quan đến Núi và Sông




Philippin là án của Viêt Nam theo thế đất phong thủy
Chẳng hạn, nguyên khí từ Trời xuống trên rặng núi Hymalaya theo hình xoắn lốc, xem như một anten. Dẫy núi này vươn cao ở hai đầu giữa là Bình nguyên Tây Tạng. Về phía Ấn Độ là đỉnh Kailas, về phí Trung Quốc là đỉnh Côn Luân. Thiên nguyên khí sau khi xuống đỉnh Kailas, sẽ thấm vào một hố tròng gọi là hố tròn Manasovara , nước hồ là một trường hấp thụ nguyên khí đó. Nguyên khí này được 4 dòng sông Bramaputas, Indus, Kamakli ,Stulej mang theo và tạo nên nền văn minh Ấn Độ.
Còn Thiên nguyên khí xuất phát từ đỉnh Côn Luân sẽ thấm vào một hồ hình bán nguyệt tên là Raskatal và được hai dòng sông Hoàng Hà và Dương Tử mang đi để tạo nên nền văn minh Trung Hoa.
Cuối cùng dòng sông thứ năm xuất phát từ hồ Manasovara là Cửu Long Giang đi băng qua Vân Nam, Lào, Campuchia và chảy về Việt Nam suốt từ Bắc chí Nam dọc theo dãy Trường Sơn ở đó nó lại mang thêm nguyên khí của dẫy núi này và tạo nên nền văn minh Việt.
Các địa linh lại liên quan đến một hệ thống nào đó gọi là Hàng rào tâm linh, quan hệ hữu cơ đến các hiền tài, các anh hùng dân tộc là một hệ thông tinh hoa tạo nên nền văn hóa dân tộc và che chắn cho dân tộc.
Chiến lược giáo dục tương lai cho con em chúng ta sẽ liên quan đến các vấn đề phát hiện, bảo vệ và phát triển Tinh hoa trên như thế nào?

Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương
TTđTD - Trích "Tích hợp đa văn hoá Đông Tây cho chiến lược giáo dục tương lai"

----------------------------------------------------


Lời bình của Thiên Sứ

Tôi thường nhắc nhở anh chị em đưa bài vào mục Phong thủy có nội dung không phải của Phong thủy Lạc Việt phải ghi rõ: "Tư liệu tham khảo". Bài này có tác giả là cụ Nguyễn Hoàng Phương, nên cũng đỡ. Nhưng lần sau phải nhớ điều này. Anh chị em cao thủ Phong thủy Lạc Việt, khi đưa tài liệu tham khảo theo cổ thư, hoặc liên quan đến cổ thư - như bài này của cụ Hoàng Phương - thì cần có lời bình luận. Nếu không người xem hoang mang, không hiểu ai đúng, ai sai. Bài này có đoạn sau đây cần phân tích:

Quote
Thầy địa lý nói: Cũng ngôi đất này xoay hướng nọ thì phát phú gia địch quốc, nhưng chỉ được một đời, còn về đường văn học một chữ cũng không. Xoay về hướng kia, toạ Khôn hướng Cấn (*) thì phát về đường văn, đời đời chỉ học đỗ tới mức cử nhân, tú tài, còn hơn kém cũng chỉ chút ít, nhưng văn mạch thì lưu truyền mãi mãi không bao giờ hết. Vậy nhà ta muốn chọn hướng nào? Hai người con xin phép lui ra để bàn với mẹ. Ba mẹ con bàn tính một hồi, người con cả mạnh bạo thưa với quan Tàu: “Đất phát cư phú mà văn lại khảo bảy ngày không biết một chữ thì của dẫu nhiều chẳng khác gì người giữ của, huống chi lại không bền. Đất phát văn dẫu rằng chỉ đỗ đạt nho nhỏ nhưng được lâu dài, hưởng phúc không bao giờ hết. Ăn dè được lâu, cày sâu tốt lúa. Chúng tôi xin thuận về đường phát văn.”

Phàm mấy thày địa lý thấy sách Tàu nói thể thì cắm đầu làm theo, rồi xổ nho lòe mấy kẻ không biết. Phong thủy Lạc Việt đã xác định: "Tọa Khôn hướng Cấn" theo sách Tàu tức là Tọa Tây Nam hướng Đông Bắc - theo Phong Thủy Lạc Việt thì là Tuyệt mạng trạch - tương tự như trục Đông Tây vậy. Tôi đã chứng thực điều này qua khu mộ Chú Hỏa trên diễn đàn: Gia đình và dòng họ ly tán, không thấy ai phát tiếp sau đó. Còn tại sao, dòng họ trong câu chuyện này lại phát như vậy? Chúng ta xem tiếp đoạn sau đây:

Quote
Bèn truyền lệnh đào chính giữa một gò đất, sâu hơn hai dải thừng, rồi phân kim táng mộ cụ tổ đời thứ ba chính giữa mắt con phượng, kiểu Phượng hoàng hàm thư.

Đây mới chính là nguyên nhân phát văn của ngôi mộ dòng tộc này. Đó là do hình thể Loan Đầu, một yếu tố quan trọng trong Phong thủy Lạc Việt, Tàu gọi là "Trường phái". Còn hướng tuyệt mạng được thể hiện ở sự kiện sau - cũng ngay trong câu chuyện này:

Quote
Cụ tổ có học vị Tiến sĩ duy nhất của gia tộc đã cầm gươm tự sát để tỏ lòng trung với vua. Và tất cả những người trong gia đình, các nhân thân đi theo đã tự vẫn theo, cả thảy hơn 20 người. Trên bản đồ cây gia tộc, nhánh ấy bị cụt.

Qua đó, để anh chị em Phong thủy Lạc Việt suy ngẫm. 

Cụ Nguyễn Hoàng Phương - cũng trong tác phẩm này - dùng toán học (Vì cụ là giáo sư Toán) minh chứng cấu trúc Hậu Thiên Văn Vương đúng. Nhưng tôi đã chứng minh trong tiểu luận: "Tìm về cội nguồn Kinh Dịch" là Hậu thiên Văn Vương sai và phải đổi chỗ Tốn Khôn. Điều này, không làm thay đổi cấu trúc phương trình toán học của cụ Hoàng Phương. Tức là trục Phúc Đức của người Tây Trạch sẽ là Tây Bắc Đông Nam (*) - Tức Tọa Khôn, hướng Càn - chứ không phải "Tọa Khôn hướng Cấn" theo cổ thư chữ Hán. 

Bài của cụ Hoàng Phương giảng về "Khí" cũng mơ hồ. Nhưng phần này tôi đã giảng kỹ cho anh chị em rồi, nên không nói ở đây.

===================
Anh chị em cần biết rằng: Mộ vua Lê Lợi trong lăng của Ngài cũng Tọa Khôn (Đông Nam) hướng Càn (Tây Bắc), theo Phong thủy Lạc Việt. Nhưng một vị giáo sư sính sách Tàu đã giải thích cho các sinh viên kiến trúc là: "Tại thời ấy khoa học kỹ thuật chưa phát triển, nên la bàn bị sai (Đến 90 độ lận. Híc!).

(Nguồn: http://diendan.lyhocdongphuong.org.vn/bai-viet/28458-trich-tich-hop-da-van-hoa-dong-tay/)

Không có nhận xét nào: