Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2019

PHẬT TÁNH THÌ TRÙM KHẮP VŨ TRỤ

Có vô số bản thể vật chất và cũng có vô số Phật tánh. Vũ Trụ có và chỉ có hai loại bản thể, đó là bản thể vật chất và Phật tánh. Mỗi Phật tánh thì trùm khắp Vũ Trụ, nghĩa là không gian mỗi Phật tánh đồng nhất với không gian Vũ Trụ. Vì mỗi Phật tánh thì trùm khắp Vũ Trụ nên không có bất cứ thứ gì nằm bên ngoài Phật tánh. Do nghĩa này nên cũng không thể nói bất cứ thứ gì "nằm bên ngoài" hay "ở bên ngoài" Phật tánh. Không gian của Phật tánh, cũng là không gian của Vũ Trụ, bao trùm và tột cùng của mọi tồn tại. Chính vì thế, không có bất cứ tồn tại, kể cả không gian và thời gian, mà nó được gọi là "nằm bên ngoài" hay "ở bên ngoài" Phật tánh. Nếu nói "ở bên ngoài" hay "nằm bên ngoài" Phật tánh cũng có nghĩa nói rằng có tồn tại không gian ngoài Phật tánh. Lời nói này mâu thuẫn rằng không gian Phật tánh bao trùm và tột cùng của mọi tồn tại kể cả không gian và thời gian. Do đó, lời nói này không còn đúng. Trong mọi trường hợp, không dùng lời nói này hoặc không nghĩ như vậy.

Chính vì thế, Phật tánh thấy biết mọi tồn tại. Đó là trí huệ Như Lai. Vì sao Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác? Vì Như Lai thấy biết mọi tồn tại. Vì không gian của Như Lai tạng bao trùm và tột cùng của mọi tồn tại. Vì sao chúng sinh tu hành chứng đắc quả vị Phật thì có trí huệ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác? Vì khi ấy kẻ đó không còn là chúng sinh, không có tâm hư vọng, không có vô minh, không có cấu uế, không có phiền não và khổ đau, đã đạt được chân nhất Phật tánh, kẻ đó là Phật tánh nên thấy biết mọi tồn tại. Vì không gian của Phật tánh bao trùm và tột cùng của mọi tồn tại.

Có kẻ nghe tôi nói vậy nên nghĩ rằng: "mỗi Phật tánh thì trùm khắp Vũ Trụ, vậy thì chỉ có một Phật tánh, không thể nhiều hơn được; hoặc có vô số Phật tánh thì mỗi Phật tánh không thể trùm khắp Vũ Trụ được". Tánh vi diệu của Phật tánh là như vậy, không thể luận bàn. Tất cả Phật tánh đều có không gian đồng nhất với nhau và đồng nhất với không gian Vũ Trụ. Mỗi điểm trong Vũ Trụ đều có đủ chất liệu điểm của mọi Phật tánh nhưng lại không đồng nhất với nhau, không hiệp nhất với nhau thành một. Mỗi Phật tánh và chất liệu mỗi Phật tánh tồn tại độc lập, sở hữu bởi chính nó. Và chất liệu của mỗi Phật tánh thì tương tục, là trường liên tục, không có bất cứ khoảng trống rỗng nào.


Ví như có nhiều ngọn đèn. Tại một điểm có ánh sáng của tất cả các ngọn đèn ấy. Ánh sáng của các ngọn đèn đồng nhất không gian với nhau, nhưng ánh sáng của ngọn đèn nào là của ngọn đèn đó. Tuy nhiên, tôi lấy thứ vô thường mà dụ cho Phật tánh, chớ nghĩ Phật tánh có tánh giống như ánh sáng.

Trích bài: Tánh Không 

Không có nhận xét nào: