Pháp Không Chân Như: Về năng lượng tối thì không có gì để giảng. Con người và các nhà khoa học trên thế giới không biết nguyên nhân nào, nguồn năng lượng nào làm cho Vũ Trụ giãn nở, các thiên hà dần cách xa nhau. Nhưng những người đã nghe các tuyên bố của tôi thì việc trả lời cho thắc mắc đó thì rất đơn giản.
Bởi vì chư vị đã không xem kỹ các video nói về thành tựu khoa học hiện nay mà tôi đã chia sẻ tại sự kiện này nên không biết.
Các nhà nghiên cứu khoa học quan sát các thiên hà thấy rằng chúng đang dần cách xa nhau. Việc chúng di chuyển cách xa nhau đó phải có một nguồn năng lượng mà họ không biết. Những nguồn năng lượng mà họ không biết thì họ gọi là năng lượng tối.
Nguyên nhân làm cho Vũ Trụ giãn nở, tức là nguồn năng lượng tối làm cho Vũ Trụ giãn nở, làm cho các thiên hà cách xa nhau thì rất đơn giản. Nó đơn giản như những câu hỏi chỉ dành cho trẻ em vậy đối với những người đã nghe kỹ các tuyên bố của tôi. Những người đã nghe kỹ các tuyên bố của tôi trả lời câu hỏi đó không tốn sức, không cần suy nghĩ.
Hạt vật chất cội gốc có khuynh hướng trương nở. Các thiên hà đang nằm trong các hạt vật chất cội gốc khác. Các hạt vật chất cội gốc này trương nở thì các thiên hà trong đó dần cách xa nhau. Chỉ có vậy thôi.
Chân Như Tuệ Không: Thưa Thầy, khuynh hướng trương nở của chân không của một hạt vật chất cội gốc là nguồn năng lượng của hạt đó. Thưa Thầy, nghĩa là nguồn năng lượng sẵn có. Nhưng con có suy nghĩ nếu nguồn năng lượng là sẵn có, mà hạt vật chất thì có thể trương nở ra rất to hoặc bị co lại rất nhỏ thì lúc ấy nguồn năng lượng sẵn có sẽ như thế nào ạ. Xin Người giảng giải cho con chỗ này ạ.
Pháp Không Chân Như: Nguồn năng lượng của hạt vật chất cội gốc không thay đổi khi nó trưởng nở to ra hoặc bị co lại. Khi mật độ khối lượng của hạt càng cao thì sức trương nở của nó càng lớn. Khi mật độ khối lượng của hạt càng nhỏ thì sức trương nở của nó càng nhỏ. Sức trương nở lớn vì cường độ khối lượng tại các vị trí trong nó lớn. Sức trương nở nhỏ vì cường độ khối lượng tại các vị trí trong nó nhỏ. Cường độ khối lượng thể hiện sức trương nở. Nếu sử dụng danh từ vật lý, ta sẽ gọi cường độ khối lượng là tenxo ứng suất. Cường độ khối lượng lớn thì ứng suất trương nở lớn, cường độ khối lượng nhỏ thì ứng suất trương nở nhỏ. Vậy khi hạt trương nở to ra thì cường độ khối lượng tại các vị trí trong nó giảm. Sức trương nở giảm nhưng năng lượng của hạt không giảm. Vì rằng năng lượng của hạt là năng lượng của mọi vị trí trong hạt. Năng lượng tại mỗi vị trí trong hạt giảm nhưng tổng năng lượng của mọi vị trí không thay đổi.
Chân Như Tuệ Không: Thưa Thầy, mỗi hạt vật chất sở hữu riêng biệt một lượng chân không cố định. Như vậy nguồn năng lượng của hạt phụ thuộc vào lượng chân không đúng không ạ?
Pháp Không Chân Như: Đúng vậy Chân Như Tuệ Không.
Chân Như Tuệ Không: Thưa Thầy, ở chỗ "khi mật độ khối lượng của hạt càng nhỏ thì sức trương nở của nó càng nhỏ". Chỗ này đệ tử thấy có thể hiểu được. Chỗ "khi mật độ khối lượng của hạt càng lớn thì sức trương nở của nó càng lớn". Đệ tử đang suy nghĩ chỗ này. Vì mật độ càng lớn tức là hạt vật chất đang co nhỏ lại đúng không ạ.
Pháp Không Chân Như: Đúng vậy.
Chân Như Tuệ Không: Thưa Thầy, một hạt vật chất, nó có thể bị co lại rất là nhỏ, nhỏ xíu luôn. Nhưng nó vẫn dung chứa được nguồn năng lượng đó. Thật là hay. Đệ tử không biết dùng từ gì để diễn đạt. Hơi khó hình dung Thầy ạ!
Pháp Không Chân Như: Vâng, thế giới rất vi diệu và đơn giản. Đơn giản mà phức tạp.
Nguyen Thanh Ly: Thưa Thầy, nhân tố nào làm cho hạt vật chất cội gốc có khuynh hướng trương nở mà không phải là có khuynh hướng co lại? Theo như đệ tử được biết thì vật chất hiện nay trong Vũ Trụ có hai đặc thù chính đó là: Co lại và giãn nở ra trong sự tương tác của áp suất hay nhiệt độ môi trường ạ.
Pháp Không Chân Như: Không nên dùng những khái niệm đã biết để liên hệ với các tuyên bố của tôi. Con người nói co lại hay giãn nở là họ nói mạng tinh thể co lại hay giãn nở. Họ không nói hạt vật chất cội gốc là gì. Họ không nói hạt vật chất cội gốc co lại hay giãn ra. Vậy nên, khi nói co lại hay giãn ra, cũng là những từ ấy, nhưng những gì tôi tuyên bố khác hoàn toàn những gì họ đã nói.
Nguyen Thanh Ly hãy đọc kỹ các tuyên bố đã tuyên bố và các giải thích đã giải thích. Chưa đọc kỹ, chưa quán xét kỹ, chưa tư duy kỹ thì không nên hỏi. Vì rằng khi ấy Nguyen Thanh Ly có thể hỏi điều mà tôi đã nói rồi. Vì rằng Nguyen Thanh Ly hỏi những điều mà đáng lẽ ra bản thân mình có thể nhận biết từ các tuyên bố đó nhưng do không quán xét, không tư duy kỹ nên vội hỏi.
Khi chư vị đọc các tuyên bố của tôi, chư vị hãy lưu ý tư duy nhận thức về không gian của các vị. Xưa nay, con người đều có tư duy nhận thức rằng không gian trong veo kia (xem như không có không khí) là vùng trống rỗng, không có gì cả. Vì tư duy nhận thức như vậy đưa đến các nhận thức sai lầm về thế giới vật chất xung quanh.
Ví như ta thấy một vật đang rơi. Ta nói vật ấy đang rơi trong không gian trống rỗng. Thực ra nó đang di chuyển trong chân không, mà chân không chính là môi trường nội tại bên trong của mọi vật chất. Vật đang rơi kia và cái gọi là không gian trống rỗng kia đều là môi trường chân không, không có gì khác.
Ví như ta thấy Mặt trăng, ta nói rằng nó đang bay trong không gian trống rỗng. Thực ra nó đang nằm trong môi trường chân không của hạt vật chất cội gốc Trái đất đang bao trùm mọi thứ trên Trái Đất, Mặt Trăng, khí quyển. Giống như Mặt Trăng là viên bi đang nằm trong quả cầu thủy tinh mà quả cầu thủy tinh ví như là hạt vật chất cội gốc Trái Đất.
Thế giới vật chất trong Vũ trụ này, như Trái đất, Mặt trăng, Mặt trời, Sao hỏa, Sao thủy, Sao mộc, các thiên hà, vàng, bạc, đá quý, sắc thân này của ta, cây xanh, đất, đá,... đều có môi trường bên trong là chân không, ngoài ra không có thứ vật chất nào khác. Chúng đều cùng một chất liệu duy nhất, đó là chân không. Tánh của mọi vật chất là chân không.
Giờ đây, đối với chư vị, Bát nhã ba la mật đa tâm kinh thì không còn khó khăn, không mệt nhọc, không tốn sức để mà hiểu.
Giờ đây, đối với chư vị, có rất nhiều nội dung trong Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Đại Bát Niết Bàn,... thì không còn khó khăn, không mệt nhọc, không tốn sức để mà hiểu.
Ví như đoạn kệ này chưa một ai từng hiểu đúng sau thời Đức Thế Tôn:
"Như có quyển kinh lớn
Lượng bằng cõi tam thiên,
Chứa trong một hạt bụi,
Tất cả hạt cũng thế.
Có một người thông tuệ
Mắt sáng nhìn thấy rõ,
Đập hạt bụi lấy kinh,
Làm lợi cho muôn loài."
Biết rõ một hạt bụi thì biết rõ thế giới vật chất trong Vũ Trụ này, khác gì một quyển kinh lớn lượng bằng Tam Thiên Đại Thiên Thế giới được chứa trong hạt bụi ấy.
Pháp Không Chân Như (thuyết giảng vào lúc 21 giờ ngày 25 tháng 5 năm 2016 tại: https://www.facebook.com/events/)
(Hoàng Lạc: kết tập)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét