Thứ Hai, 18 tháng 5, 2020

ĐÌNH LÀNG PHƯỚC LỘC

1. Hình Thành
Làng Phước Lộc (phường Phước Lộc hiện nay) thuộc thị xã La Gi, một địa danh lâu đời của tỉnh Bình Thuận. Xưa, Phước Lộc là một làng chài nằm ven bờ biển “Cửa tấn La Di” (La Di nay được viết thành La Gi) thuộc huyện Tuy Lý, phủ Bình Thuận; điểm cư dân đầu tiên được hình thành theo sự phát triển của hệ thống dịch trạm thời (triều) Nguyễn.

Cổng Vạn Phước Lộc

Năm 1867 - 1870, Cụ Từ Ngọc Đức (1829 - 1894) quê Quảng Nam vào Phước Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu định cư, cùng với nhóm dân miền Nam ra lập làng Phước Lộc. Song song với lập làng là dựng đình. Đình làng Phước Lộc được hình thành từ đó.

Mặt tiền Đình

Ban đầu, Đình được dựng trên một gò đất cao nằm bên trái Trường Tiểu học Phước Hội 2 hiện nay. Những năm kháng Pháp, Đình được chuyển về khuôn viên của Vạn Phước Lộc, rồi bị cháy do tiêu thổ kháng chiến. Năm 1958, Đình được xây lại cùng với cụm Đền thờ Tiền Hiền, Dinh ông Nam Hải. Năm 1973, Đình được tái tạo như hiện nay. Suốt thời gian dài, Đình nằm trong tổ chức của Hội Vạn Phước Lộc.

Cầm chầu

2. Hoạt động
Vạn Phước Lộc hàng năm có hai lễ lớn: Rằm tháng sáu Lễ hội Ông Nam Hải và Rằm tháng mười một lễ hội Thành Hoàng làng. 
Ông Nam Hải là vị thần được cư dân vùng biển tôn thờ và đã được Vua triều Nguyễn sắc phong: “Trung Đẳng Thần”. Lễ hội Ông Nam Hải được coi là lễ hội chính của Vạn Phước Lộc. Những ngày này, Vạn Phước Lộc tổ chức lễ cầu ngư, hát bội, cùng các hoạt động văn hóa khác,... Lễ hội mang sắc thái tín ngưỡng văn hóa dân gian của cư dân vùng biển miền Trung. Kinh phí lễ hội do các chủ thuyền và các cơ sở kinh doanh sản xuất trên địa bàn đóng góp.


Hát bội

Thành Hoàng làng Phước Lộc là người có công lớn khai sáng vùng đất này đã được Vua triều Nguyễn sắc phong: “Thượng Đẳng Thần”. Việc thờ và tổ chức Lễ hội Thành Hoàng làng là truyền thống văn hóa lâu đời của tộc Việt. Tuy nhiên Lễ hội Thành Hoàng làng tổ chức đơn giản so với Lễ hội Ông Nam Hải: các hoạt động văn hóa hầu như không có, thi thoảng đôi ba năm mới mời đoàn hát bộ về diễn. Chủ lễ của Lễ hội Thành Hoàng làng là một vị có chân trong Ban trị sự Vạn Phước Lộc. Kinh phí Lễ hội Thành Hoàng làng chủ yếu là phần kết dư (còn lại) của Lễ hội Ông Nam Hải.
Mái đình gắn kết với làng nước là bản sắc văn hóa của dân tộc. Những năm gần đây, hưởng ứng hành trình văn hóa về nguồn, nhiều nơi trên đất Việt đã tổ chức lễ hội đình làng rất long trọng với nhiều hoạt động văn hóa, con cháu khắp nơi tụ hội về, chính quyền đứng ra làm chủ lễ để gắn kết "Làng" với “Nước”. Nhưng suốt mấy chục năm qua, tại đây có Đình, có "Làng" nhưng chưa có “Nước”.

Video hát bội 
3. Kết
Đình Phước Lộc là ngôi Đình duy nhất của thị xã La Gi còn tồn tại đến nay trên 100 năm. Với chiều dài lịch sử và văn hóa như thế, Đình làng Phước Lộc xứng đáng là nơi hội tụ của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thị xã không chỉ riêng của Hội Vạn Phước Lộc. Lễ hội Thành Hoàng phải thật sự là ngày lễ hội lớn xứng với tầm vóc lịch sử và văn hoá của nó(*).
Chú thích:
* Sáng ngày 19/01/2013 tại trụ sở UBND phường Phước Lộc, Sở VHTT&DL tỉnh Bình Thuận được UBND tỉnh giao nhiệm vụ thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL tiến hành trao bằng xếp hạng di tích quốc gia cho UBND Thị xã La Gi: Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình và Vạn Phước Lộc.
Bài, video, ảnh: Hoàng Lạc

Không có nhận xét nào: