Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

SÔNG LÔ SÓNG NGÀN VIỆT BẮC

Sông Lô là phụ lưu tả ngạn của sông Hồng. Sông bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy vào đất Việt tại xã Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, rồi chạy dài đến ngã ba Việt Trì (còn gọi là ngã ba Hạc), thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi đây sông Lô đổ vào sông Hồng. Phần đầu nguồn tại Trung Quốc có tên là Bàn Long Giang, phần còn lại chảy vào Việt Nam có tên là sông Lô.


Tổng diện tích lưu vực: 39.000 km², trong đó phần ở Việt Nam là 22.600 km². Đoạn sông Lô chảy ở Việt Nam có chiều dài 274 km (có sách ghi từ 264 km tới 277 km). Đoạn từ ngã ba Việt Trì đến cảng Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang dài 156 km, tàu thuyền các loại có tải trọng 100 đến 150 tấn có thể hoạt động được cả 2 mùa. Đoạn từ thị xã Tuyên Quang đến thị xã Hà Giang, tàu thuyền có tải trọng nhỏ có thể tham gia vận tải được vào mùa mưa. Với thế mạnh như vậy, đoạn sông này chính là nơi “hợp chim tụ cá”. 


Đất Việt có nhiều sông, nhưng không có con sông nào lại đi vào lịch sử, đi vào thơ ca, nhất là đi vào lòng người như Sông Lô:

Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u 
Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu 
Sông Lô, sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang 
Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa ... 
(Trường ca Sông Lô).


Nếu tính từ xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, nơi Sông Lô chảy vào nước ta cho đến ngã ba Hạc thuộc thành phố Việt Trì trên đoạn đường 274 km, kết thúc một đời sông miên man tần tảo thì đoạn từ Bạch Lưu trở xuống là thơ mộng nhất, nó bỏ lại phía sau những thác ghềnh chật chội để mà ung dung hòa nhập. Trên khúc đoạn này, sông Lô trở thành con sông của thi ca, từng ẩn chứa biết bao huyền thoại cùng với những âm vang của chiến công. Lòng sông mở rộng, bốn mùa xanh biếc ngô khoai, ôm lấy dòng nước biếc quanh năm lững lờ xuôi chảy. Dẫu là đất trung du, bóng người thưa vắng, nhưng không chút tàn phai. Không thấy đâu cái “Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò” như trong Khúc ngâm Chinh phụ. Đứng bên tả ngạn lúc chiều tà, nhìn những cánh hoa gạo tháng ba tơi tả, thấy mình như đứa trẻ đang đuổi bắt tuổi thơ khi cùng lũ bạn chăn trâu lặn hụp, mò trai bắt cá. Hoặc ngồi ngắm hoàng hôn nhuộm vàng lên những bờ bãi phía bên kia. Ở đó là làng Soi Rạng, những người dân vốn là của xã Tứ Yên huyện Sông Lô bây giờ sang khai phá lập làng. Cách đây hơn nửa thế kỷ, làng Soi Rạng đã nhập vào với làng Chanh để thành xã Vĩnh Phú của tỉnh Phú Thọ. Chẳng là mấy trăm năm trước, dòng Lô ưu ái với thiên chức lở bồi đã ban cho cư dân bên tả ngạn một doi đất mỡ màu phù sa, trông giống như một con rồng đang bơi ngược. Người dân Tứ Yên bảo nhau lội ra cày cuốc trồng bí trồng ngô rồi lập thành thôn xóm. Soi Rạng không có lấy một thước vuông đất để cắm cây lúa nước. Người dân sống bằng ngô và bí đỏ cho đến khi có thóc gạo bán ở thị trường, và bí, ngô bắt đầu có giá. Ấy vậy mà trai gái thôn Soi Rạng người nào cũng thông minh khỏe mạnh, ngực nở, má hồng… Người thôn Rạng đi làm ăn khắp nơi, có người làm tướng, cử nhân tiến sĩ cũng không phải là hiếm.


Qua Đức Bác là đến Sơn Đông, quê hương của 12 vị tiến sĩ thời Lê Mạc. Từ thời các vua Hùng đã có một vị lạc hầu, lạc tướng về đây dạy dân làm nghề gốm. Tên nghề rồi thành tên làng. Vào thế kỷ thứ 13, thầy giáo Đỗ Khắc Chung từ Hiệp Sơn, Hải Dương đã lên làng Gốm dạy học và mở ra cho làng này một nền văn hiến Nho học có một không hai của cả nước Đại Việt suốt mấy trăm năm. Đến thế kỷ 15, vua Lê đã hạ chỉ cho làng Gốm được mang tên làng Quan Tử. Làng Quan Tử trước đó là Trang Sơn Đông, thái ấp của Trần Nguyên Hãn, một vị khai quốc công thần triều Lê. Nhưng cuộc đời ông kết cục cũng bi thảm như cuộc đời người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi do sự hẹp hòi, đố kỵ. 


Sông Lô cũng như bao con sông khác của đất Việt ngày đêm cần mẫn, miệt mài âm thầm, lặng lẽ chở nặng phù sa và nguyên khí để nuôi nấng và hun đúc nhân tài cho cả vùng và cho đất nước.

Ảnh: Internet

Không có nhận xét nào: