Thành phố Cần Thơ nằm trong vùng trung – hạ lưu và ở vị trí trung tâm châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, cách thành phố Hồ Chí Minh 169 km, cách thành phố Cà Mau 178 km, cách thành phố Rạch Giá 128 km, cách biển khoảng 100 km theo đường sông Hậu.
Tàu đang chạy trên sông Cần Thơ, phụ lưu của sông Hậu
Vị trí của Cần Thơ trên bản đồ Việt Nam
Thành phố Cần Thơ có tổng diện tích tự nhiên là 1.409,0 km² (trong đó, diện tích nội thành là 53 km²), chiếm 3,49% diện tích toàn vùng. Là thành phố hiện đại và lớn nhất của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông. Đây là một trong 5 thành phố (Đà Nẵng, Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ) trực thuộc trung ương của Việt Nam.
Ngày 24 tháng 6 năm 2009, Cần Thơ chính thức được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là đô thị loại 1 của Việt Nam thuộc vùng kinh tế trọng điểm của vùng đồng bằng sông Cửu Long và là vùng kinh tế trọng điểm thứ tư của Việt Nam.
Thành phố Cần Thơ được chia làm 9 đơn vị hành chính gồm 5 quận và 4 huyện. Tổng số thị trấn, xã, phường là 85, trong đó có 5 thị trấn, 44 phường và 36 xã (tính từ thời điểm ban hành Nghị định số 12/NĐ-CP).
Tính đến năm 2011, dân số toàn Thành phố Cần Thơ đạt gần 1.200.300 người, mật độ dân số đạt 852 người/km². Trong đó dân số sống tại thành thị đạt gần 791.800 người, dân số sống tại nông thông đạt 408.500 người. Dân số nam đạt 600.100 người, trong khi đó nữ đạt 600.200 người.
2. Lịch sử hình thành
Năm 1739, vùng đất này được khai phá và chính thức có mặt trên bản đồ Việt Nam với tên gọi là Trấn Giang. Thời Nhà Nguyễn, Cần Thơ là đất cũ của tỉnh An Giang. Thời Pháp thuộc, Cần Thơ được tách ra thành lập tỉnh, một thời được mệnh danh là Tây Đô, và là trung tâm của vùng Tây Nam Bộ.
Chợ Cần Thơ
Đến Thời Việt Nam Cộng Hoà, tỉnh Cần Thơ đổi thành tỉnh Phong Dinh. Sau năm 1975, tỉnh Phong Dinh, tỉnh Ba Xuyên và tỉnh Chương Thiện hợp nhất để thành lập tỉnh Hậu Giang, trong đó thành phố Cần Thơ là tỉnh lỵ. Đến cuối năm 1991, tỉnh Hậu Giang lại chia thành hai tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng. Thành phố Cần Thơ là tỉnh lỵ tỉnh Cần Thơ.
Chợ Cần Thơ nhìn từ sông Hậu
Một góc thành phố Cần Thơ hiện nay
Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc Hội Việt Nam thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH11, tỉnh Cần Thơ được chia thành thành phố Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang.
3. Kinh tế
Cần Thơ là đô thị hạt nhân của miền Tây Nam Bộ từ thời Pháp thuộc, nay tiếp tục là trung tâm kinh tế của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Ngoài đặc trưng về địa lý là đầu mối giao thông quan trọng giữa các tỉnh trong khu vực, thành phố Cần Thơ còn được biết đến như một "đô thị miền sông nước". Thành phố có hệ thống sông ngòi chằng chịt, vườn cây ăn trái bạt ngàn, đồng ruộng mênh mông, nổi tiếng với Bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng một nét sinh hoạt đặc trưng văn hoá Nam Bộ.
Cầu Cần Thơ
Theo quy hoạch đến năm 2025, thành phố Cần Thơ sẽ trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại - dịch vụ, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, y tế và văn hoá của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, đồng thời là đô thị cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mê kông, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.
Bến Ninh Kiều
Thành phố Cần Thơ nằm toàn bộ trên đất có nguồn gốc phù sa sông Mê Kông bồi đắp và được bồi lắng thường xuyên qua nguồn nước có phù sa của dòng sông Hậu. Địa chất trong thành phố được hình thành chủ yếu qua quá trình bồi lắng trầm tích biển và phù sa của sông Cửu Long, trên bề mặt ở độ sâu 50 mét có hai loại trầm tích là Holocen (phù sa mới) và Pleistocene (phù sa cổ).
Khách sạn Ninh Kiều tiêu chuẩn 4 sao
Địa hình nhìn chung tương đối bằng phẳng, phù hợp cho sản xuất nông, ngư nghiệp, với Độ cao trung bình khoảng 1 – 2 mét dốc từ đất giồng ven sông Hậu, và sông Cần Thơ thấp dần về phía nội đồng tức là từ phía đông bắc sang phía tây nam. Bên cạnh đó, thành phố còn có các cồn và cù lao trên sông Hậu như Cồn Ấu, Cồn Khương, Cồn Sơn, Cù lao Tân Lập.Thành phố Cần Thơ có 3 dạng địa hình chính là Địa hình ven sông Hậu hình thành dải đất cao là đê tự nhiên và các cù lao ven sông Hậu.
Chợ nổi Cái Răng
Bến phà Xóm Chài tại trung tâm thành phố
Thành phố Cần Thơ có Sông Hậu chảy qua với tổng chiều dài là 65 km, trong đó đoạn qua Cần Thơ có chiều rộng khoảng 1,6 km. Tổng lượng phù sa của sông Hậu là 35 triệu m3/năm.
Cánh đồng lúa gạo ở Cần Thơ
4. Văn hoá
Thành phố Cần Thơ là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc khác nhau. Người Khmer ở Cần Thơ không nhiều, chủ yếu tập trung chung quanh chùa hoặc sống rải rác xen kẽ với người Việt ở các quận Ninh Kiều, Ô Môn, Thốt Nốt. Người Hoa ở Cần Thơ thường sống tập trung ở quận Ninh Kiều và huyện Phong Điền, người Hoa gốc Quảng Đông làm nghề mua bán, người Hoa gốc Hẹ làm nghề thuốc Bắc và người Hoa gốc Hải Nam làm nghề may mặc...
Mộ Bùi Hữu Nghĩa
Mặc dù Cần Thơ được khám phá khá muộn. Tuy nhiên, Văn hoá Cần Thơ vừa mang những nét chung của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời cũng mang nét đẹp văn hóa của vùng đất Tây Đô. Đặc trưng văn hoá Tây Đô được thể hiện qua nhiều phương diện ẩm thực, lối sống, tín ngưỡng, văn nghệ... Hò Cần Thơ là một trong những làn điệu dân ca độc đáo với các loại là hò huê tình, hò cấy và hò mái dài, xuất phát từ những cầu hò của khách thương hồ lúc rảnh rỗi cắm sào để tìm bạn hò và đợi con nước để rời sang bến khác.
Đình Bình Thủy
Cần Thơ cũng là quê hương của nhiều người nổi tiếng như Nguyễn Văn Nhân, Đoàn Văn Trường, Nguyễn Văn Tuyên, Châu Văn Liêm, Út Trà Ôn, NSND Phùng Há... Về mặt tín ngưỡng, văn hoá, việc thờ cúng, sinh hoạt lễ hội của các ngôi đình ở Cần Thơ không khác mấy so với các ngôi đình ở Nam Bộ, Một số ngôi đình nổi tiếng ở Cần Thơ như đình Bình Thủy, thờ các nhân vật nổi tiếng như Đinh Công Chánh, Trần Hưng Đạo, Bùi Hữu Nghĩa... Cần Thơ từ xưa từng được biết đến qua câu ca dao:
Nhà cổ Bình Thủy
“Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về”
(Ca dao Việt Nam)
5. Kết
Cùng phát triển với những thăng trầm của lịch sử dân tộc, vùng đất Trấn Giang trước đây và nay là Cần Thơ đã trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi và địa giới hành chính. Trên cơ sở kế thừa những điều kiện tự nhiên cũng như thành quả kinh tế, văn hoá và xã hội của Hậu Giang và tỉnh Cần Thơ cũ, thành phố Cần thơ ngày nay đang trên đà phát triển mạnh về mọi mặt. Với địa thế là trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, đất đai màu mỡ, sông nước hữu tình, cộng với quyết tâm và sáng tạo, Cần Thơ sẽ sánh vai cùng với Sài Gòn, Hà Nội trong tương lai...
TTđTD (tổng hơp)
Ảnh và tư liệu: vi.wikipedia và Internet
Nguồn: THÔNG TIN ĐỂ TƯ DUY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét