Thứ Tư, 25 tháng 5, 2022

(11) Phẩm mở đầu: THẾ NÀO THÌ MỚI GỌI LÀ PHẬT.

"Thế nào thì mới gọi là Phật. Một kẻ đạt được mười món sau thì mới gọi là Phật:
Một là, tồn tại không cấu uế.
Hai là, tiếp xúc mọi vị trí trong Vũ Trụ.
Ba là, biết rõ bản thể vật chất thì như thế nào.
Bốn là, biết rõ bản thể hữu tình thì như thế nào.
Năm là, biết rõ bản tánh của bản thể vật chất.
Sáu là, biết rõ bản tâm của bản thể hữu tình.
Bảy là, biết rõ nguyên lý hình thành mọi pháp trong Vũ Trụ.
Tám là, biết rõ tác dụng của mọi pháp trong Vũ Trụ.
Chín là, biết rõ tương quan của các pháp.
Mười là, biết dụng pháp". (Pháp không Chân Như)
-o-
Nhat Phu Ho: A Di Đà Phật! Con chào Thầy! Xin Thầy vui lòng cho con hỏi. Trong Duy Thức học con thường nghe nói về năm Tâm Pháp gồm: Tâm Pháp là A Lại Da Thức, Tâm Sở Hữu Pháp là Mạc Na Thức, Sắc Pháp, Tâm Bất Ư Hành Pháp, Tâm Vô Vi Pháp; Ba Tự Tánh gồm có: Y Tha Khởi Tánh, Biến Kế Sở Chấp Tánh, Viên Thành Thật Tánh; Bát Thức gồm có: Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức, Ý Thức, Mạc Na Thức, A Lại Da Thức và cuối cùng là Vô Ngã. Nhưng con không hiểu rõ nó có ý nghĩa như thế nào, cách vận hành của nó ra sao, làm thế nào nhận biết một cách chính xác trong chúng; cái nào chi phối ta, cái nào là vọng tâm của ta, cái nào là chân tâm của ta; ta phải điều phục từ đâu để dứt sạch vọng tâm, thấy được tánh của mình.
Xin Thầy hoan hỷ cho con một vài ví dụ để nhận biết các thứ đó rõ ràng, nhằm giúp cho những kẻ ti tập sơ cơ không lạc vào ma đạo, xa rời chánh kiến, uổng mất tâm huyết một lòng cầu đạo giải thoát!
Pháp Không Chân Như: Nhat Phu Ho à! Sự phân biệt thế gian đã rối lắm rồi. Người thuyết pháp sao còn xé nhỏ tâm ra thành nhiều mảnh làm chi cho thêm phức tạp. Muốn xé nó ra bao nhiêu mảnh mà chẳng được. Chẳng phải vậy hay sao. Ngày xưa, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có xé tâm ra nhiều mảnh như vậy đâu. Sau đó, các Nhà luận sư lại tìm cách xé nhỏ nó ra. Kẻ hậu học lần theo nó cả đời chẳng tu được gì. Biết rồi đã sao. Cũng chỉ là chạy theo những cái hư vọng mà thôi. Biết hư vọng thì chỉ cần phân ra theo nhóm có đặc điểm riêng, để mỗi nhóm thành một cục là được. Ví như nước, chỉ cần phân ra ba nhóm gồm nước ngọt, nước lợ, nước mặn là được. Việc gì phải phân nước mặn thành nước mặn lớp trên, nước mặn lớp giữa, nước mặn lớp dưới. Nước ngọt, nước lợ cũng như vậy.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi thuyết giảng pháp gì cũng có dụng ý và tính khả thi đem lại lợi ích đích thực. Ngài là người có biện tài vô ngại, thấu rõ mọi thứ. Ngài chẳng xé nhỏ thì ta cũng phải biết xé nhỏ chẳng được lợi ích gì. Cớ sao lại phải xé nó ra nhỏ hơn. Chỉ có kẻ không biết làm thế nào để chúng sinh được lợi ích nên mới làm như vậy mà thôi.
Cho nên, tôi không có tìm hiểu kỹ về Duy Thức học. Càng không có thời gian tìm hiểu và cũng không cần tìm hiểu nhiều. Chỉ có đọc lướt qua một ít, nhận thấy không cần phải đọc tiếp. Học nó chỉ để làm sang mà thôi, chẳng lợi ích thật sự. (Đây là ý kiến của riêng tôi).
Tôi còn chưa nói với ông là tôi là kẻ thất học Phật Pháp. Vì chưa đọc được nhiều kinh sách như chư Phật tử tại gia huống chi là so với chư Tăng Ni. Càng không hiểu cái gì là chữ Hán, chữ Nôm. Những gì tôi thuyết ở đây là tự tôi thuyết ra chứ chẳng phải nhờ học mà có. Nên tôi nói tôi là kẻ thất học Phật Pháp.
Nghe ông hỏi vậy thì tôi cho rằng ông có liên quan đến Thiền Tông. Nhân đây tôi nói cho ông biết điều này. Phật thuyết Kinh Lăng Già không phải để ngồi thiền đi tìm chân tâm kiến tánh thành Phật. Mà Phật thuyết Kinh Lăng Già là để cho hành giả biết vượt khỏi chấp trước, nhiễm trước thì mới có thể phá được màn vô minh. Ngay cả lấy Kinh Lăng Già để làm cơ sở cũng là nhiễm trước. Nghĩa này muốn nói rằng khi một hành giả hành thiền thâm sâu để thể nhập thật tướng Vũ Trụ Nhân Sinh thì không được dùng cái gì đã biết để làm cơ sở ban đầu cho cái mới tiếp theo được.
Ví như nhà khoa học lừng danh Einstein vậy. Ông ta là người đã hành thiền thâm sâu mặc dù ông ta không tu thiền. Nhờ hành thiền thâm sâu nên ông ta biết cái gì đó đặc biệt là có tính tụ hội (điều này do tôi chiêm nghiệm từ kết quả công bố của ông) nhưng vì dính mắc nhiễm trước rằng vật chất và không gian là hai (cái phân biệt này nó tồn tại trong tâm của ông) nên sanh ra kết luận là không thời gian xung quanh vật thể khối lượng lớn thì bị cong. Đáng tiếc cho ông chỉ vì nhiễm trước. Đây là một ví dụ tôi dẫn ra để ông thấy cái nhiễm trước nó làm cho người ta không thể phá được màn vô minh mà cứ đi lẩn quẩn bên cạnh mà thôi.
Nhat Phu Ho! Ông lo âu rằng "... ta phải điều phục từ đâu để dứt sạch vọng tâm, thấy được tánh của mình. Xin Thầy hoan hỷ cho con một vài ví dụ để nhận biết các thứ đó rõ ràng, nhằm giúp cho những kẻ ti tập sơ cơ không lạc vào ma đạo, xa rời chánh kiến, uổng mất tâm huyết một lòng cầu đạo giải thoát!". Sự lo âu này của ông thì tôi giúp được nhưng bằng phương tiện của tôi và từ tôi mà có. Nếu ông hoan hỷ lắng nghe thì tôi sẵn lòng vì ông mà diễn bày.
Nhat Phu Ho: A Di Đà Phật. Xin mời Thầy tiếp tục ạ.
Pháp Không Chân Như: Bây giờ tôi sẽ chỉ bày cho ông thấy thế nào là nhiễm trước, nhiễm trước sanh ra chấp trước, chấp trước sanh ra thật có, thật có sanh ra sự thật. Sự thật này là giả.
Nhat Phu Ho: Nếu sự thật này là giả tại sao nó hiện ra trước mắt chúng ta ạ?
Pháp Không Chân Như: Ông hỏi nhanh quá Nhat Phu Ho. Tôi chưa biết nên bắt đầu từ câu hỏi này hay phải trước đó nữa. Để biết được tôi nên nói bắt đầu từ mức nào thì tôi phải hỏi ông vài câu. Ông nghĩ thế nào?
Nhat Phu Ho: Dạ, được ạ.
Pháp Không Chân Như: Nhat Phu Ho! Tôi hỏi ông, hãy thật tâm nói thẳng, không quanh co, ông thấy ngọn đèn trong phòng ông hiện giờ cỡ bao lớn?
Nhat Phu Ho: Dạ, khoảng một nắm tay.
Pháp Không Chân Như: Mọi người cũng nói như vậy đúng không?
Nhat Phu Ho: Đúng ạ.
Pháp Không Chân Như: Như vậy là một sự thật của Nhân gian, chẳng phải vậy sao?
Nhat Phu Ho: Đúng ạ.
Pháp Không Chân Như: Nó vẫn hiện trước mắt ông, chẳng phải vậy sao?
Nhat Phu Ho: Đúng thế ạ.
Pháp Không Chân Như: Nhưng sự thật đó là giả. Thế nào là giả? Tại sao giả vẫn hiện? Ông muốn biết chỗ này đúng vậy không?
Nhat Phu Ho: Đúng vậy ạ.
Pháp Không Chân Như: Thế nào là giả, Nhat Phu Ho! Ngọn đèn kia, như ông thấy sự thật là to bằng nắm tay. Nếu nó to bằng nắm tay thì ông chẳng thể thấy. Vì sao? Vì ông chẳng ở trong nắm tay đó nên chẳng tiếp xúc được để thấy. Cái ngọn đèn mà ông thấy to bằng nắm tay kia chỉ là một phần của ngọn đèn chứ chẳng phải ngọn đèn. Tức là ông thấy vùng gần tim đèn, không thấy vùng xa tim đèn nên ông kết luận nó to bằng nắm tay.
Vì ông nói ngọn đèn to bằng nắm tay mà thật ngọn đèn to hơn nắm tay. Nên cái ngọn đèn to bằng nắm tay chẳng có. Vì chẳng phải cái to bằng nắm tay là ngọn đèn. Nên nói cái ngọn đèn nắm tay là giả, chẳng phải thật.
Ông thấy nó to bằng nắm tay hiện ra trước mắt ông, dù là cái ngọn đèn cho là to bằng nắm tay là giả, nhưng nó chẳng phải không có. Nó là một phần của ngọn đèn nên nó hiện ra trước mắt ông, nên ông thấy. Nghĩa là nó chẳng phải không có. Nhưng cái ông thấy không thật sự là tròn đủ ngọn đèn. Ông nghĩ thế nào?
Nhat Phu Ho: A Di Đà Phật. Những gì Thầy nói chỉ có thể kết luận là con nhìn không chính xác thôi chứ không thể kết luận là giả được. Vì theo lẽ thường nếu giả thì nó phải không tồn tại nhưng trong khi đó không phải vậy.
Pháp Không Chân Như: Giả không có nghĩa là không có, Nhat Phu Ho! Ông đừng vì chấp trước những gì ông đã nghe trước đây mà kết luận giả là chẳng có.
Nhat Phu Ho: Vậy theo thầy phải hiểu thế nào là giả, thế nào là thật.
Pháp Không Chân Như: Không phải nó thì gọi là giả. Chính nó gọi là thật.
Nhat Phu Ho: Tức là không đúng sự thật thì là giả. Chứ không phải là không hề có là giả.
Pháp Không Chân Như: Chưa phải vậy. Không hề có cũng có trường hợp gọi là giả. Không hề có cũng có trường hợp chẳng được gọi là giả hay thật.
Không hề có cũng có trường hợp gọi là giả chính là ngọn đèn bằng nắm tay. Ngọn đèn bằng nắm tay mà ông nói chẳng hề có.
Không hề có cũng có trường hợp chẳng được gọi là giả hay thật chính là trường hợp chẳng từng có, chẳng từng tồn tại. Nhưng cái phần to bằng nắm tay mà ông thấy thì có.
Nhat Phu Ho: Nếu vậy những cái thấy nghe hay biết của ta là thật hay giả vậy, thưa Thầy.
Pháp Không Chân Như: Là thật mà cũng là giả. Chẳng thật cũng chẳng giả. Chỗ này tôi sẽ quay lại nói rõ sau. Bây giờ tôi hỏi ông tiếp được chứ?
Nhat Phu Ho: Dạ, được ạ.
Pháp Không Chân Như: Nhat Phu Ho! Có một viên bi sắt đang bên trong bề mặt của một quả cầu thủy tinh. Tôi hỏi ông, viên bi sắt đó đang nằm ở trong hay ở ngoài quả cầu thủy tinh?
Nhat Phu Ho: Thầy đã nói nó bên trong bề mặt thì sao lại hỏi nó nằm trong hay ngoài?
Pháp Không Chân Như: Câu hỏi của tôi không bị mâu thuẫn. Ông cứ trả lời theo sự biết của ông. Câu trước và câu sau tôi dùng cụm từ khác nhau nên không có mâu thuẫn.
Nhat Phu Ho: Dạ, chẳng ở trong cũng chẳng ở ngoài ạ.
Pháp Không Chân Như: Vì sao ông nghĩ vậy?
Nhat Phu Ho: Nói nó ở trong thì không đúng, bởi nó ở trong bề mặt chứ chẳng phải ở trong lòng quả cầu. Nói nó ở ngoài thì càng sai vì ở ngoài quả cầu thì sao gọi là ở trong bề mặt.
Pháp Không Chân Như: Không phải vậy, Nhat Phu Ho! Viên bi đó không nằm bên trong quả cầu thủy tinh. Nó đang nằm bên ngoài quả cầu thủy tinh. Vì giới hạn quả cầu thủy tinh đó là bề mặt bên ngoài của quả cầu thủy tinh và bề mặt bên trong (là bề mặt tiếp xúc với viên bi). Quả cầu này có hai bề mặt giới hạn như vậy. Viên bi kia đang nằm bên ngoài cái giới hạn đó nên nó nằm bên ngoài quả cầu thủy tinh. Ông thấy thế nào?
Nhat Phu Ho: Ha ha ha!!! Đúng vậy.
Pháp Không Chân Như: Tuyệt lắm. Nhat Phu Ho! Câu hỏi cuối cùng cho phần mở đầu bài này. Ba câu hỏi này liên quan chặt chẽ đến điều mà ông muốn hiểu và nó phản ảnh thật tướng của Vũ Trụ.
Nhat Phu Ho! Quả cầu thủy tinh và viên bi sắt đang nằm bên trong bề mặt của quả cầu thủy tinh, chúng (VIÊN BI cùng QUẢ CẦU THỦY TINH) có được gọi là viên bi hay không, chúng có được gọi là quả cầu thủy tinh hay không?
Nếu tôi giả định viên bi là một tự thể tròn đầy, tồn tại vĩnh hằng, gọi là tự tánh viên bi. Giả định cho quả cầu thủy tinh cũng vậy. Khi đó, chúng (tức là viên bi đang nằm bên trong bề mặt của quả cầu thủy tinh và quả cầu thủy tinh) được gọi là một pháp. Tôi hỏi ông, pháp này có tự tánh hay không có tự tánh?
Nhat Phu Ho: A Di Đà Phật. Theo cách Thầy diễn bày thì nó có tự tánh.
Pháp Không Chân Như: Nhat Phu Ho! Ở đây, thứ gì được gọi là có tự tánh khi CHÍNH NÓ là một tồn tại vĩnh hằng, không bị mất đi cũng không chuyển biến thành một thứ không còn chính nó. Một thứ bị mất đi hoặc chuyển biến không còn chính nó thì không có tự tánh. Thứ gì vô thường thì thứ đó không có tự tánh.
Như pháp quả cầu thủy tinh cộng với viên bi kia không có tự tánh. Vì nếu lấy viên bi ra thì pháp đó chẳng còn, cái gọi là quả cầu thủy tinh cộng với viên bi. Pháp này chẳng còn nhưng viên bi và quả cầu thủy tinh vẫn còn. Pháp này chẳng có tự tánh như viên bi có tự tánh, quả cầu thủy tinh có tự tánh.
Nhat Phu Ho! Như vậy, ông nghĩ thế nào, những thứ vô thường, giả tạo đều trống rỗng chăng?
Nhat Phu Ho: Cái đó là do tâm của ta tạm gọi chứ thật nó không phải như vậy ạ, thưa Thầy.
Pháp Không Chân Như: Vậy thì tại sao Đức Thế Tôn nói "vạn pháp do tâm tạo"? Ông hiểu thế nào về câu nói này của Ngài?
Nhat Phu Ho: Dạ. Sở dĩ gọi là vậy vì pháp là phương tiện để diễn bày tâm nên tâm ta gượng đặt thể tánh cho vạn vật để dễ bề phân biệt.
Con thường nghe nói về Kiến Tánh thành Phật. Vậy xin Thầy cho con hỏi: thế nào là Kiến Tánh?
Pháp Không Chân Như: Nhat Phu Ho! Xin hỏi ông, kiến tánh thành Phật là do ai nói, Phật có nói đúng bốn từ như vậy không hay là ai khác nói. Tôi đã nói là tôi là kẻ thất học Phật Pháp nên muốn hỏi ông cho rõ. Ông hoan hỷ trả lời chính xác.
Nhat Phu Ho: A Di Đà Phật. Trong kinh Lăng Nghiêm Đại Định cũng nói về kiến tánh, chẳng qua cách nói có khác thôi ạ.
Xin Thầy kiến giải cho con, con đường tu tập chân chánh, cái pháp môn mà Thầy đang thực hành ạ.
Pháp Không Chân Như:
Nhat Phu Ho! Lời Phật dạy từng từ, từng câu rất chặt chẽ. Nếu bỏ một từ hay thêm một từ thì nghĩa có thể khác xa như đúng và sai.
Ví như khi Phật nói ngũ uẩn thì vô ngã mà hành giả lại nói con người thì vô ngã là sai vậy. Nghĩa rằng, từ được diễn bày thì nó đang chỉ đích thị danh đó, chẳng nên nghĩ khác. Ví như con người thì có ngũ uẩn nhưng ngũ uẩn chưa phải là con người. Nếu cho rằng ngũ uẩn chỉ cho danh con người là sai. Con người chỉ cho danh con người. Ngũ uẩn chỉ cho danh ngũ uẩn. Chớ cho rằng ngũ uẩn là con người hay con người là ngũ uẩn được.
Cũng như đoạn thoại nói về pháp quả cầu thủy tinh và viên bi đang nằm bên trong bề mặt quả cầu thủy tinh. Tôi lo rằng ông hiểu sai nên tôi phải nhấn mạnh từ "CHÍNH NÓ". Chính nó ở đây là toàn thể cái pháp đó. Điều này rất quan trọng.
Sự hỏi của ông vừa rồi mới thật đem lại lợi ích cho ông. Bây giờ tôi sẽ nói cho ông biết, thế nào thì mới gọi là Phật, chứ tôi không giải thích kiến tánh thành Phật là như thế nào. Nhat Phu Ho! Ông có hoan hỷ nghe không?
Nhat Phu Ho: Vâng, xin mời Thầy.
Pháp Không Chân Như:
Nhat Phu Ho! Thế nào thì mới gọi là Phật. Một kẻ đạt được mười món sau thì mới gọi là Phật:
Một là, tồn tại không cấu uế.
Hai là, tiếp xúc mọi vị trí trong Vũ Trụ.
Ba là, biết rõ bản thể vật chất thì như thế nào.
Bốn là, biết rõ bản thể hữu tình thì như thế nào.
Năm là, biết rõ bản tánh của bản thể vật chất.
Sáu là, biết rõ bản tâm của bản thể hữu tình.
Bảy là, biết rõ nguyên lý hình thành mọi pháp trong Vũ Trụ.
Tám là, biết rõ tác dụng của mọi pháp trong Vũ Trụ.
Chín là, biết rõ tương quan của các pháp.
Mười là, biết dụng pháp.
Nhat Phu Ho: A Di Đà Phật. Xin nhờ Thầy hoan hỷ giảng rộng từng điều ấy ra dùm ạ.
Pháp Không Chân Như: Như vậy, Nhat Phu Ho! Ông muốn thành Phật thì phải tu cho đạt được mười món đó. Bất cứ kẻ nào chưa đạt đủ mười món này thì chưa thành Phật.
Nhat Phu Ho: A Di Đà Phật. Con muốn hiểu rõ thế nào là đạt được 10 điều đó.
(Còn tiếp)
Kết tập: Hoàng Lạc

Không có nhận xét nào: