Thứ Tư, 25 tháng 5, 2022

(9) THẬT TƯỚNG VÀ TRÍ HUỆ NHƯ LAI

"Vì trí huệ của Như Lai vô thượng chánh đẳng chánh giác như vậy nên ngôn ngữ chẳng thể phơi bày. Cái nói ra chẳng tròn đầy trí huệ của Như Lai thì chẳng thể nói cái nói ấy do Như Lai nói. Cho nên đức Thích Ca Mâu Ni nói với ngài Đại Huệ: “Ta từ đêm ấy được tối chánh giác, cho đến đêm ấy vào Niết-bàn, ở trong khoảng giữa kia không nói một chữ, cũng chẳng đã nói, sẽ nói, chẳng nói ấy là Phật nói”.
(Pháp Không Chân Như)
***
Cư sĩ Sang Ho thắc mắc: Vì sao trước khi tịch diệt, Đức Phật nói: “Ta từ đêm ấy được tối chánh giác, cho đến đêm ấy vào Niết-bàn, ở trong khoảng giữa kia không nói một chữ, cũng chẳng đã nói, sẽ nói"? Con chưa hiểu được hàm ý trên, nhờ thầy khai ngộ cho con.
Pháp Không Chân Như gạn hỏi: Sang Ho, tôi hỏi ông câu nói “Ta từ đêm ấy được tối chánh giác, cho đến đêm ấy vào Niết-bàn, ở trong khoảng giữa kia không nói một chữ, cũng chẳng đã nói, sẽ nói” là do ai nói?
Cư sĩ Sang Ho đáp: Do Đức Phật Thích Ca nói trước khi tịch diệt.
Pháp Không Chân Như gạn hỏi tiếp: Sang Ho, ông nói có đúng không? Vì trong câu ấy có rằng Phật không nói, vậy sao ông lại nói là câu ấy do Phật nói?
Cư sĩ Sang Ho nói: Con hiểu rồi, giống như có thông báo "hôm nay có một thông báo và sẽ thông báo" thì trong thông báo chẳng có gì để thông báo. Vậy ta nói có thông báo thì cũng không đúng mà không có thông báo thì cũng không đúng. Có nghĩa là Phật muốn nói là "Nói Phật nói Pháp thì cũng không đúng mà nói Phật không nói Pháp thì cũng không đúng".
Pháp Không Chân Như nói: Sang Ho, ngay cả một câu hỏi đơn giản mà chính ông cũng không thể trả lời "có" hay là "không". Vậy ông có thấy rằng ngôn ngữ mà ông đang sử dụng không thể phơi bày được sự biết của ông một cách rốt ráo. Ngay cả mùi hương, tôi bảo ông diễn đạt về nó thì ông có diễn đạt được hay không. Ông không thể diễn đạt được mùi hương, người khác cũng vậy. Nhưng ai cũng biết về nó. Nói mùi ấy thơm hoa Lài. Nhưng chẳng thể diễn đạt mùi hoa Lài là mùi như thế nào. Nhưng ai cũng biết mùi hoa Lài.
Sang Ho, ngôn ngữ luôn thừa sót. Ngay cả khi viết từ “chân lý” cũng không phải chân lý vì chữ “chân lý” được vẽ lại bằng cây bút và từ “chân lý” do con người đặt ra. Đối với tuyệt đối, nghĩa là thật tướng của Vũ Trụ thì ngôn ngữ là tương đối. 
Để nhận thức, để phân biệt, để nhận biết thì chúng sinh phải có ngôn ngữ. Nếu không có ngôn ngữ thì mỗi chúng sinh không thể có nhận thức, có phân biệt, có nhận biết ngay cả đối với sự tồn tại của chính bản thân. Trong khi thật tướng của Vũ Trụ thì không có ngôn ngữ. Thật tướng của Vũ Trụ không có bất cứ liên quan đến ngôn ngữ cho nên không thể dùng ngôn ngữ để diễn đạt về nó một cách tuyệt đối. Ngôn ngữ là tương đối, và phải thừa nhận nó như thừa nhận chính mình.
Vậy thì, Sang Ho, tôi hỏi ông, Phật thuyết pháp có phơi bày được rốt ráo thật tướng của Vũ Trụ và nhân sinh hay không? Tức là phơi bày được rốt ráo trí huệ của Phật hay không?
Cư sĩ Sang Ho đáp: Không thể phơi bày rốt ráo được.
Pháp Không Chân Như nói: Sang Ho, đó là nguyên nhân tại sao Phật lại nói “Ta từ đêm ấy được tối chánh giác, cho đến đêm ấy vào Niết-bàn, ở trong khoảng giữa kia không nói một chữ, cũng chẳng đã nói, sẽ nói, chẳng nói ấy là Phật nói”.
Nhưng này Sang Ho, đó không phải là nguyên nhân rốt ráo. Nếu thiếu hai nguyên nhân tôi sẽ nói sau đây thì nguyên nhân vừa nói chưa được gọi là nguyên nhân.
Sang Ho, ông hãy khéo nghe, khéo nghĩ. Hai nguyên nhân ấy là gì? Đó là trí huệ của Như Lai và tánh thường trụ của thật tướng.
Sang Ho, tánh thường trụ của thật tướng là gì? Thật tướng của Vũ Trụ và nhân sinh luôn luôn như vậy. Không ai giữ bản quyền thật tướng của Vũ Trụ và nhân sinh. Không kẻ nào tạo tác ra nó trước, sau hay hiện tại. Cho dù chư Phật có nói ra hay không nói ra, cho dù chư Phật, Bồ tát có xuất thế hay không xuất thế, cho dù tôi có nói ra hay không nói ra, cho dù có ông hay không có ông, thì nó - thật tướng của Vũ Trụ và nhân sinh vẫn luôn là nó, không sai khác, bất tăng bất giảm, bất sinh bất diệt. 
Ví như khối lượng của hạt điện tích (hạt electron), chẳng phải các nhà khoa học khám phá ra nó, biết khối lượng của nó mà nó mới có khối lượng. Khối lượng của nó chẳng phải nhờ các nhà khoa học mà có hoặc nhờ bất kỳ ai mà có. Và bất kỳ ai hoặc bất kỳ nguyên nhân gì thì cũng không thể tạo ra khối lượng cho nó hay làm thay đổi khối lượng của nó. Khối lượng của nó luôn luôn như vậy. Nó vẫn luôn là nó.
Sang Ho, trí huệ Như Lai là gì? Tất cả mọi chúng sinh mà chứng đắc Phật quả đều có trí huệ đồng như nhau, không phân biệt Phật quá khứ, vị lai hay hiện tại. Trí huệ ấy là sự chứng biết rõ tường viên minh thật tướng của Vũ Trụ và chúng sinh. Mà thật tướng của Vũ Trụ và chúng sinh thì có tánh thường trụ, trước sau không sai khác, bất tăng bất giảm, bất sinh bất diệt. Do vậy mà sự chứng biết thật tướng của Vũ Trụ và nhân sinh của tất cả chư Phật ba đời, mười phương đều đồng như nhau, không sai khác.
Ví như sự nhận biết rõ tường về mùi hương hoa Lài. Một lọ nước hoa có mùi thương hoa Lài. Cha của ông ngửi thấy và nói đó là mùi hương hoa Lài. Đến đời ông ngửi thấy và nói đó là mùi hương hoa Lài. Đến đời cháu của ông ngửi thấy cũng nói đó là mùi hương hoa Lài. Sự biết của ba thế hệ về mùi hương hoa Lài đồng như nhau, không sai khác.
Sang Ho, vì trí huệ của Như Lai vô thượng chánh đẳng chánh giác như vậy nên ngôn ngữ chẳng thể phơi bày. Cái nói ra chẳng tròn đầy trí huệ của Như Lai thì chẳng thể nói cái nói ấy do Như Lai nói. Cho nên đức Thích Ca Mâu Ni nói với ngài Đại Huệ: “Ta từ đêm ấy được tối chánh giác, cho đến đêm ấy vào Niết-bàn, ở trong khoảng giữa kia không nói một chữ, cũng chẳng đã nói, sẽ nói, chẳng nói ấy là Phật nói”.
Cư sĩ Sang Ho nói: Con rất hoan hỷ thầy đã vì con mà thuyết Pháp, thầy luôn là động lực cho con trên con đường tu học, nguyện tất cả chúng sinh sớm quay về Tam Bảo. 
Nguyện mười Phương chư Phật gia hộ cho thầy sớm thành tựu quả vị.
Pháp Không Chân Như hỏi: Sang Ho, ông hiểu thế nào? 
Nếu chỉ dựa vào sự thấu hiểu của ông về lời tôi nói cho ông thì có phải là sự biết rốt ráo về đối tượng mà tôi muốn diễn đạt được chăng?
Nếu hành giả thông thạo giáo pháp của chư Phật dạy nhờ vào sự học và nghiên cứu thì có phải là sự biết rốt ráo được chăng, có phải chứng đắc chăng?
Nếu sự biết chỉ thông qua suy nghĩ, ý niệm, suy luận, phản biện, đánh giá, phân tích, tổng hợp, biện chứng, lý luận, mô phỏng, kiểm nghiệm, thực nghiệm, quan sát, mà có thì sự biết ấy có rốt ráo được chăng?
Cư sĩ Sang Ho tri kiến: Nếu thông lời nói của thầy truyền dạy cho con, cũng như tất cả những hành giả thông thạo giáo pháp của chư Phật và thông qua suy nghĩ thì hành giả có được sự thấu biết về trí tuệ mà thôi. Sự thấu biết chẳng rốt ráo vì nó chỉ mang tính chất tương đối nên chăng phải chứng đắc được. Vì khi chứng đắc thì hành giả phải có sự thấu biết về thật tướng của vạn vật, vạn hữu thường trụ tuyệt đối. Những gì mà chúng ta có được từ suy nghĩ, ý niệm,... đều mang tính chất tương đối sinh và diệt, đây là sự thấu biết của trí tuệ chúng sinh chứ không phải trí huệ của Như Lai.
Giáo pháp của chư Phật chỉ giúp chúng sinh khai mở trí tuệ, còn hành giáo pháp (tức là hành bốn đại đức Từ - bi - hỷ - xã ở thân và thiền định ở tâm) thì hành giả mới thấu được Phật tánh của mình.
Pháp Không Chân Như gạn hỏi: Sang Ho, tại sao sự biết của con người về mọi thứ mà con người biết nhờ vào ngũ uẩn, đã bao gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, não, thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc giác, ý thức và nhờ vào lục trần như sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, pháp này bao gồm tất cả pháp kể cả công cụ, dụng cụ để nhận biết như công cụ thí nghiệm khoa học, đều là tương đối. Tại sao như vậy?
Cư sĩ Sang Ho đáp: Con người và các pháp có được là do nhân duyên mà sanh mà hễ có sanh thì có tử (sinh diệt). Tự thân nó đối đãi trong và ngoài lẫn nhau nên biến đổi liên tục từ dạng này đến dạng khác nên có tính tương đối.
Phần nữa chúng sinh là vô thường, bắt đầu từ vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc (ba duyên này là quá khứ), danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên cảm thọ, cảm thọ duyên xúc động, xúc động duyên ái (bốn duyên này là hiện tại), ái duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử (ba duyên này là quả của tương lai). Vì vậy chúng sinh vô thường. Do đó ngũ uẩn là vô thường nên không tuyệt đối (tương đối). Mà ngũ uẩn là tương đối, vạn pháp do ngũ uẩn duyên sanh ra cũng là tương đối. 
Pháp Không Chân Như nói: Sang Ho, không phải vậy. Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật Thích Ca Mâu Ni có kệ rằng:
"Như có quyển kinh lớn
Lượng bằng cõi tam thiên,
Chứa trong một hạt bụi,
Tất cả hạt cũng thế. 
Có một người thông tuệ 
Mắt sáng nhìn thấy rõ, 
Đập hạt bụi lấy kinh,
Làm lợi cho muôn loài."
Sang Ho, hạt bụi là pháp, là vô thường. Như ông nói pháp vô thường nên có tính tương đối. Nếu pháp vô thường nên có tính tương đối thì hạt bụi không thể như có quyển kinh lớn, và người thông tuệ cũng không thể "đập" hạt bụi mà lấy được kinh, tức thấy được cái tuyệt đối trong hạt bụi. Nếu nói rằng do người thông tuệ nên thấy rõ cái tuyệt đối trong hạt bụi thì không đúng vì như ông đã nói hạt bụi có tính tương đối thì không có cái tuyệt đối để mà thấy. Sang Ho, nếu không phải vì pháp vô thường làm cho kết quả sự biết của chúng sinh chỉ là tương đối, thì là vì nguyên nhân gì?
Cư sĩ Sang Ho đáp: Pháp là vô thường, có tính tương đối là do chúng sinh chỉ nhìn thấu bằng những ý nghĩ, suy luận, chứng minh, thực nghiệm,... Chỉ bằng những phương tiện ngoại chiếu nên không thấy được thực tướng vạn vật, vạn hữu. Mà cái thực tướng tuyệt đối chỉ có chứng thực mới biết thấu rốt ráo được. Muốn chứng thực được thì phải dùng phương pháp nội chiếu tức là thiền định. Mà khi đã thấu biết rốt ráo được thì đã thành Phật rồi. Cái ngoại chiếu là tương đối nên có thể dùng phương tiện để người khác thừa nhận. Còn chứng thực nội chiếu thì chỉ có ai chứng thì người đó biết thấu và không thể dùng phương tiện nào để người khác thừa nhận được. Vậy khi biết thấu rốt ráo thực tướng của hạt bụi thì đã thành Phật. Pháp lúc đó mới thường trụ. Mà con nghĩ đây cũng là lí do Phật nói “Ta từ đêm ấy được tối chánh giác, cho đến đêm ấy vào Niết-bàn, ở trong khoảng giữa kia không nói một chữ, cũng chẳng đã nói, sẽ nói”.
Trí tuệ của chúng sinh là tương đối, còn trí huệ của Phật là tuyệt đối. Giống như giác ngộ là chánh kiến của người tu, còn chứng ngộ thì mới chứng quả.
Pháp Không Chân Như nói: Khá khen cho ông, Sang Ho, ông thành tựu rất nhanh.
Tuy nhiên vì ông có niềm tin nơi Phật pháp nên đứng ở góc độ người con Phật mà nói như vậy với người con Phật. Như các nhà khoa học, thần học, triết học, luận sư thì sẽ có thể không chấp nhận khi ông nói rằng sự thấy biết của chúng sinh chỉ là tương đối, tức nói họ chẳng có thấy biết nào là thực tướng, đồng nghĩa phủ nhận mọi thành quả nghiên cứu về thực tướng Vũ Trụ của họ. Và tất nhiên họ sẽ yêu cầu ông nói rõ tại sao như vậy. Dù phương tiện chẳng thể làm hiển lộ rốt ráo thực tướng, nhưng đối với kẻ thiện trí, người thấu biết thực tướng dùng phương tiện diễn đạt thì kẻ thiện trí cũng có thể hiểu được và tin tưởng. 
Như vậy mà nói rằng biện tài của ông còn để lại một mối nghi lớn đối với chúng sinh?
Cư sĩ Sang Ho thưa:
Tất cả là nhờ thầy khai ngộ và dẫn dắt con. Con rất cần sự dẫn dắt của thầy trên đường đạo. Những gì có hôm nay là nhờ thầy đã hết lòng vì con mà thuyết giảng.
Con thông hiểu Phật Pháp còn hạn chế nhờ thầy chỉ dạy để con được lợi ích.

Kết tập: Hoàng lạc

Không có nhận xét nào: