Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

BHUTAN - NƠI PHẬT GIÁO KIẾN TẠO HẠNH PHÚC

Truyền thông Singapore ngày 19/4 đã thể hiện sự ngỡ ngàng về các giá trị hạnh phúc mà Bhutan đạt được khi không dựa vào thước đo kinh tế. Trong bài viết có tựa đề “Khám phá giá trị hạnh phúc ở Bhutan” (In search of happiness in Bhutan), đăng trên chuyên mục bình luận và phân tích của nhật báo Today, nhà báo kỳ cựu Pang Cheng Lian cho rằng Bhutan đã có những hướng đi tiên phong và khác biệt với phần còn lại của thế giới trong sứ mệnh xây dựng hạnh phúc của người dân.

“Từ những năm 1970, quốc vương thứ tư của Bhutan Jigme Singye Wangchuck đề xuất thay vì nhìn vào tổng sản phẩm quốc dân (GNP) thì nên nhìn vào tổng hạnh phúc của quốc gia (GNH). Nói cách khác, sự thành công của một chính phủ và chính sách dựa trên mức độ hạnh phúc của người dân”.

Các nhà sư trẻ tại một tu viện của Bhutan - Ảnh: BEL

Theo nhà báo Pang Cheng Lian, sau hơn 40 năm kiên trì và nỗ lực, Bhutan(1) đã có những thành công theo cách của họ. “Theo đợt Điều tra tiêu chuẩn cuộc sống 2012 được thực hiện bởi Cục thống kê quốc gia thì hạnh phúc đó là còn sống và sống tốt. Qua đó, có 85% các gia đình cho rằng họ hạnh phúc và chỉ có một trong 100 cá nhân cho biết rất hài lòng", tác giả viết.

(1) Vương quốc Bhutan còn gọi là Vương quốc Phật giáo Bhutan là một quốc gia nằm kín trong lục địa tại Nam Á nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Toàn bộ nước này đều là đồi núi ngoại trừ một dải đồng bằng cận nhiệt đới nhỏ ở vũng viễn nam bị phân cắt bởi các thung lũng được gọi là Duars. Độ cao tăng dần từ các đồng bằng cận nhiệt đới lên các đỉnh Himalaya băng tuyết vượt quá 7.000 m (23.000 feet). Nền kinh tế truyền thống của Bhutan dựa trên lâm nghiệp, chăn nuôi, và nông nghiệp, nhưng chúng chưa chiếm tới 50% Tổng sản phẩm quốc nội hiện nay bởi Bhutan đã trở thành nước xuất khẩu thủy điện[3]. Cây trồng, du lịch, và hỗ trợ phát triển (chủ yếu từ Ấn Độ) hiện cũng giữ vai trò quan trọng. Một cuộc điều tra dân số toàn quốc tiến hành tháng 4 năm 2006 cho thấy nước này có 672.425 người. Thimphu là thủ đô đồng thời là thành phố lớn nhất nước.

Bhutan là một trong những quốc gia cô lập nhất trên thế giới; những ảnh hưởng nước ngoài và ngành du lịch bị nhà nước quản lý để bảo tồn nền văn hoá Phật giáo Tây Tạng truyền thống. Đa số người Bhutan học tại trường Phật giáo Tây Tạng Drukpa Kagyu hoặc trường Nyingmapa. Ngôn ngữ chính thức là Dzongkha (dịch nghĩa "ngôn ngữ của dzong"). Bhutan thường được miêu tả là nền văn hóa Phật giáo Himalaya truyền thống duy nhất còn sót lại.

Về lịch sử và văn hóa Bhutan có liên hệ với vùng láng giềng Tây Tạng ở phía bắc, tuy nhiên về chính trị và kinh tế hiện vương quốc này có quan hệ gần gũi hơn với Ấn Độ.

Bhutan đã trở thành một chế độ quân chủ từ năm 1907. Các dzongkhag khác nhau đã được thống nhất dưới sự lãnh đạo của Trongsa Penlop. Vua Jigme Singye Wangchuck, người từng có một số động thái hướng tới một chính phủ lập hiến, đã thông báo vào tháng 12 năm 2005 rằng ông sẽ thoái vị năm 2008 nhường chỗ cho người con trai lớn. Ngày 14 tháng 10 năm 2006, ông thông báo sẽ thoái vị ngay lập tức, và con trai ông, Jigme Khesar Namgyal Wangchuck, lên kế ngôi. Tới ngày 22 tháng 4 năm 2007, theo quyết định của hoàng gia cuộc bầu cử nghị viện lần đầu tiên trong lịch sử đất nước được dự định tổ chức vào năm 2008.

Bắn cung là môn thể thao quốc gia của Bhutan và những cuộc thi được tổ chức thường xuyên

Từ đó tác giả cũng nêu lên các yếu tố tạo nên giá trị hạnh phúc của người dân Bhutan sau những cuộc trò chuyện với người dân địa phương, bao gồm: một chính phủ tốt, sự phát triển cân bằng kinh tế và xã hôi, phát triển văn hóa và bảo tồn môi trường tự nhiên. Và thực hiện được 4 yếu tố này, người dân Bhutan dựa vào hai nên tảng quan trọng là Phật giáo và truyền thống gia đình hoàng tộc.

“Bhutan thực sự là một đất nước có niềm tin tâm linh sâu sắc. Phật giáo Đại thừa (chủ yếu là truyền thống Kim Cương thừa) được xem là quốc giáo, là lẽ sống. Theo một tài liệu hướng dẫn về du lịch, cả nước Bhutan có khoảng 10.000 ngôi bảo tháp và khoảng 2.000 tu viện, chùa chiền. Hàng tuần đều xuất bản ấn phẩm chỉ dẫn những điều tốt lành cho các hoạt động khác nhau trong khi học sinh trên đường từ trường về nhà đều luôn dừng lại kính lễ mỗi khi ngang qua một ngôi chùa”.

Cuối bài bình luận, nhà báo Pang Cheng Lian cũng khó đưa ra một kết luận đánh giá về mức hạnh phúc của Bhutan khi chỉ ở đó có 10 ngày. Và lúc rời gót, Pang Cheng Lian vẫn còn những băn khoăn về khả năng kiến tạo hạnh phúc của vùng đất này bằng những chính sách thiên về chính trị. 

Và rồi, chính vị ký giả này cho rằng nếu như các chính sách về mặt chính trị không đảm bảo cho hạnh phúc của dân chúng mãi mãi thì cần quay lại nhìn theo quan điểm của Phật giáo: “Mọi người đều cho rằng, yếu tố bên ngoài mang lại cho họ hạnh phúc nhưng thực sự hạnh phúc chính là cách thức mà chúng ta đón nhận mọi thứ như thế nào, nó nằm trong tự thân của chúng ta".

Dịp này, vị ký giả này cũng đưa ra câu hỏi, liệu Singapore có nên học tập theo Bhutan hay không? Bài bình luận sau đó cũng được đăng lại trên một số nhật báo khác của Singapore và Malaysia.

TTđTD - tổng hợp từ Giacngo.vn, vi.wikipedia.org
Ảnh: Internet

Không có nhận xét nào: