Aristole (*) nói rằng tất cả vạn vật trong vũ trụ đều được bốn chất căn bản tạo thành: Ðất, nước, gió. lửa. Những chất này hoạt động nhờ hai lực: Hấp lực khiến đất và nước chìm xuống, và Tính phiêu bồng khiến gió lửa lên cao.
Aristole cho rằng người ta có thể chia cắt mãi mãi một vật thành những phần tử nhỏ hơn. Trái lại, người ta Hy lạp cho rằng Nguyên tử không thể chia cắt được.
Trong bài “Tứ Ðại Cực Vi”, trang 52, 53, và Câu Xá luận Cương yếu, bản dịch của Hòa thượng Thích Ðức Niệm nói rằng “Vật chất tức là sắc pháp, bổn chất của nó do gì tạo thành? Cái tạo thành vật chất gọi là cực vi mà trước ngày hoặc ra đời, người ta thường gọi là lân trần. Cực vi là đem vật chất phân tích thành những phần tử nhỏ vi tế không còn phân tích được nữa. Nếu đem cực vi phân tích nữa thì thành không. Trường hợp này, Phật học gọi là tích không quán tức quán cái không thể tích ...”
Như vậy, lời Phật và sự nghiên cứu của người Hy lạp đều giống nhau ở điểm này.
Bốn đại là gì? Bốn đại (hay Tứ đại) là Ðất, nước, gió, lửa (Ðịa, thủy, hỏa, phong).
Bảy đại kia là Ðịa đại, Thủy đại, Hỏa đại, Phong đại, Kiến đại, Thức đại và Không đại (tức Hư không).
Có khi người ta gọi là Ðại chủng. Ðại nghĩa là chu biến khắp nơi, và chủng là nương nhau mà chu biến tất cả mọi vật.
Ðối với con người, Ðất tượng trưng cho xương thịt, Nước cho máu mủ, Gió cho hơi thở, và Lửa cho sự hô hấp (Combustion lente). Với tâm thức con người được thăng hoa nên có thêm hai đại nữa là Kiến đại và Thức đại.
Bảy đại là do Chân thức (Diệu tâm) chuyển thành Hiện thức (Thức Sơ Năng Biến), rồi chuyển thành bảy đại. (Những danh từ Kiến đại, Thức đại, Chân thức, Diệu Tâm, Thức Sơ Năng Biến v.v... thuộc về Duy thức học. Nếu nói hết, bài quá dài. Tôi sẽ trở lại trong một bài khác).
Giờ chúng ta hãy xét từng đại một.
“Ðịa đại” (Ðất): Lấy tánh cứng làm thể, lấy sự duy trì làm dụng. Mọi vật đều có sức đối kháng nhau. Nó hay hổ tương giữ gìn chất thể của nó gọi là tác dụng địa đại.
Thủy đại (Nước): là lấy tánh ướt làm thể, lấy nhiếp thủ làm dụng. Sự vật hay hổ tương tiếp dẫn, cố dịnh, tức là tác dụng của thủy đại.
Hỏa đại (Lửa): Lấy tánh ấm làm thể, lấy chín làm dụng. Như trái cây, vật chất hay chín, gạo hay thành cơm. Ðây tức là tác dụng của lửa.
Phong đại (Gió): Lấy tánh động làm thể, lấy sự tăng giảm nhiều ít làm dụng. Sự vật hay chuyển động, sanh trưởng, đây tức là tác dụng của phong đại ...
Sự, tánh, dụng của tứ đại tóm lược như biểu đồ dưới đây:
Sự tứ đại - đất, nước, gió, lửa - Mắt có thể thấy.
Tánh tứ đại - cứng, ướt, ấm, động - thực – thân xúc chạm có thể biết.
Dụng tứ đại - giữ, nhiếp, chín, sanh trưởng ...”
Nếu so sánh lời của Aristole với lời dạy của Ðức Phật, quí vị sẽ thấy có sự tương đồng khắng khít.
Aristole: “Tất cả vạn vật trong vũ trụ đều được bốn chất căn bản tạo thành: Ðất, nước, gió, lửa.”
Kinh Lăng Nghiêm, trang 253, Ðức Phật đã giải thích vạn vật trong vũ trụ cùng được cấu tạo bằng bốn chất: Ðất, nước, gió, lửa.
Aristole: “Những chất này hoạt động nhờ hai lực: Hấp lực khiến đất và nước chìm xuống, và Tính phiêu bồng khiến gió lửa lên cao”.
Kinh Lăng Nghiêm, trang 254, Ðức Phật dạy “Vô minh nghiệp thức đã sinh ra đất, nước, gió, lửa. Suy theo bốn chỗ ở: Núi, biển, rừng, đất thì công tích của đất, nước, gió, lửa càng rõ ràng hơn: Lửa xông lên, nước giáng xuống tạo thành thế giới. Chỗ ướt và thấp làm biển lớn, đó là chỗ chúng sinh dưới nước. Còn chỗ khô cao hơn thì làm đồi, làm cồn; đó là chổ ở của chúng sinh trên quả địa cầu ...”
Xem như vậy, một vị hiền triết ở trời Âu và một bậc Ðại Giác ở trời Á đều nói đúng như nhau tuy cách xa nhau trên một thế kỷ.
Thế mà có một số người không đọc và không tin kinh Phật vì họ cho rằng kinh Phật thường bịa đặt và “tam sao thất bản”. Căn cứ vào sự kiện nói trên, chúng ta thấy rằng Ðức Phật và kinh Phật đâu có nói những điều hư vọng?
Phật dạy “Thân người khó đạt, Phật pháp khó tìm”.
Lấy lại được thân người rất khó nếu chúng ta không giữ ngũ giới. Khi chết, chúng ta sẽ đầu thai vào bụng con chó, con con heo, con dê, con bò ...
Ngày xưa Thầy Ðường Tăng phải đi thỉnh kinh bên Tây Trúc gặp bao nỗi gian truân. Một nữ Phật tử ở nước ngoài nói rằng “Ở Cali nhiều Chùa, nhiều Thầy, nhiều Kinh sách. Còn ở nơi chúng tôi không Chùa, không Thầy, và có ít Kinh sách. Nếu có điều kiện, chúng tôi sẽ di cư sang Cali liền”.
Còn như bây giơ, chúng ta đâu có thiếu điện nước, vì nước đầy rẫy khắp nơi. Tỉ dụ chúng ta vào sa mạc, nếu đổi vài giọt nước lấy vài lạng vàng, chúng ta sẽ không chối từ.
Còn ở đây, nhiều chùa, nhiều thầy, nhiều kinh sách mà chúng ta không thèm đến chùa, không thèm gặp thầy, không thèm đọc kinh sách chỉ vì không tin kinh Phật, hay chỉ vì “tam sao thất bản”.
Ðiều này trong kinh Ðại Bát Niết Bàn gọi là “ma sự”, nghĩa là số người hoài nghi đó đã bị một sức mạnh vô hình nào đó cản trở không cho theo chánh pháp của Như Lai mà chỉ nghe theo tà sư, ngoại đạo. Kết quả là khi chết cả thầy lẫn trò đều đọa địa ngục, phí công cả một đời tu hành.
Cũng có thể, ở những đời trước, những vị này đã lạc vào thần đạo hay ma đạo. Ðến đời này, các “đồng chí”" cũ lại tiếp tục o bế người anh em về làm ma dân: Ma ông, ma bà, ma con, ma cháu ...
Có mấy loại ma?
Theo cuốn Niệm Phật Thập Yếu của Hòa thượng Thích Thiền Tâm, trang 198-200, có ba loại ma: (1) Phiền não ma hay Nội ma, (2) Ngoại ma, và (3) Thiên ma.
Loại thứ nhất là những thất tình lục dục, tham sân si, tà nghi, mạn kiến ... khiến con người ta mê muội, tàn ác, điên đảo, và vô luân.
Ngoại ma là những loài quỉ thần bên ngoài thường hay quấy phá người tu hành. Loại này lại chia làm ba loại: Bố ma, Ái ma, và Não ma.
Bố ma là loại ma ưa khủng bố, thường biến thành cọp, sói, rắn, hay những hình ác quỉ khiến người ta kinh sợ. Ái ma là loài ma khích động lòng ái dục khiến ngưới ta tham đắm dục lạc. Chúng hóa thành những mỹ nữ lõa lồ, dâng hiến sơn hào hải vị, có khi hóa thành cha mẹ anh em cho đến thân Phật, Bồ Tát để khuyến dụ theo chúng. Não ma là loại ma chuyên làm não loạn người tu hành. Chúng biến thành những loài tinh thú xuất hiện từng giờ, hoặc hóa thành những loài sâu trùng bò trên thân mình, chui vào lỗ tai, miệng, mũi ... để làm não loạn tinh thần khiến người tu hành phải thối chí. Thiên ma là loại ma ở cõi Trời Tha Hóa Tự Tại, có phước báo, vui hưởng ngũ trần. Các hành giả tịnh tu thường bị loại ma này làm não loạn như hiện ra những hình tướng ghê rợn để khủng bố, hoặc tướng nam nữ xinh đẹp để quyến rũ. Chúng khiến người ta ham muốn danh lợi thế gian, tính tình thất thường: Thoạt vui, thoạt buồn, hay cười, ưa ngủ, dễ thương xót, xúc cảm ...
Trang 192-194, tác giả nói về Biện Ma Cảnh, hay Cảnh giới ma mà người niệm Phật hay tu thiền thường thấy:
1. Những cảnh không nhân quả không phù hợp như quán tướng này thấy tướng khác, và những cảnh hiện ra không giống như trong kinh đều là những cảnh ma.
2. Các loài ma dù có hiện tướng Phật đến đâu, hành giả vẫn cảm thấy xao động, nóng nảy, không yên.
3. Ánh sáng của Phật làm cho ta cảm thấy êm dụi, mát mẻ; ánh sáng của ma làm cho ta chói mắt, bứt rứt, không yên.
4. Lời thuyết pháp của Phật, Bồ Tát hợp với kinh điển và thuần theo chân lý. Lời của ma trái với lẽ phải, không đúng như kinh Phật đã dạy.
5. Nếu thấy những cảnh ma nói trên, nên tụng Bát Nhã Tâm Kinh hoặc trì chú, niệm Phật; những cảnh ma đó sẽ biến mất.
Ðến đây, tôi sực nhớ đến một truyện ma giả Phật như sau:
Một nhà tu hành rất kính phục sư phụ mình vì yên trí sư phụ là Phật. Một hôm ông yêu cầu sư phụ cho ông thấy sư phụ hiện tướng Phật. Sư phụ đồng ý và dặn rằng hễ thấy ông hiện tướng Phật thì không được lạy.
Hành giả nhắm mắt bỗng thấy đức Phật ngồi tòa Sư tử, uy nghi, lẫm liệt. Nhìn kỳ thấy đúng diện mạo của sư phụ mình. Ông vừa sợ hãi vừa kính phục quên lời sư phụ dặn vội quỳ xuống vái lạy. Bỗng sư phụ cùng cảnh Phật biến mất.
Tóm lại, muốn phân biệt chánh pháp và tà đạo, xin đọc lời khuyên sau đây của Trí Giả Ðại sư Giáo chủ Tông Thiên Thai sáng lập tại núi Thiên Thai bên Tàu, thế kỷ thứ sáu, như sau:
“Có ba thứ ngoại đạo:
(1) Chánh cống ngoại đạo. Họ không dùng bảng hiệu của Phật giáo mà tự dùng bảng hiệu của họ. Họ cũng tu Thập Thiện, tu thiền, và cũng được lên Trời.
(2) Ngoại đạo dùng bảng hiệu Phật giáo. Nhưng họ tu theo ngoại đạo. Những người này có tội đọa địa ngục. Nếu gặp chánh pháp, họ có thể trở lại chánh pháp. Cũng như đệ tử của Phật như Mục Kiều Liên, Xá Lợi Phất cũng là lãnh tụ ngoại đạo.
(3) Học Phật pháp hành ngoại đạo. Họ không biết là ngoại đạo vì họ thông suốt kinh điển, giảng kinh, thuyết pháp hay lắm! Tín đồ cũng nhiều lắm nên tự cho mình là hay quá rồi! Thông suốt kinh điển Ðại thừa liễu nghĩa là chánh pháp rồi còn chê vào đâu? Nhưng mà họ hiểu lầm cái ý của Phật để dạy cho chúng sanh. Cái đó tội còn nặng hơn ngoại đạo thứ nhì nữa.
Phật gọi chúng ta là “con trùng sư tử”. Con sư tử chết rồi, các thú khác không dám lại gần ăn thịt. Khi thịt sư tử thúi rồi sanh ra những con trùng nó ăn thịt con sư tử chứ những thú khác không dám lại gần để ăn thịt con sư tử.
Loại ngoại đạo thứ ba là loại tiêu diệt Phật pháp”.(**)
Muốn phân biệt chánh tà, điều rất giản dị là nên nghe giảng kinh, nghe băng, đọc kinh sách để thấu hiểu lẽ đạo. Lúc bấy giờ, quí vị sẽ thấy rõ đâu là tà chánh? Những gì Phật không dạy không nên theo vì Phật đã giác ngộ nên đã chỉ cho chúng ta con đường tới giác ngộ. Nếu làm khác đi, tu khác đi, chẳng bao giờ thành công cả.
Phật dạy “Truyền đăng tục diệm”, nghĩa là mồi đuốc trí huệ của mình vào đuốc trí huệ của Phật để tự soi đường mà đi. Nếu không đốt đuốc soi đường, chúng ta sẽ đi trong đêm tối, mà đã đi trong đêm tối, tất nhiên chúng ta phải lạc vào ma đạo hay thần đạo.
Cửa Phật từ bi rộng mở: Ưng Cưu Ma La (Vô não) đã giết 999 mạng người, và Dũng Thí tỳ kheo phạm tội A Ba Di (Sắc và Dâm) mà khi hồi đầu theo Phật cũng đã đắc quả.
Mục Kiền Liên, lãnh tụ ngoại đạo, và anh em U Lâu Ca Diếp thờ thần lửa cũng đã thành Phật.
Tội lỗi, nghiệp chướng cũng như bóng đêm. Phật dạy “Một căn nhà đen tối một ngày một đêm, hay đen tối mười ngàn năm, hay một triệu năm; khi đèn đốt lên, đen tối sẽ hết liền”.
Tôi cũng xin phép nhắc lại bốn tội địa ngục như sau:
“Phá hoại luật nghi
Phỉ báng Ðại thừa
Cuồng vọng thuyết pháp
Hư thi tín thí”.
Câu cuối cùng có nghĩa là thọ lãnh sự cúng dàng của bá tánh mà không làm đúng bổn phận của người tu sĩ.
Xin qúi vị còn hoài nghi hãy thức tỉnh trở về với chánh pháp của Như Lai.
Chú thích
(*) Nhà hiền triết Hy lạp (384-322 BC), học trò của Plato, và trợ giáo của A Lịch Sơn Ðại Ðế (Alexander The Great), đã viết nhiều sách về luận lý, triết lý, khoa học thiên nhiên, chính trị, và thơ văn.
(**) Trích băng giảng (Tổ sư Thiền), băng 7, mặt A của Hòa thượng Thích Duy Lực.
Minh Giác Nguyễn Học Tài
Nguồn: http://quangduc.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét