Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

THẾ GIỚI QUAN PHẬT GIÁO

Phật giáo thật ra không có thế giới quan, bởi vì đã nói thế giới là không có thật, chỉ là do chúng sinh vọng tưởng, thì làm gì có thế giới quan. Vậy nói thế giới quan là nói theo vọng tưởng của chúng sinh, mục đích là để phá chấp thật chứ không phải để mô tả chân lý. Nói “thế giới quan Phật giáo” tức là đã nói không hoàn toàn đúng sự thật, không đúng thực tướng của vấn đề, vì “động niệm tức quai” (动念即乖 có động niệm, tức khởi lên ý tưởng thì không còn đúng với thực tế nữa). Cũng giống như Phật giáo thường nói : phàm cái gì có thể dùng lời nói, ngôn ngữ để diễn tả thì đều không có nghĩa thật. Khi các nhà lãnh đạo chính quyền nói : “Chúng tôi yêu chuộng và bảo vệ hòa bình” thì tất yếu là họ phải vũ trang, từ tư tưởng cho tới vũ khí, xe tăng, máy bay, tàu chiến, súng ống, đạn dược, tên lửa, chuẩn bị chiến tranh. Bất cứ chánh quyền nào cũng không thể làm khác được. Một chánh quyền tử tế cũng phải chuẩn bị chiến tranh thì mới bảo vệ được hòa bình.

Đối với PG, không có thế giới khách quan nên PG không có kiến lập chân lý. Cái mà chúng ta gọi là thế giới khách quan chỉ là thế giới trong tâm niệm của chúng sinh, do chúng sinh có cùng cộng nghiệp nên họ có cấu tạo giác quan (lục căn) giống nhau và thấy các đối tượng bên ngoài (lục trần) giống nhau, nên phát sinh lục thức tương tự nhau, cảm nhận giống nhau đó gọi là khách quan. Khoa học thế kỷ 20 đã bắt đầu hiểu được điều này, một số nhà khoa học hàng đầu thế giới đã hiểu rằng ý thức, tâm niệm, có góp phần tạo ra vật thể. Trước hết là nhà khoa học Niels Bohr, ông nói rằng : ““Isolated material particles are abstractions” (Hạt vật chất cơ bản cô lập là những sự vật trừu tượng- tức không phải vật thật). Nói rõ ràng hơn, các hạt quark, electron chỉ là những hạt ảo, nếu tách riêng, cô lập thì chúng không tồn tại. Kế đó, nhà vật lý học và khoa học máy tính Von Neumann nói ““Nothing would be real unless consciousness exists, that all real things are constituents of consciousness – which is a complete reversal of materialism” (Không có cái gì là thật trừ phi ý thức hiện hữu, tất cả vật thật đều cấu thành từ ý thức- điều này hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa duy vật). Eugene Wigner, giải Nobel Vật lý năm 1963 cũng nói : ““The very study of the external world led to the conclusion that the content of the consciousness is an ultimate reality. Particles only exist when observed, and so the reality of particles entails that consciousness is a fundamental element of reality” (Càng nghiên cứu thế giới bên ngoài, càng dẫn tới kết luận rằng nội dung của ý thức là thực tại tối hậu. Hạt chỉ hiện hữu khi được quan sát, và như thế thực tại của hạt bắt buộc rằng ý thức là yếu tố cơ bản của thực tại).

Như vậy, nói thế giới quan Phật giáo là nói cách diễn giải, mô tả của PG về thế giới tâm niệm của loài người, mà đã là tâm niệm thì tất nhiên không phải là chân lý vĩnh cửu. Phật hiểu rằng thế giới đó là vọng tưởng, không có thật, lời lẽ trong kinh điển thì gọi đó là thế lưu bố tưởng, tức là tưởng tượng đã được lưu truyền phổ biến rộng rãi ở thế gian, vì vậy nó có tính “khách quan”, đó là cộng nghiệp của 7 tỉ người hiện nay trên thế giới, họ cảm nhận thế giới đại thể là giống nhau, nhưng nếu đi vào chi tiết cũng không phải hoàn toàn giống nhau, vì vậy mà có bất đồng, mâu thuẫn, và xung đột, chiến tranh không lúc nào ngơi nghỉ.

Sau khi đã nêu rõ giới thuyết, chúng ta sẽ đi sâu tìm hiểu xem PG mô tả thế giới như thế nào qua kinh điển.

Bộ Thành Duy Thức Luận 成唯識論 của đại sư Huyền Trang đã dịch và tổng hợp từ nhiều tác phẩm về duy thức học của các luận sư Ấn Độ mà cơ bản là Duy Thức Tam Thập Tụng (zh. 唯識三十頌, sa. triṁśikā-vijñaptimātratāsiddhi-kārikā) là một trước tác của Thế Thân (sa.Vasubandhu, zh. 世親), trong đó tổng kết mô tả của PG về thế giới là “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” (tam giới : dục giới, sắc giới, vô sắc giới, đều chỉ là tâm niệm, tất cả các pháp đều chỉ là tâm thức).

Trung Quán Luận, gọi đầy đủ theo tên Phạn văn là Căn Bản Trung Luận Tụng (sa.mūlamadhyamakakārikā) của Long Thọ Bồ Tát (zh. 龍樹; sa. nāgārjuna) mô tả tả thế giới chỉ là Không, không có gì cả, thế giới chỉ là Tâm như hư không vô sở hữu (thế giới tuy có hiện tượng nhưng đó chỉ là ảo hóa, không có thật).

Các bộ luận Duy Thức và Trung Quán mô tả rất nhiều về thế giới, cả vật chất lẫn tinh thần đều chỉ là tâm thức, bản chất chỉ là không. Tuy nhiên cách lý luận trong các bộ kinh là rất trừu tượng, khó nắm bắt.

Dưới đây là vài bài kệ, trích trong Duy Thức Tam Thập Tụng :

由假說我法
有種種相轉
彼依識所變
此能變爲三
謂異熟思量
及了別境識 

Do giả thuyết ngã pháp
Hữu chủng chủng tướng chuyển
Bỉ y thức sở biến
Thử năng biến vi tam
Vị Dị thục, Tư lượng
Cập Liễu biệt cảnh thức

Giả nghĩa là không có gốc, tùy theo tướng huyễn biến mà có. Tuy nói là có mà sự thật là không nên gọi là giả. Hữu chủng chủng tướng chuyển cũng giống như nói trùng trùng duyên khởi mà phát sinh ra các hiện tượng và thế giới. Bỉ y thức sở biến : cái này dựa vào sự biến chuyển của thức. Thử năng biến vi tam : Cái kia có khả năng biến thành ba. Vị Dị thục, Tư lượng, cập Liễu biệt cảnh thức : gọi là các thức Dị thục (Dị thục phiên âm từ phạn ngữ Vipaka dịch nghĩa là kết quả hay quả báo tức là hiện tượng), Tư lượng (suy nghĩ, tưởng tượng) và Liễu biệt (phân biệt).

初阿賴耶識
異熟一切種
不可知執受
處了常與觸
作意受想思
相應唯捨受
是無覆無記
觸等亦如是
恒轉如瀑流
阿羅漢位捨 

Sơ A -lại-da thức
Dị thục, Nhất thiết chủng
Bất khả tri chấp thọ
Xử Liễu Thường dữ Xúc
Tác, Ý, Thọ, Tưởng, Tư
Tương ưng duy Xả thọ
Thị vô phú vô ký
Xúc đẳng diệc như thị
Hằng chuyển như bộc lưu
A -la-hán vị xả

Thức năng biến căn bản nhất là thức A-lại-da chứa đựng tất cả dữ liệu cho mọi hiện tượng. Tất cả các sở hiện đều lấy dữ liệu từ A-lại-da hay còn gọi là Tàng thức này. Vì chúng sinh không thể biết, chấp trước, thọ nhận, cho rằng các sở hiện, tức các hiện tượng mà chúng thấy và cảm nhận, phân biệt đều là thật, có thể sờ mó tiếp xúc được (Xử Liễu, Thường dữ Xúc). Phát sinh ý thức, cảm giác, tưởng tượng và suy nghĩ. Do đó chỉ có buông bỏ sự cảm nhận (xả thọ) mới không bị che lấp (vô phú) và không chấp trước tạo nghiệp (vô ký). Đối với cảm giác tiếp xúc cũng giống như vậy. Tất cả thức đều luôn chuyển động không ngừng giống như dòng nước chảy xiết (bộc lưu). Cho đến quả vị A La Hán vẫn còn chưa buông bỏ hết. (Tới quả vị Bồ Tát thập địa và Phật mới hết sạch các tập khí trước tưởng vi tế).

次第二能變
是識名末那
依彼轉緣彼
思量爲性相
四煩惱常俱
謂我癡我見
并我慢我愛
及餘觸等俱
有覆無記攝
隨所生所繫
阿羅漢滅定
出世道無有 

Thứ đệ nhị Năng biến
Thị thức danh Mạt -na
Y bỉ chuyển duyên bỉ
Tư lượng vi tánh tướng
Tứ phiền não thường câu
Vị Ngã si, Ngã kiến
Tịnh Ngã mạn, Ngã ái
Cập dư Xúc đẳng câu
Hữu phú Vô ký nhiếp
Tùy sở sanh sở hệ
A -la-hán, Diệt định
Xuất thế đạo vô hữu.

Thức năng biến thứ nhì là Mạt-na, dựa vào thức này mà chuyển đổi nghiệp duyên (của một cá thể) suy lường, nhận thức về tánh và tướng của vật. Bốn phiền não căn bản nhất của chúng sinh (sinh, lão, bệnh, tử) đều từ đó mà phát sinh, gọi là sự mê muội và sự thấy biết của cái ta (Vị ngã si ngã kiến) cùng với ngã mạn ngã ái (tánh tự kiêu và sự ưa thích của ta), thêm nữa là cái dư vị của xúc giác khiến che lấp sự thật là sự vật không có tự tánh (vô ký). Tùy theo đó mà ràng buộc mình vào sự sinh diệt. Đến quả vị A La Hán, đã hết sinh diệt, thoát khỏi sinh tử luân hồi (diệt định) mới biết rằng ra khỏi nghiệp cảnh của thế gian (xuất thế) thì cũng không có Đạo. (Điều này trong Bát Nhã Tâm Kinh đã nói rõ : không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo).

次第三能變
差別有六種
了境爲性相
善不善俱非 

Thứ đệ tam Năng biến
Sai biệt hữu lục chủng
Liễu cảnh vi tánh tướng
Thiện, bất thiện, câu phi

Thức năng biến thứ ba là ý thức, nó là tổng hợp của 5 thức cơ bản của các giác quan, gộp chung là lục thức. Sáu thức này kiến lập sự phân biệt. Nói theo khoa học ngày nay, toàn bộ cảnh giới thế gian chỉ cần có vài loại hạt cơ bản như quark, electron, photon. Chúng chỉ là hạt ảo và không thật sự có số lượng (ý niệm này PG gọi là bất nhị, không phải hai hay nhiều, cũng không phải là một). Lục thức ban sơ là chánh biến tri, có khả năng kiến văn giác tri một cách tuyệt đối (không có đối đãi, bất sinh bất diệt, gọi là vô sanh pháp nhẫn hay còn gọi Tâm bất nhị hay Phật tánh tức tánh giác ngộ tự biết) biến chúng thành có số lượng và từ số lượng tạo thành cấu trúc ảo, từ cấu trúc ảo, phân biệt chúng thành các loại nguyên tố khác nhau, rồi tạo thành phân tử vô cơ (inorganic) và hữu cơ (organic), rồi tạo thành chất sống, sinh vật, phát triển thành các giác quan và bộ não, thế là chúng sinh xuất hiện, tiêu biểu nhất là con người có lục căn tương tác với lục trần phát sinh lục thức. Lục thức phát sinh nhất niệm vô minh và nhiều nhất niệm vô minh xuất hiện liên tục thành dòng tâm niệm hay ý thức, và ý thức nhận thức các loại cấu trúc ảo thành lục trần (đối tượng : objects) chẳng hạn vũ trụ, tinh tú, sơn hà đại địa, nhà cửa, cây cối, sinh vật…Những điều này xuất hiện trong một hiện tượng mang tính tập trung rất kỳ lạ gọi là hiện tượng vướng víu lượng tử (quantum entanglement). Theo thí nghiệm của Nicolas Gisin và đồng sự tại Đại học Geneva Thụy Sĩ thực hiện năm 2008, họ tạo ra hai photon tách rời cách nhau 18 km, họ tác động lên photon này thì tức thời photon kia bị tác động theo, không mất chút thời gian nào. Lúc sinh thời Einstein có biết hiện tượng này, nhưng ông rất bối rối không hiểu được, nên phát biểu rằng đó là tác động ma quái từ xa (Spooky action at a distance). Hiện tượng này còn biểu lộ những tính chất rất lạ lùng mà Einstein không thể nào chấp nhận nổi : đó là vật không có tự tính, cụ thể là hạt photon không có số spin sẵn, mà đó chỉ là số đo do con người gán cho lúc đo đạc. Photon không có định xứ (nonlocality) nhất định, định xứ cũng là do con người gán cho. Số lượng hai photon cũng không thực có, con người thấy là hai nhưng thực tế không phải là hai. Gần đây Maria Chekhova và các đồng sự tại Viện Khoa học Ánh sáng Max Planck và Đại học Moscow vừa tạo ra những trạng thái lượng tử chứa tới 100.000 photon, và tất cả chúng đều bị vướng víu với nhau. Như vậy con số hai photon, 100.000 photon, hay vô cực photon là do con người tạo ra, cảm thấy. Số lượng là do ý thức của con người tạo ra. Mặt khác khái niệm về khoảng cách không gian (18 km trong thí nghiệm của Gisin) hay thời gian (không mất thời gian hay mất bao lâu) đều là do con người tạo ra. Các nhà duy thức đã thấu hiểu tất cả những điều này nên họ mới tổng kết một câu xanh dờn trong Thành Duy Thức Luận : Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Họ biết tất cả những phân biệt về tánh tướng, về thiện ác đều chỉ là giả lập, là ảo chứ không phải thật (Liễu cảnh vi tánh tướng, Thiện, bất thiện câu phi).

Einstein đã cố chống lại thuyết lượng tử, năm 1935, ông cùng với Podolsky và Rosen đưa ra một giả thuyết để bác bỏ thuyết lượng tử mà sau này giới khoa học thường gọi là nghịch lý EPR (EPR paradox). Năm 1964, tức 11 năm sau khi Einstein qua đời, John Bell có sáng kiến lập ra bất đẳng thức mang tên ông, dựa theo các tính chất mà nhóm EPR cho là đúng, để kiểm chứng giả thuyết EPR. Tất cả các thí nghiệm đều cho thấy bất đẳng thức Bell bị vi phạm, điều đó chứng tỏ giả thuyết của nhóm Einstein là sai lầm.

Thế còn Trung Quán Luận mô tả thế giới ra sao ?

Bài kệ Quán Nhân Duyên :

諸法不自生 Chư pháp bất tự sinh

亦不從他生 Diệc bất tòng tha sinh

不共不無因 Bất cộng bất vô nhân

是故知無生 Thị cố tri vô sinh

Chư pháp bất tự sinh ý nói các sự vật không có thực thể, không thể tự mình thành lập. Ví dụ nguyên tử vật chất không có thực thể, nó không thể tự một mình mà thành lập được. Diệc bất tòng tha sinh, cũng không phải từ vật khác mà sinh ra. Ví dụ nguyên tử vật chất cũng không phải sinh ra từ vật gì khác, chẳng hạn, quark và electron. Nguyên tử đơn giản nhất là Hydrogen cấu tạo gồm có một proton và một electron :


Nguyên tử Hydrogen và hai đồng vị của nó là Deuterium và Tritium

Nhân của Deuterium gồm có 1 proton (đỏ) và 1 neutron. Nhân của Tritium có 1 proton và 2 neutron.

Nguyên tử cũng không phải sinh ra từ quark và electron vì bản thân các hạt này cũng không có thực thể, chúng chỉ là hạt ảo. Như vậy nguyên tử Hydrogen không phải tự sinh ra, cũng không phải do quark và electron sinh ra, nguyên tử không phải là vật. Heisenberg, một trụ cột quan trọng của Vật lý học thế giới nói: “Atoms and elementary particles…form a world of potentialities or possibilities, rather than one of things or facts…atoms are not things”(Nguyên tử và các hạt cơ bản…hình thành một thế giới tiềm thể hay có khả năng hiện hữu, chứ không phải một thế giới của vật thể hay sự vật có thật…Nguyên tử không phải là vật). Nguyên tử là một cấu trúc ảo tức không có thật, nhưng trong tâm thức của người quan sát hoặc thiết bị thăm dò đo đạc, thì nó lại hiện hữu như một vật thật.

Vậy nguyên tử chỉ là mối quan hệ tương tác giữa các hạt ảo chứ không phải là vật thật và chỉ hiện hữu trong tâm thức của chúng sinh. Nghĩa là nguyên tử không có thật, nhưng con người lại cảm thấy là có thật với tất cả các giác quan: thấy, nghe, nếm, ngửi, sờ mó và ý thức của mình. Tất cả các cố thể vật chất do nguyên tử, phân tử hợp thành cũng thế, như thức ăn, nước uống, nhà cửa, lâu đài, xe cộ cho tới vũ trụ vạn vật cũng đều như thế. Đó chính là ý nghĩa đích thật của tánh không trong Trung Quán tông, hoặc của câu “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” trong Thành Duy Thức Luận.

Bất cộng bất vô nhân. Ý nghĩa câu này còn đi xa hơn nữa, phủ nhận cả thuyết nhân duyên (bất cộng), phủ nhận cả thuyết tự nhiên sinh (bất vô nhân). Có nghĩa là các sự vật, hiện tượng, thật ra chỉ là vọng tưởng chứ không phải thật có. Vì chỉ là tưởng tượng chứ không phải có thật nên biết là vô sinh (Thị cố tri vô sinh) không thật có sinh ra, không thật có bắt đầu.

Các nhà đặc dị công năng như Trương Bảo Thắng, Hầu Hi Quý đã có những thực nghiệm mà qua đó vô hình trung, chứng nhận tính xác thực của các lý luận từ xưa trong Phật pháp và nhận thức gần đây của khoa học.

Năm 1982, tại Đại Lễ Đường Nhân Dân Bắc Kinh, trước mắt các nhà khoa học và các nhà lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc, Trương Bảo Thắng biểu diễn dùng tâm niệm lấy một trái táo ra khỏi một cái thùng sắt mà nắp đã bị hàn kín. Nếu quả táo là một vật có thật thì không thể nào lấy quả táo ra khỏi thùng sắt hàn kín nắp, chứ chưa nói là không dùng tay, chỉ dùng tâm niệm để lấy. Chính vì bản chất của quả táo và của thùng sắt là ảo, là không có thật nên mới làm được.

Năm 1984, Hầu Hi Quý đã biểu diễn tại Cung Văn hóa Công nhân thành phố Tương Đàm tỉnh Hồ Nam, cho các nhà lãnh đạo công đoàn của tỉnh và thành phố xem. Ông đã dùng cục gạch đập bẹp chiếc đồng hồ đeo tay của Long Quỳ, phó chủ tịch công đoàn tỉnh, rồi dùng tâm niệm phục hồi lại y nguyên như cũ. Chính vì cái đồng hồ không phải là vật thể có thật nên mới có thể dùng tâm niệm để phục nguyên.

Người bình thường không thể làm được như vậy vì tâm lực không đủ mạnh, không thắng được các lực cơ bản của vật chất. Lực hạt nhân mạnh nhất kết nối ba hạt quark thành hạt proton hoặc thành hạt neutron trong nhân nguyên tử, tạo thành hiện tượng giam hãm (confinement) là biểu hiện tâm cố chấp kiên cố của chúng sinh, nếu phá được sự chấp trước này thì có thể điều khiển được nguyên tử theo ý muốn, ví dụ biến trái táo thành không, di chuyển ra khỏi thùng sắt và phục nguyên nó, hoặc biến chiếc đồng hồ bẹp dí, hư hỏng hoàn toàn, thành chiếc đồng hồ nguyên vẹn, bình thường chạy tích tắc đều đều như chưa hề bị đập bẹp.

Đối với bậc giác ngộ như Đức Phật thì thần thông chẳng có gì lạ. Trong các quyển kinh như Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh hay Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Phật đã nhiều lần thi triển thần thông. Ngày nay chúng ta đọc các kinh đó, không thể nào tin nổi, nhưng các nhà đặc dị công năng hiện đại biểu diễn cho các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo cao cấp, các nhà tỉ phú xem, thì không thể không tin, nhất là các quyển sách nói về các nhân vật thần kỳ đó do những người phụ trách cơ quan khoa học và cơ quan báo chí của nhà nước cộng sản Trung Quốc viết ra, mà hệ tư tưởng chính thống của họ là chủ nghĩa duy vật, nếu không có bằng chứng xác thực thì chẳng bao giờ họ cho phép xuất bản chính thức những quyển sách đó cả, vì nó làm sụp đổ chủ nghĩa duy vật.

Hãy đọc thêm vài bài kệ nữa trong Trung Quán Luận :

若果從緣生 Nhược quả tòng duyên sinh

是緣無自性 Thị duyên vô tự tính

從無自性生 Tòng vô tự tính sinh

何得從緣生 Hà đắc tòng duyên sinh

Trong bài kệ này Long Thọ dùng lý luận lô gích để phá thuyết nhân duyên, như ở trên đã nói, muôn pháp đều vô tự tính nên duyên cũng không có tự tính, như vậy quả hay bất cứ hiện tượng nào nếu nói do duyên sinh thì không có lý, vì duyên cũng chẳng có tính chất gì riêng biệt cả, nó không khác bất cứ thứ gì khác nên sự thật không phải là do duyên sinh. Thuyết thập nhị nhân duyên của Phật giáo giải thích tất cả đều do duyên khởi, đó chẳng qua là tạm giải thích theo vọng tưởng của chúng sinh, giống như khoa học nói lá phướn lay động là do gió thổi, mặc dù rất có lý nhưng lý đó không rốt ráo. Vì vậy tại chùa Pháp Tánh, Quảng Châu năm 676, sư Huệ Năng đã bác cả lý luận của hai ông tăng, một ông nói phướn tự lay động, đó là thuyết tự nhiên, ông kia nói gió làm cho phướn động, đó là thuyết nhân duyên. Huệ Năng nói : “非幡動非風動仁者心動 Phi phan động, phi phong động, nhân giả tâm động: Không phải phướn tự động, cũng không phải gió động, là tâm của các ông động” . Lời nói của Huệ Năng có ý nghĩa rốt ráo nhưng ít có người hiểu được vì hầu hết mọi người đều hiểu theo cách giải thích của khoa học là gió làm cho phướn lay động. Nhưng nếu hỏi tới : cái gì làm cho gió động ? Chênh lệch nhiệt độ không khí tạo ra luồng gió. Cái gì tạo ra chênh lệch nhiệt độ ? Ánh nắng mặt trời tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ không khí đối với địa hình địa vật khác nhau trên mặt đất. Cái gì tạo ra địa hình địa vật khác nhau ? Cảnh quan tự nhiên nó như thế. Tới đây thì khoa học hết biết đường trả lời. Nếu hỏi tới nữa, tạo sao có quả địa cầu, tại sao có vũ trụ, tại sao có con người ? Khoa học không còn biết chính xác nữa mà chỉ lập ra các giả thuyết, như thuyết Big Bang chẳng hạn để giải thích về vũ trụ, thuyết Sinh vật tiến hóa luận để giải thích sự xuất hiện của con người. Mà các giả thuyết này có nhiều lỗ hổng, không hoàn toàn thuyết phục.

Dưới ánh sáng giác ngộ của Thích Ca, Phật giáo từ lâu đã nói rằng vũ trụ, vạn pháp chỉ là ảo, do tâm tạo. Chính vì bản chất là ảo, không phải thật, nên PG có thuyết vô sinh hay còn gọi là vô sinh pháp nhẫn 无生法忍 là trạng thái không có sinh diệt, đó cũng là cứu cánh niết bàn hay bản tâm của mọi chúng sinh, là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật. Nhân quả cũng không có thật, chỉ có trong vọng tưởng mới có nhân quả. Chúng ta thử xem phẩm thứ 20 quán nhân quả. Phẩm này có 24 bài kệ nhưng chúng ta chỉ cần xem hai bài mở đầu và bài kết thúc của phẩm quán nhân quả.

若眾緣和合 Nhược chúng duyên hòa hợp

而有果生者 Nhi hữu quả sinh giả

和合中已有 Hòa hợp trung dĩ hữu

何須和合生 Hà tu hòa hợp sinh

若眾緣和合 Nhược chúng duyên hòa hợp

是中無果者 Thị trung vô quả giả

云何從眾緣 Vân hà tòng chúng duyên

和合而果生 Hòa hợp nhi quả sinh

Tóm lại :

是故果不從 Thị cố quả bất tòng

緣合不合生 Duyên hợp bất hợp sinh

若無有果者 Nhược vô hữu quả giả

何處有合法 Hà xứ hữu hợp pháp ?

Nếu các duyên (điều kiện) hòa hợp để sinh ra kết quả thì trong sự hòa hợp đó đã có sẵn kết quả thì đâu phải do hòa hợp mà sinh ra. Nếu các duyên hòa hợp mà lại không có kết quả thì cũng không đúng vì các duyên hòa hợp thực tế có cho ra kết quả, tức là có một hiệu ứng mới.

Kết luận, kết quả không phải do duyên hợp hay bất hợp mà sinh ra. Mà nếu không có kết quả thì sự hòa hợp biến đi đâu ?

Lý luận này rất trừu tượng khó hiểu. Cần phải có ví dụ thích hợp mới hiểu được. Chẳng hạn nguyên tử vật chất hình thành do hai hoặc ba loại hạt là proton, neutron và electron như các hình vẽ bên trên đã chỉ rõ, xin lặp lại :

Nguyên tử Hydrogen

Trong sự kết hợp thành nguyên tử hydrogen này, proton vẫn là proton , electron thì vẫn là electron, đâu phải do sự kết hợp mới phát sinh. Điều khó hiểu chính là ở chỗ này. Như Heisenberg đã nói ở trên, nguyên tử không phải là vật mới phát sinh, nguyên tử không có thật, nguyên tử hydrogen vẫn chỉ là hạt proton làm hạt nhân và hạt electron quay chung quanh, chứ chẳng phải cái gì khác (đó là ý nghĩa câu trong hòa hợp đã có sẵn) đâu phải do hòa hợp mà sinh ra. Mặt khác nếu nói các duyên kết hợp mà không sanh ra kết quả gì, chẳng hạn một hạt proton kết hợp với một hạt electron mà không sinh ra nguyên tử hydrogen thì cũng không đúng thực tế. Để thấy rõ hơn nữa, hãy xem một thí dụ khác là nước, H2O, do sự hòa hợp giữa hai nguyên tử hydro và một nguyên tử oxy. Trong kết quả này thì H2 vẫn là H2, O vẫn là O chứ chẳng phải cái gì khác, nhưng cảm nhận của con người thì rất khác, nước là một chất khác hẳn hai loại khí kia, đây phải là một sự tưởng tượng đồng bộ của cả lục thức chứ không phải chỉ là tưởng tượng suông của ý thức, nghĩa là cả mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, có tác dụng giải khát, sinh hóa, tăng trưởng của cơ thể. Kết quả này không phải chỉ do sự hòa hợp, bởi vì nếu không có chủ thể nhận thức, phân biệt thì không có gì khác nhau. Như vậy sự khác nhau phải là do có người phân biệt, tưởng tượng chứ không phải chỉ là do sự hòa hợp. Đây là một vấn đề rất lớn trong nhận thức luận. Einstein đã từng đưa ra thách thức : “Nếu không có ai nhìn mặt trăng thì mặt trăng không tồn tại hay sao ?” Long Thọ ắt trả lời rằng : đúng vậy, nếu không có người phân biệt thì mặt trăng chỉ là một cấu trúc ảo, làm bằng quark, electron chứ không có thật, bản chất nó là không. Còn Trương Bảo Thắng ắt nói rằng : tôi có thể đi xuyên qua mặt trăng giống như đi xuyên qua bức tường.

Như vậy kết luận, kết quả hay hiện tượng xảy ra không phải là do duyên hợp hay không hợp, nếu không có kết quả thì sự kết hợp đâu có tác dụng gì, nhưng thực tế là có tác dụng, chẳng hạn sự kết hợp của một hạt proton và một hạt electron thì có kết quả là nguyên tử hydrogen. Nhưng kết quả này không phải do hòa hợp mà là do tưởng tượng.

Đó là ý nghĩa của ba bài kệ về quán nhân quả ở trên. Ở đây cần phải phân tích thêm tại sao bài kệ thứ ba nói kết quả không phải sinh ra do duyên hợp hay không hợp (Thị cố quả bất tòng, Duyên hợp bất hợp sinh). Đây là một điểm rất quan trọng mà khoa học thế kỷ 20 mới phát giác, phải cần có người khảo sát hoặc thiết bị thăm dò để nhận thức, phân biệt vật, tưởng tượng ra thì vật mới hiện hữu. Đây chính là điều mà nhà vật lý học và khoa học máy tính Von Neumann nói ““Nothing would be real unless consciousness exists, that all real things are constituents of consciousness – which is a complete reversal of materialism” (Không có cái gì là thật trừ phi ý thức hiện hữu, tất cả vật thật đều cấu thành từ ý thức- điều này hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa duy vật). Đây cũng chính là thế giới quan cơ bản của Phật giáo, tâm chính là nguồn gốc và động lực của tất cả các pháp. Nhân cũng là tâm mà quả cũng là tâm. Tại sao như vậy ? Vì quark và electron chỉ là hạt ảo, các cấu trúc nhân duyên của nguyên tử, của vật chất đều là cấu trúc ảo. Dưới tác dụng của chánh biến tri, các cấu trúc ảo hình thành lục căn, lục trần, 12 giới này tương tác với nhau theo từng cặp phát sinh ra lục thức, 18 giới (lục căn, lục trần, lục thức) này chính là điều kiện căn bản để vũ trụ vạn vật hình thành. Trong quá trình hình thành vũ trụ, lại phát sinh thêm 2 giới nữa là mạt-na và a-lại-da. Mạt-na là thức chấp ngã của chúng sinh, phân biệt chúng sinh này với chúng sinh khác. A-lại-da là kho chứa tất cả mọi dữ liệu phát sinh trong quá trình hình thành tam giới của tất cả chúng sinh. A-lại-da cũng chính là tâm bất nhị, là nguồn gốc chung của tam giới.

Vì tất cả chỉ là ảo hóa nên PG (Bát Nhã Tâm Kinh) mới nói ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) giai không, khổ tập diệt đạo cho tới cứu cánh niết bàn đều không phải thật. Giác ngộ tam giới duy tâm, tất cả chỉ là ảo hóa thì tất nhiên giải thoát tất cả mọi khổ nạn (độ nhất thiết khổ ách) vì tất cả mọi cảnh giới, mọi hiện tượng đều chỉ là nằm mơ giữa ban ngày.

Tuy nhiên Long Thọ Bồ Tát không phủ nhận cuộc sống thế gian dù biết đó là ảo, nên mới có Trung Quán Luận, chỉ ra con đường ở giữa. Không quá chấp trước cảnh mộng huyễn của thế gian để chuốc lấy phiền não, cũng không thiên chấp ở tánh không, bởi tất cả mọi diệu dụng đều nằm ở chỗ ảo hóa. Mọi người có thể tự do tự tại sống cuộc sống của mình, đừng có quá cố chấp cũng không có cái gì phải bỏ.

Ngày nay không phải chỉ có Phật giáo nói vạn pháp duy thức. Một số nhà khoa học cũng nói và viết sách trình bày sự việc rất là cụ thể. Ơ đây tôi chỉ xin nêu ra hai nhà : đó là Craig Hogan và David Bohm. Để xem lập trường của hai nhà khoa học này, xin xem :


Truyền Bình

Không có nhận xét nào: