Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

CHỐNG BÃO HAY TRÁNH BÃO

Ảnh minh hoạ - Internet
Trong văn hoá ứng xử với môi trường của đồng bào Nam bộ có từ rất hay: "Sống chung với lũ"! Có lẽ đây là từ được đúc kết qua hàng trăm năm của đồng bào ta. Lũ lụt, bão tố đã xuất hiện hàng ngàn năm trên đất nước Việt thân yêu, điều này đã được dẫn chứng trong truyền thuyết "Sơn Tinh, Thuỷ Tinh". Lũ lụt, bão tố là quy luật của thiên nhiên và cũng một phần cũng do con người gây ra.

Đã là quy luật của thiên nhiên thì chúng ta phải chấp nhận và tìm cách sống chung với quy luật hoặc tránh xa quy luật, chứ chống lại quy luật thì không thể... Cũng vậy, con người đã tác động không tốt vào thiên nhiên (gây nhân xấu) như phá núi, phá rừng, thải khí độc vào bầu trời... tất nhiên dẫn đến thời tiết, khí hậu thay đổi đột ngột, làm xuất hiện bão lụt. Chúng ta phải lãnh hậu quả do việc làm xấu, ác này!

Bây giờ, để hạn chế hậu quả của bão lụt, chúng ta chỉ có phòng và tránh chứ không thể "phòng và chống" như tên gọi đã đặt cho Uỷ ban Phòng chống bão lụt thuộc Chính phủ...

Trong kinh Phật có câu rất hay: "Bồ tát sợ nhân, Chúng sanh sợ quả". Chúng ta phải sợ nguyên nhân gây ra, chứ không sợ hậu quả. Vì vậy, việc đầu tiên là phải phòng ngừa, ngăn chặn việc gây ra bão lụt trước. Đó là không được phá núi, phá rừng, thải quá nhiều chất độc hại tác động xấu vào môi trường thiên nhiên...; thứ đến, nếu bão lụt xuất hiện - đây là kết quả do con người gây ra theo Luật nhân quả - phải chấp nhận. Chúng ta phải chấp nhận sống chung với bão (như sống chung với lũ) hoặc tránh xa nó (tránh bão) chứ không nên chống bão, và tìm mọi biện pháp để hạn chế thiệt hại.

Gần đây, từ sau con bão số 9 năm 2005, bà con các huyện miền biển Xuyên Mộc và Long Điền của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, nhà nào cũng xây hầm tránh bão giống như hầm tránh bom đạn thời chiến tranh; trước khi bão đổ bộ, giằng nhà cửa chắc chắn rồi chui xuống hầm khỏi phải bận tâm...

Không có nhận xét nào: