Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

QUAN ĐIỂM VỊ NHÂN

Ngoài hiện tượng toàn đồ, một trong những xu hướng mới nữa của nền văn minh Tây phương hiện nay, nhằm tiến sát đến nền văn minh Đông phương, là quan điểm vị nhân (antropique).

Trong Kinh Dịch, như chúng ta đã thấy nhiều lần, có nguyên lý phản phục, một trong những biểu hiện lớn nhất của nguyên lý đó là khái niệm tuyến Nội, tuyến Ngoại. Tuyến ngoại trỏ con đường đi từ Tiên thiên đến Hậu tiên (cõi Trần), còn tuyến Nội trỏ con đường đi từ Hậu thiên trở về cõi Tiên thiên (cõi Trời).

Theo khái niệm tuyến Ngoại, con người được bắt đầu tạo nên từ một chương trình nào đó, bắt nguồn không phải từ cõi Trần (Quả Đất chúng ta), tức là không phải theo thuyết tiến hoá của Darwin. Trong nền văn hoá Đông phương, có từ "Thiên hạ", tức là một công đồng "hạ" từ "Thiên" xuống.

Còn theo tuyến Nội để trở về, chính là theo con đường trở lại về nguồn, về với Đại Ngã, là con đường bao gồm cả những phương pháp cải lão hoàn đồng, cải tử hoàn sinh của Giả Kim Thuật (Alchimie). Giả Kim Thuật ở đây hiểu theo nghĩa thanh cao của nó, chứ không theo nghĩa tầm thường của những người dốt nát về thực chất của hoá học, cặm cụi ngày đêm với những lọ cổ cong, với các đám mây phùn phụt đủ màu, trong những gian nhà bí mật, cốt để biến chì, thiếc thành... vàng, để thoả lòng tham của mình.

Bây giờ, chúng ta chuyển sang thiên văn học của nền văn minh Tây phương. Ngay từ năm 1986, nhà khoa học Carter B, thuộc viện thiên văn Cambridge, đã chứng minh rằng: Nếu chỉ số của hằng số cấu trúc tinh vi P (hằng số xuất hiện trong các thuyết về điện từ trường):

P = hc/e2 = 137,0360 thay đổi vào khoảng một phần trăm (h gọi là hằng số Planck, c là tốc độ ánh sáng trong chân không, e là điện tích của electron) thì các tinh tú sẽ đổi màu. Nếu hằng số cấu trúc tinh vi đó giảm, thì các tinh tú đó sẽ chuyển sang màu đỏ. Nếu hằng số đó tăng, thì màu các tinh tú đó sẽ chuyển sang màu xanh dương. Và cả trong hai trường hợp này, sự thay đổi trị số đó, sẽ không thể xuất hiện các vì sao như Mặt Trời chúng ta.

Mặt khác, nhà vật lý học nổi tiếng Dicke R.H. đã viết trong tạp chí Nature như sau:

"Tôi không đặt vấn đề là: Với một vũ trụ như hiện nay thì con người sẽ như thế nào. Mà tôi đặt ngược lại: Muốn có con người hiện nay, thì vũ trụ phải như thế nào?

Nói cách khác:

- Vũ trụ (vật lý, NHP) sẽ có ý nghĩa gì nếu như không có chủ thể nhận thức được nó?

- Nhưng để có nhận thức cần có sự sống,

- Nhưng để tồn tại sự sống, cần phải có nguyên tố Hydro nặng,

- Nhưng để tạo được những Hydro nặng, cần phải có những phản ứng tổng hợp nhiệt hạch,

- Nhưng trong lòng các tinh tú xuất hiện được những điều kiện cần thiết cho những phản ứng tổng hợp nhiệt hạch, cần phải có những khoảng thời gian hằng chục tỉ năm,

- Nhưng theo lý thuyết tương đối tổng quát thì khoảng thời gian hàng chục tỉ năm đó chỉ tương tích với mẫu vũ trụ đóng (vũ trụ đóng là một thuật ngữ của lý thuyết tương đối tổng quát dùng để trỏ một trong hai khả năng: đóng hay mở. Còn nghĩa nôm na của từ đóng là bên ngoài nó hoàn toàn không có gì, NHP). Còn bán kính của nó tại thời điểm bành trướng lớn nhất ít nhất phải bằng hằng chục tỉ năm ánh sáng...

Hiện nay, các nhà vật lý học đã chứng tỏ được rằng thật sự bán kính của vũ trụ chúng ta có độ lớn như thế. Và chính bán kính đó phải như thế, để thực hiện một mục đích sâu xa: khả năng tồn tại con người."

Trên đây là những tư tưởng ban đầu, sản sinh ra một trong những tư tưởng lớn nhất của thời đại chúng ta: Đó là quan điểm vị nhân tức là vì con người. Nghĩa là, nói một cách khác, sự xuất hiện con người trong vũ trụ không phải do một sự ngẫu nhiên nào, như nhà sinh học Jacques Monod đã khẳng định trong một cuốn sách nổi tiếng của ông.

Nhưng vì để có thể xuất hiện con người theo ý đồ đó - đó chính là nội dung của nguyên lý vị nhân - thì các hằng số của vũ trụ vật lý hữu hình phải có những giá trị nhất định, như chúng đo được hiện nay.

Cho đến nay, các nhà khoa học đã đi xa trên con đường này. Và một trong những luận cứ cơ bản nhất là hiện tượng xung quanh cái gọi là vụ nổ lớn (big bang). Đó là hiện tượng nguyên thuỷ của vũ trụ vật lý (tất nhiên trong một chu trình, theo Vivekananda).

Chúng ta hãy tưởng tượng đang đứng trước một vũ trụ đang bắt đầu tồn tại. sau vụ nổ big bang lịch sử, đáng lý ra chúng ta chờ đợi một sự hỗn độn khủng khiếp. Nhưng không phải thế, chỉ sau một khoảng thời gian từ 10 luỹ thừa -35 giây đến 10 luỹ thừa -32 giây thì đã có ... sẵn sàng khoảng 15 hằng số cơ bản (như hằng số Planck, tốc độ ánh sáng...) tạo nên một trật tự xác định, một hệ thống giá trị và quan hệ xác định... để con người có thể tồn tại được, theo một mục đích luận (Finalisme) xác định!

Sự kiện này lạ lùng đến nổi người ta khó tin rằng sự sống con người xuất hiện chỉ do ngẫu nhiên như trước. Trái lại, nhiều nhà khoa học đi đến kết luận rằng con người đã sinh ra trong một vũ trụ đã được tạo ra vì chính nó!...

GS. Nguyễn Hoàng Phương

Không có nhận xét nào: