Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017

CÁC NHÀ KHOA HỌC VÀ TÔN GIÁO NÓI VỀ CON NGƯỜI

TTđTD - Nếu những điều đạo Phật, đạo Jain, Ấn Độ giáo, các tư tưởng gia như Các Mác... nói về bản chất cao quý của con người là đúng, thì một cách logic và tất yếu, cơ chế tổ chức tối ưu của nhà nước và xã hội phải đảm bảo cho tất cả các thành viên trong xã hội những điều kiện tốt nhất có thể để phát triển tối đa mọi khả năng của chính họ. 

Từ xưa cho đến đầu thế kỉ 21 này, việc tìm hiểu về bản thể Con Người vẫn là đề tài đang còn tranh luận và cần làm sáng tỏ. Tư liệu về đề tài này trong khoa học và tôn giáo rất nhiều. Dưới đây là một số thông tin về nội dung trên.

Các Mác nhà duy vật biện chứng tuy phủ định không có Thượng Đế nhưng khẳng định và đề cao những giá trị nhân bản, bình đẳng và tự do của Con Người. Ông kêu gọi phát huy "cái nhân bản chủ yếu nhất", ở trong Con Người. Và Ông cũng từng tự bạch: "Những gì thuộc về Con người đều không xa lạ đối với tôi..."

Ở tập đại sử thi Mahabharata, biểu hiện tinh thần tiến bộ của Ấn Độ giáo, có lời khẳng định như sau:

"Này, ta bảo cho ngươi biết bí mật của Brahman,
Là không có gì cao quý hơn con người"
(I tell you this, the secret of Brahman,
there is nothing higher than man).

Đạo Jain ở Ấn Độ, tuy tuyên bố là có Thượng Đế nhưng các tư tưởng gia của đạo lại khẳng định: "Thượng Đế chỉ là sự biểu hiện cao nhất, thánh thiện nhất và đầy đủ nhất những tiềm năng vốn có của con người". 

Nguyễn Du - nhà văn hoá lớn Việt Nam cũng khẳng định trong Con Người có vốn quý nhất: "Tinh Anh". Vì vậy, Truyện Kiều có câu (câu 116): "Thác là thể phách còn là tinh anh".

Khả năng tư duy của Con Người khiến cho Con Người sống và xử sự như là một chủ thể năng động, có tư duy, có sáng tạo chứ không thể như là một đối tượng chỉ bị sai khiến và chi phối.

Trong các kinh điển phát triển (đại thừa), Con Người được định nghĩa như là vị Phật sẽ thành. Phật Thích ca cũng như các vị Phật khác trong quá khứ đều là những vị Phật đã thành.

Không cần trích dẫn các kinh sách Phật ở Ấn Độ hay Tây Tạng, Vua Trần Nhân Tông, sau khi xuất gia đã viết trong bài phú Nôm: "Cư trần lạc đạo":

"Bụt ở trong nhà,
Chẳng phải tìm xa,
Nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt,
Chỉn mới hay chính Bụt là ta." 

Tuyên bố này đã khích lệ hàng vạn, hàng triệu phật tử Việt Nam, vượt lên trên những ham muốn thế tục tầm thường, phấn đấu không ngừng để thành tựu lí tưởng cao nhất - thành Phật.

Nếu những điều đạo Phật, đạo Jain, Ấn Độ giáo, các tư tưởng gia như Các Mác,... nói về bản chất cao quý của con người là đúng, thì một cách logic và tất yếu, cơ chế tổ chức tối ưu của nhà nước và xã hội phải đảm bảo cho tất cả các thành viên trong xã hội những điều kiện tốt nhất có thể để phát triển tối đa mọi khả năng của chính họ. 

Cơ chế tối ưu đó là một cơ chế dân chủ và tự do. Biểu hiện rõ nhất, là bản Hiến pháp của một quốc gia phải thật sự dân chủ và nhân quyền. Hiến pháp phải do Dân phúc quyết. Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ và tạo điều kiện để Công Dân phát huy tư duy sáng tạo, tự do hoạt động trên mọi lĩnh vực mà Hiến pháp không cấm, có quyền tham gia quản lí Đất Nước...

Một bản Hiến pháp nhân bản phải theo hướng: (1) tôn trọng sinh mạng (thân), (2) tôn trọng tự do ngôn luận (khẩu), (3) tôn trọng tự do tư tưởng (ý); và cuối cùng (4) quyền quản trị, điều hành và kiểm soát đất nước thuộc về Nhân Dân.

Không có nhận xét nào: