Thứ Năm, 22 tháng 8, 2024

VIỆT NAM LỚN HAY NHỎ?

1. Lớn hay nhỏ
Cách đây vài năm, một tiến sĩ người Việt tốt nghiệp ở nước ngoài viết trên một tạp chí trong nước: Việt Nam có quá nhiều cái nhỏ như sáng chế nhỏ, công trình nhỏ,... Có thể ở một giác độ nào đó, tiến sĩ này nói đúng! Do có thời gian sống ở nước ngoài, vị tiến sĩ thấy nước người cái gì cũng lớn: đường lớn, nhà lớn, trường đại học lớn, công viên lớn,... Vì vậy, tiến sĩ ấy mới so sánh như vậy. 
2. Tư Duy
Những năm gần đây, với lối tư duy hướng ngoại, chúng ta xây dựng những công trình "văn hoá thế kỷ" như khu du lịch Chùa Bái Đính, Khu du lịch Đại Nam, tượng đài ngàn tỉ..., bên ngoài to lớn, đồ sộ. Điều đó cần [để theo kịp nước ngoài?] nhưng chưa đủ, còn thiếu cái gì đó rất thiêng liêng vốn là nội tại của tộc Việt: đời sống tâm linh. Những công trình trên chưa thể nói là "lớn" được!
Căn bệnh hình thức, thích đại ngôn..., bánh chưng hai tấn, bánh dày một tấn cung tiến giỗ Tổ Hùng Vương, để rồi khi cắt ra phát lộc thì bánh chưng bị vữa và lên men, còn bánh dày thì mốc... Trong khi ý nghĩa triết lí sâu xa về âm dương, trong hình tượng bánh dày, bánh chưng thì ít đề cập đến.


Chùa Một Cột - ảnh Internet

Ai nói Chùa Một Cột nhỏ? Một kiến trúc độc đáo có một không hai: hàm chứa sức nặng của văn hoá Việt trên 5000 năm. Trống Đồng, ai bảo nhỏ? Một di sản huyền vĩ của tộc Việt vừa khoa học vừa tâm linh không ở đâu trên thế giới này có được! Vậy thì, Việt Nam có nhiều công trình xưa để lại không nhỏ. Những công trình này làm nên sức sống muôn đời của tộc Việt. Có lẽ thế, nước ta có thời được mang tên Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Nam!

Trống Đồng Việt Nam - ảnh Internet

Ai nói Việt Nam không có nền văn hiến?
Thật sự, chúng ta đã có nền văn hiến lớn:
"Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu".
(Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi)
Việt Nam có nhiều nhà minh triết như Lục tổ Huệ Năng (sinh ở đất Lãnh Nam, tức là Việt Nam ngày xưa), Trần Nhân Tông, Hải Thượng Lãng Ông - Lê Hữu Trác, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du,... 
Nền minh triết Việt bàng bạc trong ca dao, dân ca, tục ngữ, truyện cổ tích, tranh Đông Hồ,... mà chúng ta đã bỏ quên.
Chính vì điều này, ông cha ta đã nhắn nhủ: "Trăm năm bia đá cũng mòn, nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ". Công trình thiên về vật thể sẽ chết theo thời gian. Công trình phi vật thể sẽ trường tồn sống mãi.
3. Kết
Chúng ta hãy nghe Phạm Công Thiện nói: "Không cần phải đọc Platon, Aristote, Kant, Hegel hay Karl Marx, không cần phải đọc Khổng Tử và Lão Tử, không cần phải đọc Upanishads và Bhagavad Gita, chúng ta chỉ cần đọc lại ngôn ngữ Việt Nam và nói lại tiếng Việt Nam và bỗng nhiên nhìn thấy rằng tất cả đạo lý triết lý cao siêu nhất của nhân loại đã nằm sẵn trong vài ba tiếng Việt đơn sơ như CON và CÁI, như CHAY, CHÁY, CHÀY, CHẢY, CHẠY và còn biết bao nhiêu điều đáng suy nghĩ khác mà chúng ta đã bỏ quên một cách ngu xuẩn.” 
Ảnh: Internet

2 nhận xét:

hohyhung nói...

Nguyễn An: một con người Việt Nam nhỏ Bé lại làm cho dân đại Hán
+ một cổ thành Bắc Kinh hoành tráng
+ công trình trị thuỷ sông Hoàng Hà
và... ;))

hohyhung nói...

http://hohovietnam.blogspot.com/2012/01/nguyen-kien-truc-su-tai-ba-chi-huy-xay.html