1. "Thượng Đế chính là Hư Vô"?
Ban đầu, con người quan niệm Vũ Trụ phải được khởi sinh từ một cái gì đó, tức từ một thực thể. Rồi, thực thể ấy cũng bắt đầu từ một thực thể khác, thực thể này lại đến từ một thực thể khác nữa,... Cứ thế, con người lần mò đến nguyên thủy của mọi thực thể.
Cái gì ở trong Hư Vô đã sáng tạo ra Vũ Trụ? Thần Học gọi đó là Thượng Đế. Tuy nhiên, nếu Thượng Đế ở trong Hư Vô, Hư Vô có còn là Hư Vô không? Vì khi ấy Hư Vô có "chứa" thực thể nên không còn là Hư Vô. Giải pháp của vấn đề phải chăng: "Thượng Đế chính là Hư Vô"?
2. Thần Học và Khoa Học
Khoa học gần đây quan niệm Vũ Trụ [trong đó có chúng ta đang sống] không bắt buộc phải khởi đầu từ Big Bang, tức từ một trạng thái vật chất và năng lượng vô cùng cô đặc với nhiệt độ cực cao, trước khi phát nổ để cho ra Vũ Trụ như chúng ta hiện quan sát. Trước Big Bang, có thể đã có Vũ Trụ, nhưng thay vì giãn nở như hiện nay, thì nó lại càng lúc càng thu hẹp, để cho ra một khối vật chất và năng lượng dần dần cô đặc đến một mức nào đó trước khi nổ tung ra một lần nữa.
Hình dung một Vũ Trụ trải qua những chu kỳ co giãn như thế khiến người ta phải xem xét lại giả thuyết sáng tạo. Tuy nhiên điều ấy không có nghĩa là người ta phủ định nó một cách tuyệt đối.
Thật khó hình dung một Thượng Đế ở trong Hư Vô, là thành phần của Hư Vô... Nếu Thượng Đế không "là" hư vô, mà là một thực thể, thì khi ấy lại phải tự hỏi thực thể ấy từ đâu ra, ai làm nên nó, trước nó có gì, tại sao có nó? Người ta không có cách nào hay hơn là tuyên bố: Thượng Đế là cái "không thể nghĩ bàn"! Nói cách khác, người ta đặt óc suy luận sang một bên, vì suy luận không thể giúp gì trong việc tìm biết Thượng Đế. Thượng Đế là cái không thể nghĩ, không thể nói, không thể giải thích. Chỉ có thể "cảm thấy". Lý trí nhường chỗ cho kinh nghiệm trực tiếp và trực giác.
3. Thực nghiệm và biện chứng
Trong khoa học tự nhiên, con người luôn phải lập ra những giả thuyết, để giải thích các hiện tượng mà mình quan sát được. Quan niệm về nguyên tử chẳng hạn là một sự giả định có khả năng cắt nghĩa được một số quan sát. Tuy nhiên, quan niệm về nó không ngừng thay đổi. Những thành phần của nguyên tử cũng là những sự hình dung rất cần thiết cho một số mô hình lý luận, nhưng cũng không tránh khỏi bị những khám phá mới liên tục làm thay đổi. Những lý thuyết về các thiên hà, lỗ đen và Vũ Trụ, cũng là những giả thuyết tạm thời thích ứng với một số quan sát, nhưng luôn đặt ra những câu hỏi cần giải đáp. Ví như để giải thích sự kiện tốc độ giãn nở của Vũ Trụ không ngừng gia tăng, người ta hình dung ra "năng lượng tối", "vật chất tối",... Trong khoa học xã hội nhân văn như sử, khảo cổ, xã hội, kinh tế, tâm lý,... cũng là những sự vận động khái niệm, với những giả thuyết luôn phải sáng tạo, cập nhật, để cho phù hợp với quan sát thực nghiệm.
Tức là con người luôn tìm cách nắm bắt thực tế qua trung gian của những giả thuyết cần được kiểm chứng bởi thực nghiệm. Trong những điều kiện tốt đẹp, các giả thuyết ấy có thể tiến gần đến thực tại. Tiến trình tiếp cận với thực tại là một chuỗi phủ định: giả thuyết sau phủ định giả thuyết trước, để đến gần với thực tại hơn, rồi lại bị giả thuyết kế tiếp phủ định. Con đường "phủ định của phủ định" chính là phép biện chứng. Không cần phải đợi đến Marx hay Hegel, mà từ thời Cổ Hy Lạp, tiến trình ấy đã được Platon đề ra. Tiến trình ấy cho phép sự hiểu biết càng lúc càng đến gần thực tại hơn, nhưng không bao giờ đạt được chân lý.
4. Thực chứng
Thiền quán bởi Pháp Không Chân Như (Sư Quang Vô Sắc) được diễn đạt trong giới hạn của ngôn ngữ:
Vũ trụ đã khởi sinh “từ” Hư vô.
(Không có bất cứ thứ gì có mặt kể cả không gian và thời gian được gọi là Hư vô).
[Trích tuyên bố số 56 của 60 Tuyên bố tổng quát sự thật về Vũ Trụ]
Hoàng Lạc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét