Nếu thời bé tí được lời ru của mẹ ướp vào tâm hồn hương nhạc và tình với những hạt mầm tư tưởng, thì lớn lên đến tuổi biết hỏi và biết nghe, tuổi trẻ Việt Nam lại được bố và ông bà kể cho nghe các chuyện cổ tích quanh đèn. Đây là những mẫu chuyện dễ nhớ và súc tích nói về lịch sử, về tình yêu tổ quốc, quê hương, về phong tục tập quán, về tín ngưỡng dân gian, về con người và thiên nhiên, vũ trụ, về tình người, tình đôi lứa, tình gia đình và về túi khôn của loài người, hàm súc nhiều tư tưởng. Đây gọi là triết lý quanh đèn.
Nó cũng phong phú, đa dạng được sàng lọc qua nhiều thế hệ, nhiều thời đại. Những triết lý có hệ thống viết vào sách thì bị thất truyền vì chiến tranh, vì các sức mạnh xâm lược, mai một đi v.v... nhưng triết lí chiếc nôi và triết lý quanh đèn thì không. Hệt như người xưa đã nói:
- "Trăm năm bia đá cũng mòn
Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ".
Mỗi câu chuyện cổ tích là một bài học ngắn khắc sâu vào ký ức của tuổi trẻ, nung nấu ý chí của tuổi trẻ, xây dựng tình cảm cho tuổi trẻ và khích lệ, kích thích phát triển các khả năng cần thiết cho tuổi trẻ. Nói tóm, triết lý quanh đèn là một hình thức giáo dục của dân tộc. Ngày ấy mỗi gia đình Việt Nam thật sự là một học đường nhỏ.
Những mẫu chuyện truyền khẩu được kể trong không khí gia đình ấm cúng và đầy tình tự như rót sâu vào tâm tư tôi, không bao giờ tôi có thể quên được. Chuyện kể có xen nhiều nét thần kỳ, linh dị, nhưng đây là những hình ảnh biểu tượng của sáng tác văn học, nghệ thuật, làm cho câu truyện trở nên sinh động và hấp dẫn, mà không phải là sản phẩm của mê tín dị đoan.
Đọc lại Lĩnh Nam Chích Quái, Việt Điện U Linh tập, các chuyện Tấm Cám... tôi thấy hầu như tất cả là những chuyện quanh đèn của các gia đình Việt Nam. Vì là chuyện, nên triết lý quanh đèn nói lên được nhiều lời ý hơn triết lý chiếc nôi.
Về anh hùng dân tộc, không làm sao tôi quên được các chuyện về Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Trần Bình Trọng, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Ẩu, Nhiếp Chính Ỷ Lan... các chuyện kể từ thời vua Hùng dựng nước cho đến nay thật là thu hút.
1- Chuyện đức Thánh Gióng hay gọi là Phù Đổng Thiên Vương:
Là chuyện nằm lòng thời tuổi trẻ ở quê của tôi. Tôi thích lắm, bố tôi đã cắt nghĩa rằng:
- Con hãy nhớ nước ta bị xâm lược nên tổ tiên ta đã căn dặn kỷ: "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh". Vì vậy hình ảnh Phù đổng, em bé ba tuổi bổng chốc vươn vai thành người lớn quất ngựa dẹp giặc khi giặc Ân đến là ý đồ tổ tiên dạy: khi đất nước khó khăn hay lâm nguy, là người dân Việt thì phải như bé Phù Đổng, lòng yêu nước phải vươn dạy mạnh mẽ, biết hy sinh vì xứ sở. Bé ba tuổi còn thế huống chi là người lớn!
- Con hãy nhớ kiếm sắt là biểu tượng cho giới trí thức, quý tộc, đánh giặc cũng giỏi mà không bền nên nữa chừng kiếm Phù Đổng phải gãy. Phải nhổ lên những khóm tre làng mới đuổi xong giặc. Khóm tre là biểu trưng cho quần chúng bình dân ta, cả Phù Đổng cũng thuộc hàng dân dã, nói lên rằng phải nương vào sức mạnh quần chúng mới phá được giặc.
- Con hãy nhớ kỷ rằng dẹp giặc xong, Phù Đổng không trở về nhận bổng lộc triều đình mà biến mất vào yên lặng. Tại sao thế? Bởi vì đó là lòng yêu nước vô vụ lợi của người Việt. Yêu nước là yêu nước với tấm lòng trong sáng thế thôi. Nhưng chính vì thế mà nhân dân ta đã lập đền thờ Phù Đổng như là sự tôn thờ lòng yêu nước trong sáng vô vụ lợi ấy.
Bố tôi dạy tôi không biết bao lần, con hãy nhớ như thế!
Chơn Thiện
Thông Tin Để Tư Duy - Trích "Những Hạt Sương"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét