Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

CỐT LÕI CỦA NỀN VĂN HÓA VIỆT

Về phương diện văn hóa, cho tới nay, người Việt vẫn là những người sống dật dờ trong dòng văn hóa thế giớị. Bản sắc Việt là gì? Sắc thái Việt là gì? Căn cước Việt là gì? Các nhà làm văn hóa Việt vẫn chưa tìm ra được câu trả lời dứt khoát, vẫn còn nói qua nói lại, ba phải, xàng qua xàng lại, đi chân chữ bát, chia ra nhiều phe phái. Bởi vì các nhà làm văn hóa Việt chưa tìm ra được cái cốt lõi của nền văn hóa Việt, chưa tìm ra được cái sắc thái, cái bản thể riêng biệt, cái căn cước đích thực của người Việt. Từ nhỏ cho tới giờ, tôi được dạy và đọc những điều về văn hóa Việt rất ư là mù mờ, rất ư là mơ hồ, rất ư là tranh cãi. Ông nói một đằng bà nói một nẻo, ông cho ông đúng, bà nói bà không sai. Người nào cũng có lý của người đó. 

Ví dụ họ Hồng Bàng, có người nói là họ chim hồng (chẳng nói rõ chim hồng là chim gì)? Có người nói chim hồng là Ngỗng Hồng, có kẻ lại nói là cò hạc Đế Giang; chúng ta là Việt, có kẻ giải thích Việt là Rìu, là búa, người xấu mồm cho chúng ta là dân dao búa? Có kẻ giải thích là Vượt, bỏ chạy, chúng ta là đám hèn nhát bỏ chạy? Người nói Việt là Vượt trội hẳn lên là siêu Việt. Nói về mẹ tổ Âu Cơ của chúng ta, có người nói bà là Tiên ở trên núi nên đem năm mươi con lên núi, có người nói bà là U Cò, là chim Âu nên đẻ ra bọc trứng chim nở ra trăm lang, những lang này lại làm quan (kiểu Tầu) nên gọi là quan lang. tại sao bọc trứng lại nở ra toàn con trai? Tại sao Âu Cơ và Lạc Long Quân lại phải chia tay nhau mỗi người mỗi ngả? Bao thế hệ Việt, giống như tôi, không biết tin ai, đã sống dật dờ, vô định hướng trong một dòng văn hóa Việt trôi dạt, không phương hướng. Vì không biết rõ cái gốc cội riêng của nền văn hóa của mình, nên cha ông chúng ta tôn thờ văn hóa Trung Hoa hơn người Trung Hoa Cha ông chúng ta tôn thờ văn hóa Tây phương qua thực dân Pháp hơn người Pháp. Hiện nay người Việt theo chủ nghĩa tư bản hơn người Mỹ.

Nguời Việt theo chủ nghĩa cộng sản hơn cả người Nga. Người Việt càng có học càng bị bệnh tự ti, càng cho dân Việt hèn kém, cái gì chúng ta cũng lấy của Trung Hoa, của ngoại bang.

Đây là lý do tôi đã cặm cụi đi tìm cái cốt lõi của nền văn hóa Việt. Hôm nay xin trình bầy cùng độc giả. Hy vọng đóng góp được vài ba ý kiến cùng các nhà làm văn hóa Việt. Tôi đã trình bầy cái cốt lõi này trong những tác phẩm Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt, Ca Dao Tục Ngữ, Tinh Hoa Dân Việt, Tiếng Việt Huyền Diệu và Giải Đọc Trống Đồng Âm Dương Đông Nam Á. Ở đây xin nói gọn lại bằng một câu cốt lõi của văn hóa cổ Việt là Vũ Trụ giáo, Mặt Trời giáo, Việt Dịch nòng nọc.

Vu Trụ Tạo Sinh dựa trên nòng nọc, âm dương, khởi sự từ Hư Vô rồi sinh ra Thái Cực, Luỡng Nghi, Tứ Tuợng, Tam Thế, sự Sống, Chết, Tái Sinh, Hằng Cửu. Sự sùng bái, thờ phuợng dựa trên Vũ Trụ Tạo Sinh gọi là Vũ Trụ, Vũ Trụ giáo. Tín ngưỡng này chia ra làm hai ngành: ngành nòng, âm thờ Vũ Trụ và ngành nọc, dương thờ Mặt Trời. Xã hội loài người khởi sự từ mẫu quyền nên thờ Vũ Trụ là tôn giáo nguyên khởi của con người trong đó có người Việt. Theo đà tiến hóa, xã hội chuyển qua phụ hệ, kể từ lúc này (và cho tới nay), thờ Mặt Trời (hay thờ những đấng thay thế mặt trời hay tự nhận là con trời) ngự trị. Người Việt dĩ nhiên cũng chuyển qua thờ Mặt Trời, rồi thờ các đấng thay thế mặt trời của các tôn giáo sau này. Kinh của Vũ Trụ giáo là Dịch Nòng Nọc (âm dương). 

Hãy lấy một vài ví dụ đại lược để làm sáng tỏ là cái cốt lõi của văn hóa cổ Việt là Vũ Trụ giáo, Mặt Trời giáo, Việt Dịch nòng nọc:

- Hư không, vũ trụ:

Hư không, vũ trụ nhìn dưới lăng kính tôn giáo sau này là Tạo Hóa, đấng chí tôn… được diễn tả bằng chữ nòng nọc là chữ nòng vòng tròn O. Trong dân dã thường được biểu tượng bằng quả bầu tròn (nên nhớ bầu có nhiều hình dạng, mỗi loại bầu mang một tính âm dương khác nhau).

Truyền thuyết nguyên khai chung của đại tộc Việt ngày nay còn thấy ở các tộc còn giữ được truyền thống cổ sơ cho rằng Đại Tộc Việt sinh ra từ một trái bầu, người Việt chui ra trước nên có nước da sáng hơn, các tộc khác chui ra sau nên da sậm hơn (xin mở một dấu ngoặc ở đây, truyền thống hay huyền thoại nguyên khai thấy ở các tộc còn bán khai được coi như còn trinh nguyên, nguyên thủy trong khi truyền thống, huyền thoại viết lại thời cận đại bởi các nhà nho Việt Nam đã bị sửa lại, san định (lại cho hợp với "vòng lễ giáo" của đạo giáo Trung Hoa, Phật giáo và tư tưởng thuần lý Tây phương, nhiều khi sai lệch). Bầu có nghĩa là bao, bọc mang ý nghĩa túi hư không, vũ trụ. Như thế người Việt con của Bầu Vũ Trụ, l Tiểu Vũ Trụ vì thế mới tự gọi mình là Man có nghĩa là Người. Người là con của Đại Vũ Trụ, là Tiểu Vũ Trụ.

Truyền thuyết của Mường có bọc trứng chim mang hình ảnh bọc Trứng Vũ Trụ. 

Truyền thuyết của Việt Nam là cái bọc trứng của bà Âu Cơ nở ra trăm Lang. 

Núi Tản Viên có thể mang hình quả bầu "núi thắt cổ bồng mà có thánh sinh". Núi Tản Viên của chúng ta cũng có một khuôn mặt là núi Hòn Trứng [Tản biến âm với âm Hán ngữ Đản là trứng (phì tản là trứng ngâm), với Hán Việt Đản có một nghĩa là sinh đẻ] biểu tượng cho Trứng Hư Vô, Trứng Vũ Trụ (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt). 

.Nguời Ao-Naga ở Assam, vùng cực tây địa khối Vân Nam có Ao = Âu, Naga = rồng của Ấn giáọ Ao Naga là Âu-Giao, Âu-Long, Âu-Lạc, họ có hèm (taboo) không ăn trứng vì thờ phượng Trứng Vũ Trụ. Họ là Âu-Giao, Âu-Long tức Âu Rắn, Âu Rồng thuộc dòng nòng vì thế vật tổ là nòng Trứng Vũ Trụ nên có hèm kiêng kị không ăn trứng. Chỉ các ông mo khi cầu đảo, cầu mưa mới vào rừng nhặt trứng, hút trứng, ăn xong treo vỏ lên cây để cầu mưa, cầu đảo. Họ cho rằng ăn trứng tổ tức ăn vật tổ vào người để thân xác phàm của họ hòa đồng cùng Trứng Hư Vô, Vũ Trụ, cùng với Tạo Hóa nên cầu mưa mới linh đuợc. Trường hợp này cũng giống như ông Dóng Phù Đổng thiên vương ăn cà, một thứ quả hình trứng (Anh ngữ gọi cây cà là egg-plant) biểu tượng Trứng Hư Không, là ông nuốt cả hư không, cả Trứng Vũ Trụ vào người, do đó ông trở thành ông khổng lồ, ông thần sấm dông gió, có sức mạnh như dông tố. 

Nguời Champa (Cham, Chim, Chăm) thuộc ngành Nòng âm tương ứng với tròng trong của Trứng Vũ Trụ tức Hư Không, Vũ Trụ (tròng trong chia ra làm hai phần: phần trên nhẹ là Khí, gió và phần dưới nặng là Nước) vì thế họ có hai đại tộc chính là Tộc Cau và Tộc Dừa. Cau có hình trứng có nhân đặc (dương) biểu tượng cho Hư Không, Vũ Trụ Khí, Gió (xem dưới), còn Dừa là trái hình tròn trong có nước (âm) biểu tượng cho Hư Không, Vũ Trụ Nước. Vì thuộc dòng Nòng âm nên họ theo mẫu hệ, con cái lấy họ mẹ, khi chết chôn trong chum vò (ở Sa Huỳnh và Quảng Nam mới đây khám phá ra đuợc hàng ngàn ngôi mộ người chết chôn trong các chum vò). Nguời chết để ngồi bó gối như một thai nhi ngồi trong dạ con (fetal position). Chum vò biểu tuợng nòng Hư Vô, túi không gian, tử cung của mẹ vũ trụ. Tục chôn người trong chum vò cũng tìm thấy ở nhiều di chỉ cổ Việt ở miền Bắc. Cánh Đồng Chum cũng là một di tích của tục chôn người trong chum vò này. Con người sinh ra từ bọc Hư Vô, bọc dạ con Hư Vô, khi chết đem chôn trong vò, cái dạ con của mẹ Hư Vô để trở về với Hư Vô và được tái sinh. Tương tự người cổ Việt đem mai táng tro than hay đầu người chết trong các trống đồng. Dưới một diện, trống đồng Nguyễn Xuân Quang loại VI (Heger I) có hình túi dạ con, biểu tượng cho dạ con vũ trụ (đón đọc Giải Đọc Trống Đồng Đông Nam Á). 

Vật tổ chim nông đẻ ra Trứng Vũ Trụ (nông biến âm với nang là túi bọc) (Ca Dao Tục Ngữ, Tinh Hoa Dân Việt). 

vân vân và vân vân.

- Thái Cực: 

Hư Vô, Vô Cực phân cực thành nòng nọc âm dương nhưng vẫn còn là một.

Nguồn gốc của đại tộc Việt xuất phát từ Động Đình Hồ. Nhìn dưới lăng kính nguồn cội thì hồ là cái bọc nước biểu tượng hư vô mang âm tính, là biển vũ trụ (cosmic ocean) của dòng nòng nước. Động là cái hang biểu tượng cho âm còn đình biến âm với đinh, núi nhọn đỉnh, dương. Động Đình Hồ là cái bọc trứng nước âm dương. Đại tộc Việt có gốc thuộc dòng nước, về phương diện xã hội, chúng ta vốn theo mẫu hệ. 

Âm dương Thái Cực cùng sinh ra từ Vô Cực thấy rõ qua các truyền thuyết nguyên khai của đại tộc Việt cho rằng hai con người nam nữ đầu tiên đều là anh em ruột thịt lấy nhau đẻ ra loài ngườị Truyền thuyết Mường, Đá Cần và Nàng Kịt là hai anh em ruột lấy nhau. Truyền thuyết Việt Nam kể bà Âu Cơ, con Đế Nghi là Đế Đất (theo biến âm ngh = k như nghẹt = kẹt, Nghi biến âm với Kì là núi, theo như kiểu biến âm nghi kị) vì thế mà Âu Cơ có dòng máu núi của cha, ứng với truyền thuyết cổ Việt thì Âu Cơ là con của Kì Dương Vương có một khuôn mặt là Núi Thế Gian, nên Âu Cơ dẫn con lên non về quê nội). Âu Cơ lấy Lạc Long Quân, con của Đế Lai là Đế Nước (Lai có gốc la, lã là nước, Lai liên hệ với nước như thấy qua cụm từ nước chẩy lai láng), nên Lạc Long Quân dắt con xuống biển về với họ nội). Đế Lai là em ruột của Đế Nghi. Vì thế Âu Cơ và Lạc Long Quân là anh em chú bác ruột, có cùng một dòng máu mà lấy nhau (các nhà nho đã sửa lại để tránh loạn luân cho hợp với đạo giáo Trung Hoa và coi như Phương Bắc và Phương Nam là anh em). Thật sự thì Âu Cơ có mạng non là con của Kì Dương Vương theo dòng máu núi Kì tức Núi Thế Gian, Lửa-đất của cha. Còn Lạc Long Quân có mạng là nước cũng là con của Kì Dương và bà Long Nữ có mạng khảm, Nước. Lạc Long Quân mang dòng máu mang tính chủ Nước của mẹ trong khi Âu Cơ mang dòng máu mang tính chủ Núi của cha. Âu Cơ và Lạc Long Quân là hai anh em ruột mà lấy nhau. Âu Cơ mang dòng máu Li có một khuôn mặt là Núi Kì của cha và Lạc Long Quân mang dòng máu Khảm, Nước của mẹ. Âu Cơ và Lạc Long Quân của chúng ta quả thật là một chuyện Li Kì, tuyệt vời. Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Ai Cập cổ thì Lạc Long Quân tương đương với Osiris và Âu Cơ với Isis. Osiris và Isis cũng là anh chị em ruột.

- Lưỡng Nghi:

Lưỡng nghi là hai cực nòng nọc, âm dương đã tách rời ra. Nguồn gốc của đại tộc Việt dựa trên lưỡng hợp âm dương, nhị nguyên nền tảng của vũ trụ luận, của Dịch.

Xã hội con người ứng với vũ trụ giáo gồm hai ngành là nòng âm và nọc dương. Xã hội cổ Việt Nam theo Vũ Trụ giáo còn thấy rất rõ qua "địa khai ngôn ngữ". Người cổ Việt sống thành từng đàn, từng bầy mà ngày nay chúng ta gọi là xã hội. Ngôn ngữ Việt Nam ngày nay còn thấy hai từ địa khai "đàn ông" và "đàn bà", tức nói theo ngôn ngữ ngày nay là "xã hội ông" và "xã hội bà" hay xã hội nòng (âm, mẹ, ngoại, mẫu quyền) và xã hội nọc (dương, cha, nội, phụ quyền).

Truyền thuyết bọc trứng nở ra trăm Lang. Năm mươi người theo mẹ lên non (dương nữ) là ngành lửa âm và năm mươi người theo cha xuống biển (âm nam) là ngành nước dương. 

Theo truyền thuyết chúng ta thuộc dòng giống Hồng Bàng tức là Họ Đỏ, Họ Tỏ, Họ Mặt Trời. Họ Mặt Trời Hồng Bàng gồm có hai ngành Nòng Nọc, có vua tổ Hùng Vương là Vua Mặt Trời (cần phân biệt với vua Hùng Vương ở đời cháu chắt, con của Lạc Long Quân, tôi gọi là Hùng Lang) (xem dưới). Ngành Nọc là ngành mặt trời mang nọc tính, dương tính, Hùng tính, chói chang, hừng rạng tức là ngành Hùng Dương (Mặt trời hừng hực, sáng chói chang), có vua thái tổ là Kinh Dương Vương. Ngành Nòng là ngành mặt trời mang nòng tính, âm tính, An tính, êm dịu tức là ngành An Dương (Mặt Trời Dịu Êm). 

Cổ sử cũng cho thấy tộc Việt có ít nhất hai ngành Lạc và Âu, đã có thời kết hợp lại thành Âu-Lạc. Lạc thuộc ngành nòng Hùng Dương mặt trời hừng rạng và Âu thuộc nòng An Dương mặt trời dịu êm. 

Truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh mang tính lưỡng thể, nhị nguyên… 

Tế thực bánh dầy bánh chưng thường được hiểu là trời đất mang tính lưỡng thể, nhị nguyên… 

Vật tổ chim nông, chim cắt biểu tượng lưỡng thể nòng nọc. 

vân vân và vân vân.

- Tứ Tượng:

Tục ăn trầu: Miếng trầu của chúng ta mang trọn nghĩa Vũ Trụ giáọ, trong đó cau tiếng cổ Việt Mường là nang (mo nang = mo cau), Mã ngữ pinang là cau (đảo Pinang hay Pénang là đảo Cau). Nang có một nghĩa là cái trứng, cái bọc biểu tượng hư không, khí, gió. Cau hình trứng (dạng nam hóa của vòng tròn âm) và có hột đặc mang dương tính (đặc là đực, tre đặc = tre đực). Vòng tròn có chấm đực chính là chữ nòng nọc “vòng tròn có chấm“, có một nghĩa là Hư Không, Vũ Trụ dương, biểu tượng cho khí, gió. Lang là dạng nam hóa của Nang. Hán Việt binh lang là cau. Cao Lang chết biến thành cây cau. Có nhiều tác giả đã hiểu sai các nhân vật trong truyện Trầu Cau như trong bài hát Truyện Trầu Cau của Phan Hùynh Điểu cho rằng Tân Lang chết hóa thành tảng đá là sai. Tân Lang chết phải biến thành cây cau mới đúng vì Hùng Việt Lang là Cau. Lang là dạng nam nghĩa của Mường ngữ nang là cau (Tiếng Việt Huyền Diệu). 

Theo thuần âm, lá trầu có một nghĩa là "lá đỏ" vì nước trầu mầu đỏ; trầu, chầu biến âm với châu là đỏ (Phạn ngữ, Ấn ngữ pan là trầu ruột thịt với ban là đỏ như lên ban = lên sởi) biểu tượng cho nữ, nước, vì thế trong truyện tích người con gái chết biến thành dây trầu mới có tên là Liên, hoa sen, một loài hoa mọc dưới nước. Tiếng cổ Việt sen có nghĩa là nước. Con sen là con hầu lo việc nước nôi. Vôi là đá biểu tượng cho đá, đất. Cao Tân chết biến thành hòn đá (hàm nghĩa đá vôi). Tân có gốc Tâ- là Tá, Đá. Và miếng vỏ chay hình que, nọc biểu tượng cho lửa. Chay biến âm với cháy liên hệ với lửa. Với h câm chay là cay, vị nóng bỏng, Anh ngữ cũng gọi cay là "hot" (nóng cháy). Bốn yếu tố chính của miếng trầu là cau - khí gió, trầu -nước, vôi - đá đất và chay - lửa ứng với Tứ Tượng. 

Truyền thuyết bốn vị vua tổ Hùng Vương gồm Chàng Lửa Đế Minh, Chàng Núi dương Kì Dương Vương, Chàng Nước Lạc Long Quân và Chàng Gió Hùng Lang. 

Chúng ta có bốn Vua Hùng Mặt Trời ứng với Tứ Tượng và chúng ta cũng có bốn vùng đất gọi là bốn châu: Châu Dương ứng với Đế Minh - Ánh Sáng, Lửa mặt trời; Châu Kì ứng với Kì Dương Vương -Mặt Trời Đất Núi Trụ Thế Gian; Châu Hoan ứng với Lạc Long Quân - Mặt Trời Nước (Hoan, Oan, Oa có nghĩa là nước, liên hệ với nước như oan ương là chim nước le le, oa có một nghĩa là con ốc, con ếch, biểu tượng cho nước; Sumerian ngữ Hoanes hay Oanes là Người ở sông nước, sống dưới thuyền, long nhân, long hộ) và Châu Phong ứng với Hùng Lang - Mặt Trời Gió, Hư Không, Vũ Trụ. Hiển nhiên bốn châu này mang tên Tứ Tượng. 

Tứ bất tử: Phù Đổng thiên vương là vị Thần hay vị anh hùng văn hóa có cốt là sấm dông gió, gió lửa (Phù là gió nổi); Chử Đồng Tử là "Cậu Bé ven sông" là khuôn mặt nam của dòng nước; nước dương; Liễu Hạnh công chúa, còn gọi là Địa Mẫu, Mẹ Đất là đất âm và Tản Viên có một khuôn mặt là Sơn Tinh, Kỳ Mang (Thú đực có sừng) biểu tượng cho nổng, núi lửa, lửa thế gian.

Vật tổ chim: qua bài đồng dao Bổ Nông là ông Bổ Cắt thì chim di biểu tượng lửa, chim sáo sậu hay sáo đá biểu tượng đá đất, sáo đen biểu tượng nước và tu hú biểu tượng gió ứng với Tứ Tượng (Ca Dao Tục Ngữ, Tinh Hoa Dân Việt). 

vân vân và vân vân… 

- Cây Vũ Trụ, Cây Đời:

Âm Dương, Tứ Tượng vận hành, giao hòa sinh ra Tam Thế, Vũ Trụ được biểu tượng bằng một cây gọi là Cây Vũ Trụ, Cây Đời.

Theo truyền thuyết Mường Việt người đàn bà đầu tiên của nhân loại là Dạ Dần đẻ ra từ một cây si, thuộc họ nhà cây đa, tức một loại cây thiêng biểu tượng cho Cây Đời, Cây Vũ Trụ trong Vũ Trụ giáo. Người Thái ở Nghệ An cũng có truyền thuyết cây đa là Cây Vũ Trụ. Người Mường cũng có cây chu đồng, truyền thuyết Việt Nam có cây chiên đàn mang hình bóng Cây Đời, Trục Vũ Trụ. Gần đây chúng ta còn thờ cây đa. Cây đa là cây thiêng, cây thờ, Cây Đời, Cây Vũ Trụ nên trồng bên đình, chùa, miếu, đền (Ca Dao Tục Ngữ, Tinh Hoa Dân Việt). 

Núi Tản Viên cũng được nhìn như một cái lọng nên cho là có hình tán, hình lọng. Ô, dù, lọng cũng được coi là biểu tượng của Cây Đời, Cây Vũ Trụ. Vòm nóc ô, dù biểu tượng cho vòm không gian, vũ trụ, vòm trời ứng với Cõi Trên; cán dù thẳng đứng biểu tượng cho Núi Trụ Thế Gian ứng với Cõi Giữa và đuôi ô, dù uốn cong hình chữ U là chữ viết nòng nọc nó có một nghĩa là nước chuyển động ứng với Cõi Dưới, Cõi Âm. Điểm này thấy rõ nhất là người Ngaju, một tộc Dayak có cây dù payong biểu tượng cho Cây Đời, Cây Tam thế (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt). 

Chiếc bàn thờ hồn lúa (autel à l’âme du riz, J. Cuisinier, Les Muờng, tr. 207) của người Mường hiện nay cũng mang hình ảnh Cây Đời, Cây Vũ Trụ. Nóc hình cái nón lá là vòm trời, Cõi Trên; sàn hình vuông, Cõi Giữa, cõi đất; gầm sàn là Cõi Dưới; thân trụ tròn là Núi Trụ Thế Gian, Trục Thế Giới. 

vân vân và vân vân.

- Tam Thế: Ba Cõi

Nguời Mường cũng quan niệm vũ trụ chia ra làm Ba Cõi gọi là Ba Mường: (Mường Then) (Mường Trên), Mường Bưa (Mường Giữa) và Mường Khú (Mường Nuớc), họ có bàn thờ Tam Phủ tức Tam Thế, Ba Cõi mà J. Cuisinier trong quyển Les Muờng đã mô tả cái "Bàn thờ ba chân cúng vua Tam phủ, vua ba cõi…" (Le trépied, fig. 72,5, est offert à Bua Tam phủ, le roi des trois mondes…).

Bên trong vài nhà đình cổ Việt Nam có gác lửng thờ Cõi Trên, lòng đình là Cõi Giữa và sàn lõm hình thuyền biểu tượng cõi nước, Cõi Dưới hoặc đình làm theo kiểu nhà sàn như đình Đình Bảng cũng mang biểu tượng Tam Thế. 

Truyền thuyết Việt Nam chúng ta cũng có ba vị vua mặt trời họ Hồng Bàng thế gian ứng với ba cõi: Kinh Dương Vương hay Kì Dương Vương nói theo từ thuần Việt là Chàng Kẻ, Chàng Nổng (Núi Nọc, Núi Kì). Kì Dương Vương, vua Kì (Đất) vua Kẻ (nống, núi nọc), có thú biểu là Lộc Tục, Con Hươu Nọc. Hươu là biểu tượng cho dương trần, cõi giữạ Hán ngữ "lộc" có chữ "trần" là "bụi". Lạc Long Quân, Chàng Nước là vua Cõi Nước, có khuôn mặt Cõi Dưới, cõi âm là Long Vương, có thủy phủ ở Vịnh Hạ Long và vua Hùng, sinh ra từ bọc trứng của Âu Cơ, tôi gọi là Hùng Lang. Lang là dạng dương của Nang, Nông (khí gió) ứng với Cõi Trên (xem dưới). 

Núi Tản Viên còn có tên là núi Ba Vì ứng với Ba Vị vua Hùng thế gian và rõ nhất là núi Tản Viên còn gọi là núi Tam Từng biểu tuợng Tam thế…. 

Chùa Một Cột cũng biểu tượng Cây Vũ Trụ và Tam Thế. 

Lăng Hùng Vương thứ sáu mang biểu tượng Tam thế. 

Truyện Trầu Cau nếu nhìn dưới lăng kính Tam Thế thì Cao Lang-Cau biểu tượng cho Cõi Trên, bọc hư không, vũ trụ, Cao Tân-Đá biểu tượng cho Cõi Giữa, Cõi Đất trần gian và nàng Liên-Nước biểu tượng cho Cõi Nước, Cõi Dưới, Cõi Âm (Ca Dao Tục Ngữ Tinh Hoa Dân Tộc). 

vân vân và vân vân… 

- Trục Thế Giới, Trụ Chống Trời:

Trụ Chống Trời thường được hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là núi Trụ Thế Gian, núi Chống Trời, núi Vũ Trụ. Nghĩa thứ hai là bên trong Trụ Chống Trời có Trục Thế Giới (axis mundi) thông thương Ba Cõi. Chúng ta có những ngọn núi Kình Thiên Trụ (Trụ Chống Trời), Không Lộ, Thạch Môn ở Sơn Tây.

Ca Dao cũng nói tới ông Trụ Trời:
Nhất, ông đếm cát,
Nhì, ông tát bể, 
Ba, ông kể sao, 
Bốn, ông đào sông, 
Năm, ông trồng cây, 
Sáu, ông xây rú, 
Bẩy, ông trụ trời. 
. . . . . . 

Kinh Dương Vương hay Kì Dương Vương Núi Kì, Núi Nọc là Núi Trụ Chống Trời, Núi Trụ Thế Gian, bên trong có Trục Thế Giới thông thương Ba Cõi vì thế truyền thuyết mới chép rằng " Kinh Dương Vương có nhiều phép lạ có thể đi lại trên trời và dưới nước được”. Cũng vì "có tài đi dưới thủy phủ" nên Kinh Dương Vương xuống cõi nước lấy Thần Long (Lĩnh Nam chích quái, tr. 21). 

Như đã nói cây chu đồng của Mường, cây chiên đàn của Việt Nam cũng mang hình ảnh Trụ Chống Trời, Trục Thế Giới. Kinh Dương Vương vì có bản thể Trụ Chống Trời, Trục Thế Giới nên diệt được Mộc Tinh sống ở cây chiên đàn. 

vân vân và vân vân… 

- Dịch lý:

Bốn tổ mẫu và bốn tổ phụ của chúng ta ứng với bát quái của Dịch. Nếu ta dùng Dịch nòng nọc, âm dương đề huề còn thấy trên lá bùa trừ tà dùng trong dân gian Việt Nam (khác với Chu Dịch của Trung Hoa là Dịch theo duy dương hay dương Dịch) thì Chàng (I) Lửa (II) Vũ Trụ Đế Minh ứng với Càn (III) có vợ là Nàng (O) Nước (OO) không gian, vịt trời Le Le Vụ Tiên, ứng với Khôn (OOO); Chàng (I) Nổng (OI) Kì Dương Vương ứng với Li (IOI), có một khuôn mặt là Núi dương (núi lửa), lửa thế gian, Núi Kì (Li biến âm với Kì theo biến âm kiểu li kì) có vợ là Nàng (O) Gió (IO) Long Nữ ứng với Khảm (IOI); Chàng (I) Nước (OO) Lạc Long Quân ứng với Chấn (IOO), có một khuôn mặt là Thần Biển, có lần hiện ra dưới hình bóng Rùa Vàng Kim Qui (nên đem năm mươi con xuống biển) có vợ là Nàng (O) Đất (OI) âm Âu Cơ ứng với Cấn (OOI) có một khuôn mặt là non (vì vậy nên truyền thuyết mới nói năm mươi Lang theo mẹ lên núi) và Chàng (I) Gió (IO) Hùng Lang ứng với Đoài (IIO) (theo Dịch nòng nọc vũ trụ tạo sinh, ở cõi vũ trụ Đoài là cái bọc (O) lửa, thái dương (II), bọc dương là Hư Không, Khí, Gió dương (mang khuôn mặt của Mặt Trời-Hư Không, Vũ Trụ, một khuôn mặt của Viêm Đế), còn theo Dịch Trung Hoa chỉ hiểu theo duy tục tức cõi thế gian là bọc dương thế gian tức bọc nước ấm, tức ao đầm) có vợ là Nàng (O) Lửa (II) ứng với Tốn (OII), gió âm.

Truyện Thần Táo hai ông một bà là dựa vào quẻ Li IOI gồm có hai hào dương hai nọc II, là hai ông và một hào âm O ở giữa là bà Táo (Ca Dao Tục Ngữ Tinh Hoa Dân Việt). 

Những ngày giỗ Tổ, Thần, Thánh… của Việt Nam phần lớn đều dựa vào các con số theo Dịch (Ca Dao Tục Ngữ Tinh Hoa Dân Việt). 

vân vân và vân vân… 

- Vũ Trụ luận:

Tôi đã viết rất rõ và rất nhiều trong hai tác phẩm Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt và Ca Dao Tục Ngữ, Tinh Hoa Dân Việt, Việt Dịch Bầu Cua Cọc, ở đây chỉ xin kể ra vài ba ví dụ mà thôi:

Bài đồng dao "Bổ nông là ông bổ cắt" mang trọn ý nghĩa vũ trụ luận. 

Ngôi đình làng mang trọn vẹn ý nghĩa vũ trụ luận. 

Miếng trầu cau cũng mang trọn vẹn ý nghĩa vũ trụ luận. 

vân vân và vân vân…. 

Còn nói về Đạo Mặt Trời thì dấu tích thờ phượng mặt trời từ thời thượng cổ còn thấy qua những hình khắc vẽ trên đá ở Mường Hoa với hình mặt trời, hình người có hình mặt trời xoắn ốc mang nghĩa sinh tạo ở giữa hai chân. Những hình khắc trên vách đá ở Hoa Sơn, Quảng Tây, tức địa bàn cũ của Bách Việt cũng diễn tả cảnh thờ phượng mặt trời. Truyền thuyết cũng đã xác nhận Đế Minh là cháu ba đời Thần Mặt Trời Viêm Đế. Các vua Hùng của chúng ta là dòng dõi mặt trời, là các VUA MẶT TRỜI. Theo truyền thuyết chúng ta thuộc Hồng Bàng có một khuôn mặt là Họ Đỏ, Họ Tỏ, Họ Mặt Trời. Chúng ta là Xích Quỉ tức Kẻ Đỏ, Kẻ Tỏ, Kẻ Mặt Trời, Người Mặt Trời; chúng ta là Man, Mán, Mường có nghĩa là Người. Người là Ngời, là Tỏ, là Đỏ là mặt trờị. Âu Cơ có một khuôn mặt là Thái Dương. Thần Nữ của chúng ta (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt). Cái nón thúng cổ truyền của phụ nữ Việt là cái nón mặt trời, J. Cuisinier trong Les Mường cũng gọi cái nón này là "le chapeau de soleil". Người Ao-Naga thuộc dòng Âu-Long cũng có loại nón mặt trời này. Cái bánh dầy (đi với bánh chưng) theo duy âm là vòng hư không, vũ trụ, theo duy dương là mặt trời dòng nòng âm có hình đĩa tròn không có tia sáng (giống như hình mặt trời trên lá cờ Nhật, con cháu của Thái Dương Thần Nữ Amaterasu). Điểm này thấy rất rõ qua sự kiện ở nhiều nơi ở miền Bắc, bánh dầy được nhuộm thành mầu hồng (mầu mặt trời tinh mơ của Âu Cơ) hay tím hồng (mầu mặt trời âm, mầu “quân“, mồng quân của Mặt Trời Hoàng Hôn Lạc Long QUÂN) (ta thường nói chiều tím). Mâm sôi gấc là hình ảnh mặt trời hừng rạng. Cái bánh đa cũng là hình ảnh của mặt trời nóng bỏng đang sôi sùng sục. Đây là hai thứ tế thực thờ mặt trời mà ngày nay ít ai biết. Món tiết canh ăn “máu sống” là chứng tích tế máu mặt trời, là tục “phanh thây uống máu quân thù” giống như một vài tộc săn đầu người ở Nam Dương, giống như nguời Mặt Trời Aztec tế máu thờ mặt trời. Người Aztec là một thứ Lạc Việt ở Trung Mỹ (nên nhớ họ từ Á Châu qua) (Tiếng Việt Huyền Diệu). 

Còn rất nhiều nữa mà tôi đã viết trong hai tác phẩm đã xuất bản là Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt và Tục Ngữ Ca Dao, Tinh Hoa Dân Việt. Chứng tích hùng hồn nhất, cụ thể nhất, kiên cố nhất của sự thờ phượng mặt trời của người cổ Việt còn ghi khắc rõ qua hình mặt trời trên trống đồng mà tôi may mắn đã giải đọc được các chữ nòng nọc viết trên trống đồng, xin xem tác phẩm Giải Đọc Trống Đồng Âm Dương Đông Nam Á. 

Như thế rõ như dưới ánh sáng mặt trời cái cốt lõi của văn hóa Việt là Vũ Trụ giáo, Mặt Trời giáo, Việt Dịch nòng nọc. Muốn thấu hiểu văn hóa Việt ta phải dựa vào cái cốt lõi này. 

Cần lưu tâm là có nhiều loại Dịch, chúng ta có một loại Dịch riêng biệt mang sắc thái Việt là Việt Dịch nòng nọc có một dạng dân gian là Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc (xin xem Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc). Vì thế không thể dùng Dịch Trung Hoa mà giải thích văn hóa Việt một cách máy móc. Dĩ nhiên có một số truyền thuyết và những nét văn hóa muộn bị ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa do các nho sĩ diễn đạt nghiêng nhiều theo dương Dịch Trung Hoa. Khi nghiên cứu cổ sử, văn hóa Việt ta phải đối chiếu với tất cả các loại Dịch kể cả Dịch Trung Hoa để tìm ra một giải đáp thích đáng. Những nét văn hóa, truyền thuyết dựa vào Dịch Trung Hoa là những bồi đắp, những lớp áo muộn sau này của Đạo giáo Trung Hoa phủ lên trên cái cốt lõi Việt dựa trên Việt Dịch nòng. Từ trước đến nay, mỗi nhà làm văn hóa diễn dịch theo một nghĩa của một loại Dịch nên cãi nhau chí chóe như chuyện thầy bói sờ voi là vì vậy… Người nào cũng đúng cả. Đúng ở chỗ đứng, ở cái góc cạnh lần mò, sờ mó của những anh thầy bói mù sờ voi. Xin hãy đeo cặp kính Dịch lý vào mắt mà nhìn văn hóa Việt, hãy nhìn theo cái nhìn tổng thể để nhìn thấy cả con-voi-văn-hóa Việt dưới lăng kính của Vũ Trụ giáo, Mặt Trời giáo và Việt Dịch nòng nọc. Đã đến lúc chúng ta phải tẩy trừ đi những trò xiếc văn hóa, phù thủy văn hóa.

Nguyễn Xuân Quang 
Nguồn: anviettoancau.net

1 nhận xét:

Đọc sách Văn học Việt Nam nói...

Ngày nay, chúng ta có rất nhiều thể loại văn học mới, tuy nhiên vẫn thuộc nền văn học Việt Nam vô cùng rộng lớn và đa dạng. Các tác phẩm văn học Việt Nam từ xưa tới nay, từ phổ biến đến quý hiếm đều được Docsach24.com sưu tầm lại và gửi tới quý bạn đọc tại trang web này. Hãy đọc sách để hiểu thêm văn hóa Việt Nam.