Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

TRỐNG ĐỒNG

 Tổng quát
“ Trống Ðồng là một lâu đài Văn hóa chung cho các nước Ðông Á và Ðông Nam Á, mà Việt Nam có duyên may là nơi ký thác, nên cũng có sứ mạng tìm hiểu và truyền bá cái Minh triết tàng ẩn trong di vật nọ. Các nhà nghiên cứu chia trống ra làm 4 loại.
Loại I tiêu biểu hơn hết : các hình người vật còn hiện thực chưa bị kiểu thức hóa như các loại sau . Loại I tìm được nhiều nhất ở Việt Nam hơn 100 chiếc, Tàu mà cũng chỉ có 30, Thái 10, Lào 4, Mã Lai 2 .


Cái đẹp nhất gọi là Ngọc Lũ được dùng để phân tích trong bài này, xuất hiện ước đoán vào đầu thiên niên kỷ trước Tây lịch . Trống cao 63 cm, mặt rộng 79 cm, tang rộng 85 cm. 
II. Mặt trống
Ở giữa là mặt Trời được bao quanh bằng: Mặt Trời là vòng A. 14 Tam giác gốc, hãy gọi là vòng B. Rồi tới vòng C có hình người đang ca vũ chia ra làm 2 nửa như nhau, nhưng trên mái nhà thì một bên có 2 chim đậu, bên kia 1 con. Vòng D cũng chia đôi, mỗi bên có 10 Hươu, nhưng Chim thì bên 3 cặp bên 4 cặp . Vòng ngoài cũng gồm 36 chim : 18 con nhỏ đứng xen kẻ 18 con lớn .
III. Tang trống
Chia làm 3 phần : Tang, thân, chân. Tang có 6 hình Thuyền, trên có Người. Thân có hình Người đang ca múa .Chân không có trang hoàng . Ðây là một biểu hiệu kép tàng chứa toàn bộ nền Minh triết Việt Nho, sẽ được trình bày tóm tắt qua 5 cái nhìn sau:
IV. Năm cái nhìn
1.- Cái nhìn Lên Sổ
Liệt kê các yếu tố liên hệ đến triết Việt :
a.- Yếu tố Vầng nhật
Vầng nhật ngự giữa mặt trống và có trên mọi loại trống. Ðây là ấn tích thời thờ Thái Dương Thần nữ, được suy tôn là nguồn mạch mọi sự sống, nên đi với đạo “ Phong nhiêu “, có làm “ nghi lễ truyền sinh “, để được tham dự vào luồng Phong nhiêu vũ trụ do mặt Trời ban phát. Vì thế ta thấy có 4 đối tượng nổi đang làm tình trên nắp thạp Ðào Thịnh . Những tượng này sau được biến thể ra những tam giác gốc. Ban đầu người ta không hiểu, tưởng là lông Công, kỳ thực là sự giao hợp Âm Dương vật, mà truyền thuyết kể rằng khi ông Ðại Vũ đào sâu xuống sông thì gặp hai ông bà Phục Hi, Nữ Oa đang ôm nhau . Cũng thuộc thời này là tên huyền sử Viêm Bang. Chữ Viêm ( 炎) kép bởi 2 căn hỏa chỉ mặt Trời lúc cao độ ( mồng 5 tháng 5 ) . Vua gọi là Viêm đế ( Thần Nông ), dân gọi là Viêm Việt hoặc Viêm tộc, nhà Phật dịch là Nhật chủng, nay có sách gọi là Ðại chủng Xích đạo . Cũng vì thời này nước Việt chọn sắc đỏ và quẻ Li . Kinh Dịch nói “ Li vi nhật “ : quẻ Li chỉ mặt trời.
b.-Yếu tố Tiên Rồng
Tiên được biểu thị bằng Chim. Có đủ loại Chim và ở cùng khắp trên mặt Trống, chim To chim Nhỏ, chim Đứng chim Bay, Người cũng hóa trang Chim Nhà thuyền, đồ vật đều hóa trang Chim hết, cho nên phải nói là yếu tố nổi bật và chói chang là Chim, mặt Trời là yếu tố Trung ương, còn yếu tố bao trùm là Chim tức nói lên nét nổi của mẹ Tiên ( Chim ) của Trống. Rồng được biểu thị bằng những thuyền Rồng tạc ở dưới tang Trống. Thuyền đã biến thể ra Rồng đang cong lưng, há miệng để đón cái hôn sâu thẳm tới cổ họng của Tiên chim để sinh ra 100 con đang đứng lô nhô trên lưng cha Rồng . Kinh Hùng nói 50 con theo cha xuống bể, ở đây cho xuống tang trống, nên yếu tố Rồng không nổi bật trên mặt như yếu tố mẹ Tiên.
c.-Yếu tố Tả nhậm
Tả nhậm đây là tiến ngược kim đồng hồ. Ðó là thời của cổ Việt, khi còn gọi là Di . “ Tứ Di tả nhậm “ ( Kinh Thư 56 11 ). Ðây là dấu phân biệt Di Việt với người Tàu, người Tàu trọng hữu ( Hữu nhậm ), Di Việt trọng Tả. Tục này nhắc lại thời tổ tiên Việt còn thờ mặt Trời, nên các con Trĩ tiến theo hướng mặt Trời mọc, sách xưa gọi là “ Tùy dương Việt Trĩ “ : con Trĩ của việt tộc đi theo hướng mặt Trời, hoặc câu “ Phượng minh triêu dương “, con Phượng ( tên khác của chim Trĩ ), đang hót chào mặt trời buổi mai. Vì Trĩ cũng là Tước và gắn liền với mặt Trời, nên sau có tên là chu Tước : con Tước đỏ .
d.- Yếu tố Nông nghiệp
Ðược biểu thị bằng 4 cái cối, mỗi bên nửa mặt Trống, với 4 người đang giã gạo chày đứng. Ðây là lối giã gạo tiêu biểu cho việc truyền sinh hơn hết, nên các nhà nghiên cứu suy đoán rằng Trống đã được khởi hứng từ lối giã gạo chày đứng này: cái cối biến ra cái trống, còn chày giã gạo thì là dùi trống luôn. Nên có lối đánh trống y như giã gạo . Ðây là tiêu biểu cho nông nghiệp thuộc văn hóa của Thần Nông, và con cháu là Li Vưu, đối ngược với văn minh du mục của Hoàng Ðế.
e.-Yếu tố Ca vũ
Vũ lan tràn 3 cõi: Trời, Ðất, Người, nói lên lối sống phong lưu, thanh thản như Cá ( Rồng ) lượn Chim bay, coi như hậu quả của nông nghiệp, ngược với chiến tranh sản phẩm của Du mục. Vậy những đoàn người đang ca múa là đoàn vũ công, chứ không phải đoàn quân ra trận. Cần lưu ý yếu tố Vũ có đeo lông Chim này vì có gặp cùng khắp trong các lối vũ xưa từ trường Bích Ung đến các bản vũ như Hàm trì . . . đặng dễ nhận diện dòng tộc văn hóa .
2.- Cái nhìn Cơ cấu
Là cái nhìn để tìm ra ý nghĩa ẩn tàng trong sự xếp đặt các yếu tố vừa liệt kê trên . Có 2 lối xếp đặt: 1 Ngang, 1 Dọc . Lối nào cũng nói lên sự hòa hợp. Lối ngang nói lên Lưỡng hợp tính được bày tỏ trong sự đối đáp giữa Đực Cái ( hươu Đực, hươu Cái ), chim To chim Nhỏ, con Bay con Đứng, số Chẵn số Lẻ . . . và nhất là hai đường chỉ chạy song song, mà tôi gọi là nét Song trùng ( dual unit ) . Ðây là sự xếp đặt hàng Ngang có thể gọi là thuộc cõi Người ta, nói lên số 2 cách tràn ngập. Còn hàng dọc nói lên số 3 chỉ Thái hòa tức là cái Hòa bao la như vũ trụ gồm cả : Trời, Ðất, Người: Trời đại diện do mặt Trời ngự giữa mặt trống. Ðất đại diện do nước với Rồng ở Tang trống, cũng như do 2 vòng Ngoài cùng trên mặt trống, 1 vòng gồm Hươu và Chim, còn 1 vòng toàn Chim những 36 con lận.
Người ở 2 vòng B, C : Vòng C là các Người đang ca múa, ta hãy cho đó là những con người Tiểu Ngã. Còn Ðại Ngã là những hình tam giác gốc đặt chung quanh mặt Trời . Hình tam giác số 3 ( tam ) bao hàm số 3 bên trong làm nên số 5 là thập tự nhai, chỉ con người Ðại Ngã được bồng trong tay Nữ Oa Thái Mẫu . . Ðó gọi là Thái hòa, do đấy Trống đáng tên là “ nhạc cụ của vũ trụ “ và được dùng để biểu thị Ðức Thái hòa trung ương. Với cái nhìn Cơ cấu này:
Mặt Nhật không còn là mặt nhật nữa, mà đã hóa ra mặt Trời, nghĩa là thay mặt cho Trời. Vì đạo Trống là đạo thờ Trời, chứ không còn trong giai đoạn thờ mặt Nhật ( Thái dương Thần nữ ). Lúc đó mặt nhật đối đáp với mặt Trăng ( chỉ bằng 2 tuần trăng là 14 cánh ) và đi với chim trĩ cũng gọi là chu tước. Thờ mặt Nhật cũng có thể gọi là Thái hòa nhưng chưa bao la được như đợt thờ Trời. Thờ Trời là thờ cả Trời, Ðất, Người. Còn thờ mặt Nhật mà đối đáp là mặt Trăng, thì chưa bao gồm Ðất và Người . Ở giai đoạn thờ mặt nhật các chim mới là duy dương như con Trĩ, con Tất phương đều gọi là “ dương Địch hay thiên Địch “ . Sang giai đoạn thờ Trời thì các chim đều là chim Nước tức bao hàm nét Song trùng trong mình ( Lưỡng thê ) : bay trên trời mà lại ăn dưới nước. Các chim nước này gồm nhiều loại như : Hồng, Hạc, Vụ, Cò . . . , nổi nhất là Hồng Hộc cũng gọi là Thiên nga là vật biểu của họ Hồng Bàng lập ra nước Hoàng Việt. Ðấy cũng là thêm một du hiệu chỉ trỏ nước Việt có đủ điều kiện để trở nên kẻ kế thừa cái gia bảo thiêng liêng là nền triết Việt Nho. Ðạo thờ Trời được kết tinh vào 2 chữ “ Thuận Thiên “, tức là thuận theo mệnh Trời : những con Chim ở vòng Ngoài cũng chính là đang diễn tả cái đạo “ thuận Thiên “ tức theo hướng mặt Trời mọc, gọi là “ Phượng minh triêu dương “ . Tất cả 36 con là để biểu lộ 4 chiếc hoa qùy 9 cánh ( 4 . 9 = 36 ) . Gọi là hoa Qùy mà không hoa khác là tại tính hướng Dương của nó. Ca dao có câu : Hoa qùy chăm chắm hướng về Thái dương.
3.- Cái nhìn thấm thấu
Là cái nhìn để tìm ra căn do gây nên được cảnh Thái hòa vừa tả trên. Hỏi đâu là lý do ? Thưa rằng bí quyết nằm ngay trong tên của di vật gọi là cái Trống. Trống là tên chỉ sự hòa hợp ở đợt cùng tột có thể Có, tức là hòa Có với Không. Nói ở cùng tột cũng là nói siêu hình ở đợt cao nhất. Bên dưới là đợt Nhất với Ða, Ðộng với Tĩnh, trên cùng là Có với Không . Ðây là vấn đề siêu hình cùng tột, ít có nền siêu hình đạt tới. Vì nó là vấn đề kép: trước hết phải là Vô, sau phải là Vô thứ thật gọi là Chân Không, chứ không là cái Vô bị hạn chế, bị hạn chế bởi cái Hữu, nhưng phải là cái Vô kiêm được cả Hữu, vì nếu không kiêm được Hữu thì cái Vô đó có cùng: nó bị giới hạn do chính cái Hữu mà nó không bao được đó, nên là duy Vô, mà hễ đã là duy Vô thì tất bị hạn chế y như duy Hữu . Hữu chân thực phải kiêm được Vô, Vô chân thực phải kiêm được Hữu. Ðó là trạng thái hàm hồ cùng kỳ cực, vì không thể nói là Có ( hữu ) cũng không thể nói là Không ( vô ), mà phải gọi là Trống viết hoa. Ta quen đi rồi không ngờ rằng chữ Trống bao gồm cả Có lẫn Không. Thí dụ phải có cái Hang, mới có cái Hang trống Không, phải có cái Nhà mới có cái Nhà trống Không. Phải có cái Trống mới có cái Trống Không, và xin nói ngay rằng đó là nền tảng của Minh triết Việt bao giờ cũng có cái gì Trống kèm theo. Thí dụ cái nôi văn hóa Việt là Ðộng Ðình Hồ, thì chữ Ðộng là cái Hang Trống .
Lão nói “ Cốc thành bất tử “ là đấy và đấy là chữ Không đi với trầu Không cũng là nó. Vì nó chỉ thị đạo Vợ Chồng, mà để đáng tên là Ðạo thì phải có Không đi kèm thành ra Trầu Không. Chính chữ Không đem lại cho Trầu chiều kích cao cả . Vì thế Trống phải để một đầu trống tức là không bịt kín để cho có sự giao thông giữa Trời Ðất . Bởi vậy lối đánh Trống có ý nghĩa hơn hết còn giữ được trên Mường là treo Trống trên 4 cái cọc, cách mặt đất 20 phân, liền dưới đào một lỗ tròn sâu 30 phân, để chỉ Trời Ðất giao thoa: Trời chỉ bằng 30 phân đâm xuống lỗ sâu, Ðất chỉ bằng 20 phân lại vươn lên sát chân Trống, Kỹ lượng như vậy vì đây vì đây là cảnh Thái hòa tức cảnh hòa bao trùm, mà văn hóa nào đạt được thì sẽ tránh được bao sự nghiêng lệch gây ra do sự ngưng trệ vào một góc, mà ta quen gọi là Duy . Rất ít văn hóa thoát được duy nền tảng này.


Triết Tây Âu thì nghiêng sang cái Có đặc sệt, cái có duy Hữu, nên siêu hình gọi là Hữu thể học ( ontology ). Triết Ấn lại nghiêng sang Không, Không : neti, neti, nhà Phật gọi là Thái Hư : sunyata . Duy hữu hay duy vô đều là căn để cho các nghiêng lệch khác trong văn hóa, như duy hữu đẻ ra các thứ duy thần, duy vật . . . và ngược lại duy vô đẻ ra các thứ duy tâm, duy linh . . . Trong thực trạng thì bờ cõi hai thứ đó khó phân ranh vì luật “ mạnh chống mạnh chấp “ : hễ chống chống cái gì quá thì lại chấp vào đó ( abyssus abyssum invocat ).
Tây Âu chống Vô bằng duy Hữu số 4, thì lại ngả hẳn vào nguyên lý đồng nhất, mà đồng nhất là một thứ thái nhất được công lý hóa, nên đồng nhất có họ máu với duy Vô .
Ấn Ðộ chống hữu bằng duy vô số 1, thì lại nghiêng sang số 4 ( 4 phuơng ). Số 4 là đầu các số Đất, các số chẵn : 4 , 6 , 8 , 12. . . Ðạo Trống gồm cả Có lẫn Không, nên đạt được nét Trung hòa siêu diệu. Cho nên khi hiểu thật đúng thì liền biết được rằng Ðạo Trống đã là cao tuyệt vời, rồi không thể đi xa hơn về đàng Đạo lý. Ðó là Ðạo viết hoa gọi là Minh Triết rồi, chỉ còn phải cố hiểu thấu đáo để thực thi mà thôi .
4.- Cái nhìn đâm thủng
Ðặt tên này theo lối nói của người Mường gọi đánh Trống là đâm Trống ( chàm thau ). Ðây dùng hai chữ Đâm Thủng để chỉ sự hiện thực Tâm linh ngược chiều để đối với cái nhìn Thấm thấu thuộc Trí học đi xuôi: càng học càng biết nhiều . Ở cái nhìn Tu học càng tiến tới càng ít đi, càng nhọn hoắt có thể đâm sâu vào nữa cho đến Tâm đến Tính . Lối đi ngược kim đồng hồ này được biểu thị bằng hình xoáy ốc ngược chiều để cuối cùng đâm thâu qua các trở ngại bé nhỏ, đặng phối hợp cùng Trời Ðất như được chỉ trỏ bằng một định nghĩa Hoa Quỳ là “ nơi 9 đại lộ đều quy vào một mối “, ( Quỳ: cửu đạt chi Đạo ): tức khi tâm hồn nào hướng theo Trời một cách bền bỉ được như hoa Quỳ, thì sẽ đạt được sự thông suốt với Thiên, Ðịa, Nhân, ba cõi . Xem thế đủ biết đó là chân lý rất quan trọng phát xuất từ chữ Trống. Trống bao gồm cả Có lẫn Không. Vậy việc tu học cũng phải bao hàm cả sự chinh phục cái không nữa. Tất nhiên lối đó ngược với sự chinh phục cái Có. Cái Có đi xuôi chiều được hiện thực bằng Lý luận, Suy diễn . Ðến lượt cái Vô phải hiện thực bằng Bỏ hẳn Suy luận, phải xả bỏ hết để đi vào Nội tâm, tức càng đi càng tới chỗ Bé Nhỏ. Khi đến chỗ Nhỏ cùng cực là đắc Ðạo. Chữ đạo ( 道 ) kép bởi bộ xước và chữ thủ, ngầm chỉ Ðạo là đi về Nguồn gốc, mà gốc muôn vật là Vô, thứ Vô chân thực nên sinh ra các thứ Hữu : “ Hữu sinh ư Vô “ là vậy. Nhưng phải là thứ Vô thực mới là nguồn mọi sự Hữu . Ðường về Vô cực thì có thể thi hành bằng ca múa như trên mặt Trống: Tất cả các chim đều múa để chào mặt Trời, tức hướng mặt trời mọc, gọi là “ Phượng minh triêu dương “. Còn một lối khác gọi là Thiền. Chữ Thiền ( 禪 : Yên lặng ) chính là chữ Thiện ( 禪 : Quét đất mà tế ), mà Thiện là một lễ đối đáp với lễ Phong. Ðây là 2 lễ mở đầu văn hóa Việt tộc.
Phong là tế Trời trên núi, rồi đến tế Ðất gọi là Thiện. Muốn tế Thiện thì phải quét sạch Ðất, muốn Thiền cũng phải xả bỏ khỏi Tâm Trí hết mọi ý nghĩ về Hữu thể, để Tâm hồn Trống rổng đặng thông suốt 3 cõi : Trời, Ðất, Người . Dịch Kinh gọi phương pháp này là “ An thổ “, mà bước đầu tiên là “ vô tư dã, vô vi dã “ . Ðó là tâm kiện mà Tổ tiên ta gọi là Trống. Có tạo ra được trạng thái Trống rổng trong Tâm hồn thì mới mong đón nhận được tia sáng bao la về Ðạo . Người xưa quen nói tâm hồn có An nhiên Tĩnh lặng thì chân lý mới chịu lộ diện xuất đầu. Có hai lối gây sự “ trống rỗng Tâm hồn “, một bằng Hành động, một bằng Im lặng. Bên Ấn Ðộ nghiêng về Tĩnh lặng nên có phép “ tọa Thiền “, bên Việt dùng lối Hoạt động ( karma / yoga ), nên gọi là “ Hành Thiền “ hay là “ An hành “, nền tảng “ triết lý An vi “.
Trên mặt Trống là lối Hành Thiền: tất cả đang ca vũ để chào mặt Trời ban mai, được gọi bằng “ Phượng minh triêu dương “ : con Phượng hót chào mặt trời buổi mai. Con người cũng đi theo hướng đó mà chào mặt trời mới mọc, Khuất Nguyên gọi là “ Ðông Quân “ : vua phương Ðông. Ðó chính là lối “ Phối thiên , phối địa “. Phối Thiên được chỉ bằng chim Hồng hộc ( Hồng Bàng ) cũng gọi là Thiên nga bay đầy trên mặt Trống. Phối Địa chỉ bằng Rồng tận đáy biển, đây là tang Trống. Thế là có cả “ triệt thượng lẫn triệt hạ “. Có làm được như thế mới trông đâm thủng được các phân biệt bé
nhỏ để nhìn ra nền tảng chung của toàn thể mọi vật, mọi người, để nhìn ra Ðại ngã Tâm linh. Ðó là nguồn mạch của thống nhất cũng như của yêu thương cùng khắp. Hỏi rằng các điều suy luận trên đây có thực chăng ? Thưa rằng có, như sẽ trình bày trong cái nhìn toả lan sau .
5.- Cái nhìn toả lan
Người Mường truyền tụng rằng khi Trống được đánh đúng kiểu, thì tiếng sẽ lan ra khắp hàng huyện. Ðó cũng là ý nghĩa huyền thoại ở U Việt rằng nơi của Nam thành Cối Kê có treo một cái Trống bự. Khi nào có con Bạch Hạc bay qua chạm phải thì Trống phát ra tiếng vang mãi tận Hàm Dương ( kinh đô Tàu ). Nói vậy có nghĩa là khi tâm hồn nào giữ được sự trống rổng ( gọi là Bạch Hạc ) thì sẽ hòa hợp với vũ trụ, lan toả khắp nơi. Ðến đâu ? Thưa lan toả vào cùng khắp ngỏ ngách văn hoá của Việt tộc, đâu đâu cũng có ấn tích và khi biết được những ấn tích đó là gì thì sẽ thấy ảnh hưởng đạo Trống lan xa và rộng vô kể.
Vậy Ðạo ấy được biểu thị bằng các số : 2 , 3 , 5 , 9 , nên ta có thể tìm theo dấu vết các số đó để biết Ðạo đi tới đâu.
Số 2 là cặp đôi làm nên nét Song trùng cơ bản, như Tiên Rồng, Núi Sông, ông Cồ bà Cộc . . . , Ăn thì dùng đôi đũa số 2, Nói cũng tiếng đôi : Làm Lụng, Học Hiếc, Lai Rai . . . Kể ra vô cùng.
Số 3 như ba cấp bàn thờ, vái 3 cái, rót 3 chén rượu, thắp 3 nén hương , nhà sàn có 3 cấp : nóc, sàn, nền . . .
Số 5 cũng thấy cùng khắp ngay tư thời Phùng Nguyên đã gặp 5 hòn sỏi, mà 3 mài nhẵn, 2 để thô.
Rồi các bình Đèn bao giờ cũng có 3 chân 2 tai . Áo mặc thì 2 cúc trên vai , 3 cúc dưới nách . . Mâm cơm là Vuông ( số 4 ), thì giữa có một Bát nước chấm thành số 5, hoặc mâm Tròn thì hình Vuông là chiếc Chiếu, bánh Dầy tròn số 3, bánh Chưng vuông số 4 . Trên mặt trống nét Song trùng ( 2 hàng song song, giữa có chấm ) chạy cùng khắp. Rồi đến hoa văn “ răng cưa “, gọi thế chứ thật ra 2 hàng tam giác gốc lan tỏa ra cùng khắp mặt Trống , đúng câu “ Nội hàm càng nhỏ, Ngoại toả càng to “ ; Nội hàm rút nhỏ vào đến 2+3=5 , đặt giáp mặt Trời, nên Ngoại toả lan ra cùng mặt Trống.
Ta hãy chú ý đến 3 cái kết tinh nổi bật của sự toả lan này : Ðó là bộ 3: Tam Hoàng, Lạc thư và Kinh Dịch. Ðấy là bấy nhiêu kết tinh của Ðạo Trống. Mới nhìn chẳng thấy chi ăn chịu vào nhau, nhưng xét tới cơ cấu thì lại là một . Ta hãy lược qua: Trước hết về Tam Hoàng thì cặp uyên ương Nữ Oa, Phục Hy quấn đuôi nhau . Ðó là số 3 Trời, 2 Ðất, với Bà cầm cái Quy số 5, Ông cầm cái Củ số 4. Sau đến Kinh Dịch cũng thành bởi các số 2 , 3 , 5 ( Lưỡng nghi, Tam tài. Ngũ hành làm nên “ Tiên thiên bát quái “ để nói lên đường đi ngược chiều : “ Dịch nghịch số dã “, Kinh Dịch được gọi bóng là con chim Lạc Dịch có 8 cánh, 1 chân. Chim tất phương cũng 8 cánh 1 chân đều chỉ dịch Tiên thiên Bát quái là 8 quẻ bao quanh Thái cực viên đồ. ( 8 +1 = 9 : Bát Quái +Thái cực ).
Sau nữa đến Lạc thư cũng bằng ấy số và tiến theo chiều ngược. Chưa cần xem nhiều chỉ mới thấy bước đi Tả nhậm của đoàn vũ là đã nhận ra sự đồng tính giữa Lạc thư với Trống Ðồng rồi : vì Lạc thư cũng tiến theo tả nhậm, như vậy tức tự 1 tới 2 , 2 tới 4 . . . , nhưng ít người thấy vì giữa các số 1 , 2 , 4 có xen kẻ số 6 , 7 , 9 , nhưng nếu biết đó là những số thành cần vượt qua để theo dõi các số sinh ( từ 1 tới 5 ) , thì dễ thấy Lạc thư cũng là một Ðiển chương như Trống Ðồng hay Kinh Dịch, đều đi theo chiều ngược, đến nỗi muốn đặt Trống đúng hướng thì phải theo Thái cực viên đồ của Dịch, và ngược lại phải coi Trống Ðồng mới đặt đúng được chiều hướng Kinh Dịch . Có thể nói 75% xếp đặt Thái cực đồ trong các sách là sai, còn đúng chỉ được 25%, nhưng là đúng theo cú ngáp phải ruồi chứ không do sự hiểu biết như đã trình bày ở bài Kinh Dịch ( xem bài từ Hoàng Dịch đến Chu Dịch trong Việt triết nhập môn ). Ðó là đại để cái nhìn toả lan được chứng minh bằng số.
6.- Cuộc sống phong lưu
Bây giờ xin hỏi các số đó có nội dung trung thực không ? Thưa rằng có, đó là nếp sống an vui đầy ca múa, mà tiền nhân gọi là “ phong lưu “, tức sống thanh thoát ví được như “ ngọn gió thoảng trên ngàn, như làn nước lửng lờ dưới suối trong “, an nhiên tự tại, đáng gọi là bài ca múa của Tiên trên cung Quảng Hàm: Nho gọi là: “ Nghê thường vũ y khúc “.
Truyền thuyết nói rằng: Ðường Minh Hoàng trong một giấc mơ đã được cho lên chơi cõi Tiên để chứng giám khúc Nghê Thường nọ. Ðó là lối lịch sử hoá vô nền ( cái nền chỉ là giấc mơ, mà ngay giấc mơ cung là truyện giả thuyết ). Còn trên mặt Trống có đủ sự thực đi với tên của bài Vũ : Nghê thường có nghĩa là váy màu ráng đỏ. Ðó là màu đỏ lửa thuộc hành hoả số 2 của phương Nam. Vũ y khúc là bài vũ người có đeo lông chim. Vậy 2 điểm trên thì không đâu được bày tỏ nhiều hơn trên mặt Trống. Còn cung Quảng Hàm chính là mặt Trống chia ra 2 nửa thành 2 vòng bán nguyệt. Bán nguyệt là vòng trăng khuyết hình lưỡi liềm; trong mặt Trống có 2 tuần trăng là 14 ( 2 . 7 = 14 ) tam giác gốc.
Tóm lại Nghê thường vũ y khúc là tên gọi cảnh sống an vui đầy ca múa được tạc trên mặt Trống, nó phản ảnh lại đời sống theo Ðạo Trống, ngậm ý rằng : ai biết sống theo Ðạo Trống thì đều có cuộc sống an vui như vậy, vì đó là hiệu quả của nền triết lý Thái hoà. Bởi thế bức vẽ này không là “ bánh vẽ “, mà đích thị là sự thực được thể hiện hết đời nọ đến đời kia trong cái làng Việt Nam mà đời sống cung diễn lại y chang cái cảnh sống như trên mặt Trống: cũng hát xướng chèo ca, cũng hội hè đình đám ( xem bài Làng Việt Nam ).
Bây giờ ta phải tìm ra căn do siêu hình của đời sống an vui nọ. Lúc ấy ta sẽ hiểu nó ở tại quan niệm Trống về con người. Theo đó con người gồm cả Có lẫn Không mà đã bao gồm cái Không chân thực, thì phải trở nên bao la như vũ trụ, nói bóng là như Trời với Ðất: Ðất biểu thị bằng số 2, Trời bằng số 3; 2 + 3 = 5 ( ngũ hành ). Ngũ hành chính là con người Ðại Ngã được bồng trong tay Nữ Oa, hoặc hiện hình vào các tam giác gốc . Ðó là quan niệm bao la về con người mà ta đã thấy xuất hiện ngay tự trang đầu triết Việt với hình ảnh oai hùng cùng cực của Bàn Cổ: tự mình xuất hiện với tác động đầu tiên là phân định Trời Ðất Tiếp theo là Tam Hoàng cũng diễn lại chiều kích bao la đó như lấp biển vá trời. Tất cả đều mênh mông như vũ trụ tức là nói lên chiều kích nhân chủ cao sâu bằng những nhân thoại huy hoàng cùng cực, tất cả nói rõ lên cái bản tính con người toàn vẹn, vượt xa Tiểu ngã của ta vô cùng, cho nên con người muốn sống an vui cần phải hiểu biết bản tính của mình là chi và thứ đến phải sống thuận theo bản tính đó. Nhưng không may hầu hết chỉ biết theo có đời sống bé nhỏ của Tiểu ngã. Tất cả khốn đốn của loài người cũng như sự thất bại của hầu hết các nền triết lý hay thuyết lý đều nằm trong chỗ đó : trong chỗ không biết được bản tính con người bao la để mà tìm cách nuôi dưỡng tài bồi, thành ra câu nói “ thiên địa vị yên, vạn vật dục yên “ không được hiện thực, tức chính bản thân con người không được nuôi dưỡng, vì thiên địa không có vị yên : không duy thiên ( duy tâm ), thì lại duy địa ( duy vật ), đều vấp phải tội “ xúc Bất Chi chi sơn “ : như Cộng Công là húc đầu vào núi Bất Chu, hiểu là cắm đầu vào cái biết không Tròn, cái biết duy Lý, Ý hệ hay duy tín Bái vật, nói cụ thể là chỉ biết có một Chiều : không chiều Hữu thì lại chiều Vô, chiều nào cũng là ngõ cụt gây ra mọi tai họa . Sư vụ xảy ra như được trình bày sau.
7.- Căn do khổ lụy
Bản chất con người là vô cùng, nhưng chiều kích này không được nuôi duỡng bằng chất vô cùng, nên con người mãi mãi bị đói khát. Vì đói hoài nên phải ăn thêm, ăn thêm mà không sao no thỏa, bởi đó là những đồ ăn hữu hạn như tiền của, chức quyền, chúng có chất vô cùng, nên không thỏa mãn được con người có bản tính vô cùng, thế là đưa đến cái nạn tham dục vô đáy . Nho gọi là “ nhân dục vô nhai “. Vô nhai là không giới mốc, vì chính quyền cũng như tư nhân không có cái tự chế trên con đường chao vét, nên cuối cùng đốc ra cướp đoạt và chuyên chế. Thế là gây nên chia rẽ cùng khắp. Cho nên muốn cuộc sống an vui thì đời sống phải được thành nên bởi cả Không lẫn Có: phải có yếu tố Không để cân bằng với yếu tố Có . Nói bằng số thì Ðất chỉ được chiếm 2, còn phải để cho Không cho Trời được 3. Ðời người chỉ có ý nghĩa khi để được 3/2 Tâm Trí vào cái Vô thể, cái linh thiêng, những việc cứu dân độ thế, tế thế an bang. Vì đó là những việc bao hàm cái Vô ( vô tư lợi ) nó mở vào chân trời bao la miên viễn. Ðấy là đề tài được quảng diễn về sau . . . Ở đây chỉ cần nói rằng Đạo lý hay Triết lý mà chưa thành công, thì căn do then chốt là tại chưa có ý niệm bao la về con người, nên suy tư cảm nghĩ toàn xoay quanh những cái hữu hạn. Cho nên dầu thấy con người lâm cảnh thiếu hướng thiếu hồn cũng đành bó tay. Vì bao hướng đưa ra đều cụt. Bao phương thức giải cứu được đề nghị đều thành bởi chất Có Cùng, cả đến Thần linh hay Linh thiêng cũng làm toàn bằng chất Hữu hạn, thì sức mấy mà thoả mãn nổi con người có bản tính Vô cùng, và như vậy hiểu được tại sao cả Trống Ðồng lẫn Kinh Dịch và Lạc thư đều đặt nổi quan niệm bao la về con người. Và đó phải là nền triết lý cho con người đời mới, đời hậu kỹ nghệ, đời mà triết lý lao động của thời công nghệ hết xài rồi, vì nó chỉ có hàng ngang không vươn lên được, bởi thiếu chiều bao la như vũ trụ, nên cuộc sống toàn làm bằng những chiều kích bò ngang trên mặt đất: đó là Sản xuất và Tiêu thụ đánh nhau . . . , chưa có gì nuôi dưỡng chiều kích bao la nơi con người cả. Muốn tránh tai họa nọ đời sống hậu kỷ nghệ phải là đời sống như chơi, làm ít chơi nhiều, để con người được thanh nhàn mà lo đến cái chiều kích bao la như vũ trụ của mình . . Thời đại đang đến con người cần phải có một nền triết lý mới hẳn và nền triết lý đó chính là triết lý bao gồm chiều kích trống rổng .
Hội nghị quốc tế triết ở Honolulu đã hé thấy điều đó khi đề bạt Khổng Tử, nhưng Khổng học đã không tiếp thu được lời chỉ định kia bằng đưa ra đạo lý Nho chân thực là cái phải gồm có chiều Vô, như chúng tôi thử trình bày trong Hoàng Nho, Việt Nho.
Tất cả đều đặt nền trên chữ Trống

Ðó là hành Thổ của Hoàng Nho
Thái cực nhi vô cực của Di Nho
Trống Ðồng của Việt Nho . . .

Người đại diện cuối cùng của Nguyên Nho là Khổng Tử. Ít ai để ý rằng chữ Khổng chính nghĩa là Trống không . Vì thế truyền thuyết nói rằng Khổng tử sinh ra bên cây dâu Rổng gọi là “ Không Tang “ . Có nghĩa là cái Đạo ông truyền lại đặt nền tảng trên cái “ Trống Rổng “. ( Hết trích )
V.- Minh Triết Trống Đồng
( Lược trích trong Sứ Điệp Trống Đồng và Việt Triết nhập môn. Kim Định )
1.- Tổng Quát
“ Trống là một lâu đài văn hóa chung cho các nước Đông Á và Đông Nam Á mà Việt Nam có duyên may là nơi ký thác, nên người Việt Nam cũng có sứ mạng tìm hiểu và truyền bá cái Minh Triết tàng ẩn trong di vật này. Về thời đại của các loại trống chưa xác định được. Xin tạm đưa ra mốc các nền văn hóa như sau :
Hoà Bình: quảng 10,000 năm trước Công nguyên ( t.c.n. ).
Bắc Sơn: quảng 5,000 năm t.c.n.
Phùng Nguyên: Chung quanh 3,000 năm, ở giữa Đồng đậu, Gò Mun rồi tới
Đông Sơn: quảng 900- 700 năm trước c.n, 200 năm sau c.n.
Hiện nay, các nhà khoa học đã minh chứng được rằng Việt Nam là trung tâm khai quật di vật thuộc văn hóa Hòa Bình. Các nhà nghiên cứu chia trống ra làm 4 loại, loại I tiêu biểu hơn hết: Các hình người vật còn hiện thực, chưa bị kiểu thức hóa như các loại sau .
Loại I tìm được nhiều nhất ở Việt Nam: hơn 100 chiếc, Tàu chỉ có 30 chiếc, Thai Lan 10 , Indonesia 10, Lào 4, Mã lai 2.
2.- Trống Đồng Ngọc Lũ
Xuất xứ : Ước đoán vào đầu thiên niên kỷ trước Tây lịch. Trống đồng Ngọc Lũ là của Chùa Long Đại Sơn, làng Ngọc Lũ, tỉnh Hà Nam được coi là đẹp nhất, phong phú nhất trong 4 chiếc thời danh, được dùng để mô tả dưới đây: Kích thước: Trống cao 63 cm, mặt rộng 79 cm , tang rộng 86 cm . Mô tả:
a.- Thành trống
Thành trống được chia ra 3 phần gọi là tang, thân, chân. Tang có 10 vòng hoa văn . Vòng 7 là chính gồm hình 6 thuyền cong, mỗi thuyền chở từ 4 đến 5 người . Thân chia ra làm 6 khung, mỗi khung có 2 người hóa trang chim cầm rìu và mộc. Chân không có trang trí.
b.- Mặt Trống
Giữa là mặt trời nổi cao, có 14 tia, giữa các tia sáng là các hình tam giác gốc. Tiếp đó là 16 vòng hoa văn, chia ra làm 3 nhóm A , B , C, giữa các nhóm có lồng hai đường chỉ nổi chạy song song.
Nhóm A: ở trong cùng, gồm toàn những chấm nhỏ, những vòng tròn có chấm ở giữa và có tiếp tuyến, hoặc những hình chữ S gẫy khúc gần giống hoa văn. Nổi nhất ở nhóm này là chữ S kép coi như đàn chim bay đã được kiểu thức cao độ.
Nhóm B: gồm những vòng hoa văn quan trọng hơn cả, đó là vòng 6, tả các cảnh sinh hoạt và Lễ Hội chia ra hai nửa thành 2 vòng bán nguyệt gần giống nhau gồm :
*.- Một nửa 7 người hóa trang chim cầm lao, giáo, kèn .
*.- Một giàn 4 chiếc trống với 4 người đang đánh bằng chày đứng .
*.- Một dàn cồng chia 2 , một bên 7, một bên 8 ( ? ) và một người đánh .
*.- Ba người hóa trang chim trong đó có 2 người giã cối với chày đứng và một con chim đang bay
*.- Một nhà sàn mái hình thuyền có một chim đậu ở trên và 2 người ở trong giao tay nhau gọi là cài hoa kết hoa tức hát Lý Liên .
*.- Nửa khác trên nóc nhà có 2 chim, đoàn người chỉ có 6, giống nửa kia, tuy vậy với 2 sự khác về số chim và người , ta có thể nhận ra 2 mặt chẵn lẻ .
Nhóm C : gồm vòng 8 , 10 và các vòng kỷ hà giống nhóm A.
*.- Vòng 8 cũng chia 2 , một bên gồm 5 đôi nai ( 1 đực , 1 cái ) , 6 chim mỏ ngắn đang sà bay , nửa kia cũng 5 đôi nai rồi đến chim bay như vậy , nhưng 8 con .
*.- Vòng 10 gồm 36 chim , chia thành 18 đôi , cứ một con mỏ dài , đuôi dài đang bay , lại xen kẻ với với một con mỏ ngắn đang đứng .
*.- Các vòng kỷ hà giống nhóm A , khác ở chỗ hoa văn chính là hai hàng tam giác có chấm đối đầu.
3.- Những yếu tố Triết Việt
Trống đồng tàng ẩn linh hồn Việt, từ mặt đến tang trống , không một hình ảnh nào xa lạ với văn hóa nước nhà. Sau đây là các yếu tố quan trọng
a.- Mặt Trời
Mặt Trời chiếm trung tâm hết mọi mặt Trống , đây là tục thờ mặt Trời. Tuy nay không còn tục này, nhưng vẫn còn ấn tích: Tên huyền sử đặt cho nước ta là Xích Quỷ ( lửa đỏ ) chỉ mặt Trời.
Thần Nông có danh hiệu là Đế Viêm ( chữ Viêm viết gồm 2 chữ hỏa, chỉ mặt trời ) Việt tộc có tên là Viêm Việt, nước gọi là Viêm Bang. Viêm Việt là Việt liên hệ với việc thờ mặt trời.
Đến thời Pháp thuộc mỗi gia đình Việt đều còn có lập một Bàn Thiên thờ Trời trước sân nhà.
b.- Chim
Chim có ở cả 3 vòng trang trí chính . Chim có đủ loại: Loại dài mỏ, dài đuôi ; loại ngắn mỏ, ngắn đuôi.
*.- Vòng ngoài cùng có 18 cặp chim: dài 1 ngắn 1.
*.- Vòng giữa của nai chia ra làm 2 đoạn 5 cặp mỗi bên , chim cũng chiếm 2 đoạn , một đoạn 6 con , một đoạn 8 con ( có lẽ thể thơ lục bát có mầm từ đây ).
*.- Vòng trong cùng của người tuy ít chim , nhưng bù lại người đã hóa trang chim , các vật dụng khác như chèo, chầy giã cũng mang lông chim. Đó chính là tinh thần nước Việt đã hiện hình trong vật biểu chim , sau này được tiếp nối bằng Tiên rồi chim vẫn đi với Tiên ( nhà của chim , nói Tổ Tiên cũng như nói tiên chim ).
Nước ta được khai quốc với Họ Hồng Bàng : Hồng là chim Hồng hộc , là ngỗng trời , hay thiên nga, còn Bàng là nhà chim, tức là tổ ). Sau Hồng Bàng là hai anh em Lộ Bàn , Lộ bộc ( lộ là cò trắng ) làm nhà chữ đinh . Lạc địch đại biểu cho chim thuần hỏa ( một tên khác của Lạc Việt ) , dương địch hay xích ô ( quạ lông đỏ ) , chỉ mặt trời . Các nghi mẫu nước ta đều mang tên chim: Âu Cơ là hải âu là cò biển , Âu cơ sinh con theo lối chim, đẻ bọc trứng . Vũ tiên: Vịt trời. Mỵ châu luôn mang lông chim trong mình.
Giai đoạn còn thờ mặt trời, thì chim toàn thuần dương như dương địch xích ô, chu tước , việt trĩ ( chim trĩ bay theo hướng mặt trời ( tuy dương Việt trĩ ) Đến giai đoạn nhân chủ thờ Trời thì các chim là loại chim nước như Hồng , Hạc , Nông , Vụ . . .( loại lưỡng thê : amphibian ), để có thể giao với Rồng dưới nước . Rồng là kết tinh của diễn biến lâu dài từ rắn ( xà long ) và cá sấu ( giao long ) mà ta thấy xuất hiện trên thân trống . Về sau cả chim nước và giao long được gói gọn vào hai chữ Tiên Rồng .
c.- Tả nhậm
Tả nhậm là tục cái áo bên tả, ngày xưa dân Đại chủng Việt mặc áo năm thân, trước 3 thân ( mảnh may lại với nhau ), sau 2 thân, nút áo được cài vào bên trái, trên 2 nút, dưới 3 nút ), còn Tàu thì cài áo về bên hữu. Đây là dấu phân biệt với Tàu, nên được dùng để chỉ nghĩa hình thể và siêu việt.
Nghĩa hình thể: đi theo hướng Tả, tất cả các hình trên trống đồng ( nai chim người ) đều đi theo hướng ngược kim đồng hồ. Nếu lấy sao Bắc Đẩu làm chuẩn thì thấy bầu trời sao trăng quay ngược kim đồng hồ .
Nghĩa Triết lý: là sống theo Trời, theo thiên nhiên, về sau là : thiên nhân tương dữ, người cùng tham dự với Trời Đất trong tiết điệu bao la, đó là đường lối dẫn tới cuộc sống Đại Ngã Tâm Linh, tức là lối ngược chiều với cuộc sống xác thể : Xác thể thì qúy trọng trọng lượng, còn tâm linh thì đề cao phẩm chất. Về tinh thần thì trọng nghĩa khinh ( coi nhẹ , chứ không phải khinh rẻ ) tài .Trong con người thì đề cao Tình trên Lý. Trong xã hội, thì bênh vực những gì yếu nhất, tinh thần phù yểu này còn gọi là tả đản ; vì vậy mà nói Âm trước Dương, Vợ trước Chồng, Nhà trước Nước, coi Dân qúy hơn Vua . . .
d.- Giao chỉ
Giao chỉ không có nghĩa là hai ngón chân cái giao nhau, nhưng :
*.- Hiểu gần là : tục lệ hát đối đáp trong khi giao chân giao tay gọi là cài hoa kết hoa , xem thấy hình trên trống đồng. Đó là mô thức cho nhiều kiểu trai gái hát đối đáp: hát đúm, hát xoan, hát dặm, hát quan họ . . .
*.- Tinh thần văn hóa đặt căn bản trên tính chất lưỡng hợp ( dual unit ), luôn luôn đi đôi, cặp đôi : Trên trống thì, một nai đực, một nai cái, một chim vắn, một chim dài, bên mềm, bên cứng, bên thấp bên cao . . . - Cao hơn nữa là sự giao thoa giữa Sống và sáng, giữa trời và đất, giữa mẹ và cha . . . ( Di chỉ Bắc Sơn với hai đường gạch song song là dấu đầu tên của nếp giao chỉ này ). Tác động giao hợp này có ý nghĩa siêu hình là hòa hợp Tiểu Ngã với Đại Ngã Tâm Linh. Giao chỉ cũng là cái hướng phải tới chỗ chí thiện , ( Đại học chi Đạo, tại minh minh Đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện ) đó là trung tâm của cuộc giao thoa giữa hai đối cực, cụ thể là Con Người. Con người có tự lực tự cường, tham gia vào công cuộc sáng tạo với Trời Đất mới đạt tới Nhân chủ.
e.- Nông nghiệp
Việc giã gạo ( hình giã gạo chày đứng ) coi như là tinh hoa của nông nghiệp Về siêu hình thì toàn cuộc ca vũ trên mặt trống đều liên quan tới nông nghiệp, như để chào mặt trời rạng đông, mừng mùa màng mới gặt hái, Tết nhất.
g.- Địa vị Con Người
Địa vị con Người rất cao: Trên mặt Trống không thấy có vật kỳ quái hay vua quan , mà chỉ có con người ở vòng trung cung giáp với mặt Trời, các con vật chỉ tham dự lớp bề ngoài . Mọi người ca vũ với tinh thần vui thỏa tưng bừng, nhịp nhàng thứ lớp, mọi người đều ca vũ ngang hàng không có biểu hiệu nào về chủ nô.
h.- Tiên Rồng
Trên mặt Trống ta mới thấy Tiên, ở tang Trống ta thấy thêm cả Rồng . Rồng được nhập thể ngay vào thuyền, thuyền không còn là thuyền, mà đã là vật sống động có mắt, có chân thay chèo, rồi uốn mình cong, và có miệng mở to để giao chỉ với Tiên trong hình dạng chim đang lao vào vào miệng Rồng để đón nhận cái hôn sâu thẳm . Chim Tiên không phải đẩy, mà đẩy Rồng vào việc cha Rồng mẹ Tiên sinh ra con Rồng cháu Tiên. Chim lao vào miệng Rồng còn nói lên tục thời xưa là âm trước dương, vợ trước chồng , gái ve trai, Tiên Dung quyết định kết hôn với Chử Đồng tử . Tóm lại tang Trống cùng mặt Trống kết thành chữ Đinh, có hai nét ngang dọc ( Đất Trời giao thoa ). Nét ngang dọc này nói lên phạm vi của Triết học: Đâu có tục thờ mặt Trời, có mặc áo lông chim khi ca múa, có nét song trùng giao chỉ, có tả nhậm, có nông nghiệp lúa mễ, có huyền thoại mang tính cách nhân thoại, . . thì đấy có Triết Việt.
4.- Cảnh Thái Hòa trên mặt Trống
Khi nhìn toàn thể theo lối cơ cấu, ta thấy đó là Thái Hòa:
a.- Hài hòa
Yếu tố quan trọng thứ nhất là Hài hòa : Tất cả người với vật đều hòa với nhau được biểu thị bằng ca vũ .
b.-Thái hòa
Yếu tố quan trọng thứ hai là Thái ( thái hòa ), đây không phải là sự hài hòa hạn cục, mà là mối hòa hợp bao la của vũ trụ gồm cả Trời, Đất, Người. Nói khác đi là có đủ:
* Thiên sinh ( Trời sinh ): đại biểu là Mặt Trời ở trung cung. Đường tiến triển làu dài tâm thức của con Người đại khái như sau :
*Thờ Thần khí tượng .
*Thờ mặt Trăng , mặt Trời .
*Thờ Trời.
Theo Triết lý An Vi thì : Bái vật là Duy sinh ( thờ thần khí tượng )
Ý hệ là Duy tâm ( sáng , thờ mặt trăng hoặc mặt trời )
Tâm linh là Sáng và Sống hài hòa : Sáng chỉ bằng thờ Trời, bao gồm cả mặt Trăng mặt Trời và các vì sao, còn Sống chỉ bằng Đất Nước.
* Địa dưỡng ( Đất nuôi dưỡng ) : đại biểu là chim muông , đất nước ở vòng ngoài. Đất là một trong tam tài ( Trời , Đất , Người ) , có công nuôi dưỡng ( Thiên sinh , Địa dưỡng, Nhân hòa ). Khi con Người hiện thực nổi chiều kích Đại Ngã Tâm Linh thì được sống trong Hạnh phúc, trong đó của ăn là thành phần chính. Bằng cách này hay cách khác khi xã hội được cai trị bằng lối Tâm linh thì dân nước không bao giờ thiếu những thứ cần thiết về ăn mặc, hơn nữa còn giúp vào việc nuôi dưỡng giáo hóa muôn vật như được biểu thị trên mặt trống: nhờ có vòng tam giác gốc chỉ thị sự sống toàn triệt cả Âm lẫn Dương, cả Trời cả Đất, mà vòng ngoài cùng ta cảm thấy cảnh sống tưng bừng cả người lẫn vật, sống theo đợt tiến hóa cao nhất, tức là giai đoạn phong lưu ( như gió thoảng, như nước lửng lờ trôi ) .
* Nhân hòa ( Người sống hòa hợp ): đại biểu là những con Người đang ca múa ở vòng giữa
Sứ mạng của Nhân là Hòa, nói theo Triết là hòa Trời với Đất, theo lối thông thường là hòa Lương tri với Minh Triết . Lương tri là sự hiểu biết thông thường tự nhiên ban cho để duy trì sự sống. Còn Minh Triết là những vấn đề lớn lao như tính mệnh, thời gian, vũ trụ, Minh triết mới là tổng hợp với Đại Ngã. Lương tri thuộc vòng ngoài, Minh Triết thuộc vòng trong, lý tưởng con Người là phải đạt cả vòng trong vòng ngoài, mới đáng là lưỡng thê ( sống cả 2 đợt ) mới đạt thái hoà.
Nhìn lại mặt trống để nhìn vào nhóm đặt giữa, Trời ( mặt trời ), và Đất ( vạn vật chim nai , ta liền thấy địa vị của nhóm Người, Nhóm này được chia hai vòng: Vòng trong là các tam giác gốc, vòng ngoài là những con Người Tiểu ngã đang ca múa, vòng ngoài tiểu ngã lại chia ra hai mảnh bán nguyệt, để làm nên nhị phân hay lưỡng hợp. Ta chú ý đến vòng trong nằm tiếp với mặt trời, nhiều học giả chẳng hiểu là cái gì, thực ra là: Yoni ( âm vật ), và Linga ( dương vật ) đang trong tư thế giao hợp. ( Cách cấu trúc của chùa Một cột cũng diễn tả ý trên ).
Đó là đối tượng của tôn giáo phong nhiêu, coi tác động giao hợp không chỉ là việc truyền sinh thông thường, mà còn bao hàm ý tâm linh vi tế, cuộc tế tự mang trong mình tính cách u linh trang trọng, có sức huyền vi truyền sự sinh sôi nảy nở vào vạn vật. Còn ý nghĩa tâm lý và triết lý là sự tham dự vào sự sống toàn triệt, gồm cả tâm linh, mà đợt có thể thấy được phần nào là bản năng sinh tồn. Bản năng này được biểu lộ mạnh nhất là sức truyền sinh kèm với tiềm thức bao giờ cũng đi theo bản năng để hướng dẫn sự sống. Hình tam giác gốc quay vào trung tâm chỉ nét Đất ( bản năng sống ), một quay ra ngoài chỉ Trời ( tiềm thức ), hai nét giao thoa làm nên con Người Đại Ngã. Rồi khi chiếu giải ra đời sống bằng các vòng ngoài thì thành hai hàng tam giác nhỏ đối đầu , đó là Tình và Lý. Lý đại diện cho tiềm thức, Tình đại diện cho bản năng sinh tồn, cả hai dẫn sức Sống và Sáng từ trung tâm ra ngoài. Phải hội nhập cả Tình và Lý mới là Tâm linh . Có thể phân tích Tâm linh ra: Đợt gốc gồm Tiềm thức và Bản năng.
Đợt ngọn gồm Tình và Lý. Khi cả bốn hài hoà thì gọi là Tâm có sức mạnh phi thường, nên rất linh nghiệm, được gọi là Tâm linh. Tâm linh là thực thể vô biên, không thể nói đến, phải dùng biểu tượng. Xem biểu tượng xung quanh mặt trời, ta có thể chia ra hai đợt :
Đợt gốc là Bản năng và Tiềm thức , được biểu thị bằng các hình tam giác gốc ở vòng trong.
Đợt ngọn là Lương tri gồm Lý và Tình, được biểu thị bằng những tam giác nhỏ vòng ngoài cùng. Thực ra Tâm linh là cái chi bất khả ngôn ( không thể nói ra được ), chỉ có sự thể nghiệm sẽ cho thấy luồng linh lực bao la bằng vũ trụ. Vậy nếu muốn tìm một công trình biểu thị Đức Thái Hòa thì không còn đâu khác hơn là Trống Đồng. Bài học Trống dạy con Người phải sống trên lãnh vực bao la như vũ trụ, sống với Trời với Đất bằng những tư tưởng an vui, hòa bình thì hoan lạc sẽ đến.
5.- Sứ Điệp Trống Đồng
a.- Tên Trống
Cái Trống Bộc của Bộc Việt, tức Lạc Việt không có đáy. Đàn Bầu không có đáy. Trống Quân còn gọi là Trống Đất cũng để một mặt trống. Cổ đại bên Tàu có cái Chúc, sau gọi là cái không, được dùng mở đầu các bản nhạc cũng trống một đầu. Chắc chữ Trầu Không cũng có liên hệ quan trọng đó, chính chữ Không đem lại cho Trầu vai tò mở đầu câu chuyện. Không phải vô tình mà cha ông ta đã hữu ý lấy chữ Trống đặt tên cho Trống.
Theo lối nhìn của Nhạc sĩ, Trống gồm có :
*Tang giữ vai trò chứa đựng âm thanh.
*Thân cộng hưởng.
*Chân truyền âm.
Với con mắt triết thì 3 phần trên nói lên tam tài: Thiên , Địa , Nhân , cả 3 thông hội với nhau làm thành một thể. Theo người Mường, khi đặt trống đúng cách, tiếng trống vang cả huyện. Họ treo trống cách đất 20 phân đào lỗ sâu xuống 30 phân, 30 phân chỉ 3 trời ( tham thiên ) , 20 phân chỉ hai đất ( lượng địa ). Đó là cách hiện thực giao thoa giữa 3 trời, 2 đất.
Kiểu đánh được chạm trên mặt trống là để cái trống trên cọc cắm thông xuống đất, để hông hội với đất. Theo Tiền Hán thư, ở cửa Sấm của thành Cối Kê kinh đô Việt Chiết giang có treo cái trống lớn , khi con Bạch Hạc bay vào cửa Thành mà chạm phải thì tiếng kêu vang tới Lạc Dương. Đó là lối đánh Trống đúng cách . Trống thì phải trống, nói bóng là hạc phải trở nên trắng, Bạch Hạc, mà Hạc là hình bóng Tiên, tức là những Vị đã giũ sạch bụi trần, tâm hồn thanh thoát thì sẽ đồng hóa với vũ trụ ( ngô tâm thị vũ trụ ). Vì vậy mà Trống chỉ việc quan trọng hơn hết là để trống tâm hồn. Đó là đức trung ương bao trùm các đức khác, nên lấy từ trống đặt cho hiện vật có sứ mạng mở đầu mọi cuộc Lễ.
b.- Ý sâu
Tên Trống có một ý nghĩa thâm trầm, tế vi, Trống có nghĩa là tâm hồn con Người phải được trống trơn, không vương vấn những cái ngãng trở việc đức Trời, đức Đất giao hội, kẻo lấp mất cái thông lưu của luồng Sống và Sáng vũ trụ, không cho con Người đạt được chiều kích đại ngã Tâm linh của mình. Muốn đạt đợt giao chỉ tâm hồn phải trống rổng, phải bỏ hết những cái bé nhỏ đó, nói cụ thể là những ý tưởng căm thù, ghen ghét, những tin tưởng dị đoan bóp nghẹt cuộc sống đều phải xua khỏi lòng để tâm hồn trở nên trống rổng. Chính sự trống rổng đó mới linh nghiệm.
Nho thì nhắm đặt lý tưởng cùng cực diệu huyền nơi “ Vô thanh, vô xú “
Lão nói : “ Chí hư cực thủ tĩnh đốc “
Phật thì : “ Không không sắc sắc “
Lê Quý Đôn tóm lại vào mấy câu:
“ Trời lấy trống không làm Đạo 
Đất lấy im lặng làm Đạo

Người có trống không và yên lặng mới hợp Đạo Trời Đất “
Vì trống không khắc được sáng sủa,Yên lặng khắc được yên định. Lòng có sáng sủa, tình có vững định, mới thành công trong việc cùng Trời Đất tham dự vào việc giáo dưỡng thiên hạ ( Thiên dĩ hư vi đạo, Địa dĩ tĩnh vi Đạo, phương hợp Thiên Địa chi Đạo, cái hư tắc tự minh, tĩnh tắc tự định, tâm minh định ý, tham tán chi công, ư thị hồ tại . Vân Đài loại ngữ : Lê Quý Đôn . tr. 35 ).
c.- Chiều kích vô biên nơi con Người
Nói cụ thể vào Người thì con Người bé nhỏ cục hạn, lại mang trong mình chiều kích vô biên. Vì bản chất con Người kết hợp bởi Trời và Đất, nên ngoài Trời Tròn lại có Đất Vuông, là các giới mốc, là điều kiện cần để làm nên con người tiểu ngã cá thể. Vì vậy giới mốc cũng cần cho sự sống như Trời vậy. Tuy nhiên nếu giới mốc hạn chế quá đáng Tự do, lúc ấy nẩy sinh những mơ ước cũng lại phát xuất từ chiều kích vô biên trong mình, đó là mơ ước vượt qua những giới mốc thường được biểu lột trong các truyện thần tiên, hô phong hoán vũ, độn thổ đằng vân. . . Bái vật cũng như Ý hệ đều vụ vào hình tượng đã hữu hạn lại còn kết hợp với nhau thành bức tường cứng đơ, không để cho một tia vô biên nào xuất hiện lọt qua, nên nbàn ăn toàn là đò hữu hạn:Thần thoại cũng như Ý hệ toàn là những đố có mốc giới bé nhỏ, càng kết tạp, càng xây đắp vững lại càng là Duy Vật đặc sệt, làm sao nuôi nổi con người vốn mang trong mình chiều kích vô biên. Ngoài các tai họa do Bái vật và Ý hệ còn một tai họa khác cũng do sự đói khát cái vô biên là lòng Tham vô đáy.
d.- Nhân dục vô nhai
“ Nhân dục vô nhai “ là mẹ để ra mọi tai ương, mà nguy hiểm hơn hết là tai hoạ Chuyên chế, tức là lòng ham làm Chủ, không những tài vật mà luôn cả con người. Căn nguyên là ở tại lòng người có chỗ vô biên mà tài vật lại hữu hạn, không đủ sức làm no thoả, nên hướng lòng khát khao cái vô biên sang con người, gây ra các tai họa tranh đấu, cướp đoạt chuyên chế, nên không biết dùng con người làm chuẩn như “ Giao chỉ “, bao giờ cũng lấy người hay cuộc sống con người làm chuẩn cho sự thu góp, nói bóng là chữ Nghệ, Nghệ An ( 乂 = 丿 + 乀 ). Chữ Nghệ sơ nguyên viết bằng 2 nét Trời ( 乀), Đất (丿) giao thoa, tức cuộc sống con Người phải là một nghệ thuật: “ Nghệ thuật sống “ . Nghệ thuật Là chi nếu không là dùng cái Hữu hạn để biểu lộ cái Vô biên. Áp dụng vào con Người vào nghệ thuật sống là “ Lấy Tâm trùm Cảnh “ , không để “ Cảnh trùm Tâm “ . Cảnh là con người Tiểu ngã với các sự bé nhỏ hữu hạn của nó như tài vật. . ., tất cả cần được bao trùm bởi Đại ngã Tâm linh mới giữ thế quân bình. Cho nên mới nói được là sứ mạng con Người , cứu cánh con Người là nuôi dưỡng cho Đại ngã lớn lên , lớn mãi cho tới độ trở thành cái Tâm của Vũ trụ ( Vũ trụ chi Tâm ): Khi nào đạt được trình độ đó thì tâm mình ví như mạch nước cam tuyền chảy ra tràn ngập những nước ngọt làm bằng hạnh phúc an nhiên bao lấy Tiểu ngã ( vuông ) tức Tiểu ngã cũng được hạnh phúc sống trong no đủ, an khang. Vô biên phải được nuôi dưỡng bằng vô biên . Vì con Người nằm trong hữu hạn nên cần đến nghệ thuật siêu việt. Nói là nghệ thuật, vì hai chiều trái ngược cần đến tài pha độ đúng liều lượng giữa Tròn Vuông, vì nó rất uyển chuyển tế vi.
Liều lượng nói nôm na là “ Vài Ba “ , nói Nho là “ Tham Lưỡng “ , nói theo tiêu chuẩn là “ Chí Trung Hòa “. Ngạn ngữ triết nói : “ Nôi hàm càng nhỏ thì ngoại hàm càng to “, nghĩa là càng vào nhỏ bao nhiêu , vào cùng cực đến chỗ trống trơn ( vô Thanh vô Xú ) thì sức bao quát gồm thâu vũ trụ. Hễ vào tới Chí Trung thì Hoà sẽ bao trùm vũ trụ gọi là Thái Hòa. Đấy là câu chỉ hướng tiến phải theo, nó đi trái ngược lối thường : Tức là muốn thâu vào nhiều thì phải buông ra. Buông tài vật bằng lòng quảng đại. Nhất là buông những ý nghĩ hẹp hòi, những tin tưởng tai dị, những tình cảm tiêu cực như oán hận, thù ghét ghen tương, tất cả đều phải xả bỏ. Xoá bỏ nhiều là Trống rổng nhiều. Trống rổng nhiều là thâu nhận nhiều. Trống đến độ vô Thanh vô Xú sẽ thâu được Vô biên, thâu được cả Vũ trụ, thâu được cả vũ trụ, đến độ nói được là vạn vật là có đủ nơi mình. Nói khác khi đã xả bỏ đến cùng tột thì đức Trời vô biên sẽ tràn lên nuôi dưỡng Tâm hồn, lúc ấy con Người hết đói khát vô biên , lúc ấy lòng tự nhiên cảm thấy an nhiên thanh thoát , hết còn bám víu tài vật, mà chỉ cần vật chất vừa đủ cho cái thân xác hữu hạn. Ngược lại không đạt độ Trống rổng thì chiều kích Vô biên không được nuôi dưỡng, nen đói hoài: Nói đúng là cái đói vô biên , rồi không nhận ra lại tưởng phải có nhiều mới đủ. Thế là khởi đầu thâu đoạt: càng đoạt càng ham, đoạt quyên thế, của cải, đất đai đến đàn bà . . . . Đây là con đường đi đến các chế độ Nô lệ, đế quốc thực dân, độc tài chuyên chế . Về văn hoá là xa lìa đại chúng, trở nên trừu tượng, lấy định mệnh làm chuẩn, lấy bi kịch làm sở trường. Thí dụ điển hình là Hy Lạp và Ấn Độ, nơi đây có những thần thoại lớn lao theo nghĩa Thần nắm trọn chủ quyền, con Người chỉ còn là trò chơi của Thần minh , của tất mệnh. Đề cao Thần minh kiểu đó là dọn đường cho các Chúa chuyên chế thống trị. Tất mệnh hàm ý rằng, nô lệ là do Trời Đất, hoặc do lỗi của mình đã phạm trong những kiếp trước chớ trông mong thoát ly, đừng thử thách vô ích.
e.- Ca vũ
Bây giờ thử xem nền triết lý An vi trong miền An Việt chiếu dãi vào nghệ thuật Vũ như thế nào. Cần nói riêng đến Vũ, vì Ca Vũ là nét tràn ngập trên mặt Trống đến độ trở nên đặc trưng. Vì Ca Nhạc nói lên nết hài hoà , đến nỗi Nhạc đến tên là Nữ hoàng Nghệ thuật. Tính lý của Nghệ thuật là Hoà, thế mà Nhạc bao hàm chữ Hòa ngay trong bản tính, gọi là hoà Âm, hoà Tấu, hoà Nhịp. Sự hoà đó hiện hình xuyên qua biết bao nhạc khí khác nhau thuộc đủ loại: gõ, thổi, kéo, rồi to, nhỏ, cao, thấp. . ., vậy là vẫn tạo nên những bản hoà tấu: Sự tạp đa chỉ càng làm cho cuộc hoà tấu trở nên phong phú, sống động, nhất là khi có vũ đi kèm. Vũ nói lên sự sinh động vui tươi, nhảy nhót, hứng khởi nên cũng là nói lên khía cạnh Đạo hơn hết , theo nghĩa Đạo là đi. Vũ chính là Đạo, vì Đạo là chuyển nhập tiết nhịp Trời Đất vào Thân Tâm, vào chân nhún nhẩy, vào tay vung xòe, vào lời nói ra, hát lên, vào chính hơi thở và nhịp bước, không chi gần với con Người ằng Vũ trụ, phải nói là nó gắn liền với gân mạch, tim gan; khác biết bao với những đền điện chọc trời, uy hiếp tinh thần con người hoặc ở xa lắc
xa lơ với con người như những chạm trổ tả cảnh đấu tranh, giao chiến , giết chóc, săn bắn. . . Đó là những hình ảnh ghi tác động của những con người vong thân, chúng làm con người khốn khổ.
Muốn thấy người múa và múa cho người, cho mọi người thì phải đến miền có Trống. Ở đây không những có múa, mà còn có cảnh mọi người múa, đều ca múa động Trời khói Đất làm thành những dòng vũ đấy hoạt lực bao la: khắp vũ trụ đều tham dự, mặt Trời soi những dòng Sáng đầy sinh lực: Các cặp đôi giao hoan theo nghi lễ linh thiêng. Các ông giã cối chày đứng, các bà đấm vú chiêng hai tay giơ tới 2 giàn 7 cái chiêng để đánh thành giai điệu . Các người khác đánh sênh khua phách vang lừng. Ra đến vòng ngoài 2 đoàn chim 6 và 8 con ngâm thơ lục bát , xen kẽ 2 toán 10 con nai ngâm vịnh “ Lưỡng ngũ “, các con đực không quên cong cu lên đánh phần. Vòng ngoài cùng toàn chim đều hết mình ca hát. Con thì hát đưa cổ ra dài, những con nhỏ rút cổ vào tận gáy để lấy cho đầu ắp một ngực hơi đặng hót tiếp. Không thể tìm đâu ra được bức tranh vui nhộn mênh mông hơn, đầy tràn Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh hơn nữa. Đây quả là bức chạm đẹp trung thực tuyệt với, vì cái Mỹ ở đây được tăng cường bởi cái Chân và Thiện hòa hợp, tức mọi Nhu yếu thâm sâu đều được đáp ứng: Từ Ăn , Nói, Làm Tình lên tới chỗ Tự do, Nhân phẩm đều được no thỏa .
Đấy mới là Lễ hội chính thực theo nghĩa hội mọi cái Hay cái Đẹp, cái Tốt lành cho con Người. Nó không còn chỉ tới khiếu thẩm Mỹ mà là cái Chân, cái Thiện, vì tự nội phát xuất chứ không do một quyền lực bên ngoài áp đảo, bẻ quặt, bảo phải tươi cái mặt lên ( mặc dầu bụng đầy đau khổ ) . Đấy mới là cái Chân thọt. Còn Thiện là làm ích ngay cho những người đang ca múa đó : Ở Đây và Bây Giờ cả Thâm lẫn Tâm, khỏi phải chờ ở một tương lai mù mịt.”

Kim Định
Nguồn: http://www.anviettoancau.net

Không có nhận xét nào: