1. GIỚI THIỆU
1.1. Diện Chẩn là gì?
Diện Chẩn là một phương pháp mới, hỗ trợ sức khỏe không dùng thuốc, của Việt Nam.
Trong lĩnh vực phản xạ thần kinh, trước kia thế giới có Xoa bóp bàn chân (Food Massage) và Nhĩ châm (Auricular Acupuncture), thì nay có thêm Su Jok (Châm cứu trên tay và chân) của người Hàn Quốc và Diện Chẩn (với cái tên ban đầu là Diện châm – châm cứu trên mặt) của người Việt Nam.
Tên đầy đủ của phương pháp là “Diện Chẩn – Điều khiển Liệu pháp”, được dịch từng chữ ra tiếng Anh là “Face Diagnosis and Cybernetic Therapy”. Tuy nhiên, cách gọi này không được dùng phổ biến bằng: Multi-reflexology (Phản xạ học đa hệ), Facial Reflexology (Phản xạ học vùng mặt), Vietnamese Reflexology (Phản xạ học Việt Nam), hoặc dùng luôn tiếng Việt không dấu là “Dien Chan”.
Trong tiếng Việt, ta cần phân biệt Diện Chẩn với Vọng chẩn. “Chẩn” là chẩn đoán, xem xét các triệu chứng lâm sàng. Vọng chẩn là xem bệnh thông qua quan sát hình thể, là một trong Tứ chẩn của Đông y, gồm: Vọng (nhìn) – Văn (nghe và ngửi) – Vấn (hỏi) – Thiết (xem mạch và sờ nắn). Về mặt ngôn từ, Diện Chẩn có thế được hiểu nôm na là xem mặt đoán bệnh và rất dễ nhầm nó thành một phần của Vọng chẩn. Trên thực tế thì Diện Chẩn đã trở thành một danh xưng riêng để chỉ đến một phương pháp hỗ trợ sức khỏe mới của Việt Nam – phương pháp Phản xạ học đa hệ.
Về mặt hình thức, ta có thể so sánh Diện Chẩn với Châm cứu như sau: Châm cứu là dùng kim để châm vào các huyệt đạo của hệ kinh lạc và dùng ngải cứu để hơ nóng, còn Diện Chẩn dùng que dò để day ấn vào các sinh huyệt là các điểm nhạy cảm trên da nằm trong các vùng phản xạ thần kinh rồi cũng dùng ngải cứu để hơ nóng.
Ngoài day và cứu các sinh huyệt, Diện Chẩn còn dùng các dụng cụ có hình dạng và kích thước khác nhau để lăn, hơ, gõ, cào vào các vùng theo đồ hình phản chiếu hoặc đồ hình đồng ứng. Các tác động của Diện Chẩn theo đồ hình và sinh huyệt này sẽ tạo ra các cảm giác đau, tức, buốt, tê, rát, nóng khác nhau, giúp kích hoạt các cơ chế tự chữa bệnh của cơ thể.
Chỉ một năm sau ngày Diện Chẩn ra đời, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, cố Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh:
“Biệp pháp chữa trị tốt nhất, theo tôi, là 'tự mình chữa bệnh cho mình'.
Trung tâm Diện chẩn-điều khiển liệu pháp đã thực hiện ý trên!
Rất hoan nghênh lương y Bùi Quốc Châu đã trao cho bệnh nhân phương pháp đó. Mong sao mỗi người Việt Nam nắm vững phương pháp để phòng bệnh và chữa bệnh cho mình và giúp đỡ đồng bào với dụng cụ đơn giản: một cây kim, một cái gõ bằng cao su, một cây hương, một chiếc lược với một tấm keo dán và một cái gương soi mặt mà đem lại hạnh phúc cho người đau khổ.
Kiên trì giúp đồng bào, đồng bào sẽ cho ta phần thưởng cao quý nhất!” (11/2/1981).
Một vài năm sau, giáo sư Phạm Song, cố Bộ trưởng Bộ Y tế, có nhận định:
“Tôi được nghe anh Bùi Quốc Châu báo cáo về phương pháp chữa bệnh bằng Diện chẩn-điều khiển liệu pháp vào các huyệt vùng mặt, đầu, cổ, gáy. Tôi khuyến khích phương pháp này.
Tôi sẽ tổ chức hội nghị đánh giá theo những tiêu chuẩn pháp quy hiện hành.
Tôi hy vọng tôi sẽ có đủ tài liệu để công nhận phương pháp chữa bệnh này.
Tôi chúc anh Châu và các cộng sự sức khỏe, kiên trì khắc phục khó khăn, khẳng định giá trị phương pháp chữa bệnh của mình.” (Thành phố Hồ Chí Minh 7/1/1989).
Rồi chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã có nhận xét:
“Lĩnh vực rất mới. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu và qua thực tiễn mà xác định những hướng nào thu được nhiều kết quả nhất. Nói tóm, thực tiễn phải là căn cứ để đánh giá một phương pháp trị liệu.
Chúc tiếp tục cố gắng.”
(Thành phố Hồ Chí Minh, Tết Canh Ngọ 1990).
1.2. Tại sao phải học Diện Chẩn?
1.2.1. Hệ thống huyệt của Diện Chẩn
Trong Cơ thể học của Tây y, người ta dùng phương pháp mổ xẻ, thực nghiệm để nghiên cứu một cách rất chi tiết về cơ thể con người. Từ đó họ tìm ra được các hệ tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, cơ xương, nội tiết, … và đặc biệt là hệ thần kinh.
Trong Châm cứu của Đông y, người ta quan sát thấy bệnh có ảnh hưởng đến một số điểm nhất định nào đó trên cơ thể. Một số điểm nóng lên, tê cứng, cộm đau, tiết chất nhờn, khô, đổi màu hay có những chấm. Từ đó họ tìm ra được 657 điểm nhạy cảm. Nhờ nối kết các điểm này với nhau, người ta xác định được các đường kinh lạc trong cơ thể, đặc biệt là 12 đường kinh chính chạy thông suốt khắp trong ngoài, trên dưới của cơ thể. Các đường kinh này hoàn toàn không liên hệ gì với hệ thần kinh hay mạch máu của Tây y và không đo đếm được.
Trong Diện Chẩn, các huyệt cũng được tìm theo cách quan sát người bệnh, nhưng thay vì tìm các điểm nhạy cảm, thì Diện Chẩn lại tỉ mỉ, mò mẫm trên mặt, đi tìm các điểm rất nhỏ không nhạy cảm nằm trong các điểm nhạy cảm, tương ứng với một bệnh nào đó của cơ thể. Ta có thể tạm ví việc tìm huyệt Diện Chẩn giống như việc đi tìm một điểm âm rất nhỏ nằm trong một điểm dương vậy. Các huyệt của Diện Chẩn khác hoàn toàn với hệ kinh lạc của Đông y, không có liên hệ gì với hệ thần kinh hay mạch máu của Tây y, và cũng không đo đếm được.
Tuy nhiên các huyệt của Diện Chẩn lại thể hiện được rất nhiều điều: nó có các huyệt liên hệ một cách chi tiết đến tất cả các bộ phận ngoại vi của cơ thể như: đầu, cổ, lưng, tay, chân, … và đến các bộ phận nội tạng bên trong cơ thể như: tim, phổi, dạ dày (bao tử), ruột non, ruột già, … Trong hệ thống huyệt của Diện Chẩn, không những có những huyệt có tác dụng tương tự như một số huyệt và đường kinh của Đông y, mà còn có những huyệt phản ánh các hệ thần kinh, nội tiết, sinh dục… của Tây y và đặc biệt có huyệt có tác dụng giống như một số loại thuốc Tây y như kháng sinh, giảm đau, an thần, …
Như vậy, có thể nói hệ thống huyệt của Diện Chẩn rất độc đáo, đầy đủ, chặt chẽ và khoa học. Phối hợp và sử dụng các huyệt một cách khéo léo ta có thể phòng và chữa được hầu hết các loại bệnh, từ đơn giản đến nan y, mãn tính, một cách rất nhanh chóng và hiệu quả.
1.2.2. Đồ hình phản chiếu và đồng ứng của Diện Chẩn
Ta có thể nói Diện Chẩn được đặt trên một cái kiềng ba chân gồm sinh huyệt, đồ hình phản chiếu và đồ hình đồng ứng.
Các đồ hình phản chiếu, bắt đầu bắng đồ hình ngoại vi và nội tạng trên mặt, sau được phản chiếu lên trên đầu, lòng bàn tay, lòng bàn chân, lưng và bụng rất đầy đủ. Nhưng chỉ đến khi nghiên cứu các đồ hình đồng ứng, ta mới thấy sức tưởng tượng phong phú, khả năng phát triển không có giới hạn của Diện Chẩn.
Càng ngày người ta càng thấy rõ nguyên nhân, cái gốc sâu xa nhất của bệnh tật là từ tâm trí con người. Những băn khoăn không giải quyết được dần dần tích tụ lại hoặc những lo lắng thái quá có thể dẫn ngay đến những nghẽn nghẹt trong cơ thể và biểu hiện ra thành một bệnh nào đó. Các phương pháp của Y học chính thống thường chỉ chú trọng đến việc điều trị cơ thể, điều trị phần xác, mà lờ đi việc điều trị trí não, điều trị phần hồn của con người.
Khoa học và triết lý hiện đại dựa quá nhiều vào thực nghiệm và suy luận thuần túy lô-gíc, mà không biết tin vào cảm nhận trực quan của con người. Đặc biệt, việc khoa học dựa vào thống kê để mong có được các kết luận “khách quan” đôi khi là rất đáng nghi ngờ. Cuốn sách “Thiên nga đen: xác suất cực nhỏ, tác động cực lớn” của tác giả Nassim Taleb đã chỉ ra rất rõ điều này. Chúng ta chỉ biết máy móc thống kê lại quá khứ để tìm cách dự đoán tương lai, chứ không biết cách nhìn vào “cái tổng thể” và không đủ phóng khoáng để hình dung được “những cái không thể”.
Các nghiên cứu về y học tự nhiên cho thấy một cách rõ ràng rằng, chỉ cần tập thiền, biết cách an trú thân tâm trong hiện tại, tìm đến trạng thái trống không, chỉ cần biết buông xả, thảnh thơi, coi nhẹ mọi chuyện là các vấn đề của trí óc sẽ được giải quyết. Mà một khi trí óc được khai thông thì cơ thể cũng sẽ được khai thông theo, và tự nhiên bệnh sẽ lành.
Tuy nhiên, tập thiền không dễ một chút nào. Con người hiện đại, mang quá nhiều tính dương trong người, quan tâm không ngừng, không nghỉ đến quá khứ và tương lai, nuối tiếc cũng nhiều, mà ham muốn cũng nhiều, rất khó có thể tĩnh tâm và an trú được trong hiện tại.
Trong bối cảnh đó, Diện Chẩn chính là một phép màu, các Đồ hình Đồng ứng, với sức tưởng tượng, liên thông phong phú vô bờ của mình, chính là chìa khóa để mở cánh cửa vào trí não. Có thể nó đi hơi ngược, khi bắt đầu bằng chữa bệnh cho cơ thể trước, rồi qua đó mới gián tiếp chữa bệnh cho tâm hồn. Nhưng có lẽ đó là giải pháp duy nhất có thể thành công khi mà cái trí, cái duy lý đang thống trị như hiện nay.
1.2.3. Y học bổ xung và các liệu pháp tự nhiên
Vận mệnh của một xã hội, một quốc gia hay một nền y học đều có quy luật của nó. Mốc thời gian đánh dấu sự ra đời của Y học hiện đại khi Robert Koch phát hiện sự lây bệnh do vi khuẩn vào khoảng năm 1880 và khi người ta tìm ra thuốc kháng sinh vào khoảng năm 1900. Như vậy Y học hiện đại mới chỉ có tuổi đời là khoảng 130 năm, nếu tính từ khi có cái khẳng định “sự lây bệnh là do vi khuẩn”.
Y học hiện đại đã làm một cuộc cách mạng thực sự, khi nó có thể điều trị bệnh tật một cách thần kỳ bằng kháng sinh và phòng chống các dịch bệnh bằng tiêm phòng.
Tuy nhiên, ngay từ đầu Y học hiện đại đã cho rằng bệnh tật là từ bên ngoài vào, nên nó chỉ tập trung tìm hiểu về những tác nhân gây bệnh, như là vi trùng và siêu vi trùng, đồng thời tìm cách điều trị bằng các thuốc kháng sinh và các loại thuốc có dược tính cao khác.
Loài người đã nhầm tưởng rằng mình có thể chế ngự được thiên nhiên, chế ngự được những con vi trùng này, nhưng có ngờ đâu chúng lại có thể sống sót và thích nghi được với thuốc kháng sinh. Y học hiện đại hoặc là cứ mải tìm cách tấn công một cách vô vọng những tác nhân gây bệnh bên ngoài, hoặc là chỉ chú trọng thuần túy đến các cơ chế sinh-hóa-lý của cơ thể, mà không để ý gì đến các cơ chế tâm lý, sự liên kết huyền bí giữa thân và tâm, cơ chế tự chữa lành bệnh thần kỳ của cơ thể con người.
Một vấn nạn lớn, thực sự rất lớn của xã hội hiện đại là gánh nặng chi phí y tế. Gánh nặng này đang ngày càng tăng và là một nguyên nhân gây ra nhiều tranh cãi về bảo hiểm y tế ở các nước giàu và tình trạng quá tải bệnh viện ở các nước nghèo.
Tại sao chi phí y tế lại ngày càng gia tăng? Đó là vì chúng ta đang ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào thuốc men và bác sĩ. Thay vì chúng ta có thể tự lắng nghe lấy cơ thể mình để tự điều chỉnh lấy nó, thì chúng ta lại sợ sệt, không dám làm gì, giao phó hết cơ thể của chúng ta cho bác sĩ, cho những người “có
chuyên môn” và “có thẩm quyền” trong việc định đoạt những vấn đề có liên quan đến “tính mạng con người”.
Một điều chớ trêu là, khi chúng ta càng lệ thuộc vào bác sĩ, thì chúng ta lại càng không biết cách tự chăm sóc bản thân, và thế là chúng ta lại càng hay bị bệnh, và lại càng hay phải đến bệnh viện hơn. Cứ như thế, chi phí y tế sẽ ngày càng gia tăng, và hỏi rằng có nền kinh tế nào mà có thể chịu cho được?
Chính những thiếu sót này của Y học hiện đại đã dẫn đến sự trở lại ngày càng mạnh mẽ của các nền Y học cổ truyền, Y học thay thế và Y học bổ xung. Các nền Y học này chú trọng đến việc nâng cao thể trạng của người bệnh, kết nối thân và tâm, điều chỉnh tâm lý và phát động cơ chế tự chữa lành bệnh của cơ thể.
Trong cuốn sách nổi tiếng “Lành bệnh tự nhiên – khám phá và tận dụng khả năng tự nhiên của cơ thể để tự duy trì và chữa lành bệnh”, xuất bản năm 1995 của bác sĩ Andrew Weil, tác giả có liệt kê các phương pháp Y học thay thế mà người Mỹ hay dùng bao gồm: Châm cứu (Acupuncture), Y học Ấn Độ (Ayurvedic medicine), Phản hồi sinh học (Biofeedback), Điều chỉnh thân tâm (Body work: reiki, yoga, shiatsu, qigong, t’ai chi, …), Y học cổ truyền Trung Quốc (Traditional chinese medicine), Kỹ thuật cột sống (Chiropractic), Kỹ thuật sử dụng hình ảnh và sự tưởng tượng (Guided imagery and visualization therapy), Y học thảo dược (Herbal medicine), Y học thể thống nhất (Holistic medicine), Vi lượng đồng căn (Homeopathy), Thôi miên (Hypnotherapy), Liệu pháp thiên nhiên (Naturopathy), Thuật nắn xương (Osteopathic Manipulative Therapy), Chữa bệnh bằng tôn giáo (Religious healing), Chữa bệnh bằng xoa bóp (Therapeutic touch).
Qua khảo cứu sơ bộ, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét như sau:
- Các phương pháp cổ truyền như Châm cứu,Y học Ấn Độ hay Y học Trung Quốc vốn đã có một lịch sử tồn tại rất lâu đời, nó dần dần sẽ lấy lại thế quân bình với Tây y, theo như mong muốn mà người ta vẫn hay nói: “Đông Tây y kết hợp”. Nhưng các phương pháp Đông y cũng phức tạp chẳng kém gì Tây Y, không phải ai cũng có thể học được, nên Đông y và Tây y sẽ vẫn chỉ cạnh tranh nhau sức ảnh hưởng ở trong các bệnh viện và các trung tâm chữa bệnh.
- Có một số liệu pháp tự nhiên khác dùng “năng lượng vũ trụ”, “trường sinh học”, “nhân điện”,… một cách vô hình, làm cho những người mới tiếp cận thường bỡ ngỡ, hoài nghi.
- Trong khi đó, Diện Chẩn là một phương pháp hữu hình, dễ tiếp cận, mà lại hiệu quả và rẻ tiền. Ai cũng có thể học để tự phòng và chữa bệnh trong gia đình, giảm thiểu sự lệ thuộc vào thuốc men, bác sĩ.
- Diện Chẩn trong tương lai sẽ không cạnh tranh với Đông y và Tây y trong các bệnh viện, mà nó cùng với các liệu pháp tự nhiên khác, lan tỏa trong quần chúng, biến bệnh nhân thành thầy thuốc, giảm thiểu nỗi khổ và nỗi đau trong lòng mỗi người dân, góp phần xây dựng một xã hội hài hòa hơn, gần gũi hơn với thiên nhiên, góp phần làm giảm gánh nặng cho các cơ sở y tế và giảm bớt chi phí chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
Một nhà tiên tri người Kiến An – Hải Phòng gần đây có những bình giảng mới về những lời sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông nói, sấm Trạng Trình dự báo về một sự thay đổi lớn lao đang và sẽ diễn ra trong những năm đầu của thế kỷ 21, khi mà nhân loại chuyển từ tranh đấu sang cùng chung sống trong thái bình. Ông kể về những điều rất huyền bí, nhưng lý thú về vũ trụ, về cuộc sống của loài người trên trái đất, về vận mệnh của nước Việt Nam trong tương lai, đặc biệt trong đó có đoạn “sau này tiếng Việt sẽ được phổ biến ra khắp trên thế giới, giống như tiếng Anh hiện tại”. Phải chăng điều này gắn với môn Diện Chẩn? Có thể trong tương lai, các nước trên thế giới sẽ phải học tiếng Việt để tìm hiểu về Diện Chẩn, để biết cách lăn hơ dái tai giúp hỗ trợ điều trị các bệnh ở bộ phận sinh dục nam; lăn hơ sống mũi, sống tai, sống tay, sống chân giúp làm giảm đau ở sống lưng; ấn vào đầu ngón tay, đầu ngón chân, xoa đầu gối giúp làm giảm đau nhức ở đầu, …
Chính vì nét văn hóa đặc sắc này mà Diện Chẩn đang được Trung tâm UNESCO Hỗ trợ Sức khỏe Cộng đồng triển khai nghiên cứu và ứng dụng.
Hà Nội, ngày 23/3/2013 Thạc sĩ Nguyễn Văn San http://dienchan.vn/ san.dienchan@gmail.com
09 45 68 95 73
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét