Thứ Tư, 9 tháng 8, 2023

BẢN SẮC VĂN HÓA PHẬT GIÁO CHÂN CHÍNH

TÓM TẮT BẢN SẮC VĂN HÓA LÀNG PHẬT
Làng Phật là một cơ sở của cộng đồng Phật giáo, là nơi ở, sinh hoạt, tu học, hoằng dương Pháp Bảo của chư tăng ni và cư sĩ như các chùa, tự viện. Mọi cá nhân, tập thể ở, sinh hoạt, tu học, hoằng dương Pháp Bảo tại Làng Phật chấp hành hiến pháp, pháp luật của nhà nước và các quy ước chung của cộng đồng Phật giáo của đất nước sở tại.
Làng Phật có những nét đặc thù phát huy lời dạy của đức Phật một cách tốt nhất cho người tu, cho tổ quốc, cho con người và cho chúng sinh, gọi là bản sắc văn hóa Làng Phật.
1. Làng Phật là môi trường dành cho mọi đệ tử chân chính của đức Phật, thọ nhận, nghiêm trì và giữ gìn đúng đủ bản sắc văn hóa Làng Phật(1), không dành riêng cho bất kỳ tông phái nào, không phân biệt và kỳ thị tông phái, tôn trọng các y phục khác nhau trong cộng đồng Phật giáo thế giới(2).
2. Phật tử Làng Phật(3) có lòng tin bất động, tôn kính tuyệt đối và nượng tựa vô thượng vào Phật Bảo, vì đây là đức Phật toàn giác Thích Ca Mâu Ni – Gotama. Nghĩa là họ chân thật quy y Phật Bảo.
3. Phật tử Làng Phật có lòng tin bất động, tôn kính tuyệt đối và nương tựa vô thượng vào Pháp Bảo, vì đây là Pháp và Giới Luật do đức Phật toàn giác Thích Ca Mâu Ni - Gotama chỉ dạy(4); thượng tôn Pháp Bảo này, lấy Pháp Bảo này làm Thầy, chỉ nương tựa vào Pháp Bảo này, không nương tựa vào bất cứ lời chỉ dạy hay chế định nào sai khác so với Pháp Bảo này. Nghĩa là họ chân thật quy y Pháp Bảo.
4. Phật tử Làng Phật có lòng tin bất động, tôn kính tuyệt đối và nương tựa vô thượng vào Tăng Bảo, vì đây là bốn đôi tám chúng Thánh Tăng, đệ tử của đức Phật toàn giác Thích Ca Mâu Ni - Gotama. Nghĩa là họ chân thật quy y Tăng Bảo.
5. Phật tử Làng Phật phải luôn học tập chân thật quy y Tam Bảo, biết hổ thẹn và ghê sợ các hành động ác, bất thiện, có tâm hướng thiện, có nhiều thiện tâm, có tâm bố thí rộng rãi, giữ gìn giới đức, oai nghi chánh hạnh, giảm thiểu tà ngữ và giảm thiểu lời ác kiến, khiêm cung, hòa hợp chúng, quý trọng sinh mạng của chúng sinh, hộ trì sáu căn, ít tham muốn, biết vừa đủ, biết tiết độ trong ăn uống, quý trọng Pháp Bảo, có chánh kiến và thấu hiểu lời dạy của đức Phật Gotama, hân hoan tinh tấn tu học các thiện pháp, tôn kính các bậc xuất gia chân chính có mục đích đoạn tận tham sân si, các bậc đạo đức, các bậc đa văn đệ tử Phật, các bậc khéo giảng giải Pháp Bảo, các bậc chân tu thực chứng, các bậc đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, các bậc trí tuệ, các bậc Thánh Tăng.(5)
6. Chư tăng ni Làng Phật xem khất thực là pháp tu chánh mạng trong tám Thánh Đạo cần phải tu tập. Có hai hình thức khất thực, khất thực trong khu dân cư, hoặc tại khu sớt bát cúng dường trong khuôn viên Làng Phật do người tại gia dâng cúng.
7. Chư tăng ni Làng Phật không tham cầu danh lợi, quyền hạn, chức vị, phẩm hàm, học vị, bằng cấp, tiền bạc, tài sản, chùa chiền, có nhiều học trò, có nhiều thí chủ; không cố làm vừa lòng người khác, không cố làm người khác yêu thích mình.
8. Chư tăng ni Làng Phật không sở hữu tài sản ngoại trừ y bát và các vật dụng nhỏ nhặt thiết yếu vừa đủ, không sở hữu và lưu giữ tiền bạc(6), không sản xuất kinh doanh, buôn bán đổi chác, không xem bói, đoán mệnh, không xem phong thủy, không dùng bùa chú, chú thuật, không xem ngày giờ tốt xấu, không làm đồng bóng, không làm những việc dị thường để mê hoặc người khác, không nhận tài sản, tiền bạc, các vật phẩm nhờ việc cúng tế, không nuôi trồng và sản xuất lương thực thực phẩm, không nấu ăn; kiếm sống bằng cách khất thực trong sự biết tiết độ.(7)
9. Chư tăng ni Làng Phật trước khi thọ mười giới, cần phải đọc kinh Tiểu Bộ ít nhất ba lần, học thuộc mười giới và các điều học dành cho bậc mười giới; trước khi thọ giới cụ túc, cần phải đọc kinh Trung Bộ và kinh Trường Bộ ít nhất ba lần, học thuộc giới cụ túc và các điều học dành cho bậc cụ túc giới. Sa di ni trước khi thọ giới Thức xoa ma na, cần phải học tập tám kính pháp là điều kiện cần để được gọi là Thức xoa ma na, Tỳ kheo ni; khi thọ giới Thức xoa ma na, cần phải thọ trì tám kính pháp cho đến trọn đời.(8.)
10. Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa ma na, Sa di và Sa di ni thì ở độc cư nơi tịnh thất, hoặc nơi thanh vắng và riêng tư, không ở chung trong một ngôi nhà hay trong một không gian mà nó không đảm bảo sự thanh vắng, riêng tư để cho mỗi người tu tập.
11. Làng Phật không chủ trương quản lý, giám sát chư tăng ni, không đặt ra thêm các quy định ràng buộc chư tăng ni, tôn trọng quyền tự do làm chủ cuộc đời như quyền tự do ở, sinh hoạt, đi lại, làm việc, tu học, hoằng dương Pháp Bảo… của chư tăng ni trên nguyên tắc thượng tôn Pháp Bảo và giữ gìn bản sắc văn hóa Làng Phật. Chư tăng ni và cư sĩ bậc trên(9) phải thường trình pháp với vị Pháp sư của mình trong Làng Phật để được giúp đỡ.
12. Làng Phật không chủ trương các nghi lễ mà đức Phật không bảo phải học tập, các nghi lễ liên quan đến mê tín dị đoan, phi pháp, ác pháp, tà pháp, bất thiện pháp, giới cấm thủ; không áp dụng thời khóa tụng kinh hằng ngày; có tổ chức tụng kinh vào các ngày trai giới và ngày lễ, tổ chức các pháp hội tụng kinh, với mục đích học tập lời dạy của đức Phật; không chủ trương tụ tập để hành thiền và không cố định thời lượng hành thiền.
13. Làng Phật được lãnh đạo bởi tập thể, là Hội đồng Pháp sư Làng Phật, bao gồm các vị Pháp sư Làng Phật, ngoài ra không có ai khác. Trong Hội đồng Pháp sư không có cá nhân hay tập thể đứng đầu Hội đồng Pháp sư. Cá nhân, tập thể nào được Hội đồng Pháp sư ủy thác phận sự nào đó, thì cá nhân, tập thể đó có trách nhiệm báo cáo và thực hiện theo sự chỉ dạy của Hội đồng Pháp sư Làng Phật trong quá trình thực hiện phận sự được ủy thác.
14. Pháp sư Làng Phật có đầy đủ mười pháp tánh: chân thật quy y Tam Bảo; biết hổ thẹn các hành động ác, bất thiện; ghê sợ các hành động ác, bất thiện; có giới đức thanh cao, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, ít ỏi tà ngữ và ít ỏi lời ác kiến, khiêm cung, hòa hợp Tăng, quý trọng sinh mạng của chúng sinh; sống trong sự hộ trì sáu căn; ít ham muốn, biết vừa đủ, biết tiết độ trong ăn uống; có chánh kiến, có trí tuệ, đa văn, thấu hiểu lời dạy của đức Phật Gotama; hân hoan tinh tấn tu học các thiện pháp; khéo thuyết pháp; có lòng từ.(10)
15. Làng Phật có Ban hộ trì Làng Phật, là một nhóm cư sĩ thuần thành, có thể có một số ít chư tăng ni Làng Phật(11), do Hội đồng Pháp sư Làng Phật chọn lựa, ủy thác và miễn nhiệm, được toàn thể chư tăng ni Làng Phật đồng thuận, bao gồm Thường trực Ban hộ trì(12), Ban hộ tự(13), Ban hộ pháp(14), Ban hộ Tăng(15) và Ban pháp hội(16), có phận sự: quản lý và mua sắm tài sản Làng Phật; quản lý tiền bạc và vật phẩm cúng dường; quản lý, vận hành khu văn hóa tâm linh, khu tổng hợp; quản lý việc ăn ở, sinh hoạt của người tại gia; quản lý việc kiến tạo, sửa chữa, chăm sóc các loại công trình xây dựng, kiến trúc, cảnh quan; lưu giữ và truyền thông Pháp Bảo; bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa Làng Phật; hộ trì, phụng sự, hộ độ cho chư tăng ni về việc tu học, hoằng dương Pháp Bảo, việc ăn ở, sinh hoạt, việc đi lại, y phục và các vật dụng thiết yếu, việc khám chữa bệnh; tổ chức các khóa tu học và pháp hội, các khóa lễ và các sự kiện khác; xây dựng và tổ chức sinh hoạt các đạo tràng của người tại gia.
16. Làng Phật có không gian thanh vắng, riêng biệt, có vị trí cách xa khu dân cư nhưng thích hợp cho việc khất thực.
17. Làng Phật được chia thành bốn khu vực chính(17). Khu văn hóa tâm linh dành riêng cho người tại gia, bao gồm điện Tam Bảo, nhà tưởng niệm chư tăng ni, các ngôi đền, vườn tượng… Khu tổng hợp được bố trí riêng biệt dành cho việc tu học của người tại gia và người xuất gia tập sự(18), bao gồm giảng đường, thư viện, nhà làm việc của Ban hộ trì, nhà ở tập thể, khu sớt bát cúng dường chư tăng, khu sớt bát cúng dường chư ni, vườn thiền… Khu tịnh xá tăng được bố trí cách biệt dành cho chư tăng và nam cư sĩ bậc trên, bao gồm các tịnh thất, phòng học, thư viện, vườn thiền… Khu tịnh xá ni được bố trí cách biệt dành cho chư ni và nữ cư sĩ bậc trên, bao gồm các tịnh thất, phòng học, thư viện, vườn thiền...
18. Bất cứ nơi nào áp dụng trọn vẹn bản sắc văn hóa Làng Phật đều là Làng Phật. Các Làng Phật đều hỗ trợ nhau trên mọi lĩnh vực, không phân biệt Phật tử, tài sản, tiền bạc, vật phẩm cúng dường. Phật tử Làng Phật được tự do ở, sinh hoạt, tu học, hoằng dương Pháp Bảo tại bất kỳ Làng Phật nào với thời gian tùy ý.
CHÚ GIẢI BẢN SẮC VĂN HÓA LÀNG PHẬT
([1]) Người đệ tử Phật, hay còn gọi là Phật tử, là người chân thật quy y Tam Bảo, bao gồm chư tăng ni và cư sĩ. Khi người nào đăng ký ở, sinh hoạt, tu học, hoằng dương Pháp Bảo trong Làng Phật, thì đã tự mình chấp nhận thực hiện vô điều kiện bản sắc văn hóa Làng Phật và các kết luận của Hội đồng Pháp sư Làng Phật hoặc của toàn thể chư tăng ni Làng Phật về việc phạm lỗi của mình. Nếu người nào ở, sinh hoạt, tu học, hoằng dương Pháp Bảo trong Làng Phật mà không nghiêm trì, hoặc không giữ gìn đúng đủ bản sắc văn hóa Làng Phật, hoặc muốn sửa đổi bản sắc văn hóa Làng Phật, hoặc khuyến khích người khác không nghiêm trì, hoặc không giữ gìn đúng đủ bản sắc văn hóa Làng Phật, hoặc chê bai, dèm pha, phỉ báng, phá hoại bản sắc văn hóa Làng Phật, thì Hội đồng Pháp sư Làng Phật hoặc toàn thể chư tăng ni Làng Phật kết luận lỗi đã phạm và kết luận biện pháp kỷ cương đối với người phạm lỗi để giữ gìn nguyên vẹn bản sắc văn hóa Làng Phật.
([2]) Mỗi chư tăng ni, cư sĩ tùy chọn mẫu y phục Phật giáo và có thể thay đổi mẫu y phục Phật giáo, theo đúng giới tính và giới phẩm mà mình đang thọ trì. Y phục Phật giáo là y phục dành cho chư tăng ni, cư sĩ của các truyền thống, tông phái trong cộng động Phật giáo thế giới. Phật tử Làng Phật chỉ sử dụng các y phục Phật giáo mộc mạc, giản dị, có màu hoại sắc, không hoa văn, thêu thùa.
([3]) Khi Phật tử đã đăng ký ở, sinh hoạt, tu học, hoằng dương Pháp Bảo trong Làng Phật chưa hết hạn và không bị Hội đồng Pháp sư Làng Phật hoặc toàn thể chư tăng ni Làng Phật kết luận trục xuất khỏi Làng Phật, thì vị ấy được gọi là Phật tử Làng Phật. Phật tử Làng Phật bao gồm chư tăng ni Làng Phật và cư sĩ Làng Phật.
([4]) Có ba trường hợp được Làng Phật chấp nhận là lời dạy của đức Phật Gotama: được đức Phật Gotama thuyết; được thuyết bởi đệ tử của đức Phật Gotama tại thời kỳ đức Phật Gotama còn tại thế, mà vị ấy đã được đức Phật Gotama cho phép hoặc chỉ định thuyết pháp; được thuyết bởi một vị đệ tử của đức Phật Gotama tại thời kỳ đức Phật Gotama còn tại thế, mà lời thuyết đó của vị ấy đã được đức Phật Gotama chấp nhận. Làng Phật chỉ có thể chấp nhận các bản kinh điển truyền thừa lời dạy của đức Phật Gotama có nguồn gốc rõ ràng từ các lần Đại hội kết tập kinh điển. Trong Làng Phật chỉ tu học theo các bản kinh điển này, không tu học theo các bản kinh điển khác. Trong phạm vi các bản kinh điển được Làng Phật chấp nhận này, Phật tử Làng Phật được tự do chọn lựa để tu học.
([5]) Chư tăng ni Làng Phật và cư sĩ bậc trên phải cầu vị Pháp sư Làng Phật, do Hội đồng Pháp sư Làng Phật chỉ định, làm thầy chỉ dạy tu học, ngoại trừ vị ấy là Pháp sư Làng Phật. Sau khi vị ấy đã tu học thành tựu các pháp do vị Pháp sư của vị ấy chỉ dạy, mới cầu pháp ở vị Pháp sư khác trong Làng Phật để tu học các pháp cao thượng hơn. Để hội đủ các pháp cần thiết, Phật tử Làng Phật được cầu nhiều vị Pháp sư Làng Phật làm thầy chỉ dạy tu học, nhưng cần có sự chấp nhận của Hội đồng Pháp sư Làng Phật.
([6]) Toàn bộ tiền bạc mà chư tăng ni có được dưới bất cứ hình thức hợp pháp nào đều bàn giao, nhập chung vào quỹ hộ Tăng của Làng Phật. Khi chư tăng ni cần tiền để tiện việc đi lại, tu học, khám chữa bệnh và những chi phí dùng cho các nhu cầu thiết yếu khác, thì Ban hộ Tăng đề nghị thủ bổn xuất quỹ hộ Tăng để dâng cúng cho chư tăng ni, nhưng khi chư tăng ni nhận giữ tiền bạc phải nhận thức rằng đó là việc làm trái lời Phật dạy, cho nên có thể phát sinh các nhân duyên làm chướng ngại đường tu. Khi chư tăng ni cần tiền để giúp đỡ thân quyến thì cần được sự đồng thuận của Hội đồng Pháp sư Làng Phật. Mọi vật dụng thiết yếu cho chư tăng ni do Ban hộ Tăng dâng cúng. Khi chư tăng ni không còn là Phật tử Làng Phật thì áp dụng lợi hòa đồng quân trong quỹ hộ Tăng, phát sinh trong thời gian vị ấy là Phật tử Làng Phật, để dâng cúng cho vị ấy.
([7]) Trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không thể khất thực do nạn vua quan, nạn thiên tai, nạn lửa cháy, nạn dịch bệnh, nạn thú dữ độc trùng, nạn chiến tranh, cướp phá, hành hung, nạn phi nhơn, hay có điều nguy hiểm khác xảy ra, chư tăng ni có thể tự trồng trọt và nấu ăn trong sự biết tiết độ. Trong khi tự trồng trọt và nấu ăn, chư tăng ni cần nhận thức rằng pháp này là tà mạng, trái với lời Phật dạy, sẽ có những nhân duyên làm chướng ngại đường tu.
([8]) Đối với người chưa học thuộc đầy đủ các giới và các điều học cần phải học thuộc thì phải sớm học thuộc, chưa đọc đủ ba lần các bộ kinh cần đọc thì phải sớm đọc cho đủ ba lần, chưa học tập và thọ trì tám kính pháp thì phải học tập và thọ trì.
([9]) Cư sĩ bậc trên là Phật tử Làng Phật đã thọ và giữ gìn tinh nghiêm năm giới, có thầy chỉ dạy tu học là Pháp sư Làng Phật, có khả năng sống độc cư, đã đọc kinh Tiểu bộ ít nhất ba lần, có pháp hành thiền cụ thể rõ ràng đúng với Pháp Bảo, hân hoan tinh tấn tu học các thiện pháp, đã được vị Pháp sư của vị ấy trong Làng Phật quyết định là cư sĩ bậc trên. Người cư sĩ bậc trên thọ trì và giữ gìn tinh nghiêm bản sắc văn hóa Làng Phật, tám trai giới trong suốt thời gian được ở trong khu tịnh xá. Thời gian mà người cư sĩ bậc trên được ở trong khu tịnh xá do vị Pháp sư của vị ấy trong Làng Phật quyết định.
([10]) Pháp sư Làng Phật, còn gọi là Pháp sư trong Làng Phật, là Phật tử Làng Phật, đã thọ giới cụ túc, có ít nhất bốn vị Sa di, Sa di ni cầu pháp tu học, có đầy đủ mười pháp tánh của Pháp sư Làng Phật, đã từng khéo thuyết giảng nhiều bài pháp có giá trị thiết thực hiện tại, có quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng. Pháp sư Làng Phật do toàn thể chư tăng ni Làng Phật đồng thuận suy cử.
([11]) Chỉ có Phật tử Làng Phật mới được có mặt trong Ban hộ trì Làng Phật. Trong Làng Phật, tất cả Phật tử có tên trong danh sách Ban hộ trì có tối đa hai nhiệm kỳ không kế nhau, mỗi nhiệm kỳ là bốn năm. Đối với trụ trì, quyền trụ trì, trưởng ban, quyền trưởng ban, trong một nhiệm kỳ, định kỳ làm việc sáu tháng rồi nghỉ sáu tháng để tập trung tu học, hoặc tạm thời chuyển công tác; khi nghỉ sáu tháng để tu học, hoặc chuyển công tác, ủy quyền toàn bộ và bàn giao toàn bộ công việc lại cho cấp phó của mình. Người được ủy quyền cần được sự đồng thuận của Hội đồng Pháp sư Làng Phật.
([12])Thường trực Ban hộ trì có phận sự phụng sự cho chư tăng ni, chịu sự quản trị của Hội đồng Pháp sư Làng Phật, quản lý và triển khai các công việc của các Ban, bao gồm trụ trì hoặc quyền trụ trì, các phó trụ trì, thư ký, hành chính nhân sự, thủ bổn và tri khố. Trường hợp không có trụ trì, quyền trụ trì và các phó trụ trì, thì các vị trí thư ký, hành chính nhân sự, thủ bổn và tri khố thuộc Ban hộ tự. Khi đó, Thường trực Ban hộ tự có phận sự phụng sự cho chư tăng ni, chịu sự quản trị của Hội đồng Pháp sư Làng Phật, quản lý và triển khai các công việc của các Ban, bao gồm trưởng ban, các phó ban, thư ký, hành chính nhân sự, thủ bổn và tri khố.
([13]) Ban hộ tự có phận sự: quản lý và mua sắm tài sản Làng Phật; quản lý và vận hành khu văn hóa tâm linh; quản lý việc ăn ở, sinh hoạt và sự vận hành tại khu tổng hợp; quản lý việc ăn ở, sinh hoạt của người tại gia; quản lý việc kiến tạo, sửa chữa, chăm sóc, bảo trì các loại công trình xây dựng, kiến trúc và cảnh quan.
([14]) Ban hộ pháp có phận sự: ghi lại, lưu giữ và kết tập lời dạy của Pháp sư trong Làng Phật, nghiên cứu nguồn gốc lịch sử kinh điển, lưu giữ bản gốc kinh điển, ấn tống kinh sách, truyền thông Phật giáo; quản lý, phát triển và vận hành các thư viện; kiểm soát, bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa Làng Phật.
([15]) Ban hộ Tăng có phận sự: hộ trì, phụng sự, hộ độ cho chư tăng ni về việc tu học, hoằng dương Pháp Bảo, việc ăn ở và sinh hoạt, việc đi lại, y phục và các vật dụng thiết yếu, việc khám chữa bệnh.
([16]) Ban pháp hội có phận sự: tổ chức các lớp tu học, các khóa tu và pháp hội, các khóa lễ, ngày lễ, lễ hội và các sự kiện khác; xây dựng, phát triển và tổ chức sinh hoạt các đạo tràng của người tại gia.
([17]) Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu, Làng Phật có thể: chỉ có khu tịnh xá ni mà không có khu tịnh xá tăng, hoặc chỉ có khu tịnh xá tăng mà không có khu tịnh xá ni; giảm bớt một số loại hạng mục công trình trong mỗi khu vực chính. Mỗi tịnh thất bao gồm một phòng có diện tích khoảng 08 mét vuông, có thể có thêm phòng vệ sinh và hiên. Mật độ xây dựng tối đa 10 tịnh thất trong 01 héc ta.
([18]) Người xuất gia tập sự là người xuất gia chính thức chưa chính thức thọ mười giới và người xuất gia gieo duyên.
(Bản sắc văn hóa Làng Phật bao gồm 18 mục tóm tắt và 18 mục chú giải, do Tỳ kheo Quang Vô Sắc – Thích Tuệ Định Quang hiến lập năm 2023 – Phật lịch 2567)

Không có nhận xét nào: