La Gi là thị xã được tái lập năm 2005: tách ra từ huyện Hàm Tân. Toàn bộ cơ quan hành chính và trung tâm của huyện cũ đều giao lại cho thị xã mới. Thị xã mới nhưng lại cũ! Theo địa giới phân chia, lịch sử và văn hoá của Hàm Tân trước đây hầu hết đều thuộc thị xã La Gi. Nói đến La Gi cũng tức là nói về Hàm Tân xưa.
Trước 1975, nơi đây đã từng có câu:
Muốn nghỉ mát thì đi Đà Lạt;
Muốn hốt bạc thì về La Gi.
Xưa, La Gi là rừng vàng, biển bạc. Nay, La Gi thì "rừng đã cháy" và "biển đã cạn". Tuy vậy, trời đất vẫn còn thương ban cho La Gi điều quý nhất chưa mất: Khí hay còn gọi là Nguyên Khí.
1. Khí
Có một thứ còn quý hơn vàng, kim cương làm con người "Tinh Anh" có nhiều ở La Gi mà Nguyễn Du đã nhắc đến trong Truyện Kiều: "Thác là thể phách còn là Tinh Anh". Khí làm cho con người ta "Tinh Anh"!
Hiện, tài liệu khoa học nghiên cứu về Khí quá ít. Riêng các tài liệu cổ Phương Đông nói nhiều đến Khí nhưng rất "mờ", khó hiểu. Muốn hiểu một cách khoa học buộc phải dùng đến công cụ toán học cao cấp phương Tây có tên gọi là "toán tập mờ".
a. Khí là gì?
Khí ở đây không phải là không khí (oxy, hydro,...) hoặc một chất "thô" nào khác có trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học của Mendeleev. Khí là vật chất "vi tế" có thật con người không thể dùng năm giác quan và kể cả công cụ khoa học hiện đại nhất như kính hiển vi điện tử hoặc máy siêu âm điện toán thấy được. Bởi không thể dùng công cụ có cấu trúc từ vật chất "thô" để nhìn thấy vật chất "vi tế" được!
Ví như Khí Huyết của con người. Để đo Huyết áp, thì bác sỹ Tây y đo được. Nhưng đo Khí (lực) thì chịu, thậm chí không công nhận nó. Ngược lại, bác sỹ Đông y có thể đo được Khí mạch của con người bằng kinh nghiệm và trực giác (sẽ nói rõ ở các bài sau).
Tại Quốc Tử Giám - Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, cha ông ta đã khắc vào bia đá:
"Hiền tài là Nguyên Khí của đất nước.
Nguyên Khí vững thì nước mạnh và thịnh.
Nguyên Khí yếu thì nước yếu và suy.
Cho nên các thánh đế, minh vương
Không ai không chăm lo việc
Xây dựng nhân tài, bồi đắp Nguyên Khí".
Khái niệm Khí ở bài viết này đồng nhất với Nguyên Khí ở đoạn văn bất hủ trên.
b. Khí là bản thể, là nguồn gốc của vạn vật.
Thuyết Địa lý Phong Thuỷ là một học thuyết cổ của Phương Đông có mục đích nghiên cứu địa thế cảnh quan, sử dụng địa thế cảnh quan để lựa chọn địa điểm cho các công trình kiến trúc: Dương Trạch (nhà ở, cung thất, chùa chiền, đô thị) và Âm trạch (lăng, mộ). Khí hay Sinh Khí hay Nguyên Khí được xem là bản thể, nguồn gốc của vạn vật. Khí còn gọi là Long (Rồng). Nguyên Khí được xem là gắn bó với nước: Nước giúp Khí di chuyển. Nước di chuyển thì Nguyên Khí cũng di chuyển, nước dừng lại thì Nguyên Khí cũng dừng. Khí tụ mạnh nhất tại các nơi giao hội của nước (ao hồ, vịnh biển, nơi giao hội của các dòng sông chẳng hạn) thì gọi là Minh Đường.
Nguyên Khí cũng được xem là gắn bó với núi (hay Sa). Từ đó, quan sát hướng đi của núi (hay sơn mạch), ta có thể tìm được Nguyên Khí.
Có khí lành (cát Khí) và có Khí dữ (hung Khí). Sự lành dữ của khí có thể phụ thuộc vào phương hướng. Những điểm lớn tập trung Nguyên Khí (cát Khí) gọi là Địa Linh. “Địa linh sinh Nhân kiệt”.
2. La Gi - Việt Nam thu nhỏ.
Nhìn vào bản đồ Việt Nam đối chiếu với bản đồ thị xã La Gi có nhiều nét tương đồng về địa lý phong thuỷ:
(1) Về đất đai, Việt Nam có đồng bằng, đồi núi thì La Gi cũng có.
(2) Về núi, Việt Nam có núi Tản là tổ sơn thì La Gi có núi Nhọn dáng thế núi giống nhau; Việt Nam có dãy Trường Sơn chạy từ Bắc vào Nam thì La Gi có dãy núi cũng chạy từ Bắc vào Nam: núi Tà Cú, núi Voi, núi Bể; thủ đô Hà Nội có núi Nùng bên trong, thì La Gi cũng có núi Đất nằm trong lòng thị xã.
(3) Về sông, Việt Nam có hai con sông lớn làm nên nền văn minh lúa nước: sông Hồng và sông Cửu Long thì La Gi cũng có hai con sông bao quanh làm nên đời sống văn hoá và tâm linh của thị xã: sông Dinh và sông Phan (hay còn gọi sông Đợt).
(4) Về biển là Minh Đường nơi tụ Khí, Việt Nam có gần 2.800 km bờ biển thì La Gi có 28 km bờ biển.
(5) Về cấu trúc hình thể, Việt Nam phía Nam vịnh Bắc bộ có Đảo Hải Nam án ngự thì La Gi về phía Nam vịnh Kê Gà có Hòn Bà án Ngự; phía Tây Việt Nam có Biển Hồ (Campuchia) che chở thì phía Tây La Gi có Biển Lạc chở che!
Không phải ngẫu nhiên mà thị xã La Gi có ba địa danh mang tên Khí: sông Dinh (Khí), Tân Long (Khí), Cầu Long (Khí) Hội.
3. Kết
Trên đây là tóm lược vài chỉ dấu cho ta thấy La Gi có nhiều Khí và mật độ Khí cao không thua kém Phú Hài - Mũi Né (Phan Thiết) rất thích hợp vô cùng cho du lịch và nghỉ dưỡng. Về La Gi không chỉ làm giàu, du lịch mà còn nghỉ dưỡng rất tốt.
Ảnh: Internet
Hoàng Lạc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét