Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2023

SÔNG DINH CHẢY QUA THỊ XÃ LA GI.

Trong từ vựng tiếng Việt có các [dạng] từ: (1) từ đồng âm đồng nghĩa, (2) từ đồng âm gần nghĩa, (3) từ đồng âm khác nghĩa, (4) từ khác âm đồng nghĩa, (5) từ khác âm gần nghĩa, (6) từ khác âm khác nghĩa. Từ “dinh” trong sông Dinh là một ví dụ.
1. Nghĩa của từ "dinh"
Theo từ điển tiếng Việt, từ "dinh" có các nghĩa sau:
- Khu nhà dùng làm nơi đóng quân thời phong kiến;
- Toà nhà ở và nơi làm việc của quan lại cao cấp hoặc của người đứng đầu cơ quan nhà nước;
- Nơi thờ tự;
- Nguyên khí của con người.
2. Nguồn gốc
2.1. “Karaung tìng”
Có người cho rằng “Sông Dinh” bắt nguồn từ “Karaung tìng”, theo tiếng Chăm có nghĩa là con sông chảy qua khu đông dân cư nhưng đối với con sông Dinh chảy qua thị xã La Gi chưa hẳn vậy.
Sông Dinh khởi nguồn từ Núi Ông, hợp lưu với nhiều con suối ở vùng núi huyện Tánh Linh, rồi tiếp nhận thêm phụ lưu của sông Giềng bắt nguồn từ thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai chảy qua địa phận huyện Hàm Tân trước khi xuôi về biển với tổng chiều dài là 58 km.
Dọc theo bờ sông Dinh đã từng có ba nhóm dân cư sinh sống: tộc Rai ở vùng thượng lưu cư trú lâu đời nhất; tộc Chăm ở hạ lưu vào cuối thế kỷ 17; tộc Việt ở gần cửa biển ước chừng hơn 100 năm trở lại đây. Tộc Rai sống theo lối du canh, du cư không thể hình thành khu tập trung. Tộc Chăm dân số không đông, vài ngàn người. Tộc Việt đông hơn tập trung thành làng chài, gần cửa biển thuận lợi cho việc đánh bắt hải sản và trồng trọt. Người Việt đến định cư sau người Chăm cũng phải trên 100 năm. Nên yếu tố để đặt tên sông Dinh bắt nguồn từ “Karaung tìng” là chưa đủ cơ sở.
2.2. Nơi thờ tự
Vậy vì sao con sông này lại mang tên “Dinh”?
Từ “dinh” không đơn thuần là xuất phát từ “Karaung tìng”, mà từ “dinh” theo nghĩa tiếng Việt còn có nghĩa là nơi thờ tự. Ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, nơi thờ tự các vị đẳng thần thường được gọi là “dinh”, ví như Dinh Cô ở Long Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu, Dinh vạn Phước Lộc ở Phước Lộc, Bình Thuận,... Theo nghĩa này, thì “Sông Dinh” nghĩa là bên sông có một ngôi dinh hoặc có nhiều ngôi dinh.
Ở vùng người Chăm sinh sống trước đây, ngay sát bờ sông họ xây dựng một ngôi dinh, dinh này thờ Chúa Cậu (Chúa Chàng Râu). Dinh Chúa Cậu có niên đại khoảng 300 năm. Dinh Chúa Cậu ngày nay vẫn còn, nằm ngay đầu cầu Láng Gòn (Goòn), thuộc thôn Láng Gòn 1, xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân.
Ở hạ lưu sông Dinh cũng có nhiều dinh. Đó là Dinh Thầy Thím (Tân Tiến), Dinh vạn Phước Lộc, Dinh vạn Tân Long, Dinh Cô Bác (khu triều cường Phước Lộc), Dinh Thầy (Tân Thiện), Dinh Thầy (Phước Tiến, Tân Phước), Dinh Cậu (Phước Thọ, Tân Phước).
Như vậy trên bờ sông Dinh, ở vùng dân cư tương đối tập trung cũng như vùng ít dân cư, người Việt hay người Chăm đều xây dựng cơ sở thờ tự cho sinh hoạt tín ngưỡng của mình. Cơ sở thờ tự ấy, người Việt gọi là Dinh.
Con sông chảy qua nhiều Dinh nên được gọi là Sông Dinh!?
2.3. Nguyên Khí
“Dinh” Còn một nghĩa khác là Nguyên Khí.
Trước 1975, thị xã La Gi có nhiều suối và ao hồ dẫn Khí và tụ Khí. Hiện nay, phần nhiều suối đã cạn và ao hồ không còn nhiều như xưa bởi do con người san lấp và chặt phá rừng (trước đây, riêng xã Châu Thành Phước Hội đã có 7 ao hồ lớn nhỏ; lớn nhất là Hồ Tôm).
Sông Dinh khởi nguồn từ núi Ông một trong những ngọn núi cao của tỉnh Bình Thuận. Núi Ông cao 1.302 mét là cột ăng-ten hấp thụ nguyên khí đưa xuống các mạch nước ngầm, sông suối và rồi tích tụ lại tại các ao hồ, sông biển. Trên đường chảy ra biển Hòn Bà đi qua thị xã La Gi, nó được nhiều suối, phụ lưu sông bồi đắp thêm Nguyên Khí. Do vậy, sông này mang nhiều nguyên khí. Đó cũng có thể là lí do sông có tên Dinh.
3. Kết
Sông Dinh không chỉ cung cấp phù sa, nguồn nước để trồng trọt và sinh hoạt mà nó còn chuyên chở và cung cấp một thứ vô cùng quý giá đó là Nguyên Khí góp phần làm nên mạch nguồn đời sống tâm linh và văn hóa cho cư dân vùng đất này. Vì thế các cụ ngày xưa gọi đây là vùng đất “Ông Bà”, là nơi dừng chân của vị Đạo sĩ Quảng Nam.
Sông Dinh bao lần bồi lỡ, lắm lúc thay hình đổi dạng phần nhiều đều do con người tác động, nhưng nhìn chung nó vẫn là con sông hiền hòa, là mạch sống của mấy trăm ngàn con người ở đây. Nó không thể thiếu cho một thành phố du lịch và nghỉ dưỡng trong tương lai nếu chúng ta biết nâng niu, giữ gìn và bồi đắp nó.
Hoàng Lạc
Ảnh: 1: của Art Nguyễn Hà, 2: của Hoàng Thục Oanh, 3: Sưu tầm

Không có nhận xét nào: