Dành Cho Người Tu Nhất Tâm
Thầy chào quý Con thương kính của Thầy! Khi bắt đầu, hay trong khi tu tập nhất tâm, hay đã thấy thành tựu nhất tâm, quý Con cần phải biết tự kiểm tra lại định lực của mình.
Thầy có pháp công phu nhập môn này dành cho người tu nhất tâm, với bốn bậc định tâm, quý Con cần phải tu tập.
Pháp công phu nhập môn dành cho người tu nhất tâm, với bốn bậc định là gì? Pháp đếm được năm trăm hơi thở vào ra, là pháp công phu nhập môn bậc định thứ nhất. Pháp đếm được một ngàn hơi thở vào ra, là pháp công phu nhập môn bậc định thứ hai. Pháp đếm được một ngàn năm trăm hơi thở vào ra, là pháp công phu nhập môn bậc định thứ ba. Và pháp đếm được hai ngàn hơi thở vào ra, là pháp công phu nhập môn bậc định thứ tư.
Sau khi quý Con tu tập thành tựu bốn bậc định này, là quý Con đã hoàn thành công phu nhập môn, đã chính thức bước vào hội chúng thù thắng, có năng lực chế ngự năm chướng ngại pháp đối với người tu, thân được an lạc, tâm được tăng trưởng về sự định tĩnh, về sự thuần tịnh trong sáng, về sự không cấu nhiễm, về sự không phiền não, về sự nhu nhuyến, về sự dễ sử dụng, về sự vững chắc, về sự bình thản, nhất tâm sẽ đạt được một cách dễ dàng. Khi đó, Thầy sẽ hướng dẫn quý Con niệm danh hiệu Phật để đạt đến nhất tâm bất loạn.
Trong quý Con, nếu có ai vội vàng, tu tập sơ sài công phu nhập môn, chưa hoàn thành công phu nhập môn, lại tu tập niệm danh hiệu Phật, vị ấy sẽ rất khó khăn, sẽ rất mệt nhọc, sẽ rất tốn sức, thời gian có thể rất dài để có thể đạt được nhất tâm bất loạn. Như vậy là quý Con đã không nghe lời chỉ dạy của Thầy, người mà vì lòng thương tưởng đến đệ tử của mình, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc lâu dài cho đệ tử, những gì mà bậc Đạo sư cần làm cho đệ tử, ngài phải làm.
Trong khi tu tập công phu nhập môn này, năm chướng ngại pháp tham lam, sân hận, trạo cử - hối quá, hôn trầm – thụy miên và nghi ngờ có thể sẽ làm khó khăn cho quý Con. Khi có những khó khăn xảy ra đối với quý Con trong khi tu tập, Thầy sẽ trợ giúp cho quý Con.
VỊ THÀNH TỰU BẬC ĐỊNH THỨ NHẤT: Quý Con thương kính! Hãy ở nơi thanh vắng, ngồi kiết già hoặc bán già, thẳng lưng, hướng tâm trước mặt, với từng hơi thở vào ra, bắt đầu hít vào biết được ta hít vào và liền niệm thầm một niệm đầu; bắt đầu thở ra biết được ta thở ra và liền niệm thầm một niệm cuối. Hít vào và thở ra hiểu là một hơi thở vào ra. Niệm đầu và niệm cuối, hợp lại biểu thị cho một số đếm.
Ở đây, một số đếm được chia thành hai âm, tức là hai niệm. Khi đếm hơi thở thứ nhất (0-1), số một được chia thành hai niệm, niệm đầu là "không" và niệm cuối là "một", khi hít vào ta niệm "không", khi thở ra ta niệm "một".
Khi đếm hơi thở thứ hai (0-2), khi hít vào ta niệm "không", khi thở ra ta niệm "hai". Khi đếm hơi thở thứ ba (0-3), khi hít vào ta niệm "không", khi thở ra ta niệm "ba"... Khi đếm hơi thở thứ mười (0-10), khi hít vào ta niệm "không", khi thở ra niệm "mười".
Khi đếm hơi thở thứ mười một (11), khi hít vào ta niệm "mười", khi thở ra ta niệm "một". Khi đếm hơi thở thứ mười hai (12), khi hít vào ta niệm "mười", khi thở ra ta niệm "hai"... Khi đếm hơi thở thứ hai mươi (20), khi hít vào ta niệm "hai", khi thở ra ta niệm "mươi".
Khi đếm hơi thở thứ hai mốt (21), khi hít vào ta niệm "hai", khi thở ra ta niệm "một". Khi đếm hơi thở thứ hai hai (22), khi hít vào ta niệm "hai", khi thở ra ta niệm "hai"... Khi đếm hơi thở thứ chín mươi (90), khi hít vào ta niệm "chín", khi thở ra ta niệm "mươi".
Khi đếm hơi thở thứ chín mốt (91), khi hít vào ta niệm "chín", khi thở ra ta niệm "một". Khi đếm hơi thở thứ chín hai (92), khi hít vào ta niệm "chín", khi thở ra ta niệm "hai"... Khi đếm hơi thở thứ chín chín (99), khi hít vào ta niệm "chín", khi thở ra ta niệm "chín". Khi đếm hơi thở thứ một trăm (100), khi hít vào ta niệm "một", khi thở ra ta niệm "trăm". Như vậy, ta đếm được một trăm (100) hơi thở vào ra.
Với một trăm hơi thở tiếp theo lần thứ hai, ta cũng đếm như khi đếm một trăm hơi thở lần đầu tiên, từ số đếm 01 cho đến số đếm 99, còn hơi thở thứ một trăm của lần thứ hai này, ta đếm thành hai trăm (200), khi hít vào ta niệm "hai", khi thở ra ta niệm "trăm". Như vậy, ta đếm được hai trăm (200) hơi thở vào ra.
Với một trăm hơi thở tiếp theo lần thứ ba, ta cũng đếm như khi đếm một trăm hơi thở lần đầu tiên, từ số đếm 01 cho đến số đếm 99, còn hơi thở thứ một trăm của lần thứ ba này, ta đếm thành ba trăm (300), khi hít vào ta niệm "ba", khi thở ra ta niệm "trăm". Như vậy, ta đếm được ba trăm (300) hơi thở vào ra.
Tương tự như vậy cho một trăm hơi thở lần thứ tư, một trăm hơi thở lần thứ năm. Như vậy, ta đếm được năm trăm (500) hơi thở vào ra.
Năm trăm hơi thở này, ta đếm không bị gián đoạn, không bị quên lửng, với mỗi hơi thở ta đều biết rõ ta có hít vào, biết rõ ta có thở ra. Như vậy là thành tựu pháp đếm được năm trăm hơi thở vào ra.
Với ba thời công phu khác nhau, liên tiếp đều thành tựu pháp đếm được năm trăm hơi thở vào ra, thì vị ấy được gọi là vị thành tựu bậc định thứ nhất pháp công phu nhập môn dành cho người tu nhất tâm. Khi ấy, vị ấy sẽ tu tập bậc định cao hơn, là bậc định thứ hai.
VỊ THÀNH TỰU BẬC ĐỊNH THỨ HAI: Quý Con tu tập đếm hơi thở ra vào cho đến hơi thở thứ năm trăm (500) như ở bậc định thứ nhất.
Rồi tiếp theo với một trăm hơi thở lần thứ sáu, ta cũng đếm như khi đếm một trăm hơi thở lần đầu tiên, từ số đếm 01 cho đến số đếm 99, còn hơi thở thứ một trăm của lần thứ sáu này, ta đếm thành sáu trăm (600), khi hít vào ta niệm "sáu", khi thở ra ta niệm "trăm". Như vậy, ta đếm được sáu trăm (600) hơi thở vào ra.
Tương tự như vậy cho một trăm hơi thở lần thứ bảy, một trăm hơi thở lần thứ tám, lần thứ chín, lần thứ mười. Với hơi thở thứ một trăm của lần thứ mười này, ta đếm thành một ngàn (1000), khi hít vào ta niệm "một", khi thở ra ta niệm "ngàn". Như vậy, ta đếm được một ngàn (1000) hơi thở vào ra.
Một ngàn hơi thở này, ta đếm không bị gián đoạn, không bị quên lửng, với mỗi hơi thở ta đều biết rõ ta có hít vào, biết rõ ta có thở ra. Như vậy là thành tựu pháp đếm được một ngàn hơi thở vào ra.
Với ba thời công phu khác nhau, liên tiếp đều thành tựu pháp đếm được một ngàn hơi thở vào ra, thì vị ấy được gọi là vị thành tựu bậc định thứ hai pháp công phu nhập môn dành cho người tu nhất tâm. Khi ấy, vị ấy sẽ tu tập bậc định cao hơn, là bậc định thứ ba.
VỊ THÀNH TỰU BẬC ĐỊNH THỨ BA: Quý Con tu tập đếm hơi thở ra vào cho đến hơi thở thứ một ngàn (1000) như ở bậc định thứ hai.
Rồi tiếp theo với một trăm hơi thở lần thứ mười một, ta cũng đếm như khi đếm một trăm hơi thở lần đầu tiên, từ số đếm 01 cho đến số đếm 100. Như vậy, ta đếm được một ngàn một trăm (1100) hơi thở vào ra.
Với một trăm hơi thở tiếp theo lần thứ mười hai, ta cũng đếm như khi đếm một trăm hơi thở lần đầu tiên, từ số đếm 01 cho đến số đếm 99, còn hơi thở thứ một trăm của lần thứ mười hai này, ta đếm thành hai trăm (200), khi hít vào ta niệm "hai", khi thở ra ta niệm "trăm". Như vậy, ta đếm được một ngàn hai trăm (1200) hơi thở vào ra.
Với một trăm hơi thở tiếp theo lần thứ mười ba, ta cũng đếm như khi đếm một trăm hơi thở lần đầu tiên, từ số đếm 01 cho đến số đếm 99, còn hơi thở thứ một trăm của lần thứ mười ba này, ta đếm thành ba trăm (300), khi hít vào ta niệm "ba", khi thở ra ta niệm "trăm". Như vậy, ta đếm được một ngàn ba trăm (1300) hơi thở vào ra.
Tương tự như vậy cho một trăm hơi thở lần thứ mười bốn, một trăm hơi thở lần thứ mười lăm. Như vậy, ta đếm được một ngàn năm trăm (1500) hơi thở vào ra.
Một ngàn năm trăm hơi thở này, ta đếm không bị gián đoạn, không bị quên lửng, với mỗi hơi thở ta đều biết rõ ta có hít vào, biết rõ ta có thở ra. Như vậy là thành tựu pháp đếm được một ngàn năm trăm hơi thở vào ra.
Với ba thời công phu khác nhau, liên tiếp đều thành tựu pháp đếm được một ngàn năm trăm hơi thở vào ra, thì vị ấy được gọi là vị thành tựu bậc định thứ ba pháp công phu nhập môn dành cho người tu nhất tâm. Khi ấy, vị ấy sẽ tu tập bậc định cao hơn, là bậc định thứ tư.
VỊ THÀNH TỰU BẬC ĐỊNH THỨ TƯ: Quý Con tu tập đếm hơi thở ra vào cho đến hơi thở thứ một ngàn năm trăm (1500) như ở bậc định thứ ba.
Rồi tiếp theo với một trăm hơi thở lần thứ mười sáu, ta cũng đếm như khi đếm một trăm hơi thở lần đầu tiên, từ số đếm 01 cho đến số đếm 99, còn hơi thở thứ một trăm của lần thứ mười sáu này, ta đếm thành sáu trăm (600), khi hít vào ta niệm "sáu", khi thở ra ta niệm "trăm". Như vậy, ta đếm được một ngàn sáu trăm (1600) hơi thở vào ra.
Tương tự như vậy cho một trăm hơi thở lần thứ mười bảy, một trăm hơi thở lần thứ mười tám, lần thứ mười chín, lần thứ hai mươi. Với hơi thở thứ một trăm của lần thứ hai mươi này, ta đếm thành hai ngàn (2000), khi hít vào ta niệm "hai", khi thở ra ta niệm "ngàn". Như vậy, ta đếm được hai ngàn (2000) hơi thở vào ra.
Hai ngàn hơi thở này, ta đếm không bị gián đoạn, không bị quên lửng, với mỗi hơi thở ta đều biết rõ ta có hít vào, biết rõ ta có thở ra. Như vậy là thành tựu pháp đếm được hai ngàn hơi thở vào ra.
Với ba thời công phu khác nhau, liên tiếp đều thành tựu pháp đếm được hai ngàn hơi thở vào ra, thì vị ấy được gọi là vị thành tựu bậc định thứ tư pháp công phu nhập môn dành cho người tu nhất tâm. Khi ấy, vị ấy sẽ tu tập niệm danh hiệu Phật, hay trì chú, hay tu tập các pháp thiền định để đạt đến nhất tâm bất loạn.
Như vậy là pháp công phu nhập môn dành cho người tu nhất tâm, với bốn bậc định. Quý Con cần phải tu tập thành tựu bốn bậc định này, khi đó quý Con mới được xem là vị đã hoàn thành công phu nhập môn, đã chính thức bước vào hội chúng thù thắng, có năng lực chế ngự năm chướng ngại pháp đối với người tu, thân được an lạc, tâm được tăng trưởng về sự định tĩnh, về sự thuần tịnh trong sáng, về sự không cấu nhiễm, về sự không phiền não, về sự nhu nhuyến, về sự dễ sử dụng, về sự vững chắc, về sự bình thản, nhất tâm sẽ đạt được một cách dễ dàng. Khi đó, Thầy sẽ hướng dẫn quý Con niệm danh hiệu Phật để đạt đến nhất tâm bất loạn.
Trong quý Con, nếu có ai vội vàng, tu tập sơ sài công phu nhập môn, chưa hoàn thành công phu nhập môn, lại tu tập niệm danh hiệu Phật, vị ấy sẽ rất khó khăn, sẽ rất mệt nhọc, sẽ rất tốn sức, thời gian có thể rất dài để có thể đạt được nhất tâm bất loạn. Như vậy là quý Con đã không nghe lời chỉ dạy của Thầy, người mà vì lòng thương tưởng đến đệ tử của mình, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc lâu dài cho đệ tử, những gì mà bậc Đạo sư cần làm cho đệ tử, ngài phải làm.
Thầy hồi hướng tất cả công đức của Thầy cho quý Con và thân quyến của quý Con. Nguyện chúc cho quý Con và thân quyến của quý Con luôn được bình an, luôn được hạnh phúc, an lạc, luôn thuận duyên trên mọi sự lành, luôn tín tâm, tinh tấn, tăng trưởng thành tựu các công đức, sớm thành tựu và an trú nhất tâm tùy theo ý của mình, sớm trọn thành Phật Đạo
Tác giả: Sư Quang Vô Sắc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét