Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

VIỆT NAM CÓ NÊN DỜI THỦ ĐÔ?

Thiên hà, vận hành theo vòng xoáy thuận
Vừa qua khi theo dõi cơn bão Noru, nhìn vào đồ hình bão xoáy thuận nhiệt đới, tôi bỗng liên tưởng đến chữ vạn (卍) trong đạo Phật.
Các nhà khoa học đã xác định được dải ngân hà vận hành theo vòng xoáy thuận (ngược chiều kim đồng hồ). Và điểm lý thú là các cơn bão xoáy thuận ở Bắc và Đông bán cầu cũng vận hành như vậy.
Sự vận hành của năng lượng đi theo chiều xoáy thuận (mở ra) cũng trùng hợp cấu trúc ADN và các họa tiết hoa tay (vân tay) của con người. Và một điểm khá lý thú là tất cả các loại dây leo đều leo ngược chiều kim đồng hồ.
Bão xoáy thuận, ngược chiều kim đồng hồ
Những điều trùng hợp lý thú này mang thông điệp gì?
Nhìn vào đồ hình lưỡng cực âm dương của Trung Hoa ta thấy người Trung Hoa đặt phương vị cho âm - dương theo tọa độ nhìn từ Bắc xuống Nam, tay trái họ là phía Đông, tay phải họ là phía Tây. Họ nằm ở Bắc và Đông bán cầu, cho nên khí dương được miêu tả đi từ Bắc sang Đông và cực đại ở Nam. Cực của dương là âm. Khí âm lại đi từ Nam sang Tây và cực đại ở Bắc. Cực của âm là dương. (Hình 1)
Hình 1, chữ vạn xoáy nghịch, thuận chiều kim đồng hồ
Nhưng nhìn vào đồ hình này thì không thuận với chữ vạn (卍) ngược chiều kim đồng hồ, mà theo chữ vạn (卐) thuận chiều kim đồng hồ.
Nếu vẽ hà đồ lạc thư theo hình chữ vạn (卍) xoáy thuận, ngược chiều kim đồng hồ thì sẽ khởi Tây, đi từ 1 (Bắc) đi sang 6 (Tây Bắc), sang 7 (Tây), sang 2 (Tây Nam) và đến 9 (Nam). (Hình 2)
Hình 2, khởi âm từ Bắc, khởi dương từ Nam
Nếu vẽ hà đồ lạc thư theo hình chữ vạn xoáy nghịch (卐) thuận chiều kim đồng hồ như Trung Hoa thì khởi Đông, đi từ 1 (Bắc) sang 8 (Đông Bắc), sang 3 (Đông), sang 4 (Đông Nam) và đến 9 (Nam). (Hình 1)
Nếu tính từ 1 (Bắc) theo xoáy nghịch là khởi dương, thuận chiều kim đồng hồ. (Hình 1)
Nếu tính từ 1 (Bắc) theo xoáy thuận là khởi âm, ngược chiều kim đồng hồ. (Hình 2)
Đồ hình lưỡng cực Trung Hoa là khởi dương, đi từ Bắc sang Đông, thuận chiều kim đồng hồ. Vì Trung Quốc cho rằng phía Đông (mặt trời mọc) thuộc dương (động-sáng) và phía Tây (mặt trời lặn) thuộc âm (tĩnh-tối). (Hình 1)
Việt Nam phía Đông giáp biển, phía Tây giáp núi. Biển tượng trưng cho âm (thấp, mềm), núi tượng trưng cho dương (cao, rắn). Nhưng biển luôn động (dương), núi luôn tĩnh (âm) cho nên trong âm có dương mà trong dương có âm.
Nếu thủ đô đặt ở Bắc và xem biển (động) thuộc dương, hướng đông (sáng), đi theo đồ hình âm - dương Trung Hoa, xoáy ngược (卐), thuận chiều kim đồng hồ, thì giống như siết chặt vào. (Hình 1)
Nếu thủ đô đặt ở phía Nam, khởi dương theo xoáy thuận (卍), ngược chiều kim đồng hồ, đi từ Nam sang Đông, thì tựa như mở rộng ra. (Hình 3)
Hình 3, dời thủ đô về Nam thì thuận việc chiếm lĩnh biển Đông và Tây Nguyên
Cho nên để khởi dương đi ra biển thuận lợi, trong chu kỳ mới (vận mới: 2024 - 2048) thì Việt Nam nên tính đến phương án dời thủ đô vào phía Nam, sự đối kháng sẽ mạnh mẽ hơn, không bị Trung Hoa thao túng, siết chặt.
Theo vận hành âm dương (xoáy thuận), chúng ta có thể đặt thủ đô ở phía Nam để thuận theo cực Đông hướng biển đi lên, phù hợp với vị trí chiến lược biển và tư duy biển.
Nếu tính theo phương vị trên dương, dưới âm , thì đặt thủ đô ở phương Nam là hợp cách với âm vì nơi đây thuộc vùng hạ lưu (nước chảy chỗ trũng), dung chứa nuôi dưỡng vạn vật. Theo trục này thì cả biển và núi đều có âm dương hài hoà. Đặt thủ đô ở đây thì tư tưởng phóng khoáng, rộng mở, trăm hoa cùng đua nở. (Hình 4)
Hình 4, đồ hình hợp cách địa lý, âm thấp, dương cao, âm dưới dương trên.
Hà đồ lạc thư biểu diễn theo chữ vạn, ngược chiều kim đồng hồ.
Rất mong mọi người cùng chỉnh sửa và bổ túc.
P/s1: Nhìn vào hình 3, Việt Nam mang hình chữ S, phía Tây thuộc kim (sinh thủy Bắc), vào mùa thu và đông (kim, thủy thịnh, dễ sinh ngập lụt), bão thường đi thẳng vào Tây và Tây Bắc, tích hợp vòng thuận âm, các con số 1, 6, 7, 2, 9 có thể sẽ gây mưa bão với sức tàn phá lớn hơn. (Xin nghiệm thêm).
P/s2: Quốc kỳ Hàn Quốc mang biểu tượng thái cực, nhưng đồ hình hiện nay không theo phương Đông - Tây như Trung Quốc mà theo phương trên - dưới (trời - biển). Đặc biệt nó cũng thể hiện theo chiều xoáy thuận với chữ vạn (卍) ngược chiều kim đồng hồ.

NẾU DỜI ĐÔ THÌ VỀ ĐÂU?
Mấy hôm trước, tôi có đăng stt “Việt Nam có nên dời thủ đô?”. Tôi nhận được một số trao đổi riêng cũng như những bình luận trực tiếp trong bài.
Tổng hợp cả hai luồng ý kiến, tôi xin được nêu thêm ra đây để mọi người cùng bổ túc.
1. Long mạch phía Bắc.
Nói về phong thủy địa mạch phía Bắc nói chung và Thăng Long - Hà Nội nói riêng thì sách vở xưa nay bàn nhiều và chi tiết rồi (với cả những thực tiễn và huyền thoại chung quanh). Tôi xin không nhắc lại mà chỉ xin gợi mở thêm một vài điểm.
Long mạch nhìn vào thế núi hình sông, theo các đồ hình căn bản như thanh long, bạch hổ, chu tước, huyền vũ, cao thấp hài hoà, khí tụ khí tán, thì không ở đâu tại Việt Nam không có long mạch.
Nhưng nhìn ra long mạch, địa mạch chính (tức còn khả năng tác động) thì không dễ. Vì nói như kinh Phật, cung rồng đang thịnh hay đang sụp đổ, tức phải có chúng long (long tộc) vận hành. Đồng thời nó chịu chi phối, tác động, đấu tranh bởi con người và các chúng (vô hình) khác.
Nếu tại nhân gian triều đại có thịnh suy thì cung rồng cũng như vậy. Thăng Long - Hà Nội đã trải qua hàng nghìn năm, chịu nhiều tác động không nhỏ từ con người mà khiến cho long mạch bị đứt đoạn, xé nát hay bị trấn yểm (có xác mà không có hồn).
1.000 năm trước thiền sư Vạn Hạnh đã nhìn ra Thăng Long ở thế long cuộn hổ chầu nên tư vấn cho vua Lý Thái Tổ rời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La, sau đó hình thành kinh đô Thăng Long. Nếu nhìn vào địa mạch chính thì không chỉ Ninh Bình, Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Phú Thọ, Hạ Long (Quảng Ninh)…, vẫn thể hiện những nét sinh khí đậm nhạt khác nhau. Nhưng sinh huyệt thì Quảng Ninh vẫn thể hiện rõ nhất chứ không phải một Hà Nội đã già nua cổ kính, chậm chạp.
Hà Nội hiện nay càng tác động càng làm cho nó bế tắc và suy nhanh hơn. Vì “yêu ma” không rõ nguồn gốc mà thịnh thì làm lu mờ tiên thánh. (Nên chú ý các hiện tượng tâm linh chung quanh sông Tô Lịch, nơi Cao Biền xưa từng trấn yểm).
Sở dĩ Quảng Ninh thịnh, nhưng sẽ không bền nếu địa mạch tự nhiên bị can thiệp và tác động quá nhiều. Ngay cả địa mạch tâm linh Yên Tử cũng bị băm xé quá mức. Địa mạch này nhìn bên ngoài thì lớn nhưng lực bên trong yếu. Sỡ dĩ nó cũng phát triển (theo vùng) vì năng lượng của long mạch đi xuống vùng đảo Hải Nam Trung Quốc quá mạnh.
Đây là lý do đảo Hải Nam là nơi đặt trụ sở cho Diễn đàn Châu Á Bác Ngao, một phiên bản của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Đảo Hải Nam, cực Nam của Trung Quốc có Ngũ Chỉ sơn, cao 1.840m, nơi Chu tước đang hót rất vang.
2. Long mạch phía Bắc Trung bộ và Trung Bộ.
Vẫn là dòng long mạch chính đi từ Trung Quốc theo phía Bắc xuống đến Thanh Hóa, Nghệ An và đổ ra Đà Nẵng. Dòng này có sinh khí phát triển nhưng không thích hợp để đặt thủ đô. Vì như đã nói ở Stt trước, nó vẫn nằm trong vòng siết chặt của Trung Hoa.
3. Long mạch phía Nam
Long mạch phía Nam ít được quan tâm bàn đến, nhưng sự phát triển của thành phố HCM, Đồng Nai, Bình Dương… vẫn cho thấy một tương lai rực rỡ.
Bàn đến vùng Long mạch này là bàn đến dòng Mê Kông (sông Cửu Long). Dòng Mê Kông xuất phát từ Cao Nguyên Thanh Tạng, vùng đất cao nhất thế giới. Cao nguyên này hình thành từ sự va chạm của các mảng kiến tạo Ấn - Úc, Á - Âu.
Vì một phần thuộc Tây Tạng, một phần thuộc Thanh Hải, nên nảy ra cuộc tranh luận địa mạch này đi từ dãy núi Côn Luân hay Himalaya xuống?
Nếu chỉ nhìn địa mạch bằng hình tượng (sông núi) thì không khỏi tranh cãi, dù Trung Quốc đang không ngừng khắc chế vùng cao nguyên này. Nhưng nhìn vào tính cách con người suốt dọc dòng sông Mê Kông chảy qua thì đó là tính cách Ấn chứ không phải tính cách Trung Hoa.
Nhìn vào tính cách này thì thấy, địa mạch trên đi từ Himalaya đi xuống chứ không phải Côn Luân dù dãy Côn Luân trải dài từ Afghanistan, qua Tân Cương đến Thanh Hải.
Nếu đi theo xoáy thuận âm dương và chữ vạn (卍) thì long mạch thuộc tính cách Ấn này có khả năng đối kháng Trung Hoa mạnh mẽ.
Đây cũng là lý do tôi đặt vấn đề nên chuyển kinh đô vào phía Nam.
Thực ra Sông Cửu Long với 9 cửa đi ra biển Đông đã bị tác động, một số cửa bị ngăn chặn, gây ra các tác động tiêu cực dẫn đến sạt lở, sụt lún, rất cần phải chỉnh sửa trong quy hoạch toàn vùng, đặc biệt là chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo mạch Ấn - Tạng này mà các vùng núi toàn bộ vùng đồng bằng trở nên linh thiêng. Có thể kể đến núi Bà Đen (Tây Ninh) 996m, núi Chứa Chan (Đồng Nai) 837m, núi Bà Rá (Bình Phước) 733m, Thất Sơn (An Giang) 705m…
Vậy câu hỏi đặt ra là nếu đặt thủ đô tại miền Nam thì đặt tại đâu?
Thủ đô nên đặt ở nơi có thể giao hoà cả hai vùng địa mạch: Một, theo dòng sông Mê Kông chia làm 2 nhánh sông Tiền, sông Hậu rồi đổ ra chín nhánh (Cửu Long); Hai, theo mạch núi Trường Sơn đến cao nguyên Lâm Viên.
Như vậy thủ đô nên đặt ở cao nguyên Lâm Viên, miền Đông Nam Bộ. Vì nơi đây khởi nguồn cho con sông nội địa dài nhất Việt Nam. Muốn tự chủ cần dựa vào con sông nội địa này. Sông Đồng Nai (xưa là sông Phước Long) bắt nguồn từ phía Bắc cao nguyên Lâm Viên (Lang Biang), chảy xuống Đồng Nai, TP.HCM và ra Biển Đông.
Phía Bắc Lâm Đồng có hai đỉnh núi cao nhất là Bi Doup (2287m) và Lang Biang (2167m). Phía Đông và Tây có dạng địa hình núi thấp (cao từ 500m đến 1.000m). Phía Nam là vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Di Linh – Bảo Lộc và bán bình nguyên.

Bản đồ Lâm Đồng theo chiều Bắc Nam
Tính theo mạch âm dương đi từ đỉnh Bi Doup đến đỉnh Lang Biang, cao nguyên Lâm Viên có thể lập thủ đô tại vùng đất có độ cao khoảng 800-1200m, lấy các dãy núi Đông, Tây bao bọc chung quanh làm ngoại hộ sơn.
Hình bản đồ như con bướm đang đậu.
Phía Nam cao nguyên có thành phố Đà Lạt. Phía Đông và Đông Nam dốc xuống thung lũng sông Đa Nhim. Phía Tây Nam hạ thấp xuống cao nguyên Di Linh.

Bản đồ dòng chảy sông Đồng Nai
Không phải ngẫu nhiên mà người Pháp từng quy hoạch và tiến hành xây dựng cao nguyên Lâm Viên thành thủ phủ của toàn cõi Đông Dương.
Đỉnh Bi Doup cao 2287m
Nếu tương lai muốn quy hoạch thủ đô tại đây, nên bảo vệ và giữ gìn Lâm Đồng một cách nghiêm ngặt, tránh tác động xấu thêm đối với môi trường tự nhiên của một vùng đất có địa mạch qúy hiếm này.
Nơi có vượng huyệt
Từ đỉnh Lang Biang, cao nguyên Lâm Viên xuống thành phố Đà Lạt hiện tại, điểm màu vàng thích hợp làm trung tâm…
Đồ hình âm dương xoáy thuận chữ vạn biểu thị Lâm Đồng tiếp giáp với các tỉnh có vị trí chiến lược…

P/s: Stt này chỉ bàn về long mạch, xin mọi người chỉ giáo thêm. A Di Đà Phật.

Tác giả: Thich Thanh Thang
Nguồn: https://www.facebook.com/photo/?fbid=3245428699051084&set=pcb.3245437625716858

Không có nhận xét nào: