Thứ Năm, 6 tháng 10, 2022

SÔNG ĐỒNG NAI - VÀ ĐẤT KINH ĐÔ.

Năm 2010, tôi ý định làm biên khảo về các con sông của nước ta (dưới giác độ Địa lý phong thủy), do đó có tích lũy tư liệu và đi thực tế [tìm hiểu] về các con sông này. Hiện mạng xã hội và sách báo nói nhiều đến phong thủy, kèm theo là các quan điểm khác nhau về vấn đề này. Lý thuyết Địa lý phong thủy là học thuyết cổ của phương Đông. Đây là học thuyết có thật do con người tạo nên. Bởi nó ra đời khá lâu (hàng ngàn năm trước), theo thời gian ít nhiều cũng tam sao thất bản... Nói về Địa Lý Phong Thủy không thể không đề cập đến ba yếu tố: Nước (thủy), Khí (Long) và địa lý Sông (biển, hồ), Núi như cái tên gọi đầy đủ của nó phải là - Địa Lý Phong Thủy.
Mới đây, tác giả Thích Thanh Thắng có bài viết VIỆT NAM CÓ NÊN DỜI THỦ ĐÔ? và NẾU DỜI ĐÔ THÌ VỀ ĐÂU? (https://www.facebook.com/loaihoa.ngonngu). [Quý vị có thể đọc đầy đủ tại đây: https://hoangvanlac31.blogspot.com/2022/10/viet-nam-co-nen-doi-thu-o.html#more]. Đây là hai bài viết có nhiều thông tin, tư duy mới lạ và đầy hứng thú cho người nào muốn quan tâm đến địa lý phong thủy tham khảo và học hỏi.
Trong hai bài viết trên có đề cập đến sông núi và địa hình. Đặc biệt có nói đến con sông Đồng Nai.
***
1. Sông Đồng Nai
Sông Đồng Nai là con sông lớn thứ hai ở phía Nam (đứng sau sông Cửu Long) và lớn thứ ba của cả nước (đứng sau sông Hồng và sông Cửu Long), trải dài từ Lâm Đồng, đổ ra cửa biển Xoài Rạp và vịnh Gành Rái. Điểm khởi đầu của sông Đồng Nai chính là trên cao nguyên LangBiang ở độ cao 1.770 mét. Nguồn sông chính xuất phát từ cao nguyên Lâm Viên, tỉnh Lâm Đồng. Đoạn trên mang tên sông Đắc Dung. Sông uốn khúc chảy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam vượt khỏi miền núi ra đến bình nguyên ở Tà Lài, tỉnh Đồng Nai. Sông Đa Nhim góp nước vào sông Đắc Dung ở Đại Ninh. Ở khoảng hợp lưu với sông Bé thì có đập Trị An chắn dòng sông, tạo nên hồ nước nhân tạo lớn nhất miền Nam, tức hồ Trị An cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Trị An. Hồ Trị An cũng là nơi sông La Ngà từ triền núi phía nam cao nguyên Di Linh dồn nước về. Đến thị trấn Uyên Hưng thì sông Đồng Nai chảy theo hướng Bắc - Nam ôm lấy cù lao Tân Uyên và Cù Lao Phố. Sông chảy qua thành phố Biên Hòa và Nhà Bè thì có thêm chi lưu là sông Sài Gòn. Do vậy có câu ca dao: Nhà Bè nước chảy chia hai /Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về...
Nếu tính từ thượng nguồn sông Đa Dâng, sông Đồng Nai có chiều dài 364 dặm, khoảng 586 km. Ngoài dòng Đồng Nai là con sông chính, nó còn có 2 phụ lưu lớn là sông La Ngà và sông Bé. Hệ thống phụ lưu đầy đủ của nó gồm có Đa Hoai, La Ngà (ở tả ngạn), sông Bé, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ (ở hữu ngạn). Tổng diện tích lưu vực của sông Đồng Nai khoảng 42.600 km2, nằm trên địa phận các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Lắc, Bình Dương, Bình Phước, Đắc Nông, Long An, Tây Ninh, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh.
Như Vậy hệ thống sông Đồng Nai phát triển trên cao nguyên, và một phần của miền Đông Nam Bộ. Trong lưu vực nhiều nơi đã xây dựng các nhà máy thủy điện như: Trị An, Thác Mơ, Đa Mi, Hàm Thuận v.v... Cửa sông Đồng Nai rộng và sâu, mực nước lên xuống theo chế độ bán nhật triều, giao thông đường thủy rất thuận tiện ở khúc hạ lưu (từ Trị An ra biển). Sông Bé là phụ lưu lớn của hệ thống sông Đồng Nai bên bờ phải, đổ vào dòng Đồng Nai ở Hiếu Liêm (gần thác Trị An). Về mặt hình thái lưu vực, sông Đồng Nai là một con sông lớn, lưu vực nằm trọn trên lãnh thổ nước ta. Sông Đồng Nai là dòng sông nội địa dài nhất Việt Nam.
2. Kinh đô
Từ buổi sơ khai của xã hội loài người, ở đâu cũng vậy, sau những ngày dài sống du cư, sẽ có từng đoàn người đưa nhau đi tìm vùng đất để định cư. Có khi chợt bắt gặp một vùng đất tốt, chỉ trong một buổi chiều ngắn ngủi, vị tù trưởng có thể nhanh chóng quyết định “hạ trại” và ít lâu sau nơi đó đã có thành quách, lâu đài, nhà cửa phồn thịnh.
Lịch sử phát triển kinh đô của cả thế giới cổ đại, trung đại và hiện đại cũng đều diễn ra tương tự, có một kinh đô đủ điều kiện để trị dân an dân đã khó, nhưng muốn có một kinh đô phồn vinh, phát triển bền vững và ổn định, càng cần có một ý chí quyền lực rất mạnh.
Paris cổ xưa trở thành Kinh đô ánh sáng hiện đại và hoa lệ cổ kinh thời Đệ nhị đế chế những năm 1858 – 1870 là nhờ ý chí của Napoléon và sự lao động cần mẫn của kiến trúc sư, tỉnh trưởng - Nam tước Hussmann.
Ngày nay, đại Paris rộng lớn đang hình thành cũng nhờ ý chí và sự bảo trợ đặc biệt của đương kim Tổng Thống nước Pháp Nicolas Sarkozy. Ông đã huy động nhiều kiến trúc sư danh tiếng của nước Pháp, Anh, Đức, Ý, Hà Lan. Và cho dù nền kinh tế thế giới đang suy thoái thì “giấc mơ đại Paris” sẽ tiêu hết 35 tỷ Euro có thể gặp khó khăn nhưng không hề bị giảm sút.
Ở nước ta cũng vậy, một ngàn năm trước, khi vừa lên ngôi mới ngoài 30 tuổi, vua Lý Thái Tổ đã có thể tự tay viết bản Thiên Đô Chiếu bất hủ “Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế Rồng cuộn Hổ chầu, chính giữa Nam, Bắc, Đông, Tây, tiện nghi núi sông sau trước”, rồi lập tức nhà Vua cho triều đình rời đô từ Hoa Lư về Đại La.
3. Thủ đô Việt
Từ xưa đến nay, việc lựa chọn một khu vực thích hợp và thuận tiện làm thủ đô bao giờ cũng là một vấn đề vô cùng quan trọng, có liên quan đến sự sống còn của một dân tộc. Bởi thế nên từ hơn 3.000 năm về trước, các vua chúa Trung Hoa đã biết dựa vào thuật Địa Lý Phong Thủy để tìm kiếm những vùng đất tốt đẹp cho việc đóng đô lập quốc. Có lẽ điều này giải thích lý do tại sao các triều đại phong kiến Trung Hoa thường tồn tại rất lâu dài, bền bỉ. Và mặc dù cũng phải trải qua những giai đoạn suy tàn, ly loạn, nhưng sức mạnh và nền văn minh của họ vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển cho tới bây giờ, chứ không bị tàn lụi hẳn như những đế quốc cổ đại và trung đại khác như Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, Mông Cổ, Ả Rập…
Riêng đối với dân tộc Việt Nam của chúng ta, từ thời kỳ Hùng Vương cho tới nay, thủ đô của đất nước đã được dời đi, đổi lại nhiều lần, và vận mệnh của dân tộc cũng vì thế biến đổi theo. Từ Phong Châu (kinh đô của các vua Hùng) đến Cổ Loa, Phiên Ngung, Hoa Lư, rồi tới Thăng Long (tức Hà Nội), Phú Xuân (tức Huế). Tùy theo địa thế và vận khí riêng biệt của mỗi thành phố trên, đất nước ta đã từng trải qua biết bao nhiêu giai đoạn thăng trầm. Khi thì vươn lên với một nền văn minh rực rỡ của trống đồng Ngọc Lũ, Ðông Sơn; khi thì tàn tạ, yếu kém phải chịu đựng 1000 năm Bắc thuộc. Rồi đến những lúc cường thịnh đủ sức phá Tàu, bình Chiêm Thành, Chân Lạp; lại có những lúc suy yếu phải chịu sự đô hộ, sai khiến của ngoại bang… Thủ đô của một nước không phải trường tồn cũng phải thay đổi theo địa thế và vận khí của quốc gia.
Giờ đây, trong số những địa danh ấy, có Hà Nội, Đà NẵngCao nguyên Lâm Viên, và Sài Gòn là có vị thế địa lý đặc biệt và đang nắm giữ những vai trò quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và giao thương của đất nước.
4. Kết
Sông Đồng Nai là một con sông dài, rộng, sâu, có dòng chảy hiền hòa, có lưu vực rộng lớn nhất bắt nguồn từ cao nguyên núi rừng của nước Việt và có dòng chảy dài nhất nằm trên địa phận của đất Việt, lại có nhiều điểm khác biệt so với sông Cửu Long và sông Hồng - đó là con sông hoàn toàn Việt. Với đặc điểm như thế, nó đã góp phần tạo nên sự phát triển năng động của các tỉnh Tây nguyên và miền Đông Nam bộ nơi có dòng sông đi qua: TP. Hồ Chí Minh, Bình dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Dương,... 
Đó là chỉ dấu cho thấy vùng Cao nguyên Lâm Viên, nơi bắt nguồn con sông thiêng này có Vượng Huyệt, nơi có thể đặt thủ đô. Hiểu biết, bảo vệ và giữ gìn Cao nguyên Lâm Viên và con sông thiêng này là góp phần giữ gìn nguyên khí. Bởi vì cao nguyên và dòng sông không chỉ chở năng phù sa mà còn vận chuyển và cung cấp nguyên khí để bồi đắp cho đất Việt.

Ảnh: Internet

Không có nhận xét nào: