Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2022

KHẢ NĂNG CHÂN LÝ

Thế giới thực trạng mà ta đang sống, loài người đang sống, đang chết và đang vượt qua. Một cơ may, bất cứ kẻ nào có thể nhận diện được sự thật. Nhận diện dưới lòng sâu, sau những bóng đen của âm thanh. Thấy được dưới đáy hộp của tri thức hình tượng. Biết được những lảm nhảm bất tận của cuộc đời. Những xung lực của xúc giác, những hủy diệt và không hy vọng như tiếng độc âm trong đêm tối trời của loài cú và một đóa hoa hồng trắng tinh trong cơn mộng.
Cái ‘‘Biết’’ đã trở thành cái ‘‘Thấy’’. Âm thanh và hình tượng đã là chân lý. Cái nhìn thoát ra cội nguồn xưa cũ. Tầm nhìn vượt mất không gian. Cái thật là mặt thật. Không cần chứng nhân, chứng lý. Vì mặt thật là chân lý không có trong sự so sánh của thời gian vì thời gian là tâm bất định, rủi ro từ cơn lốc. Trận bão rì rầm đuổi mau trong lòng đen những đường hầm cống rãnh.
Nhận diện là thế nào?
Bề mặt đến từ đâu? Và ai nhận diện?
Không có thành kiến thì không có cái nhìn. Đối tượng từ thành kiến ở nơi ta. Đối tượng bên trong hay bên ngoài đều là ảo số. Đối tượng là cái động tạo hình. Đối tượng phóng xuất là một xung lực. Ảo hình và cái bất tri tạo cơn mơ, tạo sự mù lòa. Cái nhiệt của nó là sức động xung khắc, cho ta cái ngoại hình đối lập. Muốn nhận diện thì phải không có người nhận diện.
Giống như con hạc màu xanh bay trong bầu trời xanh thẳm. Không thể có đường chim bay trong bầu trời vô hạn! Con chim bay về đâu ? Khi không còn phân biệt giữa màu trời và màu chim! Cái nhận ra trong tầm nhìn chỉ là cái ‘‘động’’. Cái động không đến, không đi. Một khoảng khắc cái bóng nước vỡ ra trong lòng nước.
Những người không kém trí lắm thường có CÁI - BIẾT - ĐƯỢC ở chính mình. Con người cần có sự kiên nhẫn trong yên tĩnh. Những giục giã từ bên ngoài hay bên trong làm cho người ta rối loạn. Như người đi vào rừng sâu, cảnh tượng và tiếng động làm cho người ta hoang mang và nghi hoặc. Chỉ có sự kiên nhẫn và yên tĩnh mới sáng suốt vượt qua.
Cái động ở bên ngoài không đáng sợ. Hãy thấy được cái động ở lòng ta. Hình ảnh bên ngoài không làm chao đảo được người có tĩnh lực thấy biết rõ ràng. Người thấy biết mà không tự hào, mê loạn. Không khởi lên sự cố chấp phân biệt và thói quen. Chính giây phút đó, quả thực là: “MỘT BỀ MẶT” không đến cũng không đi.
Để các bạn yên tâm, đây không phải những tiếng lời thừa thãi. Đây không phải là những lý thuyết mơ hồ. Vì lẽ như các bạn biết. Ai có thể nói ra điều đó thì điều đó chính là bề mặt. Bề mặt phóng xuất thành những ngôn âm. Ngôn âm không có người. Ngôn âm là sự truyền thông chân lý. Chân lý không từ sự mơ hồ mà có được. Người không thể không từ chân lý mà nói ra. Trong tất cả chúng ta không ai là không nói được. Vì tôi và bạn đều cùng một lẽ chân. Khả năng nào làm tôi nói lên được, thì trong bạn khả năng chân lý đó vẫn luôn được lưu hành.
KHẢ NĂNG là gì? Khả năng là Chân lý. Chỉ có Chân lý mới thực hành Chân lý. Chỉ có Chân lý mới gọi về Chân lý. Chân lý luôn nhân dạng trong thanh-tịnh. Bản thân thanh-tịnh không trụ cột, không bám giữ, không dừng lại bất cứ ở đâu. Chân lý là thanh tịnh vô hạn ở trong mọi phóng hiện từ Thân- Khẩu-Ý muôn loài vạn vật sai biệt không cùng. Cũng chính từ sai biệt mà ta biết được cái toàn diện, ta biết được cái bất nhị. Khi mỗi vật đều yên tĩnh là lúc lòng ta yên tĩnh. Lòng ta yên tĩnh, tĩnh lặng không phân cách, bấy giờ chân lý bất nhị hiện bày. Vì từ mặt phẳng chân lý mà ta thấy bất nhị. Cái không hai, cũng không một mặt phẳng. Có danh mà không có thực. Cái thực không tượng hình, cái danh không ngôn ngữ. Âm thanh bặt, bấy giờ ngôn ngữ đều thanh tịnh. Tâm hành, Ngữ hành hòa tan diệu dụng ở tự thân. Tự thân tiêu dung thiên sự lặng lẽ diệu kỳ.
Khi người ta té xuống đất, phải từ đất mà đứng lên. Tay không nương tựa vào đất thì không ngồi dậy và đứng lên được. Người đã đứng lên nhưng không rời khỏi đất mà bước đi. Người đi, chân không rời khỏi đất mà có thể đến.
Sự bắt đầu phải ý thức được dưới long bàn chân và mặt đất. Mặt đất không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Khúc thì thẳng tắp, khúc lại quanh co. Đường có nơi sạn đá gốc gai. Có nơi cát mềm cỏ mịn.
Sự cố chấp nơi nào, dù tốt dù xấu trở thành thói quen. Thói quen là hàng rào chắn lối. Chấp giữ và thói quen là tiền thân hữu hạn, là hậu thân hữu tử, là trung thân luân hồi, là hiện thân hủy diệt. Muốn giải tỏa chấp thủ và thói quen phải ý thức được khoảng trống dưới lòng bàn chân và những cái lướt qua trên mặt đất.
Lòng bàn chân ở đâu?
Là chỗ đặt nền tảng cho ý niệm mỗi lúc mỗi nơi dẫn vào cuộc sống.
Khoảng trống là gì? Là khoảng giữa của khái niệm giữa hai ý nghĩ, giữa hai lằn tư tưởng, là cái trước lúc khởi sanh, là cái sau tận cùng nghĩ tưởng. Khoảng trống này mỏng manh, ngắn ngủi, mơ hồ và thoáng chớp. Tuy nó mỏng manh nhưng nó lại dày đặc và cứng rắn hơn bất cứ vật thể nào. Nói là nó ngắn ngủi nhưng nó không nằm trong thời gian hữu hạn, nó liền lạc quá khứ và vị lai của truy niệm. Mơ hồ vì không thể định hình, nó có trong bất cứ thể loại nào. Và thoáng chớp vì nó không ngắn ngủi bởi từ tư tưởng tạo nên.
Như thế nếu nhận ra được khoảng trống dưới lòng bàn chân, ở đây ta nhận ra “SỰ THẬT”. Một sự thật có giá trị bằng ngàn vạn năm truy tìm chân lý. Sự thật đó làm ta thành TRÍ TUỆ và giàu có vô cùng.
Không thấy được khoảng trống dưới lòng bàn chân kỳ diệu thì ta phải thấy rõ ràng cho được từng bước chân chuyển dịch. Con người trong tất cả mọi thời đại, dù có sống trong những lãnh vực khác nhau, địa lý và không gian sai biệt, đều đồng nhau trong một mục đích đó là: Hướng tới hạnh phúc. Hướng tới sự an toàn tuyệt đối. Hướng tới niềm vui và bất diệt. Đó là Chân lý muôn đời, tận cùng và đồng nhất. Ai cũng có sự hưởng thụ từ thô bạo đến nhẹ nhàng, từ cảm xúc ồn ào cháy bỏng đến cảm xúc thanh thoát thăng hoa.
Tất cả loài người và loài có sự sống đều có cái hiểu biết từ cái nhìn dính chặt vào vật chất. Từ chấp thật vào hiện tượng đến cái nhìn biết phân thành chủ và khách, phân tích được vật thể sự trống rỗng và tri thức đa chiều.
Sự thụ hưởng cảm thọ, xúc giác và tri thức có thấp cao, thượng hạ bất đồng. Nhưng có một điều bằng nhau và giống nhau trong tất cả, đó là: không bao giờ thỏa mãn, bất mãn, hoài vọng, thất vọng, khổ đau và sợ hãi. Cũng vì sự bất toàn phi công, mệt mỏi lâu dài mà người ta phải đành vất bỏ những cảm thụ thô kệch, vất bỏ dục vọng, hữu hạn mà cầu tìm cái VÔ HẠN- CHÂN LÝ của sự vĩnh hằng.
Nhưng vì không thật sự biết con đường dẫn đến và cái mục đích tận cùng kia ở đâu, nên người ta phải đi lòng vòng vô tận trong tất cả lý thuyết, phương thức của triết gia, pháp môn, tôn giáo, không kiện toàn rồi đưa dãn đến cả Thầy lẫn trò rơi vào mê cung tự hữu. Cuối cùng kẻ điên loạn lại dẫm lên chính dấu chân của mình tại quê hương, để đi tìm miền đất mẹ.
Bút giả vốn là kẻ quê mùa, không có văn minh thời đại. Nhưng vì rất tha thiết kiếm tìm cái thật, tiến trình thật gian nan vất vả, nhiều lần như kiệt quệ. Sự học đọc, nghiên cứu, tham khảo và thực hành vô số phương tiện từ triết học đến tôn giáo, từ thực nghiệm trong cuộc sống xúc thọ, tri thức của kinh nghiệm đời thường, đến sự thực hành pháp môn và ẩn dật nơi núi cao tịch lặng.
Người ta nói: Gõ cửa thì cửa mở. Kêu to thì tiếng vang đáp lại. Cuối cùng kẻ bần khốn tìm ra con đường chứng nghiệm. Chứng nghiệm tự tâm. Chứng nghiệm trên những nguyên tố tập thành cuộc sống. Và CHỨNG NGHIỆM CÁI KHÔNG HY VỌNG, KHÔNG THỜI GIAN, KHÔNG ĐỐI TƯỢNG.
Đó là cái rỗng suốt mênh mông phi thực, phi giả.
Các bạn có thể tin và có thể không, các bạn tin thì cũng không thêm bớt gì cho các bạn. Các bạn không tin thì cũng không tổn hao gì đến sự thật của các bạn. Theo bút giả thì tôi và các bạn không có gì phân cách, dù có bất đồng trái ý hay chê trách, hủy diệt cùng nhau thì chúng vẫn không sa thải ngoài vô hạn. Tất cả chúng ta đồng bất sinh bất diệt.
Cơn nóng đốt rồi sẽ mát dịu. Ồn ào đến đâu rồi cũng lặng yên. Cái không trong vật chất thì trường tồn hơn cái đặc của vật chất và tận cùng là sự trong suốt vô hạn, thanh tịnh và thường tại bất phân, không có hạn kỳ và hủy diệt. Đó là hạnh phúc vĩnh cửu, đó là tự do đầu tiên vô thỉ tận cùng cuộc sống.

Tác giả bài viết: Người Mây Trắng
Nguồn: http://nguoimaytrang.com/vn/may/bai-viet/kha-nang-chan-ly-19.html

Không có nhận xét nào: