Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2022

KHÔNG PHẢI LÀ TÂM

Những điều gì hiểu biết mà ta thường thường khẳng định tích luỹ làm tư duy ở đây tôi “không được phép trình bày”. Nếu tôi có những quá trình kiến thức, tôi sẽ thấy rõ, đây là Kiến thức. Tôi không thể xác định từ ký ức làm chứng tín cho một thực tại.
Tôi không thể phát sinh một trường không gian hình tượng làm TÂM và tôi cũng không thể cắm mốc qua dòng chảy của sinh diệt để có bộ nhớ làm thời gian.
Tôi muốn nói điều gì, điều đó là quá khứ. Quá khứ: Cái đã qua không phải là “đã qua”.
Khi tôi diễn kịch tôi lấy âm thanh làm biểu hiện tiếng lời theo ký âm làm chứng là đúng là sai.
Đúng, sai là chùm gởi của “Tưởng Tri”. Có thể nào tôi thấy được Tưởng, Tri tiến trình trong hợp tung và phản bội?
Tôi không “có – Tâm” nên tôi không biết.
Những gì hình thành “cái Không – Biết”? Có phải sự ngưng lưu qua một khúc quanh của dòng chảy? Cái tôi không tượng hình. Có tượng hình – có tư duy! Khi, “Tôi nghĩ rằng”: Tôi hiện hữu.
Vì tôi không biết mình Hiện Hữu nên tôi KHÔNG PHẢI TÂM.
KHÔNG PHẢI LÀ…
Không phải là đã qua, nên không có Quá khứ. Nếu đã là đã qua thì làm sao tôi biết nó?
Tôi nói: Nó đã qua, vì tôi không muốn nhắc tới nó. Tôi trốn chạy, tôi có thể lấy dữ kiện tâm lý để làm cái “không biết”.
Cái “Không biết” cũng không phải: “Không phải là”….
Thực ra tôi biết là tôi không biết. Nếu tôi không có “Cái Biết” thì làm sao tôi nói: “Tôi không biết” hay “không phải là”.
Vì tôi không nói được cái tôi đang có, đang hiện hữu, đang chuyển động, đang nghi ngờ, đang làm rối tung lên. Nên tôi không có “Cái Biết” Không có cái biết KHÔNG PHẢI TÂM.
Tuy nhiên nếu không hoàn toàn có cái “Có” thì tôi cũng sẽ không có cái “Không – Biết”? Từ đâu tôi có cái “Không biết”? Không nên cho “cái không biết” là tối đen, là không có, là không biết.
Tôi không biết, là không biết cái gì? Dù không nói được, nhưng tôi vẫn Thấy, tôi vẫn Nghe. Tôi có thể cảm giác được xung quanh mình….
Như vậy Cái không biết là một trạng thái “đứng im”, nhắm mắt, hay là… giả chết?!
Cái Không Biết là một đòn bẩy, hay một bệ phóng cho các hiện tượng sắc, không và vật. Trong một tầng sâu cái không biết là tiềm năng như bóng tối làm phản diện cho sáng để người ta nhận ra sự vật.
Nhận ra sự vật không phải là Người. Cũng không phải là Tâm.
KHÔNG PHẢI…
Là một động từ, một trạng từ hay là một phản từ, điều này nói lên cái khác, cái “không dấu ấn” trong tư duy.
Không phải, không phải là phải là phủ nhận mà là chấp nhận.
Cái “Hữu” đang có mặt, là khẳng định sự bảo thủ. Nếu bạn nói ra điều tôi có, điều tôi hiểu, điều tôi cho là hợp lý… thì PHẢI!
Phải là số lẻ, nên luôn có đối tác. Tay nắm lại sẽ không lâu, càng nắm chặt càng tan ra.
Không – Phải là đối số, là mũi tên bắn vào âm thanh.
Không là cái mà tôi đã biết, không phải, điều mà tôi tin tưởng.
Cái tôi… đã, nên tôi biết nó. Cái tôi sẽ tôi cũng biết nó, chỉ có cái không đã, không sẽ thì tôi chưa biết!
Không biết vì chưa có ấn – tượng. Hay vì chưa có cái để hiểu.
Phải hay không phải đều song sinh. Nó không thấy vật nó cần nó không thấy không, nó có nên gọi là: Không Phải.
KHÔNG.
Không là một, là một khái niệm. Là ý – thức tạo – vật. Làm sao có thể nói Không trong thời điểm không có trạng thái Tâm.
Không, không là đối đãi với “Có”. Nếu tôi phản chiếu được ranh giới ảo này tôi sẽ vượt được cái Không.
Tôi không được phép tranh biện về cái không, nếu tôi tranh biện thì cái Không sẽ biến thành “Tâm Điểm”. Tâm điểm là Hữu qua sự “Chấp Thực”! Nếu tôi muốn biết về cái không thì tôi phải tan tành cả khói và lửa.
Tôi không còn nhiên liệu. Mọi trù bị trong tôi phải trở thành nguội lạnh và tôi thấy ra cái Không, tôi sẽ biến thành 0 (không).
Vì tôi chưa biến thành Không nên tôi nói “KHÔNG” “KHÔNG PHẢI”. “KHÔNG PHẢI LÀ”.
KHÔNG PHẢI LÀ TÂM.
LÀM SAO ĐỂ BIẾT: TÂM.
Khi tôi đặt câu hỏi: Làm sao? Ngay đó đã bị bít lấp rồi!
Tôi càng muốn đả thông thì càng bít lấp!
Tôi phải hiểu được “Cái Muốn” là gì: Phải dừng lại tất cả, tất cả ở bên trong.
Từ đâu hình thành ra cái Muốn? Nếu tôi muốn tìm một đồ vật, có phải đồ vật ấy đã ở trong tôi? Tôi Muốn tìm một người: Người đó đã có trong tôi? Tôi không thể Muốn cái mà tôi không có.
Như thế Muốn là Hình - Ảnh, là ấn tượng, là biểu tượng?
Hình ảnh từ biểu tượng không có ở bên ngoài, nhưng có thể thấy ở bên trong, là dạng hình mà không chết. Vì có hình nên người không mê, người tỉnh thức có thể thấy được.
Đó là những “phóng ảnh” làm tư duy, tụ ra thành Tưởng (Tưởng Tri).
Các Tưởng này hiện lên sâu sắc, khoảnh khắc này là ý.
Tôi chuyển vận ý liên tục hình đồ ra nghĩ (hay Tư Duy).
Thời gian nào Hình của Lượng được trưởng nở, cứng nhắc theo một chiều thì được gọi là Ý Chí.
Như vậy, Ý hướng trải mỏng ra thành “Cái Muốn”. Muốn: đạt đến Lý Tưởng!
Tôi phải thấy được rằng con Mèo quay vòng để vồ chụp được cái đuôi của nó!
Muốn thực tập (Tu – Sửa) như vuốt đuôi cong của một con vật, những điều như thế cực kì quan trọng. Làm sao tôi có thể hiểu được sự sai trái của quá trình hay tiến trình diễn biến?
Nếu có một hiện thực tri thức, hay một vị Thầy “điều chỉnh” giúp tôi, thì vị tri thức này “cực kì – bí mật”, vì sao? Nếu vị thầy này chưa có khả năng “Hoà – Quang” “Đồng – Trần” thì tôi không thể nhờ vả được!
Sao gọi là Hoà – Quang: Tôi không hiểu về bóng tối hay ánh sáng thì không hòa được. Bởi lẽ cái “Không – Hai” “Không – Một” của ánh sáng và bóng tối là “Bất khả phân”.
Cái Bất khả phân, mà làm cuộc diễn trình trong thực tập thì thật sự là điên rồ, không khác gì mài ngói để làm gương! ...
Đồng – Trần, là không có cái riêng đi vào trần cảnh. Bụi bặm không ta, ta là bụi bặm.
Tri thức là Biết đã trở thành thiện. Thiện mà rời “Chấp – Hữu” là thiện tri.
Cũng như thấy tướng mà vô tướng là thấy được CHÂN.
Ta trở lại: Khi tôi đặt câu hỏi… thì tôi cần phải phản đề: Ai hỏi… Ai hỏi – Không là nghi vấn, không phải là trạng từ của Ý. Ý sâu lắng, cân bằng hơn thức (BIẾT).
Thức không có tự tính, nếu tôi biết Ý – Thức vào Ý – Thức thì “cái gì – xảy ra”? hẳn tôi sẽ biết. Và câu hỏi: Làm sao để “Biết Tâm” tôi tức thì giải mã. Không phải là tôi hiểu thêm một điều cao siêu huyền diệu gì nữa – mà chính cái không trạng thái được hiện hữu.
Nếu có trạng thái tôi là cái Hiểu; Hiểu (Trí) trở thành cái NGÃ. Không phải tôi chấp ngã, mà chính cái “Sở - Hữu – Tri” này biến thành tôi.
Tôi tự cho mình có “CÁI BIẾT” là tôi không thấy mặt thật.
Cái BIẾT cộng vào cái “BỊ BIẾT” THÀNH CÁI BIẾT KHÔNG PHẢI LÀ.
ĐỂ BIẾT TÂM THÌ PHẢI HAY KHÔNG PHẢI.
Khi tôi loại trừ cụm từ “Phải hay không phải” làm gì, nghĩ gì. Tôi còn để qua một bên các từ “Quy” như Quy nạp, Quy tắc, Quy ước, Quy chiếu v.v…
Trên lý thuyết tất cả là tương đối, nên mọi nối kết tư duy đều là ảo.
Tôi không muốn tốn công để Quy. Trong Kinh Nhật Tụng hằng ngày của Đạo Phật có câu: “Tự Quy Y Phật…” Theo cách nói ở đây tôi phải sắp chữ theo vòng tròn và mỗi mẩu tự (hay nội bộ) nối nhau thành vòng tròn (không kẽ hở).
Như thế thì “Từ Phật” liền nhau thành một; các âm – ngữ bên trong cùng hoà gió mà bay hết. Bây giờ năng Quy, Sở quy đều Tịch lặng. Nếu tôi từ “Không – Tịch” này mà hội tụ được thì cái chưa từng có, chưa từng biết sẽ hiện tiền… sau đó tôi muốn gọi nó là điều gì đều đúng cả (nó không rơi vào), không hình và không sắc.
Cái KHÔNG – TÊN, không phải là nó chưa có tên. Vì ai có thể đặt tên? Bởi nó không hình tướng không màu sắc cho đến không thấy, không nghe về nó được.
Nó không phải là Hư – Không, hay “không là gì cả”, nếu không là gì cả thì trong ta sẽ có cái gì đó không An - Ổn, vì ta không biết đi về đâu? Nhưng quả nhiên sự hồn nhiên không dựa dẫm, mà thậm chí cũng không phải sự hồn nhiên như trẻ thơ. Vì thế mà Khi Năng – Sở hội vào Không – Tịch thì Cảm – Ứng hiện ra, vọng tưởng tư duy không còn đất đứng (“Năng lễ sở lễ tính không tịch, cảm ứng Đạo gian nan tư nghì…”). Khi mà cái Nghĩ hay Tưởng đã dừng lặng thì các Pháp trở thành Phật – Pháp.
“Phật Pháp là Pháp Không Hai” là giai đoạn mà ta có thể biết được sự thật (Chân Lý) là khoảng khắc mà ta không còn nghi. Ta biết được Thời – Gian, Không gian, Vật… “TÂM”.
Kinh Phật dạy, chỉ là giai đoạn đầu, vừa hội nhập thì ta có thể loại trừ quan điểm về THÂN. Rõ ràng cái Không – Chủ - Thể, thì không còn hoài nghi nữa, ta cũng không mơ màng tìm một điểm dừng cho Tự - Ngã.
Trong ta sẽ có những khoảng trống lớn để thấy xung quanh. Ta rất dễ dàng cảm thông và giúp đỡ. Ta có lòng hộ trì cho người cùng tiến hoá. Ta có sức tập trung vào lẽ thật…
TÂM.
Lúc nào tôi nghĩ về Tâm thì lúc đó tôi không Tâm. Đơn giản Tâm không phải Tưởng Tâm, không phải là ý nghĩ. Nghĩ là Nghiệp. Nghiệp là phóng ảnh theo tư duy là những quán tính. Trong những đường mòn không ánh sáng thì không phải là Tâm.
Có một điều mà ta thường không gỡ ra được khi ta muốn biết Tâm đó là những ý nghĩ “đã được Quy định trước” khi ta nhìn ra sự thật. Thân thật giữa ta và sự vật là tính đồng nhất vô ngôn. Nếu ta không quy chiếu vào hiện tượng thì hiện tượng không đổi khác. Bởi vì ta đã đi trước sự vật một cái gì đó nên sự vật đổi khác lúc ta nhìn.
Có những lúc “lãng quên” ta mất đi nhân dạng, khi đó ta trực nhìn vào tư nội: Lòng bâng khuâng không hiểu gì hết! Trường không gian vụt thoát. Dù cái tương tục đâu đó vẫn còn mà thời gian (Quá khứ - Vị lai) không có nữa. Thật lạ lùng như không tìm đâu ra “cái biết” như một chút nhẹ tênh một phần mê muội! Sự lưỡng phân trong tượng hình của “Nghi” có thể xảy ra làm ta không tự quyết.
Khi mà trực nhận vào thực tại ta không còn Quy nạp và Quy chiếu ta sẽ không thấy cái khởi sinh tồn tại và biến mất. Trong trực thức thời gian sẽ biến mất, thời gian lẫn vào không gian và trở nên trong suốt, không có dạng hình như thuỷ tinh hay gương sáng, mà do bởi vì vô tướng và thực tướng không thể có màu sắc, định vị trung tâm. Không có cái khẳng định hay phủ định trước mọi chuyển tiếp, còn kỳ diệu hơn không đầu nối như một bánh xe nước, từng ống nước lên xuống trước sau mà không có đầu mối trước sau gì cả. Mọi điều có thể có như thế khiến ta có vẻ mù mờ. Những tiêu điểm để trườn tới phía trước giờ không còn nữa… thậm chí không có khái niệm để trình diễn điều gì cho người ngoài hiều được, tuy vậy cũng không lâu những lờ mờ sâu kín cũng ngoi lên trở mình rồi xa thoát.
Ta thấy sự hiện hữu và không hiện hữu trong hiện hữu.
Mọi diễn đạt trở lại mà phóng điểm không đi vào hồng tâm mà đi vào dòng nước… những ngón tay chỉ trăng giờ đã trở thành trăng soi mình thấy mình luôn tự tồn tại trong mặt hồ tĩnh lặng.
TÍNH KHÔNG.
Tính không là Không tính.
Ta ám chỉ vào cái gì?
Không có gì ta không thể phát ngôn. Ta hiểu được thì đó là cảm nghĩ. Cảm mà biết là trạng thái Hữu vi, nghĩ mà biết là Tư duy.
Không có vật thì không có chất. Không ngoài vật thì không có không. Đã không có Không cũng không có Chất thì Tính từ đâu mà có?
Vì biết Tinh Thần hay Vật Chất không có chi nên ta nói là Không: Đây là trí nhận xét mà có hiểu là Không.
Có hiểu thì có Tướng có niệm thành “có” thành “không”. Dù chia chẻ vật đến đâu ta sẽ còn cái hiểu đến đó. Hiểu được “có” thì biết “có”, hiểu được “không” thì biết “không”, tất cả đều là khái niệm. Khái niệm còn là điều không chính xác, khái niệm về Tâm hay Vật lại còn sai thực rất nhiều.
Vọng tưởng theo cùng mắt mà màu sắc màu riêng tư. Đục âm theo cùng tai mà âm tầng có sai khác. Các quan năng theo nghiệp mà phóng hiện, Tâm hay Vật hình thành không nhất định.
Từ Tỷ lượng, nhận xét mà có được ra trờ thành một Quy định, đóng khung và hiện tượng là sự trở thành, cái gì được trở thành cũng “liên tục” trở thành kế tiếp.
Sự nhận lãnh những hiện tượng vừa mới xảy ra để cho là nhân hay quả đều là sự sai lầm.
Trên vật thấy được của tướng hay Tâm mà quyết định là chồng lên cái bóng của nó chứ không phải chính nó.
Nhận biết được những ảo dạng chập chùng lên nhau như thế cũng là việc khó. Không phải có điều khó, dể để dễ nhận biết, mà trong mỗi nhận biết đều có sự xen vào một cái gì không phải là nó: Đó là tính Quy Chiếu làm mở nhạt không gian “cái thấy”, nó tự đặt qua cái thấy bằng tên gọi là “Hữu” là “Không” là “Tâm” hay “Tính”.
Khi nào không còn những quy định từ đi trước thì ta sẽ thấy được sự vật. Không Quy chiếu thì vật rõ ràng như chính nó vì “cái thấy chỉ là cái thấy, cái nghe chỉ là cái nghe, nhận thấy biết và Thức Tri cũng là thức tri”.
Những câu trên là lời tối thượng của bậc Giác Tri như mũi tên nước chỉ vào thác nước.
Không phải có cái thấy, cái nghe làm ta sai lạc, mà vì có chất độc trong cái nghe và cái thấy làm cho thấy nghe không còn nguyên vẹn.
Không phải Hữu tồn mới hiện hình ra sự vật mà chính từ nội thủ làm sự vật phát sinh. Tính không – không thật có, tính Hữu không thật sanh.
Không tính (hay Tâm) là một từ hoa mỹ là cái bao, là lớp vỏ của chính nó.
Khi một âm động phát sinh thì một âm tịnh ẩn tàng đâu đó. Khi một bong sắc lộ hình thì có một ảnh tướng phóng hình trong đó. Ta chạm tay vào mắt thì thấy 2 mặt trăng. Không phải có một mặt trăng giữ mà cả hai mặt trăng (thực giữ) là không thật CÁI BIẾT đó là tính không.
Đối với vật mà có không, đối mê mà có Giác. CÁI BIẾT vì tự biết nên thấy thật không sanh “Danh”, biết Danh từ Sở lập. Biết khi có hiểu biết trở nên mờ nhạt.
Hiểu là xác định từ nhị nguyên làm cái biết chập chững lẫn lộn giữa Tự tồn và nội thủ.
Khi cái biết tĩnh lặng trong suốt thấy được vật bên ngoài mà không ngã thủ; thấy rõ vật ở trong mà không Ngã tồn. Cái thấy đó là sự “Trở lại” trước khi sanh. Mọi đa thức trở thành nhất nguyên không ngôn ngữ.
“Khi thấy biết nói năng ngay thẳng, thấy biết điều há chẳng phải tâm”. (Kệ truyền pháp).
Kinh dạy: Tất cả các Pháp đều là Phật Pháp.
Tất cả Tâm đều là Phật Tâm.
Phật Pháp là Pháp không hai.
Phật Tâm là Tâm không một.
Ta hiểu cái gì đây?

Tác giả bài viết: Người Mây Trắng
Nguồn: http://nguoimaytrang.com/vn/may/bai-viet/khong-phai-la-tam-14.html

Không có nhận xét nào: