Các sư không đồng thảy như nhau về tuệ giác, dầu cho có đồng thảy như nhau thành tựu quả A La Hán, trừ phi đồng thảy thành tựu Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì sao như vậy? Vì rằng, bậc Chánh Đẳng Chánh Giác là bậc toàn giác, là bậc chánh biến tri, là bậc nhất thiết chủng trí (tất cả chủng trí); Bậc A La Hán mà chưa thành tựu Chánh Đẳng Chánh Giác, thì tuệ giác có hạn lượng, biến tri có hạn lượng, chủng trí có hạn lượng. Huống là các bậc chưa thành tựu quả A La Hán, hoặc chưa thành tựu Chánh Đẳng Chánh Giác. Huống chi là các bậc có thực chứng nhưng lại lưu xuất pháp ngữ ngoài phạm vi thực chứng, suy diễn thêm bên ngoài phạm vi thực chứng, hoặc không rõ hiểu đúng lời Phật và không bám sát lời Phật. Huống chi là các bậc vọng chứng, chưa chứng mà tự cho là chứng, hoặc nhầm lẫn đã chứng, lại không rõ hiểu đúng lời Phật và không bám sát lời Phật. Huống chi là các bậc chưa thực chứng hoặc thực chứng, nhưng xem thường lời Phật dạy, cho là thiếu sót, là dư thừa, cho rằng có một số pháp không còn thích ứng căn cơ của nhiều người của thời đại này hoặc không còn thích ứng hoàn cảnh của thời đại này, hoặc tùy tiện kết luận trên sự suy diễn, phân tích logic của tư duy hạn lượng trên cơ sở Thánh điển, từ đó mà lưu xuất pháp thiếu sót so với trong phạm vi Thánh điển, ngoài phạm vi Thánh điển thì lại sai lầm.
Chúng ta ra đời không gặp được Phật, âu cũng là phúc lành không đủ, nên giờ đây mới gặp khó khăn như vậy. Chúng ta gặp đúng minh sư hay gặp nhầm minh sư, hay không gặp được minh sư, cũng vẫn là nhân quả của chính ta vậy, đâu thể than khóc. Chi bằng hiểu rõ như vậy, sẵn sàng chấp nhận nhân quả như vậy, mà chỉ chú tâm cố gắng khiêm hạ, gần bậc mà tự hiểu là đáng được gần để nghe diệu pháp, tự nghiên tầm Thánh điển để trau dồi chánh tri kiến, nhiệt tâm tu hành pháp thượng nhân. Từ đó, nếu đúng đường, thì gặt hái thành tựu, nếu không, thì cũng xem là nhân quả tự thân, mà hoan hỷ đón nhận, cố gắng từ bỏ các tâm xấu xa để mong được nhân quả tốt cho đời sau vậy.
Sư Quang Vô Sắc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét